Vì sao doanh nghiệp công nghiệp nên áp dụng SXSH?

Sản xuất sạch hơn (SXSH) mang lại những lợi ích gì và vì sao doanh nghiệp nên tham gia tham gia SXSH? Đây  hẳn là câu hỏi đã được không ít doanh nghiệp đặt ra trong quá trình sản xuất kinh doanh của mình.

Những lợi ích khi doanh nghiệp SXSH

Trong sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp, việc áp dụng SXSH được xem là phương cách tốt nhất để kết hợp lợi ích kinh tế và môi trường. Mặt khác, khi tham gia thực hiện SXSH, doanh nghiệp công nghiệp sẽ nhận được sự khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước về tư vấn kỹ thuật, về nguồn tài chính thực hiện SXSH.

Cụ thể, nếu bỏ qua vấn đề ô nhiễm, doanh nghiệp sẽ gặp phải:

  • Rủi ro bị phạt
  • Rủi ro phải ngừng sản xuất hoặc bị di dời đi nơi khác
  • Giảm khả năng cạnh tranh và chịu nhiều áp lực từ cộng đồng

Nếu xử lý ô nhiễm, doanh nghiệp sẽ:

  • Tốn chi phí lắp đặt và vận hàng hệ thống xử lý
  • Không thu được lợi nhuận từ việc xử lý ô nhiễm ngoài việc tuân thủ pháp luật
  • Kinh phí để xử lý ô nhiễm được ví bằng hình ảnh tảng băng, ta chỉ nhìn thấy phần nổi trên mặt nước còn các chi phí khác tiềm ẩn là rất lớn

Nếu thực hiện SXSH, doanh nghiệp sẽ:

  • Giảm thiểu ô nhiễm
  • Giảm tổn thất năng lượng, nguyên liệu đầu vào, nước
  • Tăng lợi nhuận, hạ giá thành sản phẩm
  • Giảm chi phí lắp đặt hoặc giảm quy mô của hệ thống xử lý ô nhiễm
  • Tăng khả năng cạnh tranh
  • Tăng khả năng tuân thủ pháp luật tạo hình ảnh đẹp trước cộng đồng

Áp dụng SXSH có giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng sức cạnh tranh?

Nền kinh tế nước ta đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, hơn lúc nào hết, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp càng trở nên bức thiết. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, một trong những yếu tố quyết định là nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; mặt khác, cần có mối quan hệ tốt với các khách hàng, cộng đồng.

Có thể thấy rất rõ, khi áp dụng SXSH, doanh nghiệp sẽ đạt được những ích lợi như:

         – Giảm các chi phí cho đầu vào của sản phẩm, giảm chi phí cho việc xử lý môi trường (các khoản chi phí, thuế ngày càng trở thành sức ép lớn đối với doanh nghiệp);

        – Nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm do được quản lý tốt hơn, hiệu suất sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, nguồn lực cao hơn

          – Tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp do giảm chi phí sản xuất

          – Khích lệ đổi mới vì đó là thuộc tính của SXSH

         – Nâng cao tính cạnh tranh và chỗ đứng trên thị trường do chất lượng sản phẩm tốt hơn, uy tín doanh nghiệp trước cộng đồng

         – Nâng cao năng suất do cài tiến quá trình và lôi kéo được mọi người tham gia .Việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo cách tiếp cận này là một cách tiếp cận chủ động, làm thái độ của mọi thành viên của doanh nghiệp trở nên tích cực hơn;

Tất cả các yếu tố trên sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp một cách mạnh mẽ.

VNCPC