Bùng nổ đầu tư năng lượng tái tạo toàn cầu
Theo báo cáo của Bloomberg NEF, trong nửa đầu năm 2020, tổng đầu tư toàn cầu cho phát triển năng lượng tái tạo (trừ thủy điện) đạt 132,4 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi tăng kỷ lục 319% lên 35 tỷ USD. Ngược lại, đầu tư vào lĩnh vực điện gió trên đất liền giảm 21% xuống còn 37,5 tỷ USD; đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời giảm 12%, xuống còn 54,7 tỷ USD. Một số lĩnh vực khác như: đầu tư cho năng lượng sinh khối và năng lượng rác giảm 34% xuống còn 3,7 tỷ USD; đầu tư vào năng lượng địa nhiệt tăng 594% lên 676 triệu USD.
Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo, Trung Quốc chiếm vị trí số 1 với 41,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu vào lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Báo cáo cũng cho biết, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư vào năng lượng tái tạo trong nửa đầu năm nay. Nhiều dự án bị hoãn, hủy huy động tài chính và chương trình đấu thầu. Tuy nhiên, lĩnh vực điện gió ngoài khơi chứng kiến hoạt động đầu tư bùng nổ, chủ yếu do triển vọng phát triển các nhà máy điện gió ngoài khơi quy mô lớn và những thành tựu công nghệ phát triển tuabin gió thời gian gần đây.
Chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch đầu tư 94,6 tỷ USD cho các dự án “xanh” giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 và tạo thêm 1,9 triệu việc làm mới cho nền kinh tế đến năm 2025. Mục tiêu của kế hoạch là đưa nền kinh tế nước này giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, bao gồm: sản xuất ô tô điện và ô tô hydro, hệ thống lưới điện thông minh. Hàn Quốc đặt mục tiêu đạt 1,13 triệu xe điện và 200.000 xe hydro vào năm 2025 và mở rộng hệ thống trạm sạc điện và hydro trên toàn quốc.
Chính phủ Kuwait thông báo hủy kế hoạch xây dựng nhà máy điện mặt trời Al-Dabdaba – dự án sẽ cung cấp 15% nhu cầu năng lượng điện của ngành công nghiệp dầu mỏ Kuwait. Nguyên nhân hủy bỏ kế hoạch là do sự lây lan đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến thị trường tài chính và dầu mỏ toàn cầu nói chung và nền kinh tế Kuwait nói riêng. Theo kế hoạch, dự án được Công ty Dầu khí Quốc gia Kuwait (KNPC) triển khai và sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 2/2021. Chính phủ nước này cho biết, quyết định trên sẽ hỗ trợ KNPC tập trung vào các hoạt động ưu tiên và duy trì vị thế trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Kuwait có kế hoạch tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu các nguồn năng lượng lên 15% vào năm 2030.
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ John Biden tuyên bố sẽ chuyển đổi ngành năng lượng Mỹ sang năng lượng tái tạo vào năm 2035 nếu trúng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 sắp tới. Theo ông Biden, Mỹ sẽ thu hút được khoảng 2.000 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi sang các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, ông Biden cũng ủng hộ kế hoạch của lãnh đạo Đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer về khuyến khích người dân Mỹ chuyển đổi xe ô tô chạy xăng, dầu sang động cơ hybrid, chạy điện hoặc nhiên liệu hydro. Hiện tại, chính quyền Mỹ của Tổng thống Trump cam kết mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
China Daily cho biết, Trung Quốc sẽ đưa vào vận hành từ 6-8 lò phản ứng hạt nhân mỗi năm trong giai đoạn 2020-2022 và sẽ tăng công suất điện hạt nhân lên 70 GW. Theo Ủy ban Năng lượng Trung Quốc, tính đến tháng 5/2020, tổng công suất điện hạt nhân của nước này hiện đạt 48,8 GW, chiếm 2,5% tổng công suất phát điện. Công suất điện hạt nhân Trung Quốc được dự báo tăng lên 52 GW (51 tổ máy phát điện) vào cuối năm 2020. Theo Trung tâm phát triển năng lượng hạt nhân Trung Quốc, tổng công suất phát điện hạt nhân nước này sẽ tăng lên 130 GW vào năm 2030, 170 GW vào năm 2035 và 340 GW vào năm 2050. Phát triển năng lượng hạt nhân tại Trung Quốc đã bị đóng băng, nhất là triển khai các dự án lớn do lệnh cấm 4 năm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới sau thảm họa hạt nhân Fukushima (Nhật Bản) năm 2011.
Viễn Đông
https://petrotimes.vn/bung-no-dau-tu-nang-luong-tai-tao-toan-cau-574305.html