Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy

Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (tiếng Anh: Stockholm Convention on Persistent Organic Pollutants) là hiệp ước quốc tế về môi trường, được ký vào năm 2001 và có hiệu lực kể từ tháng 5 năm 2004.

Công ước Stockholm có mục đích loại bỏ hoặc hạn chế sản xuất và sử dụng các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (persistent organic pollutant – POP).

Năm 1995, Hội đồng điều hành Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) lên tiếng kêu gọi hành động mang tính toàn cầu để đối phó với POP – những chất hóa học được định nghĩa là “khó phân hủy trong môi trường, tích tụ sinh học qua lưới thức ăn và gây nguy cơ tác động có hại cho sức khỏe con người và môi trường.”

Sau lời kêu gọi này, Diễn đàn liên chính phủ về An toàn hóa chất (Intergovernmental Forum on Chemical Safety – IFCS) và Chương trình quốc tế về An toàn hóa chất (International Programme on Chemical Safety – IPCS) đã chuẩn bị một bản đánh giá 12 hóa chất được xem là gây hại nhiều nhất.

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Stockholm vào ngày 22/7/2002.

Từ tháng 6/1998 đến tháng 12/2000, năm cuộc họp diễn ra để sửa soạn cho Công ước mới. Ngày 22-23 tháng 5/2011, các phái đoàn đến dự hội nghị (tập hợp các đại diện toàn quyền) diễn ra ở Stockholm, Thụy Điển đã thông qua Công ước về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy. Những cuộc thương thảo cũng hoàn tất vào ngày 23/5. Công ước có hiệu lực kể từ ngày 17/5/2004 với sự phê chuẩn ban đầu của 151 bên ký kết. Họ tán thành loại bỏ chín trong số 12 hóa chất được đề xuất, giới hạn sử dụng chất DDT trong công tác kiểm soát sốt rét và cắt giảm việc vô ý tạo ra chất điôxin và furan.

Các bên tham gia cũng đồng ý với quy trình xem xét và bổ sung các hợp chất độc hại khó phân hủy khác vào Công ước nếu chúng thỏa các tiêu chí về mức độ khó phân hủy và mức gây hại đến nhiều quốc gia. Danh sách bổ sung lần đầu được tán thành tại cuộc họp diễn ra ở Genève, Thụy Sĩ vào ngày 8/5/2009.

Tính đến tháng 5/2013, có 179 bên đã tham gia Công ước Stockholm (gồm 178 quốc gia và Liên minh châu Âu). Song vẫn có một số nước chưa phê chuẩn Công ước, chẳng hạn Hoa Kỳ, Israel, Iraq, Italia và Malaysia.

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Stockholm vào ngày 22/7/2002.

Tóm tắt các điều khoản

Nội dung chính của Công ước là việc yêu cầu các nước phát triển phải cung cấp mới cũng như bổ sung các nguồn tài chính và biện pháp nhằm xóa bỏ hoạt động sản xuất và sử dụng các POP, xóa bỏ việc vô ý tạo ra các POP nếu được, quản lý và tiêu hủy chất thải POP theo cách an toàn cho môi trường. Công ước cũng dự liệu việc bổ sung các chất mới vào danh sách thông qua việc ghi chú trong phần mở đầu.

Ủy ban Xem xét Các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy

Công ước có điều khoản về quy trình nhận diện các POP để bổ sung vào Công ước và tiêu chí để xem xét đánh giá theo. Lần họp thứ nhất của Hội nghị các bên (COP1) diễn ra ở Punta del Este, Uruguay từ ngày 2-6/5/2005 đã lập ra Ủy ban Xem xét Các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (Persistent Organic Pollutants Review Committee – POPRC) với nhiệm vụ cân nhắc bổ sung các POP khác vào Công ước.

Thành phần Ủy ban này gồm 31 chuyên gia được các bên tham gia Công ước đề cử, lấy từ năm nhóm vùng thuộc Liên Hiệp Quốc. Ủy ban sẽ xem xét bổ sung chất mới theo ba giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất, Ủy ban xác định xem liệu chất đó có thỏa các tiêu chí được ghi trong phụ lục D của Công ước hay không (gồm tính khó phân hủy, tính tích tụ sinh học, tiềm năng lan truyền quy mô rộng trong môi trường – LRET, và độc tính). Nếu thấy thỏa mãn, Ủy ban sẽ thảo ra hồ sơ nháp về nguy cơ của chất đó theo phụ lục E nhằm đánh giá chất đó có nguy cơ gây tổn hại đáng kể đối với sức khỏe con người và/hoặc gây tác động môi trường hay không, từ đó cần hành động trên quy mô toàn cầu hay không.

Cuối cùng, nếu Ủy ban nhận thấy cần thiết phải có hành động toàn cầu thì họ sẽ lập bản đánh giá quản lý rủi ro theo phụ lục F nhằm phản ánh các đánh giá về kinh tế – xã hội song hành cùng việc nêu ra các biện pháp có thể có để kiểm soát chất đó. Dựa trên bản đánh giá này, Ủy ban ra quyết định khuyến nghị liệt kê bổ sung chất đó vào một hay nhiều phụ lục của Công ước. Ủy ban này đều tổ chức họp hàng năm ở Genève tính từ khi thành lập đến nay.

VNCPC

Nghị định thư Kyoto là gì?

Nghị định thư Kyoto là một thỏa thuận về việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gắn liền với Chương trình Khung Liên hiệp quốc về Biến đổi Khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change – UNFCCC).

Nghị định thư buộc các nước tham gia phải cam kết đạt được các mục tiêu về thải khí nhà kính được xác định cụ thể cho từng nước. Nghị định thư được hoàn tất và mở ký vào ngày 11/12/1997 tại Kyoto, Nhật Bản. Nghị định thư quy định trước khi có hiệu lực Nghị định thư phải được phê chuẩn bởi ít nhất 55 quốc gia và các quốc gia này phải chịu trách nhiệm ít nhất đối với 55% tổng lượng khí thải toàn cầu. Các điều kiện này đã được thỏa mãn khi Liên bang Nga phê chuẩn Nghị định thư. Vì vậy, Nghị định thư chính thức bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16/02/2005. Tính đến tháng 02/2009, đã có 184 quốc gia tham gia vào Nghị định thư Kyoto. Việt Nam ký Nghị định thư vào ngày 03/12/1998 và phê chuẩn vào ngày 25/9/2002.

Nội dung chính của Nghị định thư Kyoto là đưa ra các mục tiêu mang tính bắt buộc đối với 37 nước công nghiệp trên thế giới và Liên minh Châu Âu (EU) về việc giảm lượng khí thải nhà kính. Theo đó, các nước này đến năm 2012 phải giảm lượng phát thải khí nhà kính, chủ yếu là carbon dioxide, ít nhất 5% so với mức phát thải năm 1990. Mức giảm cụ thể áp dụng cho từng quốc gia thay đổi khác nhau. Ví dụ, các nước EU là 8%, Mỹ 7%, Nhật Bản 6%, Australia 8%, trong khi New Zealand, Nga và Ucraina được duy trì mức phát thải hiện tại. Riêng một số quốc gia vốn có lượng phát thải khí nhà kính thấp được phép tăng lượng phát thải, như Na Uy được tăng 1% hay Iceland 10%.

Việt Nam ký Nghị định thư vào ngày 03/12/1998 và phê chuẩn vào ngày 25/9/2002.

Các nước tham gia vào Nghị định thư Kyoto phải chịu sự giám sát và quản lý bởi các nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc về lượng khí thải cắt giảm. Các quốc gia được chia làm hai nhóm: nhóm các nước phát triển thuộc Phụ lục I của Nghị định thư, buộc phải có bản đệ trình thường niên về các hành động cắt giảm khí thải; và nhóm các nước đang phát triển nằm ngoài Phụ lục I của Nghị định thư, bao gồm đa số các nước đang phát triển và cả một số nền kinh tế lớn mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil. Những nước này ít chịu ràng buộc hơn so với các nước thuộc nhóm Annex I.

Nghị định thư Kyoto yêu cầu các quốc gia tham gia cam kết thực hiện các mục tiêu nêu trên thông qua ba cơ chế chính được đưa ra trong Hiệp định Marrakesh (Marrakesh Accord) được thông qua năm 2001, bao gồm (1) Cơ chế thị trường khí thải, hay còn gọi là thương mại khí thải; (2) Cơ chế phát triển sạch; và (3) Cơ chế đồng thực hiện.

Theo đó, thông qua cơ chế thị trường khí thải, các quốc gia có hạn ngạch phát thải dư thừa có thể bán hạn ngạch này cho những nước có lượng phát thải vượt mức cho phép. Cơ chế phát triển sạch cho phép các quốc gia phát triển tài trợ cho các dự án giúp giảm lượng phát thải tại các nước đang phát triển, qua đó các nước tài trợ sẽ được gia tăng lượng hạn ngạch phát thải ở nước mình. Đây được xem như một công cụ hiệu quả nhằm giúp các nước đang phát triển tham gia vào Nghị định thư Kyoto, giúp nâng cao năng lực công nghệ ở các quốc gia này, đồng thời giải quyết được bài toán lợi ích giữa kinh tế và môi trường tại các quốc gia phát triển. Tương tự, cơ chế đồng thực hiện cũng cho phép một quốc gia thành viên tự thực hiện một dự án ở một quốc gia thành viên khác và qua đó giành được thêm hạn ngạch phát thải ở nước mình.

Nghị định thư Kyoto cũng được cho là một trong những tiền đề hình thành nên khái niệm “ngoại giao khí hậu”, vốn xuất hiện trong khoảng 7 đến 8 năm trở lại đây, khi các diễn biễn phức tạp của khí hậu cùng các hệ quả của nó gây ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ quốc tế. Những quốc gia công nghiệp và các nước phát triển được cho là “thủ phạm” chính gây ra sự biến đổi khí hậu (đứng đầu là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản), tuy nhiên lại không phải là những nước gánh chịu hậu quả nặng nề nhất, mà lại là các quốc gia đang phát triển. Các nước phát triển dù cam kết đi đầu trong việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính theo Nghị định thư, nhưng thực tế lại tìm nhiều cách lảng tránh vấn đề như trì hoãn phê chuẩn, thực hiện, đưa những dây chuyền công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm sang các nước đang phát triển.

Đặc biệt, Mỹ là quốc gia công nghiệp chiếm đến 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới nhưng lại không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto vì cho rằng điều này sẽ gây thiệt hại đối với kinh tế Mỹ. Thay vào đó, chính phủ Mỹ năm 2001 đã cam kết sẽ thực thi kế hoạch của Tổng thống George W. Bush về tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng trong 10 năm (2002-2012), đưa nồng độ carbon trong các ngành công nghiệp Mỹ giảm 18%.

Biến đổi khí hậu hiện nay được xếp vào hàng “an ninh phi truyền thống”, được dự báo là có thể trở thành thách thức lớn nhất với hòa bình và an ninh thế giới, hơn cả chủ nghĩa khủng bố. Hậu quả của biến đổi khí hậu (các thảm họa thiên nhiên, các vấn đề môi trường…) có thể làm thay đổi nguồn phân bổ tài nguyên, dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực, an ninh năng lượng và làm bùng nổ các làn sóng di cư, gây xung đột và làm bất ổn chính trị xã hội.

Từ năm 2009, Liên Hiệp Quốc cùng các nhà lãnh đạo thế giới đã gia tăng hợp tác và bàn thảo một thỏa thuận môi trường thay thế Nghị định thư Kyoto (sẽ hết hiệu lực vào năm 2012). Tuy nhiên, trải qua không ít các vòng đàm phán liên tiếp, các nước vẫn chưa đi đến một sự đồng thuận nào về vấn đề này, do còn nhiều khác biệt về lợi ích (đặc biệt là xung đột lơi ích giữa môi trường và kinh tế) giữa các quốc gia.

VNCPC

Phát triển bền vững có những tiêu chí gì?

Phát triển bền vững là một phương thức phát triển tổng hợp đa ngành, liên ngành, thành chương trình hành động với nhiều tiêu chí ngày càng được cụ thể và rõ nét. Phát triển bền vững, mang tính tất yếu và là mục tiêu cao đẹp của quá trình phát triển.

Phát triển bền vững là mối quan tâm trên phạm vi toàn cầu. Trong tiến trình phát triển của thế giới, mỗi khu vực và quốc gia xuất hiện nhiều vấn đề bức xúc mang tính phổ biến. Kinh tế càng tăng trưởng thì tình trạng khan hiếm các loại nguyên nhiên liệu, năng lượng do sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên không tái tạo được càng tăng thêm, môi trường thiên nhiên càng bị hủy hoại, cân bằng sinh thái bị phá vỡ, thiên nhiên gây ra những thiên tai vô cùng thảm khốc.

Đó là sự tăng trưởng kinh tế không cùng nhịp với tiến bộ và phát triển xã hội. Có tăng trưởng kinh tế nhưng không có tiến bộ và công bằng xã hội; tăng trưởng kinh tế nhưng văn hóa, đạo đức bị suy đồi; tăng trưởng kinh tế làm dãn cách hơn sự phân hóa giàu nghèo, dẫn tới sự bất ổn trong xã hội. Vì vậy, quá trình phát triển cần có sự điều tiết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo đảm an ninh xã hội và bảo vệ môi trường hay phát triển bền vững đang trở thành yêu cầu bức thiết đối với toàn thế giới.

Khái niệm phát triển bền vững

Năm 1980, trong bản “Chiến lược bảo tồn thế giới” do Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN-International Union for Conservation of Nature and Natural Resources) đã đưa ra mục tiêu của phát triển bền vững là “đạt được sự phát triển bền vững bằng cách bảo vệ các tài nguyên sinh vật” và thuật ngữ phát triển bền vững ở đây được đề cập tới với một nội dung hẹp, nhấn mạnh tính bền vững của sự phát triển về mặt sinh thái, nhằm kêu gọi việc bảo tồn các tài nguyên sinh vật.

Năm 1987, trong Báo cáo “Tương lai chung của chúng ta”, Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED-World Commission on Environment and Development) của Liên hợp quốc, “phát triển bền vững” được định nghĩa là “Sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn thương khả năng cho việc đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”.

Quan niệm này chủ yếu nhấn mạnh khía cạnh sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo đảm môi trường sống cho con người trong quá trình phát triển. Phát triển bền vững là một mô hình chuyển đổi mà nó tối ưu các lợi ích kinh tế và xã hội trong hiện tại nhưng không hề gây hại cho tiềm năng của những lợi ích tương tự trong tương lai (Godian và Hecdue, 1988, GS. Grima Lino).

Nội hàm về phát triển bền vững được tái khẳng định ở Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazil) năm 1992 và được bổ sung, hoàn chỉnh tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững tổ chức ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002: “Phát triển bền vững” là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa 3 mặt của sự phát triển, gồm: phát triển kinh tế (nhất là tăng trưởng kinh tế), phát triển xã hội (nhất là thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm) và bảo vệ môi trường (nhất là xử lý, khắc phục ô nhiễm, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; phòng chống cháy và chặt phá rừng; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên).

Quan niệm về phát triển bền vững dần được hình thành từ thực tiễn đời sống xã hội và có tính tất yếu. Tư duy về phát triển bền vững bắt đầu từ việc nhìn nhận tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và tiếp đó là nhận ra sự cần thiết phải giải quyết những bất ổn trong xã hội. Năm 1992, Hội nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc được tổ chức ở Rio de Janeiro đề ra Chương trình nghị sự toàn cầu cho thế kỷ XXI, theo đó, phát triển bền vững được xác định là: “Một sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của thế hệ tương lai”.

Về nguyên tắc, phát triển bền vững là quá trình vận hành đồng thời ba bình diện phát triển: kinh tế tăng trưởng bền vững, xã hội thịnh vượng, công bằng, ổn định, văn hoá đa dạng và môi trường được trong lành, tài nguyên được duy trì bền vững. Do vậy, hệ thống hoàn chỉnh các nguyên tắc đạo đức cho phát triển bền vững bao gồm các nguyên tắc phát triển bền vững trong cả “ba thế chân kiềng” kinh tế, xã hội, môi trường.

Cho tới nay, quan niệm về phát triển bền vững trên bình diện quốc tế có được sự thống nhất chung và mục tiêu để thực hiện phát triển bền vững trở thành mục tiêu thiên niên kỷ.

Tiêu chí của phát triển bền vững

Thứ nhất, phát triển bền vững về kinh tế là phát triển nhanh và an toàn, chất lượng. Phát triển bền vững về kinh tế đòi hỏi sự phát triển của hệ thống kinh tế trong đó cơ hội để tiếp xúc với những nguồn tài nguyên được tạo điều kiện thuận lợi và quyền sử dụng những nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các hoạt động kinh tế được chia sẻ một cách bình đẳng. Yếu tố được chú trọng ở đây là tạo ra sự thịnh vượng chung cho tất cả mọi người, không chỉ tập trung mang lại lợi nhuận cho một số ít, trong một giới hạn cho phép của hệ sinh thái cũng như không xâm phạm những quyền cơ bản của con người.

Khía cạnh phát triển bền vững về kinh tế gồm một số nội dung cơ bản: Một là, giảm dần mức tiêu phí năng lượng và các tài nguyên khác thông qua công nghệ tiết kiệm và thay đổi lối sống; Hai là, thay đổi nhu cầu tiêu thụ không gây hại đến đa dạng sinh học và môi trường; Ba là, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn tài nguyên, mức sống, dịch vụ y tế và giáo dục; Bốn là, xóa đói, giảm nghèo tuyệt đối; Năm là, công nghệ sạch và sinh thái hóa công nghiệp (tái chế, tái sử dụng, giảm thải, tái tạo năng lượng đã sử dụng).

Nền kinh tế được coi là bền vững cần đạt được những yêu cầu sau: (1) Có tăng trưởng GDP và GDP đầu người đạt mức cao. Nước phát triển có thu nhập cao vẫn phải giữ nhịp độ tăng trưởng, nước càng nghèo có thu nhập thấp càng phải tăng trưởng mức độ cao. Các nước đang phát triển trong điều kiện hiện nay cần tăng trưởng GDP vào khoảng 5%/năm thì mới có thể xem có biểu hiện phát triển bền vững về kinh tế. (2) Cơ cấu GDP cũng là tiêu chí đánh giá phát triển bền vững về kinh tế. Chỉ khi tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP cao hơn nông nghiệp thì tăng trưởng mới có thể đạt được bền vững. (3) Tăng trưởng kinh tế phải là tăng trưởng có hiệu quả cao, không chấp nhận tăng trưởng bằng mọi giá.

Thứ hai, phát triển bền vững về xã hội được đánh giá bằng các tiêu chí, như HDI, hệ số bình đẳng thu nhập, các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội, hưởng thụ văn hóa. Ngoài ra, bền vững về xã hội là sự bảo đảm đời sống xã hội hài hòa; có sự bình đẳng giữa các giai tầng trong xã hội, bình đẳng giới; mức độ chênh lệch giàu nghèo không quá cao và có xu hướng gần lại; chênh lệch đời sống giữa các vùng miền không lớn.

Công bằng xã hội và phát triển con người, chỉ số phát triển con người (HDI) là tiêu chí cao nhất về phát triển xã hội, bao gồm: thu nhập bình quân đầu người; trình độ dân trí, giáo dục, sức khỏe, tuổi thọ, mức hưởng thụ về văn hóa, văn minh.

Phát triển bền vững về xã hội chú trọng vào sự công bằng và xã hội luôn cần tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực phát triển con người và cố gắng cho tất cả mọi người cơ hội phát triển tiềm năng bản thân và có điều kiện sống chấp nhận được. Phát triển bền vững về xã hội gồm một số nội dung chính: Một là, ổn định dân số, phát triển nông thôn để giảm sức ép di dân vào đô thị; Hai là, giảm thiểu tác động xấu của môi trường đến đô thị hóa; Ba là, nâng cao học vấn, xóa mù chữ; Bốn là, bảo vệ đa dạng văn hóa; Năm là, bình đẳng giới, quan tâm tới nhu cầu và lợi ích giới; Sáu là, tăng cường sự tham gia của công chúng vào các quá trình ra quyết định.

Thứ ba, phát triển bền vững về môi trường. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp, du lịch; quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới,… đều tác động đến môi trường và gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, điều kiện tự nhiên. Bền vững về môi trường là khi sử dụng các yếu tố tự nhiên đó, chất lượng môi trường sống của con người phải được bảo đảm. Đó là bảo đảm sự trong sạch về không khí, nước, đất, không gian địa lý, cảnh quan. Chất lượng của các yếu tố trên luôn cần được coi trọng và thường xuyên được đánh giá kiểm định theo những tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế.

Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng môi trường sống. Phát triển bền vững về môi trường đòi hỏi chúng ta duy trì sự cân bằng giữa bảo vệ môi trường tự nhiên với sự khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ lợi ích con người nhằm mục đích duy trì mức độ khai thác những nguồn tài nguyên ở một giới hạn nhất định cho phép môi trường tiếp tục hỗ trợ điều kiện sống cho con người và các sinh vật sống trên trái đất.

Phát triển bền vững về môi trường gồm những nội dung cơ bản: Một là, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không tái tạo; Hai là, phát triển không vượt quá ngưỡng chịu tải của hệ sinh thái; Ba là, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ tầng ôzôn; Bốn là, kiểm soát và giảm thiểu phát thải khí nhà kính; Năm là, bảo vệ chặt chẽ các hệ sinh thái nhạy cảm; Sáu là, giảm thiểu xả thải, khắc phục ô nhiễm (nước, khí, đất, lương thực thực phẩm), cải thiện và khôi phục môi trường những khu vực ô nhiễm…

Tình hình phát triển bền vững ở Việt Nam

Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 – 2020 nhằm mục tiêu tăng trưởng bền vững, có hiệu quả, đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, giữ vững ổn định chính trị – xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Các chỉ tiêu giám sát và đánh giá phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 gồm: các chỉ tiêu tổng hợp (GDP xanh, chỉ số phát triển con người, chỉ số bền vững môi trường); Chỉ tiêu về kinh tế (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, năng suất lao động xã hội, mức giảm tiêu hao năng lượng để sản xuất ra một đơn vị GDP, chỉ số giá tiêu dùng, cán cân vãng lai…); Chỉ tiêu về xã hội (tỷ lệ nghèo, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo, tỷ số giới tính khi sinh, hệ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập…); Chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường (tỷ lệ che phủ rừng, tỷ lệ đất được bảo vệ, diện tích đất bị thoái hoá…).

Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2011 – 2020 được cụ thể hóa bằng những mục tiêu cơ bản:

Về kinh tế, cần duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; phát triển bền vững các vùng và địa phương. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 đạt trung bình 7%/năm, nâng mức thu nhập bình quân đầu người hằng năm tính theo GDP tăng lên 3.200 – 3.500 USD (so với mức 2.100 USD năm 2015). Lạm phát giữ ở mức dưới 5%.

Về xã hội, tập trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo theo hướng bền vững; tạo việc làm bền vững; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm, riêng các huyện nghèo giảm trên 4%/năm. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; năm 2014 đã có 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, trên 8,5 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, trên 72% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Đời sống nhân dân được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.052 USD/người (2014). Tuổi thọ trung bình đạt 73,5 tuổi (2015). Hoàn thành nhiều mục tiêu Thiên niên kỷ. Ổn định quy mô, cải thiện và nâng cao chất lượng dân số; phát triển văn hoá hài hoà với phát triển kinh tế, xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam; phát triển bền vững các đô thị, xây dựng nông thôn mới, phân bố hợp lý dân cư và lao động theo vùng; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để nâng cao dân trí và trình độ nghề nghiệp thích hợp với yêu cầu của sự phát triển đất nước, vùng và địa phương;…

Về tài nguyên và môi trường, chống thoái hoá, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất; bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản; bảo vệ môi trường biển, ven biển, hải đảo và phát triển tài nguyên biển; bảo vệ và phát triển rừng; giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn ở các đô thị lớn và khu công nghiệp…

Việc triển khai tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi tiếp tục cho phát triển bền vững giai đoạn tới, thể hiện ở các điểm sau:

Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 6 năm đạt gần 7% giai đoạn 2006 – 2011; GDP bình quân đầu người đạt 2.100 USD (2015). Cơ cấu kinh tế cũng có những bước tiến triển tích cực, tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu GDP ngày càng tăng, khu vực nông nghiệp trong cơ cấu GDP ngày càng giảm. An ninh lương thực được bảo đảm. Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực kinh tế đã góp phần tích cực vào việc phát triển bền vững các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, kinh tế giai đoạn 2011 – 2015 phục hồi chậm, tăng trưởng chưa đạt mục tiêu đề ra (5,82%), thấp hơn các giai đoạn trước, chất lượng tăng trưởng thấp. Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP-Total Factor Productivity) vào tăng trưởng còn hạn chế, hệ số sử dụng vốn (ICOR- Incremental Capital – Output Ratio) cao. Năng lực cạnh tranh quốc gia chưa được cải thiện nhiều, nhất là về thể chế kinh tế, kết cấu hạ tầng và đổi mới công nghệ.

Về xã hội: sự nghiệp giáo dục có bước phát triển, chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo đạt tới 20% tổng chi ngân sách; đến năm 2011, tất cả các tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn giáo dục trung học cơ sở. Giải quyết việc làm đạt kết quả tích cực: trong 6 năm (2006 – 2011), đã giải quyết được việc làm cho hơn 9 triệu lao động. Năm 2012 đã tạo việc làm mới cho hơn 1,5 triệu người; năm 2013, phấn đấu tạo việc làm cho 1,6 triệu người; tuyển mới dạy nghề cho 1,9 triệu người; thực hiện chiến lược dạy nghề gắn với tạo việc làm.

Năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị là 3,53%, ở khu vực nông thôn là 1,55%. Công tác xóa đói, giảm nghèo có nhiều tiến bộ, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,6% và đến cuối năm 2013 ước còn 7,6%. Năm 2012, Việt Nam xếp thứ 127 trên tổng số 187 nước và vùng lãnh thổ về HDI và được xếp vào nhóm có tốc độ tăng chỉ số HDI cao. Việt Nam hoàn thành 6/8 nhóm Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) do Liên hợp quốc đặt ra cho các nước đang phát triển đến năm 2015.

Vấn đề môi trường trong giai đoạn 2011 – 2015 đã được chú trọng hơn. Việc bảo vệ tài nguyên, môi trường đã đi vào nền nếp. Bằng những chính sách hợp lý, các giải pháp quyết liệt, vấn đề bảo vệ môi trường sống, chống ô nhiễm các nguồn nước, không khí đã được tất cả các địa phương, các ngành và các tầng lớp nhân dân đồng thuận và cùng tham gia. Công tác trồng rừng, bảo vệ rừng được quan tâm hơn nên tình trạng cháy và chặt phá rừng đã giảm đi.

Định hướng mục tiêu phát triển kinh tế bền vững giai đoạn 2016 – 2020 của Việt Nam

Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 – 7%/năm. Đến năm 2020: GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 – 3.500 USD. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 – 34% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4% GDP. Yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 25 – 30%. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng 4 – 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 – 1,5%/năm. Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2020 đạt 38 – 40%.

Về xã hội: Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 35 – 40% (2020). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 – 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25 – 26%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Mục tiêu có 10 bác sĩ và trên 26 giường bệnh trên 1 vạn dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,3 – 1,5%/năm. Phấn đấu đến năm 2020 sẽ không còn hộ gia đình nghèo với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày.

Về môi trường: Phấn đấu đến năm 2020 đạt 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 80 – 85% chất thải nguy hại, 95 – 100% chất thải y tế được xử lý. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 44 – 45%.

Theo PGS.TS Phạm Thị Thanh Bình/tapchicongsan.org.vn

Sản xuất sạch đã được triển khai như thế nào trên toàn quốc?

10 năm vừa qua, công tác triển khai áp dụng SXSH tại Việt Nam đã có được những thành công đáng kể. Mặc dù vậy, việc triển khai SXSH vào thực tiễn quản lý môi trường trong công nghiệp vẫn còn rất nhiều tồn tại và thách thức. 

Từ tháng 8 năm 2010 đến tháng 2 năm 2011, Hợp phần Sản xuất sạch hơn trong Công nghiệp (CPI) đã thực hiện khảo sát số liệu nền cho các mục tiêu trong chiến lược sản xuất sạch hơn với 63 Sở Công Thương và 9012 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên toàn quốc và thu được kết quả như sau:

Kết quả thực hiện đến năm 2015

Về việc đáp ứng mục tiêu 1 của chiến lược: Tỷ lệ cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức về SXSH

Kết quả khảo sát năm 2015, có 55% doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có biết về SXSH và lợi ích của SXSH với mức độ nhận thức khác nhau, từ việc nghe nói đến SXSH đến việc thực hiện áp dụng SXSH và thu được kết quả giảm định mức tiêu thụ nguyên, nhiên liệu đáp ứng mục tiêu chiến lược.

92% các doanh nghiệp có nhận thức về lợi ích của việc áp dụng SXSH đều nhận thức được lợi ích kinh tế và môi trường của việc áp dụng SXSH. Số còn lại (8%) mới nhận thức được SXSH mang lại lợi ích môi trường cho doanh nghiêp. Kêt quả khảo sát cũng cho thấy SXSH được biết đến tại tất cả các ngành sản xuất công nghiệp khảo sát (Mỏ và khai khoáng, thực phẩm và đồ uống, công nghiệp nhẹ, hóa chất, vật liệu xây dựng, luyện kim, thiết bị, tái chế, tài nguyên), không phân biệt quy mô (nhỏ, trung bình, lớn).

Về việc đáp ứng mục tiêu 2 của chiến lược: 25% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn, giảm được tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm

Kết quả khảo sát năm 2015, có 32% doanh nghiệp cho biết có áp dụng SXSH, trong số đó có 24% cho biết đã giảm được tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm và 8% cho biết chưa thu được lợi ích nào rõ rệt. Nhóm 8% doanh nghiệp này có thể không sẵn sàng cung cấp thông tin về mức tiêu hao nguyên nhiên liệu do ảnh hưởng đến tính cạnh tranh.

Do quá trình khảo sát không thu được thêm thông tin xác minh bổ sung về lợi ích khi áp dụng SXSH với các doanh nghiệp cho biết đã áp dụng SXSH, cho biết chưa thu được lợi ích tiết kiệm rõ rệt nhưng vẫn cho biết lợi ích của SXSH là kinh tế và môi trường, tỷ lệ 24% doanh nghiệp áp dụng SXSH và giảm được tiêu thụ năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị trong thực tế có thể lớn hơn so với kết quả tổng hợp ở trên.

Về việc đáp ứng mục tiêu 3 của chiến lược: Giảm 5-8% năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm

Kết quả khảo sát năm 2015, kết quả thực hiện mục tiêu này đa dạng, từ 0 đến 99% và ở tất cả các lĩnh vực nguyên liệu, hóa chất, điện, nước, than, dầu…. Tính đến thời điểm khảo sát, có 34% doanh nghiệp cho biết việc áp dụng SXSH đã giúp doanh nghiệp giảm tiêu thụ năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm từ 5% trở lên, số 66% doanh nghiệp còn lại có mức giảm tiêu thụ năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm chưa rõ rệt hoặc dưới 5%.

Để tăng tỷ lệ doanh nghiệp giảm mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm trong các năm tiếp theo, hoạt động hướng dẫn SXSH của Sở Công Thương và các đơn vị tư vấn nên được hỗ trợ và tăng cường bằng các danh mục giải pháp tiết kiệm nước, điện, than, dầu thông thường, đồng thời tăng cường việc thực hiện các mô hình SXSH với các hỗ trợ tài chính đầu tư công nghệ.

Về việc thực hiện mục tiêu 4 của chiến lược: 90% doanh nghiệp vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về hoạt động sản xuất sạch hơn trong giai đoạn 2016-2020

Mục tiêu này cần được định nghĩa rõ hơn để thuận tiện cho việc đo lường kết quả thực hiện trong thời gian tới cũng như xác định các hoạt động phù hợp để thực hiện mục tiêu.

Về việc thực hiện mục tiêu 5 của chiến lược: 70% Sở Công Thương có cán bộ chuyên trách có đủ năng lực hướng dẫn SXSH trong công nghiệp

Kết quả khảo sát năm 2015, có 73% Sở Công Thương có cán bộ chuyên trách có năng lực hướng dẫn sản xuất sạch hơn cho công nghiệp với các năng lực tương đối khác nhau, bao gồm 25% Sở Công Thương có cán bộ vừa được đào tạo thực hành hướng dẫn doanh nghiệp, vừa có hoạt động thực tế hướng dẫn doanh nghiệp tại địa phương và 48% Sở Công Thương hoặc là có cán bộ được đào tạo thực hành hướng dẫn doanh nghiệp, hoặc là có hoạt động thực tế hướng dẫn doanh nghiệp.

Để chất lượng hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng SXSH được nâng cao, qua đó tăng mức tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu cho các doanh nghiệp công nghiệp, trong thời gian tới cần có thêm các hoạt động tập huấn thực hành cho các cán bộ của Sở Công Thương, đặc biệt là các cán bộ được chỉ định làm đầu mối SXSH tại địa phương, cũng như tạo điều kiện và kinh phí cho các cán bộ này thu nhận thêm kinh nghiệm thực tế sau tập huấn về hướng dẫn SXSH, không chỉ là đánh giá nhanh mà còn bao gồm cả đánh giá chi tiết và triển khai mô hình SXSH.

Theo Sxsh.vn

Làm sao để duy trì hiệu quả chương sản xuất sạch hơn bền vững?

Quả thật, không thể phủ nhận những hiệu quả mà chương trình sản xuất sạch hơn (SXSH) mang lại cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, làm sao để duy trì hiệu quả chương trình một cách bền vững vẫn không phải là việc dễ dàng.

Mặc dù hầu hết các đánh giá SXSH đều dẫn đến doanh thu tăng, giảm tác động xấu tới môi trường và cho ra đời những sản phẩm tốt hơn, song những nỗ lực để triển khai SXSH có thể bị giảm dần hoặc biến mất sau giai đoạn hứng khởi ban đầu.

Những nguyên nhân khiến chương trình SXSH “chết yểu”

Những yếu tố khiến chương trình SXSH khó được duy trì, bao gồm:

– Các trở ngại về tài chính trong việc thực hiện một số các phương án mong muốn, điều này đã dẫn tới lo ngại là không nên làm các đánh giá SXSH nếu như không có vốn để thực hiện các phương án.

– Trong quá trình thực hiện đánh giá SXSH, có những thay đổi về tổ chức, thay đổi trách nhiệm của các thành viên của nhóm dẫn tới sự gián đoạn và mai một kiến thức của nhóm SXSH.

– Các thành viên của nhóm chương trình SXSH đi lạc đề sang các nhiệm vụ khác mà họ cho là khẩn cấp hơn.

– Tham vọng quá nhiều dẫn tới việc rất nhiều phương án cùng được thực hiện một lúc, làm nhóm công tác cảm thấy mệt mỏi.

– Khó khăn trong việc làm cân bằng các hệ số về kinh tế của các phương án SXSH.

– Thiếu chuyên nghiệp và kinh nghiệm.

Các yếu tố đóng góp cho sự thành công của chương trình SXSH

– Sự hiểu biết đầy đủ và cam kết của các lãnh đạo nhà máy trong việc thực hiện SXSH

– Có sự trao đổi giữa tất cả các cấp của công ty về những mục tiêu và lợi ích của SXSH

– Doanh nghiệp cần có chính sách rõ ràng và những ưu tiên về đầu tư cho SXSH và kiểm soát môi trường

– Cần nâng cao trách nhiệm thực hiện SXSH, với các mục tiêu không thay đổi, luôn xem xét lại quá trình tiến hành và phương thức thực hiện, trên cơ sở thực hiện chiến lược phát triển công ty

– Triết lý SXSH phải được đề cao trong nội bộ công ty là sự hợp nhất trong các hoạt động

Cho tới nay tất cả các chương trình SXSH thành công đều thực hiện theo nguyên tắc này.

VNCPC

Điểm danh những lợi ích SXSH mang lại cho ngành sản xuất giấy

Quá trình sản xuất giấy làm phát sinh không ít chất thải, khí thải gây ô nhiễm. Sản xuất sạch hơn (SXSH) không chỉ là cách giúp chủ động phòng ngừa ô nhiễm mà còn mang lại rất nhiều lợi ích khi doanh nghiệp triển khai.

Những nguồn phát thải ô nhiễm từ ngành giấy

Sản xuất giấy về căn bản là một quá trình vật lý (thuỷ cơ), nhưng các chất phụ gia trong quá trình xeo giấy như các hợp chất hồ và phủ, cũng chính là nguyên nhân gây ra ô nhiễm.

So với quá trình làm bột, nước thải từ các công đoạn sản xuất giấy có phần cao hơn về hàm lượng chất rắn lơ lửng, dù hàm lượng BOD lại ít hơn. Các chất ô nhiễm xuất phát từ nước trắng dư, phần tách loại từ quá trình sàng, và do tràn xơ, các chất độn và chất phụ gia.

Chất ô nhiễm lơ lửng chủ yếu là xơ và hợp chất với xơ, các chất độn và chất phủ, chất bẩn và cát trong khi đó các chất ô nhiễm hòa tan là các chất keo từ gỗ, thuốc nhuộm, các chất hồ (tinh bột và gôm), cùng các phụ gia khác.

Sản xuất giấy về căn bản là một quá trình vật lý (thuỷ cơ), nhưng các chất phụ gia trong quá trình xeo giấy như các hợp chất hồ và phủ, cũng chính là nguyên nhân gây ra ô nhiễm.

Bên cạnh đó, mùi cũng là một trong những vấn đề về phát thải khí đáng chú ý ở nhà máy sản xuất giấy. Quá trình nấu tạo ra khí H2S có mùi rất khó chịu. Một nguồn ô nhiễm không khí khác là do quá trình tẩy trắng bột giấy. Tại đây, clo phân tử bị rò rỉ theo lượng nhỏ trong cả quá trình tẩy. Tuy nồng độ ô nhiễm không cao nhưng loại phát thải này lại cực kỳ độc hại.

Đó là chưa kể tới, trong quá trình thu hồi hóa chất, một lượng SO2 nồng độ cao cũng bị thoát ra ngoài. Các ô-xít lưu huỳnh được sinh ra từ các nhiên liệu có chứa sulphur (như than đá, dầu FO, v.v…) được sử dụng cho nồi hơi để tạo hơi nước. Phát thải bụi cũng được quan sát thấy tại một số lò hơi đốt than khi không có đủ các thiết bị kiểm soát bụi (cyclon, túi lọc, ESP, v.v…). Một lượng nhỏ bụi cũng được thoát ra khi cắt mảnh gỗ. Ngoài những loại phát thải này còn có rất nhiều loại phát thải tức thời khác từ quá trình sản xuất.

Song, nhiều nhất là chất thải rắn gồm bùn, tro, chất thải gỗ, tạp sàng, phần tách loại từ quá trình làm sạch ly tâm, cát và sạn. Nguồn chính của bùn là cặn của bể lắng, và cặn từ tầng làm khô của trạm xử lý nước thải. Bên cạnh đó, đôi khi còn có cặn dầu thải từ thùng chứa dầu đốt. Khi sử dụng than, xỉ và phần than chưa cháy từ lò hơi cũng là nguồn thải rắn cần phải được thải bỏ một cách an toàn. Lượng thải rắn của các công đoạn/hoạt động khác nhau phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như quy mô hoạt động, thành phần nguyên liệu thô… và rất khó ước tính.

Sản xuất sạch hơn (SXSH) giúp doanh nghiệp chủ động phòng ngừa ô nhiễm

Một trong các cách thức tiếp cận để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường là phương pháp tiếp cận “cuối đường ống (EOP)”, tức là xử lý phát thải/chất thải chỉ sau khi chúng đã phát sinh.

Về thực tiễn, điều này đồng nghĩa với xây dựng và vận hành các cơ sở xử lý nước thải, các thiết bị kểm soát ô nhiểm không khí và các bãi chôn lấp an toàn – đây là những công việc rất tốn kém.

Xét đến quy trình công nghiệp cần phải hiểu rằng bất cứ quy trình hoặc hoạt động nào cũng không bao giờ đạt được hiệu suất 100%. Luôn có tổn hao nào đó vào môi trường và không thể chuyển thành dạng sản phẩm hữu dụng. Tổn hao này là sự lãng phí hay sự ô nhiễm luôn gắn liền với sản xuất công nghiệp. Yếu tố này thường được nhắc đến như “cơ hội bị mất đi trong quá trình sản xuất”. Tỷ lệ phát sinh chất thải thường rất cao và có một thực tế là rất ít nhà sản xuất công nghiệp nhận ra điều này.

Hiện nay tiếp cận xử lý cuối đường ống vẫn đang được áp dụng phổ biến trong các cơ sở công nghiệp, nhưng khả năng tiếp nhận ô nhiễm của môi trường đang gần như cạn kiệt và các đơn vị sản xuất công nghiệp dần nhận thức được sự cần thiết phải xem xét lại các công đoạn sản xuất của mình. Điều này đã dẫn đến sự xuất hiện khái niệm về một tiếp cận mang tính chủ động để giảm chất thải tại nguồn trong quản lý chất thải. Tiếp cận chủ động này được gọi là Sản xuất sạch hơn (SXSH).

SXSH được định nghĩa là sự áp dụng liên tục chiến lược môi trường tổng hợp mang tính phòng ngừa trong các quy trình, sản phẩm, và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

Sự khác biệt căn bản giữa EOP hay còn gọi là kiểm soát ô nhiễm và SXSH là thời điểm. Kiểm soát ô nhiễm là phương pháp tiếp cận sau khi vấn đề đã phát sinh, “phản ứng và xử lý”; trong khi đó, SXSH lại mang tính chủ động, theo “triết lý dự đoán và phòng ngừa”. “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, khi giảm thiểu chất thải và ô nhiễm thông qua SXSH sẽ giảm tiêu thụ nguyên liệu và năng lượng. SXSH luôn hướng tới hiệu suất sử dụng đầu vào gần tới 100% trong giới hạn về khả thi kinh tế.

Một điểm quan trọng cần nhấn mạnh rằng, SXSH không chỉ đơn thuần là thay đổi thiết bị: SXSH đề cập tới thay đổi thái độ quan điểm, áp dụng các bí quyết và cải tiến quy trình sản xuất cũng như cải tiến sản phẩm.

SXSH mạng lại lợi ích gì cho ngành giấy

Phương pháp kiểm soát cuối đường ống truyền thống khi áp dụng cho các cơ sở sản xuất giấy và bột giấy quy mô vừa và nhỏ là rất tốt kém. Trong một số trường hợp, chi phí cho một trạm xử lý chất thải lên tới 20% tổng chi phí vốn của nhà máy và thiết bị. Ngoài ra phí vận hành hàng năm có thể lên đến 12-15% tổng doanh thu của ngành. Vì vậy, một phương pháp tiếp cận tốt hơn sẽ là khai thác các cơ hội SXSH để giảm thiểu ô nhiễm tại nguồn rồi tiến hành kiểm soát phần ô nhiễm còn lại. Tiếp cận này không chỉ mang lại hiệu quả về nguồn lực, giảm chi phí sản xuất, mà còn giảm thiểu cả chi phí xử lý dòng thải.

Những lợi ích khi doanh nghiệp sản xuất giấy áp dụng SXSH

Đáp ứng các quy định của pháp luật

Để đảm bảo các tiêu chuẩn quy định về phát thải (lỏng, rắn hoặc khí) thường đòi hỏi các cơ sở sản xuất phải trang bị các hệ thống kiểm soát ô nhiễm phức tạp và tốn kém, như các trạm xử lý nước thải. Sau khi áp dụng SXSH, việc xử lý lượng chất thải còn lại trở lên dễ dàng và ít tốn kém hơn. Sở dĩ làm được điều này là do SXSH đã giúp giảm thiểu chất thải về mọi mặt: khối lượng, trọng lượng, và cả độ độc.

Một số nhà nhập khẩu luôn đòi hỏi chứng chỉ ISO của công ty trước khi họ đặt hàng.

Đáp ứng đòi hỏi về hệ thống quản lý môi trường (EMS)

ISO 14000 là một quy trình cấp chứng nhận đối với EMS, nhằm đảm bảo rằng các công ty cam kết thực hiện cải tiến liên tục trong hoạt động môi trường của mình. Chứng nhận này cũng thể hiện sự quan tâm của công ty đến môi trường.

Một số nhà nhập khẩu luôn đòi hỏi chứng chỉ ISO của công ty trước khi họ đặt hàng. SXSH sẽ giúp việc triển khai hệ thống quản lý môi trường như ISO 14000 dễ dàng hơn nhiều. Sở dĩ như vậy là do hầu hết các công việc ban đầu đã được thực hiện thông qua đánh giá SXSH.

Nhu cầu do mong muốn tiếp cận các cơ hội phát triển thị trường mới nhận thức của khách hàng về các vấn đề môi trường ngày càng nâng cao đã làm nảy sinh nhu cầu về các sản phẩm xanh trên thị trường quốc tế. Kết quả là khi nỗ lực thực hiện SXSH thì đã mở ra các cơ hội phát triển thị trường mới cho mình và sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao hơn, có thể bán được với giá cao hơn.

Dễ dàng tiếp cận các nguồn tài chính

Các đề án đầu tư dựa vào SXSH sẽ chứa đựng thông tin chi tiết về tính khả thi môi trường, kỹ thuật và kinh tế của khoản đầu tư dự kiến. Điều này tạo ra một cơ sở vững chắc để giành được sự hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng hoặc các quỹ môi trường. Trong công nghiệp giấy và bột giấy, nếu một giải pháp SXSH là lắp đặt một chụp kiểm soát vận tốc ở bộ phận xeo giấy, cần phải tiến hành phân tích chi tiết về tiềm năng tiết kiệm hơi nước, tăng công suất sản xuất…

Công ty có thể trình kết quả phân tích này lên các ngân hàng để xin vay vốn cho dự án lắp đặt chụp kiểm soát vận tốc. Trên thị trường quốc tế, các tổ chức tài chính đang rất quan tâm đến vấn đề suy thoái môi trường nên khá chú ý đến các đơn xin vay vốn theo quan điểm môi trường.

Cải thiện môi trường làm việc

Bên cạnh nâng cao hiệu quả môi trường và kinh tế, SXSH còn có thể cải thiện các điều kiện về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động. Cụ thể, việc giảm thiểu rò rỉ clo tại công đoạn tẩy trắng sẽ giảm mùi clo khó chịu trong không khí nhờ đó có thể nâng cao năng suất của người công nhân. Các điều kiện làm việc thuận lợi có thể nâng cao tinh thần cho người lao động và đồng thời tăng cường sự quan tâm tới vấn đề kiểm soát chất thải. Các hành động như vậy sẽ giúp cho công ty của bạn thu được lợi thế cạnh tranh.

Bảo tồn tài nguyên

Bảo tồn nguyên liệu thô: Vì chi phí nguyên liệu đầu vào tăng nên không có nhà sản xuất công nghiệp nào có thể trang trải cho những tổn thất tài nguyên dưới dạng chất thải. Suất tiêu hao các nguyên liệu này có thể giảm đi đáng kể khi áp dụng các giải pháp SXSH như tối ưu hóa quy trình, tuần hoàn và các biện pháp quản lý tốt nội vi.

Ở một cơ sở sản xuất giấy và bột giấy đặc thù quy mô vừa/nhỏ ở Việt Nam, có thể tiết kiệm nguyên liệu thô (gồm cả xơ và hóa chất) vào khoảng 6-15%, mang lại lợi ích khoảng 4 tỷ đồng mỗi năm cho doanh nghiệp.

Bảo tồn nguồn nước: Nước là nguồn tài nguyên đang bị cạn kiệt và một số cơ sở công nghiệp đang phải đối mặt với vấn đề thiếu nước. Việc khai thác nguồn nước ngầm liên tục còn phải cộng thêm cả chi phí cho việc bơm hút nước. Hơn thế nữa, một yếu tố rất quan trọng thường bị bỏ qua trong các ngành công nghiệp chế biến đó là càng sử dụng nhiều nước trong quy trình sản xuất thì chi phí cho hóa chất và năng lượng càng nhiều.

Trong ngành công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy ở Việt Nam, theo ước tính tiềm năng tiết kiệm nước là khoảng từ 15-20%/năm

Bảo tồn năng lượng: Công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy là một ngành tiêu thụ nhiều năng lượng với chi phí chiếm từ 12-15% tổng chi phí sản xuất. Tiềm năng tiết kiệm năng lượng thông qua các biện pháp đơn giản và chi phí thấp vào là khoảng 10-12% tổng lượng năng lượng đầu vào. Có một số trường hợp tổng tiềm năng bảo tồn năng lượng (gồm các giải pháp thay đổi công nghệ, ví dụ lắp đặt hệ thống đồng phát sử dụng sinh khối nông nghiệp) là khoảng từ 20-25%.

Bên cạnh nâng cao hiệu quả môi trường và kinh tế, SXSH còn có thể cải thiện các điều kiện về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động.

Ngày nay dưới sức ép về thay đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên toàn cầu, các chương trình như Cơ chế phát triển sạch và thương mại carbon đang là cơ hội sẵn sàng để các cơ sở công nghiệp tận dụng bằng cách bán lượng phát thải khí nhà kính (GHG) mà họ đã giảm được qua các năm nhờ áp dụng các biện pháp bảo tồn năng lượng.

Theo đó, lợi ích mà SXSH mang lại cho ngành sản xuất giấy và bột giấy là vô cùng lớn. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm. Thực tế cho thấy, người tiêu dùng hiện nay cũng đã có nhận thức rất tốt về trách nhiệm xã hội trong quá trình tiêu dùng, vì vậy họ cũng có những yêu cầu ngày càng cao đối với nhà sản xuất.

VNCPC