Biến CO2 thành năng lượng xanh
Hiện nay, hầu hết các biện pháp bảo vệ môi trường đều nhằm chống lại khí thải CO2, nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính. Nhưng ít ai biết rằng, CO2 có thể trở thành năng lượng xanh. Ở Pháp, Tập đoàn Suez đã hợp tác với Công ty Fermentalg phát triển một bể chứa carbon nhân tạo cho phép biến CO2 thành biogas.
Bể chứa carbon nhân tạo
Trong tự nhiên, các bồn chứa carbon (tức là các khu rừng và vỉa than bùn) hấp thụ khí CO2 tồn tại trong không khí. Lượng khí CO2 được các bồn chứa carbon tồn trữ nhiều gấp 3 lần so với trong khí quyển. Bồn chứa carbon tự nhiên lớn nhất hành tinh là biển. Các đại dương hấp thụ nhiều khí CO2 nhất với hơn 3,2 tỉ tấn CO2/năm (tương đương một nửa khí thải CO2 liên quan đến hoạt động của con người).
Phỏng theo cơ chế của các bồn chứa carbon tự nhiên, để sử dụng khí CO2 chuyển hóa thành năng lượng xanh, Suez và Fermentalg đã phát triển một bể chứa carbon sử dụng vi tảo đơn bào. Những vi tảo này được nuôi trong bể nước. Sau đó, nhờ vào quá trình quang hợp, khí CO2 sẽ được lưu lại trên những vi tảo. Quá trình này sẽ diễn ra liên tục, tạo ra một sinh khối. Sinh khối này sẽ được chuyển đến nhà máy để xử lý, từ đó cho phép sản xuất ra nhiều khí biogas, cuối cùng chuyển thành khí biomethane (khí thiên nhiên bền vững).
Như vậy, nhờ vào sử dụng vi tảo và quá trình quang hợp của ánh sáng mặt trời, người ta sử dụng khí CO2 để phát triển năng lượng tái tạo. Khí biomethane sau khi được xử lý có thể sử dụng cho hệ thống làm nước nóng hay lò hơi đốt gas.
Giải pháp hữu hiệu chuyển đổi năng lượng?
Năm 2016, bể chứa khí carbon đầu tiên được đặt ở Colombes, trong một nhà máy xử lý của SIAAP (Nghiệp đoàn xử lý nước thải liên vùng Paris). Sau đó, bể chứa thứ 2 có tên gọi “bể chứa thí điểm” được khánh thành vào năm 2017 ở Paris. Cuối cùng, ngày 2-5-2018, bể chứa thứ 3 được đưa vào hoạt động ở Poissy.
Mỗi lần lắp đặt các bể chứa, Tập đoàn Suez đều rất cẩn thận trong việc chọn vị trí, chọn những khu vực đông người qua lại, nơi có mật độ giao thông đông đúc và cũng là nơi có rất nhiều khí thải CO2. Cụ thể, ở trung tâm thành phố, nơi có ít cây xanh, những bể chứa khổng lồ này hoạt động với cơ chế giống như một khu rừng, tức là hấp thụ khí ô nhiễm nhờ quá trình quang hợp.
Chương trình quốc gia về năng lượng dài hạn đặt ra mục tiêu rất rõ ràng: Pháp phải giảm tiêu thụ năng lượng, sản xuất thêm năng lượng tái tạo và hạn chế khí thải nhà kính. Liệu các bể khí carbon có thể góp phần vào thành công của việc chuyển đổi năng lượng?
Suy cho cùng, các bể khí carbon hiện tại đang trong giai đoạn thử nghiệm, với việc lắp đặt thử nghiệm ở một số nơi.
Hiện tại, Suez chỉ chọn những thành phố lớn và những khu phố đông đúc để thu được tối đa lượng khí CO2. Nhưng trong tương lai không xa, các bể khí này có thể tích hợp vào các nhà máy để hấp thu đến 10.000 tấn khí CO2 mỗi năm. Theo Tập đoàn Suez, ứng dụng này không chỉ giải quyết những vấn đề của biến đổi khí hậu, mà còn có thể phát triển thành một ngành kinh tế.
Theo S.P/petrotimes.vn (30/8/2018)