Biến dầu ăn thành vật liệu cứng hơn thép

Các nhà khoa học Úc vừa tạo ra vật liệu Graphene từ dầu ăn có rất nhiều đặc tính ưu việt, nó cứng hơn thép 200 lần, cứng hơn cả kim cương nhưng lại vô cùng linh hoạt.

Tạp chí Science Alert dẫn một báo cáo của các nhà khoa học Úc cho biết, họ đã tìm ra cách biến dầu ăn mà con người vẫn dùng hàng ngày thành Graphene, một siêu vật liệu có cực kỳ nhiều ứng dụng. Dưới những điều kiện nhất định, graphene còn có thể biến thành một chất siêu dẫn điện với điện trở bằng không.

Những đặc tính đó của graphene khiến nó có thể được dùng để tạo ra những thiết bị điện tử tốt hơn, các tấm năng lượng mặt trời có hiệu suất cao hơn và thậm chí còn có thể được sử dụng trong y học.

Công nghệ mới của các nhà khoa học Úc cho phép tổng hợp ra được vật liệu Graphene trong điều kiện nhiệt độ phòng thông thường và với nguyên vật liệu chỉ là dầu ăn mà thôi.


Một mảnh graphene được tạo ra từ dầu ăn.

Điều này giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí để sản xuất Graphene so với cách thông thường trước kia. Chi phí để tạo ra loại vật liệu Graphene theo phương pháp cũ tương đối lớn vì chúng phải được tổng hợp trong các loại máy móc thiết bị đặc biệt, có khả năng tạo ra nhiệt độ cực lớn.

Chưa kể tới việc nguyên liệu tạo ra chúng cũng phải có độ tinh khiết rất lớn khiến cho giá thành của những loại vật liệu Graphene trở nên vô cùng đắt đỏ và khó có thể được ứng dụng rộng rãi trong tương lai gần.

Nói về công nghệ sản xuất Graphene bằng dầu ăn, nhà nghiên cứu Zhao Jun Han, đến từ CSIRO (Commonwealth Scientific and Industrial Research Organisation), tổ chức nghiên cứu độc lập của Chính quyền liên bang tại Australia đã cho biết: “Quy trình chế tạo ra loại vật liệu Graphene này rất nhanh chóng, đơn giản, an toàn và có tiềm năng mở rộng trên quy mô lớn. Chúng tôi hi vọng công nghệ duy nhất hiện nay mà chúng tôi đang nghiên cứu này sẽ giúp giảm giá thành sản xuất vật liệu Graphene, tăng tính ứng dụng thực tiễn của loại vật liệu này trong tương lai.”

Vật liệu Graphene với cấu trúc cacbon hình lục giác trải dải vô cùng bền chắc.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã đặt tên cho công nghệ mới này là GraphAir và theo các nhà nghiên cứu mô tả một cách khái quát thì dầu ăn sẽ được nung nóng trong một ống thủy tinh chịu nhiệt trong khoảng 30 phút để chúng tự phân rã và hình thành các khối cacbon mới.

Những khối cacbon này sau đó sẽ được làm nguội và dàn đều trên những tấm kim loại nickel và tạo thành những tấm nguyên liệu Graphene với độ dày chỉ khoảng 1 nanometre mà thôi (nhỏ hơn 80,000 lần so với sợi tóc của con người).

Nhà nghiên cứu Dong Han Seo, một thành viên trong nhóm sáng chế, cho biết, công nghệ này không chỉ giúp đẩy nhanh quá trình tạo ra vật liệu Graphene mà nó còn giúp tiết kiệm chi phí sản xuất rất nhiều: “Chúng ta nay đã có thể tái chế dầu thải và sử dụng chúng để tạo nên những loại vật liệu vô cùng hữu dụng.”

Theo moitruong.com.vn

Giải pháp nào cho Việt Nam khi không sử dụng túi nilon?

Trong khi nhiều nước trên thế giới đang có xu hướng từ bỏ túi nilon thì, ở nước ta, việc sử dụng tràn lan các loại túi nilon trong các hoạt động sinh hoạt xã hội, chủ yếu và đặc biệt là loại túi siêu mỏng, thể hiện sự dễ dãi của cả người cung cấp cũng như người sử dụng. Vậy có giải pháp nào để hạn chế việc sử dụng túi nilon?

Túi nilon cần bao nhiêu năm để phân hủy

Theo các nhà khoa học, túi nilon được làm từ những chất khó phân hủy, khi thải ra môi trường phải mất từ hàng chục năm cho tới một vài thế kỷ mới được phân hủy hoàn toàn trong tự nhiên.

Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi túi nilon lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxy đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng.

Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Trong thực tế, nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi ngấm vào nguồn nước sẽ xâm nhập vào cơ thể người gây rối loạn chức năng và dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ.

Túi nilon làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, túi nilon còn gây mất mỹ quan và cảnh quan. Ô nhiễm môi trường do chất thải túi nilon hiện được các nhà môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”.

Nhiều quốc gia đang có xu hướng từ bỏ túi nilon.

Xu hướng từ bỏ túi nilon

Cùng với Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới đã hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất trong những năm qua và ngày càng nhiều quốc gia có xu hướng từ bỏ túi nilon trong cuộc sống hàng ngày – theo VTV.

Ngày càng nhiều quốc gia có xu hướng từ bỏ túi nilon trong cuộc sống hàng ngày, tiến tới một tương lai hoàn toàn không có túi nilon.

Theo những đề xuất đầu năm mới 2018, Thủ tướng Anh Theresa May đang thúc đẩy xóa bỏ hoàn toàn sử dụng nhựa “có thể tránh” vào năm 2042. Thay thế tất cả những thứ có thể thay thế với các vật liệu khác không phải nhựa. Các siêu thị được động viên mở những dãy hàng “không nhựa” riêng. Kế hoạch mới của Chính phủ Anh được đưa ra với mục đích xây dựng một nước Anh xanh và sạch hơn.

Trên khắp châu Âu nói chung, thói quen sử dụng túi nilon cũng đang được thay đổi. Chính phủ nhiều quốc gia bao gồm Luxembourg, Đan Mạch đã áp thuế vào những loại túi sử dụng 1 lần, trong khi đó các siêu thị ở Đức đang tích cực loại bỏ túi nilon, nhựa và thay thế bằng những chất liệu tái sử dụng bền hơn.

Năm 2017, Kenya đã chính thức quy việc sản xuất, sử dụng túi nilon là bất hợp pháp. Điều luật được ban hành khi cả quốc gia Kenya đang sử dụng 24 triệu chiếc túi nilon 1 tháng. Bất cứ ai vi phạm sẽ phải đối mặt với mức án 4 năm tù và phạt 38.000 USD. Hành khách đáp máy bay xuống Kenya nếu có dùng túi miễn thuế mua ở sân bay cũng phải bỏ túi mới được nhập cảnh.

Trong khi đó Zimbabwe cũng có những thay đổi trong chính sách của mình khi cấm hoàn toàn các hộp xốp đựng thức ăn mua về, thay thế bằng những hộp giấy hoặc hộp làm từ bột ngô.

Còn Chính phủ Scotland cấm mua bán và sản xuất những que bông tai nhựa và những sản phẩm nhựa tương tự, vốn thường bị xả ra biển. Giải pháp thay thế là những vật liệu có thể phân hủy được.

Giải pháp nào cho Việt Nam?

Về giải pháp chính sách, xin trở lại với loại giải pháp hành chính là cấm lưu hành và sử dụng túi nilon như Trung Quốc hiện được áp dụng từ ngày 1/6/2008. Điều kiện để áp dụng giải pháp cấm đoán thường được nêu là có chế tài, bộ máy giám sát thực thi tốt, có vật dụng thay thế. Xin bổ sung thêm điều kiện nữa về kinh tế, điều kiện này là quan trọng, mang tính chất quyết định vì một khi thu nhập dân cư còn thấp thì hành vi của người tiêu dùng (cả người sản xuất, phân phối) tất yếu hướng nhiều vào loại hàng hóa, dịch vụ giá rẻ. Trong trường hợp túi nilon giá thì rẻ còn được khuyếch đại lên nhiều bởi tính tiện dụng, kết quả là người tiêu dùng thu nhập thấp lựa chọn túi nilon mặc dù nhận thức được tác hại tới môi trường và sức khỏe, sự cấm đoán sẽ ít tác dụng.

Như vậy, theo Tổng cục Môi trường, đối với chất thải túi nilon nên hướng chủ yếu vào các giải pháp kinh tế. Các loại giải pháp khác (kể cả hành chính) là bổ sung, hỗ trợ. Cần cả 2 loại giải pháp kinh tế là công cụ thị trường và trợ giá.

Về công cụ thị trường, đó là quan hệ cung – cầu và giá cả. Cần tăng cường cung cấp cho thị trường loại túi nilon thân thiện môi trường đồng thời hạn chế sản xuất và cung ứng loại túi nilon khó phân hủy. Năng lực sản xuất loại túi nilon thân thiện môi trường ở nước ta được đánh giá là có khả năng với công nghệ trong nước, đã đưa ra thăm dò thị trường một số năm gần đây nhưng kết quả chưa nhiều vì lý do chưa cạnh tranh được với loại túi nilon khó phân hủy đang thông dụng hiện nay về giá cả. Mặc dù đã có những cố gắng giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn còn cao hơn vài chục phần trăm so với sản xuất loại túi nilon khó phân hủy. Công ty ALTA ở TP Hồ Chí Minh đã sản xuất loại bao bì nhựa có thể tự phân hủy (từ 3 tháng đến lâu hơn tùy theo yêu cầu) từ năm 2003, đã đưa ra thăm dò thị trường và đang xuất khẩu mặt hàng này ra nước ngoài. Tuy nhiên, theo người phụ trách kinh doanh Công ty, do giá thành của bao bì nhựa tự hủy cao hơn bao bì nhựa thường từ 15 – 20% nên chưa được các khách hàng trong nước lựa chọn.

Sự trợ giúp này về BVMT phù hợp với chức năng quản lý nhà nước và đã được luật định (Khoản 6, Điều 5; Mục c, khoản 2, Điều 111, Luật Bảo vệ môi trường 2005 và được cụ thể hóa tại Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/1/2009 về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động BVMT). Nhiều nước trên thế giới cũng đang trợ giá cho các bao bì thân thiện môi trường (một số siêu thị ở Thái Lan áp dụng giảm 15 -30% cho những khách hàng dùng túi xách của mình để đựng đồ). Sự trợ giúp này đối với trường hợp loại túi nilon khó phân hủy với giả định giá bán hiện nay ở nước ta khoảng 200 đ/túi thì trợ giúp của Nhà nước (trợ giá) khoảng 15% sẽ là 30 đ/túi. Với mức tiêu dùng hiện nay (khoảng 30 tỷ chiếc/năm) và giả định lộ trình thay thế trong một số năm trước mắt là 10% số lượng mỗi năm thì ước tính mức trợ giá của Nhà nước cho loại túi nilon thân thiện môi trường khoảng gần 100 tỷ đồng mỗi năm.

Cũng có thể đưa vào cân nhắc con số ngân sách sự nghiệp môi trường hàng năm dành cho kiểm soát, bao gồm cả xử lý ô nhiễm môi trường do chất thải và các khoản thu khác từ môi trường (thuế, phí, phạt…) cũng như các nguồn quốc tế (hỗ trợ chính thức và phi chính thức) cho môi trường cùng khả năng trích ra hỗ trợ sản xuất túi nilon thân thiện môi trường để có thêm cơ sở về kinh tế – tài chính cho việc lựa chọn giữa trợ giá với chấp nhận xử lý “theo cuối đường ống” như hiện nay. Cũng lưu ý thêm rằng, sự trợ giá này chỉ diễn ra trong một số năm nhất định để mang tính chất tạo đà vì theo quy luật thị trường, khi thị phần của sản phẩm mới đạt tới tỷ lệ nhất định (thường là điểm “hòa vốn”) thì doanh nghiệp tự cân đối mà không cần tới sự trợ giúp từ bên ngoài.

Theo quy định tại Khoản 3, Nghị định số 04/2009/NĐ-CP thì nguồn kinh phí hỗ trợ giá được lấy từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam còn hạn chế về nguồn vốn huy động thì cần thêm nguồn hỗ trợ khác có thể huy động theo quy định của pháp luật. Theo tính toán sơ bộ, bên cạnh khả năng hỗ trợ của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thì với khoản ngân sách sự nghiệp môi trường hàng năm (1% tổng chi ngân sách – khoảng 5.000 tỷ đồng) và các khoản thu khác từ môi trường cùng các khả năng khác như khoản ngân sách sự nghiệp kinh tế của các Bộ, ngành, địa phương có thể chi cho BVMT, các nguồn quốc tế cho môi trường ước hàng nghìn tỷ đồng nữa thì việc cân nhắc khoản trợ giá khoảng một vài trăm tỷ đồng mỗi năm (trong vài năm) hỗ trợ sản xuất túi nilon thân thiện môi trường chắc không phải là khó khăn.

Các giải pháp khác được tiến hành đồng thời cũng sẽ góp phần hỗ trợ người phân phối và người tiêu dùng lựa chọn sử dụng túi nilon thân thiện môi trường và qua đó tăng nhanh tỷ phần thị trường của loại túi này, giúp giảm dần sự trợ giá cho sản xuất.

Theo moitruong.com.vn

Khởi động chiến dịch Giờ trái đất 2018: “Go more green”

Lễ khởi động chiến dịch Giờ Trái đất 2018 được tổ chức vào hồi 8h00, Thứ Bảy, ngày 3/3 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chương trình Phát động nghi thức Tắt đèn Giờ Trái đất 2018 sẽ diễn ra từ 20h30 – 21h30 ngày Thứ Bảy ngày 24 tháng 3 năm 2018 tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Hà Nội, với sự tham gia của 2.000-3.000 người.

Theo đó, khẩu hiệu cho Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam năm 2018 là “Hôm nay tôi sống xanh hơn” (“Go more green”).

Chương trình Phát động nghi thức Tắt đèn Giờ Trái đất 2018 sẽ diễn ra từ 20h30 – 21h30 ngày Thứ Bảy ngày 24 tháng 3 năm 2018 tại Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Hà Nội và truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam.

Đây là Sự kiện quan trọng nhất để kết nối, thông tin, báo cáo xuyên suốt hoạt động về Giờ Trái đất 2018, tuyên truyền sâu rộng chi tiết đến hơn 90 triệu dân về hoạt động ý nghĩa này.

Giờ trái đất 2017 với thông điệp: Tắt đèn – Bật tương lai đã giúp hệ thống điện quốc gia tiết kiệm được 471.000 kWh, tương đương với giá trị khoảng 764 triệu đồng.

Bên cạnh đó, một loạt các hoạt động hưởng ứng tiếp theo cũng sẽ được thực hiện cho đến ngày diễn ra sự kiện chính vào ngày 24/3 như: Tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: báo chí, trang thông tin điện tử, phát tờ rơi, video clip cổ động trên truyền hình, đài phát thanh, các trang mạng xã hội, fanpage để thu hút sự tham gia hưởng ứng của toàn xã hội.

Tuyên truyền về chiến dịch tại các trường Đại học và các trường Trung học phổ thông bao gồm: giao lưu với đại sứ chiến dịch; truyền tải thông điệp của chiến dịch năm 2018; giới thiệu, khuyến khích tham gia các hoạt động bên lề của chiến dịch; giáo dục các biện pháp tiết kiệm môi trường thực tế trong đời sống. Dự kiến tổ chức vào ngày 5/3 tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội và ngày 12/3 tại trường THPT Chu Văn An, Hà Nội.

Tổ chức chuỗi hoạt động Greener Garden tại các hộ gia đình tại Hà Nội nhằm mục đích tuyên truyền, thúc đẩy các hoạt động làm xanh hóa khu vực sinh sống trong các gia đình thành thị, giảm thiểu sử dụng túi nilon.

Tổ chức hoạt động đi bộ Vì Trái đất 2018 hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2018 tại các tuyến phố đi bộ hoặc phố cổ với sự tham dự của các đại sứ chiến dịch, dự kiến vào ngày 11/3.

Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Xanh dành cho đối tượng sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng về sáng tạo video, phim ngắn về đề tài môi trường, dự kiến vào ngày 18/3.

Việt Nam tham gia Giờ trái đất từ năm 2009. Đây là một trong những hành động của Chính phủ và người dân Việt Nam thể hiện cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030, chung tay cùng thế giới trong cuộc chiến ứng phó biến đổi khí hậu.

Giờ trái đất 2017 với thông điệp: Tắt đèn – Bật tương lai đã giúp hệ thống điện quốc gia tiết kiệm được 471.000 kWh, tương đương với giá trị khoảng 764 triệu đồng.

Theo baodautu.vn

Biến nước ô nhiễm thành nước sạch bằng dầu đậu nành

Sử dụng loại graphene đặc biệt từ dầu đậu nành có tên “graphiar”, các nhà khoa học Australia đã tạo ra một bộ lọc nước rẻ tiền, thuận tiện, dễ dàng biến nước ô nhiễm thành nước sạch có thể uống được.

Theo ANTĐ, công nghệ mới của nhóm nghiên cứu ở Australia do Tiến sĩ Han Dong Seo đứng đầu đã sử dụng loại graphene đặc biệt từ dầu đậu nành được phát triển bởi các nhà khoa học thuộc Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp của khối thịnh vượng chung (CSIRO). Graphene là một lớp nguyên tử carbon được sắp xếp thành một mạng hình tổ ong, được đánh giá là một loại siêu vật liệu với đặc tính vật lý siêu bền và siêu nhẹ, tuy nhiên chi phí để tạo ra được graphene tương đối đắt đỏ.

Nhưng ngược lại, đối với graphiar thì chi phí lại rất rẻ và phương thức sản xuất lại dễ dàng hơn graphene truyền thống, trong khi vẫn giữ được các đặc tính hữu ích nhất của graphene như kỵ nước.

Tận dụng đặc tính này, các nhà nghiên cứu đã phát triển một màng graphiar với kênh nano cực nhỏ, cho phép nước có thể đi qua, nhưng các chất bẩn, ô nhiễm và các phân tử lớn đều bị cản lại. Tiếp sau đó, màng graphair được đưa vào trong bộ lọc của những chiếc máy lọc hiện nay để kiểm tra lại hoạt động của nó.


Tiến sĩ Han Dong Seo và cốc nước đã được lọc sạch lấy mẫu từ Cảng Sydney.

Kết quả kiểm tra cho thấy, tốc độ lọc nước của bộ lọc đã giảm ½ khi không có màng graphair. Lý giải về điều này, các nhà khoa học cho biết, do các phân tử lớn và các chất ô nhiễm đã ngăn cản dòng nước chảy qua đó.

Còn nếu graphair được lắp thêm vào bộ lọc nước thì không chỉ tốc độ lọc nhanh hơn so với những chiếc máy lọc nước thông thường hiện nay, mà còn cho kết quả tới 99% chất ô nhiễm trong nước bị loại bỏ sau khi lọc. Trước đó, một công trình nghiên cứu khác cũng cho thấy bộ lọc có sử dụng graphene có thể cho các phân tử nước đi qua, nhưng các phân tử muối thì không qua được.

Tạo ra nước sạch chỉ bằng 1 bước đơn giản

Tiến sĩ Han Dong Seo, người đứng đầu công trình nghiên cứu, cho biết: “Công nghệ của chúng tôi có thể tạo ra nước sạch. Tất cả những gì cần thiết chỉ có nhiệt độ, graphene, một màng lọc, và một máy bơm nước nhỏ. Chúng tôi hy vọng, công nghệ mới này sẽ bắt đầu được thử nghiệm thực địa trong năm 2018, sau đó nhân rộng ra toàn thế giới, nơi có khoảng hơn 2 tỷ người đang phải sử dụng nước ô nhiễm hoặc thiếu nguồn nước sạch”.

Các phương pháp lọc nước hiện đại rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Nhưng đối với phương pháp 1 bước lọc đơn giản dùng màng graphair của các nhà khoa học Australia sẽ không chỉ tiết kiệm tiền cho người dân mà còn cho chất lượng nước tốt nhất. Chi phí lại vô cùng rẻ bởi graphair được làm ra từ thành phần chính là nguyên liệu từ dầu đậu nành tái tạo.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay trên thế giới có khoảng 2,1 tỷ người đang sử dụng nguồn nước ô nhiễm và nếu tiếp tục sử dụng sẽ gây ra nguy cơ lây truyền dịch bệnh tiêu chảy, kiết lỵ, tả, sốt rét, số xuất huyết… “Gần 1/3 dân số thế giới, tương đương 2,1 tỷ người đang không có nước uống. Do đó, hàng triệu người sẽ tử vong do các bệnh liên quan đến thiếu nước sạch, trong đó đa phần là trẻ em”, Tiến sĩ Han cho biết.

Theo moitruong.com.vn

Giải pháp mới giúp giảm thiểu ô nhiễm plastic

Các công ty trên thế giới đã phát triển loại cốc có thể phân hủy và tái chế được làm từ vật liệu tự nhiên cũng như sử dụng giải pháp dùng chất dẻo sinh học, thân thiện hơn với môi trường.

Loại cốc có thể phân hủy và tái chế được làm từ vật liệu tự nhiên

Công ty Biome Bioplastics đã phát triển loại cốc có thể phân hủy và tái chế được làm từ vật liệu tự nhiên như tinh bột khoai tây, tinh bột ngô và cellulose (thành phần chính của thành tế bào thực vật). Đây là lần đầu tiên một loại nhựa sinh học được tạo ra để sản xuất cốc (cùng với nắp đậy) dùng một lần có thể đựng nước nóng nhưng vẫn phân hủy và tái chế được hoàn toàn.

Paul Mines, Giám đốc điều hành của công ty Biome Bioplastics, nói: “Nhiều người tiêu dùng mua cốc với ý nghĩ rằng chúng có thể được tái chế. Nhưng hầu hết sản phẩm đều có cả thành phần giấy và nhựa, khiến chúng khó tái chế. Phần nắp thường được làm bằng polystyrene, hiện nay không được tái chế ở Anh.”

Giải pháp dùng chất dẻo sinh học, thân thiện hơn với môi trường

Nhiều công ty và các viện nghiên cứu khác, chẳng hạn như Full Cycle Bioplastics, Elk Packaging và Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật VTT của Phần Lan cũng đang nghiên cứu các giải pháp dùng chất dẻo sinh học, thân thiện hơn với môi trường nhưng vẫn có chức năng như plastic thông thường.

Công ty MacBebur của Toby McCartney đã phát triển các viên nhựa tái chế để làm nhựa đường. McCartney chia sẻ: “Những gì chúng tôi đang làm là giải quyết hai vấn đề trên thế giới bằng một giải pháp đơn giản – vấn đề về chất thải nhựa và những con đường bị hư hỏng.”

Tập trung vào việc xử lý các túi nhựa và bao bì

Ở San Jose, California, Jeanny Yao và Miranda Wang đang tập trung vào việc xử lý các túi nhựa và bao bì sản phẩm vốn không dễ để tái chế. “Các loại nhựa như vậy không thể tái chế ngay cả bằng những hệ thống hiện đại nhất”, Wang giải thích. Start-up của họ, BioCellection phân hủy chất dẻo không thể tái chế thành các hóa chất có thể được dùng làm nguyên liệu cho nhiều loại sản phẩm, từ áo khoác trượt tuyết đến bộ phận xe hơi.

Cô cho biết: “Chúng tôi đã xác định được một chất xúc tác làm cắt và làm mở chuỗi polymer để kích hoạt một phản ứng dây chuyền thông minh. Một khi chuỗi polymer (vốn gồm rất nhiều nguyên tử carbon) được chia thành các mảnh có ít hơn 10 nguyên tử carbon, oxy từ không khí sẽ bổ sung vào chuỗi và hình thành các axit hữu cơ, chúng được thu lại, tinh chế và sử dụng để tạo ra những sản phẩm khác.”

Theo moitruong.com.vn

Kêu gọi ngừng cung cấp tài chính cho các dự án nhiệt điện gây ô nhiễm tại Việt Nam

Tổ chức CHANGE cùng các liên minh quốc tế kêu gọi các ngân hàng của Singapore ngừng cung cấp tài chính cho các dự án nhiệt điện gây ô nhiễm tại Việt Nam.

Trong thông cáo phát đi ngày 08/02/2017, CHANGE cùng một liên minh lớn bao gồm những tổ chức môi trường quốc tế hàng đầu đại diện cho 896.341 người dân từ nhiều quốc gia đã ký vào một thư ngỏ kêu gọi những ngân hàng chủ chốt của Singapore bao gồm ngân hàng DBS, OCBC và UOB chấm dứt cung cấp tài chính cho những nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm cao tại khu vực Đông Nam Á và cùng hành động vì khí hậu. Liên minh này bao gồm Greenpeace, Walhi, Friends of the Earth, CHANGE, Market Forces, BankTrack và GreenID.

Vào ngày 26/01, Ngân hàng DBS (Singapore) đã kín đáo đưa ra một chính sách về khí hậu mới, hoàn toàn không loại trừ bất kỳ nhà máy nhiệt điện than nào trong danh sách “Unlucky 7” mà DBS có kế hoạch tài trợ ở Indonesia và Việt Nam.

Chính sách này cũng sẽ cho phép ngân hàng DBS tiếp tục hỗ trợ 7 nhà máy nhiệt điện than tiềm năng tại Việt Nam và Indonesia. Dự báo phát thải của những dự ántrên là khoảng 1,5 tỉ tấn CO2 trong toàn bộ quá trình hoạt động, tương đương với lượng phát thải của cả đất nước Singapore trong 30 năm.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Đó mới là tương lai của chúng ta, chứ không phải là những nguồn năng lượng gây ô nhiễm cũ rích đã bị phần còn lại của thế giới chối bỏ.

Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới người dân sinh sống tại hai quốc gia này, bao gồm những tổn hại tới sức khoẻ và sinh kế, thậm chí mạng sống. Theo một nghiên cứu của trường Đại học Harvard về tử vong sớm do ô nhiễm than đá, tới năm 2030, Indonesia sẽ có 24.400 ca tử vong và Việt Nam sẽ có 19.220 ca.

Sự tham gia của DBS trong việc mở rộng ngành công nhiệp năng lượng than đá cũng ảnh hưởng tới nỗ lực của các quốc gia trên toàn cầu trong việc giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C.

Như Chủ tịch Ngân hàng Thế giới – Kim Yong Jim đã phát biểu trong năm 2016: “Nếu Việt Nam tiếp tục sản xuất 40GW điện từ nhiên liệu hoá thạch, nếu toàn bộ khu vực Đông Á tiếp tục triển khai các kế hoạch phát triển nhiệt điện than như hiện nay, tôi nghĩ chúng ta “xong đời”. Ngân hàng DBS, với việc hỗ trợ tài chính cho nhiệt điện than với tổng công suất 9,4GW sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình tới kết cục bi thảm này.

Bình luận về thông tin này, bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc CHANGE nói: “Có vẻ như ngân hàng DBS nghĩ rằng chỉ có người dân Châu Âu thì mới xứng đáng được hưởng không khí và năng lượng sạch, trong khi người dân ở Việt Nam và Indonesia thì phải chịu ô nhiễm và những công nghệ sử dụng nhiên liệu hoá thạch đã lỗi thời. Cái lối suy nghĩ theo tiêu chuẩn kép thế này thật sự là một điều xúc phạm đối với chúng tôi, những người mong muốn có cơ hội được phát triển sạch và tránh những sai lầm mà thế giới phương Tây đã mắc phải khi phải dùng năng lượng bẩn.”

“Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Đó mới là tương lai của chúng ta, chứ không phải là những nguồn năng lượng gây ô nhiễm cũ rích đã bị phần còn lại của thế giới chối bỏ”

Hindun Mulaika, Trưởng nhóm Chiến Dịch Khí hậu và Năng Lượng, Greenpeace Đông Nam Á – Indonesia nói: “DBS đã hỗ trợ tài chính cho một số dự án năng lượng gây ô nhiễm và tranh cãi tại Indonesia, trong đó có thể kể đến nhà máy nhiệt điện Paiton 3 và Trung Java (ở Batang), và đang tìm kiếm thêm những thoả thuận tương tự trong tương lai. Những dự án này là thảm hoạ cho khí hậu, cho ô nhiễm và cho danh tiếng của DBS. Để xứng với cái danh là một ngân hàng cam kết đóng góp cho một tương lai lành mạnh cho khu vực, họ cần phải dừng việc cấp tài chính cho ngành than đá, cũng như hỗ trợ chúng ta bằng cách đầu tư vào năng lượng sạch.”

Julien Vincent, Giám Đốc Điều Hành của Market Forces nói: “Kế hoạch tài chính cho ngành than đá của DBS là một rủi ro khi nó đúng như một lời nhạo báng đối với tuyên bố mới đây của Chính phủ Singapore rằng 2018 là “Năm Hành Động vì Khí Hậu. Thực tế là DBS đang chuẩn bị cung cấp tài chính cho một nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm lớn ở Việt Nam, nhà máy nhiệt điện than Nghi Sơn 2, chỉ vài tuần sau khi ban hành chính sách này, cho thấy chính sách đó đã không đạt kết quả mong muốn.”

Cùng với việc gửi thư ngỏ, liên minh trên cũng tiến hành nhiều hoạt động khác để vận động cộng đồng quốc tế cùng lên tiếng phản đối những dự án gây ô nhiễm của các ngân hàng Singapore tại các nước đang phát triển tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm các hoạt động truyền thông, và công bố một nghiên cứu về hoạt động cung cấp tài chính cho ngành than đá của các ngân hàng Singapore.

Theo nghiên cứu này, từ năm 2012, các ngân hàng này đã cung cấp 2,29 tỉ đô la Mỹ cho các dự án nhà máy nhiệt điện, cảng chở than và mỏ khai thác than trên toàn cầu và sắp tới sẽ còn cung cấp cho nhiều dự án nữa. Riêng ở Việt Nam và Indonesia, chỉ riêng ngân hang DBS đã cho vay và tư vấn tài chính cho các nhà máy nhiệt điện với tổng công suất 8,8 GW.

“Liên minh này cũng đã tới gặp làm việc với ngân hàng DBS, để chuyển tiếng nói của cộng đồng quốc tế, cũng như của chính những người dân sinh sống tại Việt Nam và Indonesia tới lãnh đạo của ngân hàng này. Tôi nghĩ, cộng đồng quốc tế mà còn quan tâm tới sức khoẻ và môi trường của Việt Nam như vậy, thì chúng ta không có lý gì để đứng ngoài chiến dịch này. Tôi hy vọng mọi người sẽ cùng tham gia với chúng tôi trong việc kêu gọi ngân hàng DBS đầu tư vào năng lượng sạch cho Việt Nam thay vì đầu tư vào các dự án gây ô nhiễm”, bà Hoàng Thị Minh Hồng chia sẻ.

Hoạt động lần này nằm trong khuôn khổ chiến lược dài hạn của CHANGE liên quan đến việc phản đối xây mới và cung cấp tài chính cho các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam.

Trong thời gian sắp tới, CHANGE sẽ tiếp tục thực hiện hàng loạt các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức công chúng về nhiệt điện than và các tác động của nhiệt điện than, bao gồm: truyền thông mạng xã hội, sản xuất phim tài liệu và ấn phẩm truyền thông, tổ chức các cuộc thi vẽ tranh tường, tổ chức hội thảo, tổ chức tập huấn cho nhà báo và giới trẻ.

Theo moitruong.com.vn