Năng lượng mặt trời: Những điều cần biết

Năng lượng mặt trời cung cấp nguồn điện sạch phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong thế kỷ 21, khi nguồn nhiên liệu hóa thạch và dầu mỏ ngày càng cạn kiệt. Dưới đây chính là những điều cần biết về năng lượng mặt trời.

Ưu điểm của năng lượng mặt trời

  1. Có khả năng tái tạo

Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo. Theo tính toán của NASA, mặt trời còn có thể cung cấp năng lượng cho chúng ta trong khoảng 6,5 tỉ năm nữa.

  1. Luôn dồi dào

Tiềm năng của năng lượng mặt trời là rất lớn – mỗi ngày, bề mặt trái đất được hưởng 120.000 terawatts (TW) của ánh sáng mặt trời, cao gấp 20.000 lần so với nhu cầu của con người trên toàn thế giới (1TW = 1.000 tỉ W).

  1. Nguồn cung bền vững và vô tận

Năng lượng mặt trời là vô tận, dư thừa để đáp ứng nhu cầu về năng lượng của nhân loại, đủ dùng cho rất nhiều thế hệ về sau.

  1. Tính khả dụng cao

Năng lượng mặt trời có thể được tiếp nhận và sử dụng ở mọi nơi trên thế giới – không chỉ ở vùng gần xích đạo mà còn ở các nơi có vĩ độ cao thuộc phía bắc và phía nam bán cầu. Hiện nay, Đức là quốc gia chiếm vị trí hàng đầu thế giới về việc sử dụng năng lượng mặt trời và đang có kế hoạch tận dụng tối đa nguồn năng lượng dồi dào này.

  1. Bảo vệ môi trường

Việc sản xuất, vận chuyển, lắp đặt và vận hành các nhà máy điện mặt trời về cơ bản không phát thải các loại khí độc hại vào khí quyển. Ngay cả khi có phát thải một lượng nhỏ thì so sánh với các nguồn năng lượng truyền thống, lượng khí này là không đáng kể.

  1. Không gây tiếng ồn

Khi sản xuất năng lượng mặt trời không sử dụng các loại động cơ như trong máy phát điện, vì vậy việc tạo ra điện không làm phát sinh tiếng ồn.

  1. Hiệu quả cao, chi phí hoạt động thấp

Chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời, các hộ gia đình sẽ có được một khoản tiết kiệm đáng kể. Việc bảo trì, duy tu hệ thống cung cấp năng lượng mặt trời cho hộ gia đình trong một năm cần chi phí rất thấp. Theo đó, bạn chỉ cần một vài lần lau chùi sạch các tấm pin năng lượng mặt trời và chúng luôn được các nhà sản xuất bảo hành trong khoảng thời gian lên tới 20-25 năm.

  1. Áp dụng rộng rãi

Năng lượng mặt trời có thể cung cấp điện tại các khu vực không có kết nối với lưới điện quốc gia (ngay cả ở những quốc gia đã phát triển như Mỹ, Nga, Pháp… hiện cũng vẫn có những nơi được gọi là “điểm mù về điện” ở vùng sâu, vùng xa). Năng lượng mặt trời còn được dùng để khử muối trong nước biển ở nhiều quốc gia châu Phi khan hiếm nước ngọt. Thậm chí, các vệ tinh trên quỹ đạo trái đất cũng được sử dụng bằng nguồn năng lượng mặt trời.

Gần đây, điện mặt trời còn được gọi là “năng lượng toàn dân” nhờ sự đơn giản của việc tích hợp điện mặt trời vào hệ thống cung cấp điện dân dụng, song song với điện lưới hoặc điện từ các nguồn cung khác.

  1. Công nghệ liên tục được cải tiến

Công nghệ sản xuất pin mặt trời mỗi ngày một tiến bộ hơn – mô-đun màng mỏng được đưa trực tiếp vào vật liệu ngay từ giai đoạn sơ chế ban đầu. Một tập đoàn lớn của Nhật Bản cũng là một nhà sản xuất pin mặt trời, vừa giới thiệu một hệ thống sáng tạo các yếu tố lưu trữ năng lượng cho kính cửa sổ. Những thành tựu mới nhất trong lĩnh vực công nghệ nano và vật lý lượng tử cũng cho phép chúng ta kỳ vọng về khả năng tăng công suất của các tấm pin mặt trời lên gấp 3 lần so với hiện nay.

VNCPC

Các nguyên tắc an toàn cần nhớ khi tiếp xúc với hóa chất

Hầu hết các ngành sản xuất đều có sử dụng hóa chất. Vì vậy, để đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với hóa chất, bạn chớ bỏ qua các nguyên tắc dưới đây.

Vì sao phải đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với hóa chất?

Làm việc với hóa chất dù là trực tiếp hay gián tiếp đều khó tránh khỏi tình trạng bị nhiễm độc mạn tính. Tức là nhiễm độc sẽ xảy ra từ từ, mỗi ngày một ít, nhưng đến một lúc nào đó, lượng chất độc tích tụ vượt quá khả năng tự đào thải của cơ thể sẽ sinh bệnh, có thể dẫn đến suy giảm chức năng hô hấp, chức năng gan, viêm và thoái hóa da, thậm chí ung thư… Đặc biệt là khi tiếp xúc với một số sản phẩm hóa chất dễ cháy như cồn công nghiệp, cồn dược phẩm…

Trường hợp khác có thể xảy ra những rủi ro hay tai nạn khi bị chất độc hại bắn vào da, vào mặt, vào mắt trong khi làm việc. Để hạn chế những rủi ro không đáng có, khi làm việc với hóa chất như cân, đong, nghiền trộn, đóng gói, làm thí nghiệm, xét nghiệm… phải thận trọng và tuân thủ tuyệt đối theo những nguyên tắc nhất định như: mặc bảo hộ lao động để tránh hóa chất bắn vào người hoặc quần áo.

Làm việc với hóa chất luôn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn.

Nguyên tắc an toàn khi làm việc với hóa chất

Hóa chất trong các ngành công nghiệp khác nhau đều có tính độc hại khác nhau. Do đó, người lao động cần nắm vững những nguyên tắc an toàn lao động khi làm việc với hóa chất, đặc biệt là những hóa chất dễ cháy nổ, độc hại nằm trong danh mục của nhà nước.

Dưới đây là các nguyên tắc cơ bản để đảm bảo an toàn khi làm việc với hóa chất:

– Luôn luôn mặc đồ bảo hộ và kiểm tra chúng cẩn thận để đảm bảo an toàn trước khi sử dụng. Hãy loại bỏ những bộ đồ bảo hộ đã bị hỏng, rách vì chúng sẽ không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ.

– Tuân thủ các quy định đã được ban hành và thực hiện nhiệm vụ như đã được đào tạo.

– Tìm hiểu về các thủ tục và thiết bị khẩn cấp. Sự hiểu biết các thủ tục khẩn cấp có nghĩa là biết cách sơ tán, biết cách báo cáo khẩn cấp và cách để đối phó với hỏa hoạn và sự cố rò rỉ, cũng như biết cách sơ cấp cứu khi đồng nghiệp bị thương trong các sự cố.

– Hãy thận trọng và lên kế hoạch trước. Hãy suy nghĩ về những tình huống xấu có thể xảy ra và chú ý tới những gì đang làm trong quá trình làm việc.

– Lưu trữ tất cả nguyên vật liệu một cách thích hợp, tách riêng những vật liệu dễ kết hợp với nhau gây cháy nổ, và lưu trữ trong khu vực khô, thông thoáng, mát mẻ.

– Đọc kỹ nhãn mác và bảng dữ liệu an toàn của vật liệu (MSDS) trước khi sử dụng bất cứ vật liệu nào để chắc chắn rằng bạn hiểu biết về các nguy cơ và biện pháp phòng ngừa.

– Đảm bảo mọi thùng chứa đã được dán nhãn và hóa chất được chứa trong thùng thích hợp. Đừng sử dụng khi hóa chất không được chứa đựng hay dán nhãn thích hợp. Báo cáo ngay với người quản lý về các thùng chứa bị hỏng hay nhãn trên thùng không đọc được.

– Giữ gìn cơ thể và nơi làm việc sạch sẽ. Sau khi tiếp xúc với bất kỳ hóa chất nào, hãy rửa với xà phòng và nước. Lau chùi bề mặt nơi làm việc ít nhất một lần trong ca làm việc để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm.

– Sử dụng hóa chất đúng mục đích.

– Không được ăn uống khi đang làm việc với hóa chất và nếu tay của bạn bị dính hóa chất không nên sử dụng mỹ phẩm hay sờ lên mặt, lên mắt.

Các quy định của pháp luật về an toàn hóa chất

Tại Thông tư số 13/2016/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 6 năm 2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động liên quan tới hóa chất có nếu: Những người trực tiếp sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển hóa chất nguy hiểm, độc hại theo phân loại của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất phải tham gia huấn luyện ATVSLĐ.

Quy định tại Nghị định 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 cũng nêu rõ:

• Tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất có trách nhiệm tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất hoặc cử các đối tượng được quy định tại Điều 32 của Nghị định này tham gia các khóa huấn luyện của các tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất, định kỳ 02 năm một lần.

• Hoạt động huấn luyện an toàn hóa chất có thể được tổ chức riêng hoặc kết hợp với các hoạt động huấn luyện an toàn khác được pháp luật quy định.

• Người đã được huấn luyện phải được huấn luyện lại trong các trường hợp sau đây: Khi có sự thay đổi chủng loại hóa chất, công nghệ, cơ sở vật chất, phương án sản xuất liên quan đến vị trí làm việc; khi người đã được huấn luyện thay đổi vị trí làm việc; sau 02 lần kiểm tra người đã được huấn luyện không đạt yêu cầu; khi hết thời hạn 02 năm từ kể từ lần huấn luyện trước.

VNCPC (Tổng hợp)

Làm sao để sử dụng nhựa an toàn cho sức khoẻ?

Ngày nay, đồ nhựa đã trở nên vô cùng phổ biến và trong hầu hết các sản phẩm nhựa đều có mặt. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe khi sử dụng đồ nhựa bạn chớ bỏ qua những lưu ý dưới đây.

Khi lựa chọn đồ nhựa gia dụng, vật dụng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, chúng ta nên chọn các sản phẩm có ký hiệu nhựa số 2, 4 và 5. Loại nhựa số 1 chỉ được xem là an toàn nếu sử dụng một lần.

Các loại nhựa số 3, 6, 7 có nguy cơ thôi nhiễm hóa chất là rất lớn nên chúng ta cần đặc biệt lưu ý và hạn chế sử dụng các loại này.

Bên cạnh đó, không sử dụng hộp nhựa để chứa thực phẩm nóng, ngay cả những loại chịu được nhiệt độ cao vì chúng vẫn có khả năng thôi nhiễm chất độc hại vào thực phẩm. Nên để nguội thực phẩm trước khi cho vào hộp nhựa bảo quản, và sử dụng các loại chén, dĩa, tô bằng sứ hoặc thuỷ tinh để bảo đảm sức khoẻ cho cả gia đình bạn. Hiện nay, một số bệnh viện đã khuyến cáo người nhà bệnh nhân không dùng bọc ni-lông để đi nhận canh nóng của các hội từ thiện.

Đừng chủ quan vào những dòng chữ “Microwave safe” hay “Microwavable” mà cho cả hộp nhựa vào lò vi sóng để hâm nóng thức ăn và rã đông thực phẩm. Tuy nó không bị nóng chảy khi quay trong lò vi sóng, nhưng không đồng nghĩa nó đảm bảo an toàn cho thực phẩm trong quá trình xử lý nhiệt. Thay vào đó, khi sử dụng lò vi sóng, bạn nên sử dụng các vật chứa đựng bằng sành, sứ hoặc thuỷ tinh.

Nên thay các chai, hũ nhựa bằng chai, lọ thuỷ tinh để chứa nước mắm, tương chao, dầu ăn và các loại gia vị.

Vệ sinh đúng cách: Không tẩy trùng hộp nhựa bằng cách trụng nước sôi hoặc dùng các chất tẩy rửa mạnh vì các chất độc có thể thôi nhiễm ra bên ngoài. Không nên chà rửa mạnh tay vì sẽ tạo ra các vết trầy làm nơi ẩn náu cho vi khuẩn và các chất bẩn. Cách tốt nhất là chúng ta nên sử dụng khăn giấy để lau sạch vết dơ và dầu mỡ bám, sau đó rửa lại bằng nước rửa chén và tráng qua nước sạch.

Các chất độc có trong nhựa nguy hại như thế nào?

Để đúc khuôn các loại đồ nhựa, người ta thường phải thêm chất hoá dẻo Phthalat – loại hoá chất tuyệt đối không được dùng trong thực phẩm và dược phẩm. Vì thế, đồ chứa đựng thực phẩm tuyệt đối không được tiếp xúc với nhiệt độ cao, Phthalat sẽ bị thôi nhiễm vào thực phẩm gây hại cho sức khoẻ con người. Tác hại lớn nhất của Phthalat là làm xáo trộn hoặc phá vỡ nội tiết, khiến trẻ dậy thì trước tuổi và sản phụ bị sẩy thai.

Trong PVC còn chứa DEHA (Diethylhydroxylamine) có thể gây ung thư và các chứng bệnh liên quan đến xương, gan khi tiếp xúc trong thời gian dài.

Nhựa PC thường chứa Bisphenol-A (BPA), được dùng như một chất bảo quản, chống thấm và chống ăn mòn. Chất này có thể thôi nhiễm khi có tác động nhiệt độ cao hoặc tiếp xúc với thực phẩm có tính acid và được làm sạch bằng chất tẩy rửa mạnh. Các tác hại của nó rất nguy hiểm, cụ thể:

BPA làm thay đổi chức năng hệ miễn dịch, đồng thời là tác nhân gây tổn thương trong não bộ của thai nhi và trẻ nhỏ. Từ đó gây nên tình trạng rối loạn hành vi và hạn chế khả năng nhận thức của trẻ.

Những người nhiễm BPA cao có khả năng mắc chứng rối loạn tim mạch cao gấp hai lần so với những người nhiễm BPA thấp. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và hậu quả trực tiếp giữa BPA và bệnh tim.

BPA còn gây ra các vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản con người như: vô sinh, suy giảm ham muốn tình dục, liệt dương và phá hỏng ADN của tinh trùng.

VNCPC (Tổng hợp)

Làm sao để nhận biết các loại nhựa an toàn?

Để hạn chế rác thải nhựa, không ít người đã tận dụng các hộp nhựa, chai nhựa để đựng nước hay thực phẩm. Cách làm này liệu có an toàn cho sức khỏe?

Thông thường, dưới đáy các vật dụng bằng nhựa đều có ký hiệu tái chế, với các số từ 1 đến 7 và có các ký tự viết tắt như PETE, PP, PS,… Vì vậy, hãy dựa vào những ký hiệu này để biết được mức độ an toàn và chúng có thể tái chế được hay không. Từ đó có cách sử dụng hợp lý, an toàn cho sức khoẻ và góp phần bảo vệ môi trường.

Nhựa số 1 – PETE hoặc PET (Polyethylene Terephthalate):

Nhựa số 1 an toàn cho thực phẩm và rất dễ tái chế.

Nhựa số 1 an toàn cho thực phẩm và rất dễ tái chế. Bạn sẽ thấy ký hiệu số 1 ở đáy các chai nước ngọt, nước suối, dầu ăn, chai nước súc miệng, hoặc thực phẩm đóng hộp (bơ, nước sốt). Nhiều gia đình thường giữ các chai loại này lại để trữ nước lọc, nhưng ít ai chú ý đến bề mặt gồ ghề của chúng rất dễ tích tụ vi khuẩn. Điều này đồng nghĩa với độ an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ giảm dần sau mỗi lần tái sử dụng.

Nhựa số 2 – HDPE (High Density Polyethylene):

Nhựa số 2 có màu đục, bề mặt trơn tru nên khó tích tụ vi khuẩn, ít bị thấm nước và được đánh giá an toàn với thực phẩm. Bạn sẽ tìm thấy ký hiệu của nhựa số 2 trên các bình sữa cho trẻ em, bình nước trái cây, hộp ngũ cốc, hộp sữa chua, chai chứa chất tẩy rửa, chai dầu động cơ, chai dầu gội,… Nhựa số 2 dễ tái chế thành các loại bút, bàn, ghế, hàng rào, và chai đựng chất tẩy rửa.

Nhựa số 3 – V hoặc PVC (Vinyl):

Nhựa PVC có giá thành rẻ, độ dẻo cao, dễ nóng chảy nên hiếm khi được dùng tái chế. Đặc biệt, trong PVC có chứa một số chất độc như Phthalat, DEHA có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khoẻ người dùng. Vì thế, chúng ta tuyệt đối không dùng các sản phẩm làm từ PVC để đựng thực phẩm nóng, đun nấu và đốt.

Nhựa số 3 được sử dụng để làm màng bọc thực phẩm, áo mưa, thiết bị y tế, vật liệu xây dựng (ống nước, vỏ bọc dây điện), và một số loại chai, hộp. Nhiều hãng sản xuất trên thế giới đã tẩy chay PVC, nhưng trên thị trường vẫn xuất hiện đồ chơi trẻ em làm bằng loại nhựa này, do đó các bậc phụ huynh cần lưu tâm đến chất liệu khi lựa chọn đồ chơi cho con mình.

Nhựa số 4 – LDPE (Low Density Polyethylene):

Nhựa số 4 thường được dùng để sản xuất các loại túi nhựa, các loại chai có thể ép, quần áo, thảm, giấy gói thực phẩm, hộp đựng thực phẩm,… Tuy LDPE được cho là an toàn với sức khoẻ nhưng nó lại không được dùng để tái chế.

Nhận biết loại nhựa an toàn cho sức khoẻ bằng những con số dưới đáy hộp

Nhựa số 5 – PP (Polypropylene):

PP được xem là người bạn thân thiện với con người và môi trường vì nó an toàn với thực phẩm và rất dễ tái chế. Hộp sữa chua, chai đựng nước lọc, lọ đựng thuốc, chai đựng nước si rô hoặc nước sốt cà chua, tương ớt, ống hút, chai thuốc… đều được sản xuất từ nhựa số 5.

Nhựa PP có khả năng chịu nhiệt lên đến 130°C và được cho là có thể sử dụng trong lò vi sóng nếu bạn kiểm soát được nhiệt độ an toàn, tránh thôi nhiễm chất độc ra thức ăn. PP thường được tái chế thành chổi, thùng rác, tấm ván, các đèn tín hiệu, kệ tủ,…

Nhựa số 6 – PS (Polystyrene):

Nhựa số 6 thường thấy ở các loại hộp, chén, dĩa dùng một lần . Khi sử dụng những sản phẩm này, chúng ta không nên đựng thực phẩm nóng, thực phẩm có chất kiềm và acid mạnh, vì PS sẽ bị phân giải gây hại cho cơ thể.

Nhựa PS, cũng như các sản phẩm làm từ PS không được ủng hộ sử dụng vì rất khó tái chế và có hại cho môi trường.

Nhựa số 7 – Các hợp chất khác:

Sản phẩm có ký hiệu số 7 là tập hợp của các chất không thuộc 6 loại kể trên. Polycarbonat (PC) được sử dụng nhiều trong nhựa số 7 và có khả năng gây hại nghiêm trọng đến sức khoẻ con người. Mặc dù trên thị trường rất hiếm gặp các loại hộp đựng thực phẩm và đồ gia dụng làm từ nhựa số 7, nhưng mọi người cần lưu ý khi chọn mua. Bên cạnh đó, hầu hết các chương trình tái chế đều không chấp nhận loại nhựa này.

VNCPC (tổng hợp)

Hạt vi nhựa nguy hiểm như thế nào?

Ô nhiễm hạt vi nhựa hiện giờ không chỉ là cảnh báo mà đã tác động tới từng cá nhân. Vậy hạt vi nhựa nguy hiểm như thế nào hãy cùng tìm hiểu nhé.

Mỗi người nuốt vào bụng ít nhất 50.000 hạt vi nhựa/năm

Hạt vi nhựa là những mẫu nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm. Ô nhiễm hạt vi nhựa được gây ra chủ yếu do sự phân hủy rác thải nhựa và tình trạng này đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hạt vi nhựa ở trong không khí, đất, sông hồ và kể cả những vùng biển sâu nhất trên thế giới.

Các hạt vi nhựa cũng được tìm thấy trong nước máy, nước đóng chai, hải sản và bia. Chúng cũng được tìm thấy trong các mẫu phân người lần đầu vào tháng 10/2018 – bằng chứng cho thấy con người đã ăn phải hạt vi nhựa.

Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí Journal of Environmental Science and Technology (Mỹ), lấy dữ liệu từ 26 nghiên cứu trước đó đã đo lượng hạt vi nhựa trong cá, động vật có vỏ, đường, muối, bia và nước, cũng như không khí trong các thành phố lớn.

Các hạt vi nhựa được tìm thấy trong tinh thể muối.

Các nhà khoa học đã sử dụng chế độ ăn uống do Chính phủ Mỹ quy định nhằm tính toán lượng hạt vi nhựa con người ăn phải trong 1 năm. Ước tính trung bình người lớn ăn khoảng 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm, còn trẻ em là 40.000.

Thực tế, phần lớn thực phẩm và nước uống vẫn chưa được kiểm tra, và nghiên cứu trên chỉ mới ước tính 15% lượng calorie mà con người tiêu thụ.

“Con số có thể lớn hơn nhiều. Vẫn còn một lượng dữ liệu khổng lồ cần được bổ sung” – ông Kieran Cox, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Victoria (Canada), nhìn nhận.

Những thực phẩm khác như bánh mì, thực phẩm chế biến, thịt, sản phẩm bơ sữa và rau quả cũng có thể chứa các hạt vi nhựa, nhà nghiên cứu Kieran Cox cho biết. “Khả năng cao là sẽ có rất nhiều hạt vi nhựa trong các thực phẩm này. Con số có thể lên đến hàng trăm ngàn”.

Hạt vi nhựa trong thực phẩm ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe con người?

Theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Mới đây nhất, các nhà khoa học phát hiện các hạt nhựa siêu nhỏ có thể xâm nhập vào mạch máu, hệ bạch huyết, thậm chí tới gan. Đã có tổng cộng 9 loại hạt nhựa được phát hiện trong cơ thể người, phổ biến nhất là nhựa PP và nhựa PET thường thấy trong bao bì đồ ăn, thức uống. Điều đáng nói là cứ một hạt vi nhựa vỡ ra, nó sẽ sản sinh ra rất nhiều chất độc gây nguy hiểm trực tiếp đến sức khỏe con người. Khi đó, chúng ta có thể bị mất cân bằng hormone dẫn đến các căn bệnh về thần kinh, các bệnh hô hấp, ảnh hưởng đến cấu trúc não bộ, gây tăng động, suy yếu và biến đổi hệ miễn dịch cùng hàng loạt những nguy cơ khác.

Tuy nhiên, hiện nay các bằng chứng khoa học vẫn chưa đủ thuyết phục để đề xuất các quy định về giới hạn cho phép hàm lượng các vi nhựa trong nước và thực phẩm. Việc này đòi hỏi cần có sự đầu tư cho các nghiên cứu tiếp theo về ảnh hưởng của vi nhựa và nano nhựa lên sức khỏe con người.

Con người cần làm gì để tránh hấp thụ hạt vi nhựa?

Tính đến thời điểm này, tại nhiều quốc gia đã có lệnh cấm đối với đồ nhựa sử dụng 1 lần bởi những lo ngại rằng hóa chất trong nhựa sẽ gây ra các bệnh ngộ độc, vô sinh hay gián đoạn di truyền cho cả con người và sinh vật biển.

Việc cần làm ngay bây giờ là hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa hạt vi nhựa trong chăm sóc cá nhân, từ bỏ thói quen sử dụng túi nylon, các chai nhựa, cốc, ống hút một lần.

Tại Việt Nam, trong khi chờ đợi các quy định cụ thể, việc cần làm ngay bây giờ là hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa hạt vi nhựa trong chăm sóc cá nhân, từ bỏ thói quen sử dụng túi nylon, các chai nhựa, cốc, ống hút một lần.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, cần có một chế tài đủ mạnh để việc phân loại rác nhựa tại nguồn hay tại các địa điểm công cộng được thực hiện quy củ hơn. Hạn chế tối đa việc xả thải nhựa trực tiếp ra môi trường biển là cách tốt nhất để ngăn chặn hiểm họa ô nhiễm môi trường và bảo vệ tốt cho sức khỏe con người.

VNCPC (tổng hợp)

Bộ nào chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về chất thải rắn?

Mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) là đầu mối quản lý nhà nước về chất thải rắn.

Sau nhiều năm trong tình trạng bảy bộ cùng quản lý chất thải rắn, gây chồng chéo, kém hiệu quả, Nghị quyết số 09 của Chính phủ đã thống nhất giao Bộ TN&MT đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn.

Sáng 8/5 tại Bộ TN&MT diễn ra Hội thảo quản lý Nhà nước về chất thải rắn. Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT nêu thực trạng, có tới 7 bộ cùng quản lý chất thải rắn trong nhiều năm qua. Ngoài Bộ TN&MT còn có Bộ Xây dựng, quản lý chất thải từ hoạt động xây dựng và chất thải rắn sinh hoạt.

​Bộ Y tế phụ trách hoạt động bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế. Bộ KH&CN quản lý nhiên liệu hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn, chất thải phóng xạ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý chất thải trong nông nghiệp.

Bộ Giao thông Vận tải có chức năng quy định chi tiết chất thải nguy hại, chất thải rắn phát sinh từ hoạt động GTVT. Bộ Công thương ban hành Thông tư về quản lý môi trường trong lĩnh vực công thương.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chia sẻ, việc quản lý chất thải rắn còn phân công quản lý từng công đoạn cho các bộ, ngành khác nhau, thiếu thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Chất thải rắn thực sự là vấn đề lớn đối với môi trường.

Theo ông Đồng Phước An, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội. Quy định của Nghị định 38 của Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố chủ động phân công các sở, ngành quản lý chất thải rắn. Mỗi địa phương giao cho một sở, ngành khác nhau dẫn đến thiếu thống nhất.

Ông An chia sẻ, đã có giai đoạn tại Hà Nội, việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở các quận giao cho Sở Xây dựng, các huyện giao cho Sở TN&MT, vừa rồi tạm thống nhất giao cho một đầu mối là Sở Xây dựng. Ông An kiến nghị nên giao cho Sở TN&MT là đầu mối quản lý nhà nước về chất thải rắn.

“Sở TN&MT có cả Chi cục Bảo vệ Môi trường, còn Sở Xây dựng chỉ có một Phòng Quản lý Hạ tầng kỹ thuật. Phòng này quản lý tới 5 lĩnh vực là rác thải sinh hoạt, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh. Bộ phận giao làm quản lý chất thải rắn chỉ có 3 đồng chí cán bộ”, ông An nêu thực tế.

Theo bà Đỗ Thị Hương, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hải Phòng chia sẻ, ngoài chất thải nguy hại và chất thải công nghiệp thông thường được giao cho ngành Tài nguyên và Môi trường quản lý, các chất thải còn lại đang rất chồng chéo, khó khăn trong quản lý, nhất là quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn.

Chất thải rắn nông thôn giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhưng năng lực của cán bộ cũng là vấn đề. Khi phân cấp tới cấp huyện, một số huyện giao cho Phòng Môi trường, một số huyện giao cho Phòng Nông nghiệp.

Để giải quyết tình trạng này, bà Hương kiến nghị cần sửa đổi Luật bảo vệ môi trường, đảm bảo thống nhất với các Luật thuộc lĩnh vực xây dựng, đấu thầu, thực hiện sửa đổi chức năng của các bộ, cơ quan ngang bộ để đảm bảo thống nhất quản lý, tránh chồng chéo như hiện nay.

Trước đó, Nghị quyết số 09 ngày 3/2/2019 của Chính phủ đã thống nhất giao Bộ TN&MT đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn. Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn. Tuy nhiên, để có thể thống nhất quản lý, vẫn còn nhiều việc làm trước mắt.

Bộ TN&MT cho biết, để thực hiện Nghị quyết 09, Bộ đang tiến hành rà soát các bất cập về cơ chế chính sách, đề xuất hướng sửa đổi phù hợp. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành kế hoạch và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về CTR, trong đó tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chiến lược, kế hoạch về CTR; tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng công tác quản lý CTR trên phạm vi cả nước; chuẩn bị nội dung để tổ chức Hội nghị toàn quốc về CTR. Bộ cũng đang xây dựng các Đề án tăng cường năng lực quản lý CTR tại Việt Nam, tăng cường quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam.

Theo Hùng Linh/scp.gov.vn