Biến dầu ăn thành vật liệu cứng hơn thép
Các nhà khoa học Úc vừa tạo ra vật liệu Graphene từ dầu ăn có rất nhiều đặc tính ưu việt, nó cứng hơn thép 200 lần, cứng hơn cả kim cương nhưng lại vô cùng linh hoạt.
Tạp chí Science Alert dẫn một báo cáo của các nhà khoa học Úc cho biết, họ đã tìm ra cách biến dầu ăn mà con người vẫn dùng hàng ngày thành Graphene, một siêu vật liệu có cực kỳ nhiều ứng dụng. Dưới những điều kiện nhất định, graphene còn có thể biến thành một chất siêu dẫn điện với điện trở bằng không.
Những đặc tính đó của graphene khiến nó có thể được dùng để tạo ra những thiết bị điện tử tốt hơn, các tấm năng lượng mặt trời có hiệu suất cao hơn và thậm chí còn có thể được sử dụng trong y học.
Công nghệ mới của các nhà khoa học Úc cho phép tổng hợp ra được vật liệu Graphene trong điều kiện nhiệt độ phòng thông thường và với nguyên vật liệu chỉ là dầu ăn mà thôi.
Một mảnh graphene được tạo ra từ dầu ăn.
Điều này giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí để sản xuất Graphene so với cách thông thường trước kia. Chi phí để tạo ra loại vật liệu Graphene theo phương pháp cũ tương đối lớn vì chúng phải được tổng hợp trong các loại máy móc thiết bị đặc biệt, có khả năng tạo ra nhiệt độ cực lớn.
Chưa kể tới việc nguyên liệu tạo ra chúng cũng phải có độ tinh khiết rất lớn khiến cho giá thành của những loại vật liệu Graphene trở nên vô cùng đắt đỏ và khó có thể được ứng dụng rộng rãi trong tương lai gần.
Nói về công nghệ sản xuất Graphene bằng dầu ăn, nhà nghiên cứu Zhao Jun Han, đến từ CSIRO (Commonwealth Scientific and Industrial Research Organisation), tổ chức nghiên cứu độc lập của Chính quyền liên bang tại Australia đã cho biết: “Quy trình chế tạo ra loại vật liệu Graphene này rất nhanh chóng, đơn giản, an toàn và có tiềm năng mở rộng trên quy mô lớn. Chúng tôi hi vọng công nghệ duy nhất hiện nay mà chúng tôi đang nghiên cứu này sẽ giúp giảm giá thành sản xuất vật liệu Graphene, tăng tính ứng dụng thực tiễn của loại vật liệu này trong tương lai.”
Vật liệu Graphene với cấu trúc cacbon hình lục giác trải dải vô cùng bền chắc.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã đặt tên cho công nghệ mới này là GraphAir và theo các nhà nghiên cứu mô tả một cách khái quát thì dầu ăn sẽ được nung nóng trong một ống thủy tinh chịu nhiệt trong khoảng 30 phút để chúng tự phân rã và hình thành các khối cacbon mới.
Những khối cacbon này sau đó sẽ được làm nguội và dàn đều trên những tấm kim loại nickel và tạo thành những tấm nguyên liệu Graphene với độ dày chỉ khoảng 1 nanometre mà thôi (nhỏ hơn 80,000 lần so với sợi tóc của con người).
Nhà nghiên cứu Dong Han Seo, một thành viên trong nhóm sáng chế, cho biết, công nghệ này không chỉ giúp đẩy nhanh quá trình tạo ra vật liệu Graphene mà nó còn giúp tiết kiệm chi phí sản xuất rất nhiều: “Chúng ta nay đã có thể tái chế dầu thải và sử dụng chúng để tạo nên những loại vật liệu vô cùng hữu dụng.”
Theo moitruong.com.vn