Tìm kiếm sáng kiến quản lý ô nhiễm công nghiệp ở Hà Nội: Huy động sức mạnh cộng đồng

​Với mục đích tìm ra những sáng kiến, ý tưởng hay có thể áp dụng vào thực tiễn trong công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Hà Nội, lần đầu tiên, cuộc thi “Sáng kiến, giải pháp quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Hà Nội” năm 2014 đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phát động vào ngày 15-5-2014 với thông điệp “Sáng kiến hay – Bắt tay hành động – Phòng ngừa ô nhiễm”.
Thách thức lớn với môi trường Thủ đô
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1081 ngày 6-7-2011, thành phố sẽ phát triển 15 khu công nghiệp, trong đó có 8 khu công nghiệp và 49 cụm công nghiệp đang hoạt động với hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Công nghiệp phát triển mạnh mẽ đã tạo ra nhiều sản phẩm phong phú, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Tuy nhiên, kéo theo đó là lượng lớn chất thải công nghiệp phát sinh mỗi ngày gây sức ép cho công tác quản lý. Theo thống kê, mỗi ngày có trung bình 750 tấn rác thải công nghiệp và 75.000m3 nước thải công nghiệp phát sinh trên địa bàn thành phố và những con số này đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Đứng trước những thách thức lớn đối với công tác quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố trong việc ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND về quản lý ô nhiễm môi trường công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2015, phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan chức năng có liên quan để triển khai nhiều chương trình, dự án, đề án như:
  • Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy;
  • Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng;
  • Dự án xử lý nước thải Yên Sở công suất 200.000 m3/ngày đêm;
  • Dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt và làng nghề tại xã Vân Canh (huyện Hoài Đức);
  • Hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn)…
Công tác đăng ký chủ nguồn thải, thanh tra, kiểm tra và xử lý các cơ sở sản xuất có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cũng được tăng cường.
Tìm kiếm giải pháp thiết thực
Để công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn thành phố được thực hiện hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững, bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, sự tham gia, chung tay đóng góp của cộng đồng là rất quan trọng. Nhận thức rõ vấn đề này, ngày 15-5-2014, lần đầu tiên, cuộc thi “Sáng kiến, giải pháp quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Hà Nội” năm 2014 đã được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phát động với thông điệp “Sáng kiến hay – Bắt tay hành động – Phòng ngừa ô nhiễm”. Mục tiêu của cuộc thi nhằm thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan thông qua triển khai các sáng kiến, hoạt động truyền thông, thay đổi hành vi về quản lý ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn thành phố. Đồng thời huy động sự tham gia đóng góp ý tưởng, sáng kiến và sự tham gia, chung tay của cộng đồng trong quản lý ô nhiễm công nghiệp nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.Các tổ chức, cá nhân 18 tuổi trở lên (trừ thành viên ban tổ chức, hội đồng giám khảo, tổ thư ký và những bộ phận trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức cuộc thi) không vi phạm pháp luật đều có quyền tham gia dự thi. Những sáng kiến xuất sắc trong cuộc thi của các cá nhân, tổ chức sẽ được xem xét và hỗ trợ triển khai trong thực tế nhằm hiện thực hóa các ý tưởng, sáng kiến, cải thiện công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Hà Nội và huy động hơn nữa sự chung tay của cộng đồng trong quản lý ô nhiễm công nghiệp nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung của Thủ đô.
– Thời gian nộp bài dự thi: Từ ngày 15-5 đến hết ngày 15-8-2014.
– Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 5 giải khuyến khích.
– Địa chỉ nhận bài thi: “Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội – Tầng 9, Cung Trí thức – lô D25, Khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội – Điện thoại: 04 37868248 – Fax: 04 37833926”

Nồng độ CO2 trong khí quyển đã vượt ngưỡng mới

Ngày 26/5, Cơ quan khí tượng học thế giới (WMO) thông báo nồng độ khí đi-ô-xít các-bon (CO2) trong khí quyển đã vượt ngưỡng mới, cho thấy tính cấp bách của các nỗ lực hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính làm Trái Đất nóng lên.
WMO cho biết trong tháng Tư vừa qua, nồng độ khí CO2 trung bình trong khi quyển lần đầu tiên đã vượt mức 400 phần triệu ở bán cầu Bắc, khu vực ô nhiễm hơn bán cầu Nam. Hiện tượng này từng xảy ra ở bán cầu Bắc vào mùa Xuân nhưng đây là lần đầu tiên hàm lượng CO2 trung bình của tháng vượt ngưỡng này.

WMO cho biết thêm nồng độ CO2 trung bình trên toàn cầu sẽ vượt ngưỡng 400 phần triệu vào năm 2015 hoặc 2016, so với 393,1 phần triệu trong năm 2012.
Theo người đứng đầu WMO Michel Jarraud (Mi-sen Gia-rốt), cần phải coi thay đổi trên là hồi chuông cảnh tỉnh về thực trạng khí thải gây biến đổi khí hậu. Ông đồng thời cảnh báo thế giới không còn nhiều thời gian để ngăn chặn chiều hướng này gia tăng.
Nồng độ CO2 trong khi quyển thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp là 278 phần triệu và tăng trung bình 2 phần triệu mỗi năm trong thập kỷ qua.

Tin môi trường, vea.gov.vn

Công nghệ pin nhiên liệu và kinh tế hydrogen

Trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970, General Motor đã nêu sáng kiến nên chuyển dần nền kinh tế dựa vào dầu mỏ sang nền kinh tế dựa vào hydrogen (hydrogen economy) nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ bất ổn ở Trung Đông và tránh được sự đổ vỡ nền kinh tế khi trữ lượng dầu mỏ đến ngày cạn kiệt.

hydrogen

Hydrogen là nguyên tố có nhiều nhất, cấu tạo nên 90% vật chất trong vũ trụ và trái đất; hiệu suất cháy của nó cao hơn dầu mỏ (60% so với 25%). Khi đốt hydrogen chỉ có một sản phẩm phụ duy nhất là nước, không kèm bất cứ chất thải nào có hại cho môi trường như khi đốt xăng dầu. Có nhiều cách sản xuất hydrogen, trong đó có biện pháp điện phân nước, mà nước chiếm 70% diện tích trái đất. Tóm lại hydrogen là nguồn năng lượng tái sinh sạch nhất, hiệu suất cao nhất và có nguồn cung cấp vô tận. Bởi vậy kinh tế hydrogen sẽ là nền kinh tế bền vững lý tưởng nhất của loài người.

Về nguyên tắc, tất cả các phương tiện chuyên chở chạy bằng xăng dầu đều có thể chuyển sang chạy bằng hydrogen. Khi ấy năng lượng hóa học của hydrogen được chuyển thành năng lượng cơ học bằng cách đốt hydrogen trong động cơ đốt trong, hoặc cho hydrogen phản ứng với oxygen trong pin nhiên liệu (FC, fuel cell), qua đó sinh ra điện. FC sẽ cung cấp cho nhân loại nguồn điện sạch và bền vững; sản phẩm phụ của nó chỉ là nước. Dùng hydrogen để chạy xe và phát điện là hai lĩnh vực rất có triển vọng, nhất là xe chạy pin nhiên liệu hydrogen (fuel cell vehicle, FCV). Tuy vậy giá thành FC hiện nay còn quá đắt khiến giá FCV bị đội cao quá mức thị trường có thể chấp nhận. Vì thế việc nghiên cứu hoàn thiện công nghệ FC và xây dựng hệ thống cung cấp hydrogen cho các xe FCV trở thành nhiệm vụ chính trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế hydrogen.

hydrogen2

Tại Mỹ, từ 5/2001 Tổng thống Bush đã đề xuất kế hoạch phát triển năng lượng hydrogen. Tháng 2/2002 ông đưa ra Báo cáo Triển vọng dài hạn nước Mỹ chuyển sang kinh tế hydrogen năm 2030. Năm sau lại đề xuất Sáng kiến nhiên liệu hydrogen (HFI) nhằm thương mại hóa xe dùng FC hydrogen. Năm 2008 Mỹ đã chi 1 tỷ USD cho HFI. Tháng 2/2004, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đưa ra dự án nghiên cứu triển khai công nghệ năng lượng hydrogen kèm biểu tiến độ thực hiện. Thời gian 2004~2008, Mỹ đã chi 1,7 tỷ USD cho nghiên cứu phát triển công nghệ FC.

Chính phủ Obama mới đầu không chủ trương phát triển kinh tế hydrogen vì cho rằng xe FCV có giá thành quá cao. Năm 2009, Steven Chu (Nobel Vật lý 1997) tân Bộ trưởng DOE cắt giảm ngân sách nghiên cứu FC từ 250 triệu USD xuống còn 70 triệu. Đến năm 2012 Chu đã thay đổi quan điểm, cho rằng do nước Mỹ có nguồn cung cấp khí đốt rồi rào nên xe dùng FC hydrogen có tiềm năng phát triển. Tháng 7/2012 DOE đầu tư 2,4 triệu USD xây dựng các trạm bơm hydrogen; sau đó lại cấp 1 triệu USD cho việc phân tích giá thành sản xuất vận chuyển nhiên liệu hydrogen. Ngày 13/5/2013, DOE khởi động Dự án H2USA với nội dung chính phủ và các công ty hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nhiên liệu hydrogen. Ngày 12/6/2013, lại cấp 9 triệu USD để phát triển công nghệ hydrogen và FC.

EU, nhiều nước phương Tây, Nhật và Hàn Quốc cũng hăng hái nghiên cứu phát triển công nghệ FC và các loại xe chạy FC hydrogen. Một số loại FCV của Nhật và Hàn Quốc hiện đang được thị trường Mỹ ưa dùng.

Nhưng tiến trình chuyển đổi kinh tế dầu mỏ sang kinh tế hydrogen gặp sự chống đối từ giới công nghiệp dầu mỏ, vì họ không muốn chịu thiệt khi dầu mỏ mất địa vị thống trị nền kinh tế. Trước tiên, các mỏ dầu và nhà máy luyện dầu (giá bình quân 1 tỷ USD mỗi nhà máy) sẽ phải đóng cửa. Công nghệ FC chưa hoàn thiện cũng cản trở sự chuyển đổi nói trên. Ngoài ra từ thập niên 80, công nghệ thăm dò khai thác dầu mỏ có tiến bộ nhảy vọt, phát hiện nhiều mỏ dầu mới, giới kinh doanh lại lao vào đầu tư khai thác dầu mà coi nhẹ việc nghiên cứu sử dụng hydrogen.

Chính phủ Mỹ vẫn chưa chọn hydrogen làm nguồn năng lượng chính, mà muốn dùng khí đốt hóa lỏng thay cho dầu mỏ, vì gần đây Mỹ đã tự túc, thậm chí xuất khẩu khí đốt. TT Obama chủ trương đẩy mạnh sản xuất điện bằng khí đốt, phát triển ô tô chạy điện ăc quy, đặt các trạm nạp điện cho ô tô, đồng thời cắt giảm chi phí nghiên cứu FCV.

Chuyển sang nền kinh tế hydrogen là một công việc dài hạn và tốn kém, trong lúc các chính phủ đều phải dồn sức đạt được mục tiêu tăng trưởng trước mắt. Vì vậy kinh tế hydrogen hiện nay chưa được phát triển như dự kiến, nhưng các nhà khoa học vẫn tin rằng cuối cùng loài người sẽ từ bỏ dầu mỏ mà chuyển sang dùng hydrogen.

Để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi nói trên, năm 2003 đã thành lập một tổ chức quốc tế là Chương trình đối tác Kinh tế hydrogen và Pin nhiên liệu (The hydrogen economy and fuel cell partnership program, IPHE), thành viên gồm EU và 17 nước : Australia, Áo, Brazil, Canada, Trung Quốc, Đức, Pháp, Iceland, Ấn Độ, Ý, Nhật, Hàn quốc, Na Uy, Nga, Nam Phi, Anh, Mỹ. Hàng năm Ban Chỉ đạo IPHE đều họp 2 lần để nghe Ban Thư ký IPHE và các nước thành viên báo cáo tình hình đầu tư phát triển công nghệ pin nhiên liệu FC và năng lượng hydrogen, trao đổi thông tin và bàn công tác phối hợp nghiên cứu.

hydrogen3

Hội nghị lần thứ 19 Ban chỉ đạo IPHE đã họp tại London trong hai ngày 23-24/5/2013. Cuộc họp cho thấy các nước đều tăng đầu tư vào lĩnh vực giao thông, như Đức có dự án H2Mobility, Anh có UKH2Mobility. Mỹ vừa chính thức khởi động dự án H2USA nhằm tăng tốc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết bị hydrogen, thương mại hóa FCV. EU đang thực hiện dự án CPT (Clean Power for Transport), đầu tư 123 triệu Euro xây dựng 77 trạm bơm hydrogen chạy xe tại 15 nước đã có hệ thống trạm này. Trên lĩnh vực ứng dụng cố định, các trạm thông tin dùng FC có triển vọng rất tốt. Hội nghị cũng bàn vấn đề phát triển nền kinh tế hydrogen trong tình hình cơ cấu nguồn năng lượng thế giới đang có sự điều chỉnh lớn do xuất hiện cuộc cách mạng khí đá phiến (shale gas).

Theo Nguyễn Hải Hoành, tiasang.com.vn

Mười ý tưởng công nghệ xanh táo bạo

Biến đổi khí hậu, bế tắc giao thông, khủng hoảng đói nghèo: vấn đề đặt ra trong thế kỷ này có lẽ là làm thế nào để bảo đảm sự sống còn của nhân loại. Vấn đề càng lớn bao nhiêu thì các giải pháp càng phải có tầm nhìn lớn bấy nhiêu. Chúng tôi xin giới thiệu mười nhà nghiên cứu đưa ra những ý tưởng công nghệ nổi bật nhằm thay đổi thế giới.

Elon Musk: Tàu bánh sắt siêu âm

Ông là người đã đơn giản hoá việc thanh toán trên Internet bằng PayPal, đưa ô tô điện vào cuộc sống thông qua Tesla Roadster và tư nhân hoá các chuyến bay lên vũ trụ với Space X. Tới đây nhà phát minh, doanh nhân 43 tuổi này còn muốn tặng thế giới một loại phương tiện giao thông hoàn toàn mới lạ có tốc độ gấp hai lần máy bay nhưng giá lại rẻ hơn.

Ông Musk đang phát triển một loại tàu nhanh có tên Hyperloop, có sức mạnh của máy bay Concorde cộng với khẩu pháo. Ở khẩu pháo này, đầu đạn tăng tốc nhờ tác động của từ trường. Theo Musk, Hyperloop sẽ chỉ cần khoảng nửa tiếng đồng hồ để chạy quãng đường 600 km từ San Francisco tới Los Angeles.

Hơn thế nữa, tàu có thể sử dụng hoàn toàn năng lượng mặt trời do các tế bào quang điện đặt dọc tuyến đường cung cấp. Chi phí xây dựng tuyến đường này hết khoảng sáu tỷ đôla – chỉ bằng một phần mười chi phí đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc ở California.

Heinrich Bülthoff: Đến văn phòng bằng máy bay không người lái

Thiết bị bay không người lái chạy điện Mycopter

Ô tô có thể chạy theo ba hướng: đi thẳng, rẽ hay chạy lùi. Khi bị ùn tắc thì ô tô chết dí một chỗ. Trong khi đó còn có một hướng đi nữa dành cho chúng mà không được tận dụng, đó là thăng thiên. Một nhóm các chuyên gia quốc tế đang nghiên cứu về cái hướng đi lên này, dự án này của EU mang tên Mycopter.

Mục tiêu: tạo đường trên không để ô tô bay được điều khiển bằng máy tính có thể đưa thẳng hành khách tới tận nơi làm việc – từ đó giảm tiêu hao năng lượng không cần thiết. Ý tưởng này không hoàn toàn là không tưởng: trong thực tế đã có những “con lai” đầu tiên giữa máy bay và ô tô, thí dụ Model Transition của Terrafugia, một doanh nghiệp khởi nghiệp ở Mỹ. Doanh nghiệp e-Volo ở Karlsruhe, Đức thậm chí đang thử nghiệm một loại trực thăng chạy điện dễ dàng điều khiển.

Dưới sự điều hành của giáo sư Heinrich Bülthoff, thuộc Viện Max-Planck về điều khiển học sinh học ở Tübingen, các nhà nghiên cứu về Mycopter muốn làm rõ, phải làm gì để tiếp tục phát triển các thiết bị bay loại này thành vật thể bay không người lái để vận chuyển hành khách, cũng như chính quyền phải ứng xử như thế nào trước những đổi thay này: trong tương lai, những người tự bay cần có bằng loại gì, quản lý giao thông bay cá nhân sẽ diễn ra như thế nào, sự tích hợp của loại hình giao thông này ở các thành phố sẽ ra sao. Các nhà nghiên cứu muốn có những lời đáp cho những câu hỏi trên để việc đi lại bằng vật thể bay cũng đơn giản như đi lại bằng ô tô.

Eduard Heindl: Biến núi thành bình ắc quy

150514_congnghexanh2

Theo các nhà khoa học, một tảng đá đè lên một cột nước có thể tích một lượng điện lên đến hai Terawatt/giờ năng lượng – tương đương lượng điện mà cả nước Đức tiêu thụ trong khoảng 30 giờ đồng hồ.

Để chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo, nước Đức phải dịch chuyển những quả núi, đúng như nghĩa đen của từ đó. Đây là đề nghị của nhà khoa học ĐH Khoa học ứng dụng Furtwangen. Nhà vật lý này có ý định xây một công trình tích năng lượng khổng lồ bằng đá hoa cương, và đây sẽ là công trình nổi bật vì sự đồ sộ tương tự như Ayers Rock ở Australia.

Ông Heidl dự kiến dùng thiết bị khoan đường hầm và máy cưa đá để tách một khối đá hoa cương hình trụ (hoặc hình ống), có chiều cao trên 500 mét và đường kính một kilômét. Những kẽ hở và bề mặt của khối đá này sẽ được trát thật phẳng để bảo đảm độ khít. Lượng điện dư thừa từ các cột điện gió và từ tế bào quang điện bảo đảm cho hoạt động của cỗ máy bơm khổng lồ này, trụ đá nén khối nước khổng lồ ở bên dưới để từ đó đẩy trụ lên hàng trăm mét. Khi lưới điện cần năng lượng – thí dụ khi lặng gió – nước sẽ chảy bên dưới trụ đá hoa cương và làm cho turbine hoạt động.

Chi phí xây dựng cái gọi là kho lưu trữ năng lượng này có thể lên tới cả tỷ Euro và có thể tích được khoảng 2.000 Gigawatt giờ điện – nhiều gấp 40 lần lượng điện lưu trữ của tất cả các nhà máy bơm tích điện hiện nay của nước Đức và bằng lượng điện mà nước Đức tiêu thụ trong một ngày.

Matt Watson: Làm nguội trái đất

150514_congnghexanh3

Khi con người đã biết nhân bản cừu, đã có thể dời non chuyển núi – vậy thì còn ngại ngần gì mà không tạo ra một hoạt động của núi lửa? Đây chính là điều mà nhà nghiên cứu Matt Watson muốn đạt được với dự án Projekt SPICE của mình nhằm chấm dứt sự nóng lên của trái đất.

Nhà khoa học thuộc Đại học Bristol của Anh muốn làm được cái mà núi lửa Pinatubo (Philippines) đã từng gây ra, vụ núi lửa này bùng nổ vào năm 1991 đã làm cho nhiệt độ trái đất giảm nửa độ C vì tro núi lửa bốc lên tới tầng bình lưu và che ánh nắng mặt trời. Watson cũng muốn thổi lớp tro bụi lên tới tầng bình lưu thông qua một cái ống gắn vào phần cuối một quả cầu hellium khổng lồ lên đến độ cao 20 km. Một tầu thuỷ chạy trên biển là cơ sở phục vụ cho toàn bộ quá trình này.

Thử nghiệm lắp đặt đầu tiên ở quy mô nhỏ dự định tiến hành vào năm 2012 nhưng đã phải ngưng lại. Nay Watson có ý định phát triển ý tưởng của mình trước hết ở trong phòng thí nghiệm.

Yasuyuki Fukumuro: Tạo ra điện trên không gian

150514_congnghexanh4

Trong tương lai nhà máy điện mặt trời trên không gian có thể phóng năng lượng xuống trái đất.

Vị trí tốt nhất để làm nhà máy điện mặt trời ở đâu? Theo Yasuyuki Fukumuro, phụ trách dự án Space Solar Power Systems thuộc Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Nhật bản Jaxa, thì vị trí thích hợp nhất để đặt nhà máy điện mặt trời là trên quỹ đạo trái đất. Đây là nơi luôn chói chang ánh sáng mặt trời, không bao giờ có mây che phủ – đó là những đặc điểm nổi bật của vị trí này.

Fukumuro dự định sẽ truyền tải điện thông qua tia vi sóng tới một trạm trên mặt đất. Một nghiên cứu của International Academy of Astronautics cho hay, từ 10 đến 20 năm tới có thể xây dựng nhà máy điện đầu tiên trên quỹ đạo.

Tuy nhiên việc bắn các tế bào quang điện lên vũ trụ bằng tên lửa có hiệu quả hay không, đây còn là chuyện rất xa vời. Một điều chắc chắn phải được giải quyết là làm sao để giảm đáng kể trọng lượng của tế bào quang điện, hay sản xuất chúng thông qua máy in ngay trên vũ trụ.

Claudio Lenoardi: Máy bay gá lắp

150514_congnghexanh5

Việc gá lắp các khoang máy bay sẽ làm cho hành khách cũng như hành lý, hàng hoá lên máy may nhanh chóng hơn. Đến một ngày nào đó người ta có thể gá lắp các container chứa khí hydro hay các thùng chứa bình ắc quy vào những chiếc máy bay dùng năng lượng điện.

Claudio Leonardi, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ Lausanne đang xúc tiến một đề án mang tên Clip-Air , theo đó hành khách đi máy bay trong tương lai khi xuất phát từ một ga xe lửa có thể lên khoang đa chức năng đi thẳng ra sân bay bằng đường sắt, từ đây lên thẳng máy bay mà không cần hoàn tất các thủ tục để lên máy bay.

Có thể lắp tới ba cabin, mỗi cabin dài 30 mét tại sân bay vào một loại máy bay chuyên dụng. Mỗi cabin có thể chứa tới 150 hành khách, tương đương một máy bay Airbus-A320. Cũng có thể gá lắp các khoang chở hàng hoá, hành lý theo nhu cầu vào chiếc máy bay này.

Ý tưởng này còn tiếp tục được Đại học Glasgow phát triển. Hệ thống Horizon của họ gồm một tàu lượn hoạt động bằng điện, luôn ở gần một đường băng chuyên dụng ở sân bay và chỉ tiếp đất khi ca bin tàu hỏa tới và gá lắp vào, sau đó lại cất cánh bay tiếp. Bên cạnh hành khách trong các ca bin này còn có các bình ắc quy mới nạp điện để máy bay có thể tiếp tục bay. Khi hạ cánh, những ca bin này tách khỏi máy bay và chạy tiếp đến các thành phố khác thông qua truyền động từ tính.

Michael Sterner: Tàu thuỷ trở thành máy phát điện

Hiện đã có một số ý tưởng về việc khai thác năng lượng từ biển cả. Tuy nhiên chưa có phương án nào tiến xa như phương án của Michael Sterner, giáo sư về tích năng lượng và hệ thống năng lượng thuộc ĐH Khoa học ứng dụng Regensburg, Đức. Ông dự định dùng những tàu thuỷ dài khoảng 100 mét điều khiển bằng computer hoạt động trên Bắc Đại tây dương để tạo ra khí hydro.

Ngay khi có gió đẩy tàu chạy, dòng nước sẽ làm cho turbine tích hợp trong con tàu tạo ra điện từ đó thông qua điện phân để sản xuất khí hydro. Sterner cho rằng, trong điều kiện thuận lợi về gió, con tàu có thể tạo ra năng lượng ổn định dưới dạng khí hydro và tích trong những thùng lớn. Sau đó, khí hydro sẽ được bơm sang những thùng lớn trên bờ và nguồn năng lượng này có thể sử dụng thí dụ với ô tô chạy bằng khí hydro.

Cánh buồm là những Flettnerrotor, đây là những turbine gió dạng thẳng đứng. Một con tàu có thể tạo ra hai Megawatt điện. Các bộ phận cấu thành hiện đã có – giờ cần có người đứng ra đóng con tàu năng lượng đầu tiên này.

Edmund Kelly: Nhà máy điện mặt trời bồng bềnh

Thông thường các nhà máy điện mặt trời có năng suất cao hơn khi được mặt trời chiếu sáng nhiều hơn. Vì vậy từ lâu các nhà khoa học đã lên kế hoạch xây dựng các nhà máy điện mặt trời trên sa mạc và thậm chí cả trên không gian. Nhà nghiên cứu Edmund Kelly ở California và doanh nghiệp khởi nghiệp Stratosolar của ông đang tính đến một phương án mới: xây dựng các nhà máy điện mặt trời và neo lơ lửng trên tầng bình lưu.

Những quả bong bóng khổng lồ chứa hàng nghìn tấn khí nhiên liệu mang theo những tế bào quang điện mỏng dính lên bầu trời ở độ cao 20 km.

Đây là nơi mặt trời chiếu sáng liên tục suốt cả ngày, không có gió và không khí rất lạnh do đó hiệu suất của điện mặt trời ở đây cao hơn nhiều so với ở trên mặt đất. Dòng điện từ quả bóng quang điện trên không khổng lồ được truyền qua giây cáp xuống trái đất, dây cáp này đồng thời cũng là giây neo bong bóng. Theo tính toán của nhà nghiên cứu Kelly, mặc dù chi phí xây dựng cực kỳ lớn nhưng giá thành điện mặt trời trên tầng bình lưu rẻ hơn gấp ba lần so với giá thành điện mặt trời trên trái đất hiện nay.

Neil Palmer: Tái tạo điện từ những tia chớp

Bầu khí quyển trái đất có điện tích cực lớn. Mỗi ngày trên thế giới có tới ba triệu tia chớp trên bầu trời. Một nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Southampton (Anh) do nhà vật lý Neil Palmer đứng đầu cùng với các nhà nghiên cứu của hãng chế tạo điện thoại di động Phần Lan Nokia đã xem xét khả năng tận dụng năng lượng này để vận hành các thiết bị điện trong cuộc sống của chúng ta.

Các nhà khoa học đã tạo được những tia chớp mạnh 200.000 Volt ở trong phòng thí nghiệm, họ dùng một thiết bị thu chuyên dụng để tiếp nhận nguồn năng lượng này và nạp dòng điện vào một Lumia-925-Smartphone, mà không làm tổn hại đến chiếc điện thoại di động. Cũng với cách tương tự, các nhà nghiên cứu khác cũng sử dụng những cột tháp khổng lồ để bắt các tia chớp và từ đó gặt hái điện từ không khí. Vấn đề là ở chỗ: việc này diễn ra như thế nào và liệu có hiệu quả hay không, đây vẫn là những câu hỏi còn để ngỏ.

Louis Michaud: Lấy điện từ những cơn lốc xoáy

Kỹ sư Louis Michaud đang nghiên cứu tại một cơ sở thí nghiệm về nhà máy điện lốc xoáy.

Lốc xoáy là nỗi kinh hoàng với rất nhiều người. Riêng kỹ sư Louis Michaud người Canada lại thấy lốc xoáy cực kỳ hấp dẫn đến mức ông tìm cách tạo ra chúng. Viên kỹ sư này muốn cùng doanh nghiệp khởi nghiệp Avetec của mình xây dựng các nhà máy điện tạo lốc xoáy để làm ra điện. Ông sử dụng nguồn khí thải nóng từ các nhà máy luyện thép hay nhà máy nhiệt điện cho chạy qua những ống khói cao và không khí bốc lên cao theo chiều xoắn ốc.

Không khí bên ngoài lạnh hơn nên phía trên ống khói hình thành một lực hút xoáy, điều này tạo ra một lốc xoáy cao khoảng 40 mét. Nhà nghiên cứu Michaud hy vọng năng lượng hình thành ở đây đủ để vận hành một turbine ở dưới chân tháp và từ đó tạo ra điện.

Bằng cách này có thể dùng khí thải nóng của một nhà máy điện chạy than công suất 500 Megawatt tạo ra lốc xoáy trong tháp thêm một lượng điện lên tới 200 Megawat.

Kỹ sư Michaud đã nhận được một sự hỗ trợ đắc lực của Peter Thiel, nguyên CEO ở PayPal và là nhà đầu tư số một tại Facebook – ông này đóng góp 300.000 đôla để xây dựng một nguyên mẫu.

Theo Xuân Hoài/Tạp chí Tia Sáng, 14/05/2014

Phát triển kinh tế xanh phải bắt đầu từ tiêu dùng xanh

PGS-TS Nguyễn Đinh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM đúc kết: Chính tiêu dùng xanh là động lực để các doanh nghiệp dần chuyển đổi hoạt động sản xuất của mình theo hướng xanh hơn. Và đây chính là nền tảng để tạo dựng nền kinh tế xanh.

60% nguồn thải có hệ thống xử lý nước thải 

Trên thực tế, hoạt động sản xuất đã và đang là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng môi trường sống ngày càng xấu đi. PGS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, kết quả thống kê trên 826 nguồn thải công nghiệp ở 24 quận, huyện TPHCM từ năm 2010 đến năm 2012 cho thấy, chỉ có khoảng 60% nguồn thải có hệ thống xử lý nước thải.

Các nguồn thải còn lại chỉ qua xử lý sơ bộ (bể tự hoại) trước khi xả thải ra môi trường. Điều đáng lưu ý là trong số các nguồn thải được khảo sát thì có đến 44% các nguồn thải có lưu lượng nước thải từ 50m³/ngày đêm. Đây là nguồn thải đóng góp đến 90% cả về lưu lượng và tải lượng ô nhiễm. Những ngành gây ô nhiễm cao gồm dệt nhuộm, giấy, thực phẩm đóng góp đến 56% tổng tải lượng COD. Mở rộng ra toàn khu vực phía Nam, số lượng doanh nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại các tỉnh lân cận còn cao hơn rất nhiều.

Một góc hồ xử lý nước thải tại một doanh nghiệp sản xuất xanh ở huyện Củ Chi (Ảnh: Phạm Kim Ngân)

Không dừng lại đó, chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải y tế cũng đang là vấn nạn đáng quan ngại cho thực trạng môi trường sống hiện nay. Hiện thống kê từ Bộ TN-MT đã chỉ ra, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị phát sinh vào khoảng 8.700 – 8.900 tấn/ngày. Số lượng này tăng khoảng 8% – 10%/năm và tập trung chủ yếu tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM. Điều đáng nói là có đến 82/98 bãi chôn lấp không đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường…

PGS Nguyễn Đinh Tuấn khẳng định, không chỉ ô nhiễm nước thải và chất thải rắn, chất lượng khí thải cũng rất đáng lo ngại. Việc cấm sử dụng các loại xăng pha chì đã giúp giảm đáng kể lượng chì trong không khí nhưng lại tăng các chất phụ gia độc hại khác trong môi trường khí như benzen, toluen…

Thiệt hại khôn lường 

Ô nhiễm gia tăng cũng đồng nghĩa với chi phí đầu tư xử lý ô nhiễm này cũng phải gia tăng. Và đây sẽ được tính như là sự thiệt hại đối với nền kinh tế. Dựa trên quan điểm đó mà số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ rõ, tình trạng ô nhiễm môi trường tại Việt Nam gây thiệt hại đến 5% tổng sản phẩm nội địa GDP hàng năm. Cụ thể, năm 2007 là gần 4 tỷ USD trên tổng sản phẩm nội địa 71 tỷ USD. Năm 2008 tăng lên 4,2 tỷ USD trên tổng sản phẩm nội địa 76 tỷ USD.

PGS-TS Nguyễn Văn Phước nhấn mạnh, ô nhiễm môi trường cũng gây thiệt hại không nhỏ về hoạt động sản xuất nông nghiệp và khai thác, nuôi trồng thủy sản. Sản lượng nuôi cá bè trên sông những năm gần đây đều giảm sút do ô nhiễm nguồn nước mặt. Những sự cố gây ô nhiễm nguồn nước trong thời gian ngắn của một số nhà máy cũng gây ra thiệt hại về kinh tế đáng kể cho người sản xuất. Cụ thể như các vụ cá bè chết hàng loạt vào những năm 2008 và 2010 tại Đồng Nai và trên lưu vực sông Nhuệ – Đáy.

Bên cạnh đó, hàng năm ngân sách của các địa phương phải chi trả một khoản khá lớn cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Trung bình, mức chi phí xử lý cho công nghệ xử lý chất thải rắn bằng biện pháp chôn lấp hợp vệ sinh là 115.000 – 286.000 đồng/tấn. Riêng tại TPHCM, tổng chi phí hàng năm cho thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt khoảng 1.200 – 1.500 tỷ đồng.

Hiểm họa cho sức khỏe cộng đồng 

Không chỉ gây nên những thiệt hại về kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường còn gây ra những hiểm họa khôn lường cho sức khỏe và thu nhập của người dân. Trung bình mỗi năm có khoảng 9.000 ca tử vong liên quan đến nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém và hàng chục ngàn người mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, hệ tiêu hóa do hít phải khí thải ô nhiễm. Đáng lo ngại nhất trong những năm gần đây, số người mắc các bệnh ung thư do tiếp xúc phải chất thải ô nhiễm liên tục gia tăng, khoảng 150.000 người/năm.

Thêm vào đó, bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng không nhỏ đến người thân, tạo nên chi phí gián tiếp do nghỉ học, nghỉ làm cho cả người bệnh và người chăm sóc làm giảm 20% thu nhập. Không chỉ thế, trường hợp của nước ta còn phải chịu thiệt hại do hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu gây ra, chiếm khoảng 5% GDP, tương đương với 15 tỷ USD. Nhà nước đã phải chi số tiền tương đương 780 triệu USD cho công tác chữa trị những chứng bệnh do ô nhiễm môi trường gây nên. Chi phí trực tiếp cho việc khám chữa bệnh tả, thương hàn, lỵ và sốt rét khoảng 400 tỷ đồng.

Cải thiện chất lượng môi trường sống để giảm thiệt hại về kinh tế cũng như sức khỏe cộng đồng là cần thiết. Tuy nhiên, theo PGS Nguyễn Đinh Tuấn, để tạo nên sự thành công của nền kinh tế xanh lại phụ thuộc rất nhiều vào quyết định của người tiêu dùng. Khi cộng đồng đã nhận thức rõ và cổ động cho tiêu dùng xanh, chính họ sẽ đưa ra những đòi hỏi, yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, dịch vụ phải thể hiện trách nhiệm với xã hội, với môi trường hoạt động của mình.

Về phía Nhà nước, cần phát huy vai trò định hướng, đồng thời xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp hướng đến phát triển xanh cũng như tạo cơ sở để người tiêu dùng nhận biết và ưu tiên tiêu dùng sản phẩm xanh. Có như vậy mới tạo nên nội lực để cải thiện hiệu quả chất lượng môi trường đang ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay.

Theo Ái Vân/Sài Gòn Giải Phóng

 

Sử dụng lá măng cụt và giẻ dừa để bảo vệ môi trường

Đề tài “Thay thế túi nilon bằng lá măng cụt và giẻ dừa” của nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông Trương Vĩnh Ký, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre được đánh giá cao cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Nam, năm học 2013-2014.
Huyện Chợ Lạch – nơi nhóm học sinh sinh sống – có nghề sản xuất cây giống. Việc ươm giống đòi hỏi dùng đến nhiều túi nilon. Trong khi đó diện tích trồng măng cụt và dừa trên địa bàn rất lớn. Lá măng cụt dày, dai, hình thuôn dài phù hợp để thay thế túi ni-lon trong giai đoạn chiết cành; giẻ dừa (bộ phận giúp lá dừa ôm chặt vào thân cây) có kích thước to, dẻo dễ uốn thành túi có thể sử dụng thay cho túi nilon trong giai đoạn ươm cây giống.
Từ thực tế đó,  nhóm đã nghiên cứu lựa chọn dự án thay thế túi nilon trong ngành sản xuất cây giống bằng những vật liệu thân thiện với môi trường nhằm giảm bớt chi phí đầu vào, hạn chế ô nhiễm môi trường.”Kết quả sau quá trình nghiên cứu và thực hành trên cây tắc cho thấy: Phương pháp chiết cành dùng lá măng cụt làm cho cành chiết ra rễ sớm hơn 1 ngày. Đến thời điểm cắt cành đi ươm thì lá măng cụt vẫn còn nguyên vẹn độ bền như ban đầu. Rễ cây trong túi làm bằng giẻ dừa phát triển rất mạnh, có thể xuyên qua lớp giẻ dừa. Khi phân hủy túi giẻ dừa tạo thêm chất mùn cho đất. Kết thúc quá trình ươm cây giống phát triển tốt trong bầu ươm là 100%. Bầu ươm có độ bền đáp ứng được việc vận chuyển đi xa.

Theo tin môi trường, vea.gov.vn