Nguy cơ lãng phí từ sản xuất dư thừa

Sản xuất dư thừa là một trong những lãng phí được đánh giá là nghiêm trọng và tồi tệ nhất trong các dạng lãng phí vì nó tiềm ẩn hoặc/và tạo ra các lãng phí khác.

Theo chuyên gia năng suất, sản xuất dư thừa có thể gây ra các nguy cơ sau đối với doanh nghiệp: Nếu sản xuất quá nhiều, doanh nghiệp sẽ lưu kho nhiều, khó thay đổi dòng sản phẩm theo thị hiếu và tiến bộ khoa học công nghệ, từ đó gia tăng rủi ro sự lỗi thời hàng hóa.

Đây sẽ là những hàng hóa, sản phẩm không theo kịp yêu cầu, đòi hỏi của thị trường và tiến bộ công nghệ, bị tụt hậu so với những sản phẩm ở thời điểm hiện tại. Việc loại bỏ những hàng hóa, sản phẩm này sẽ dẫn đến nguy cơ về sự giảm sút doanh thu và thị phần của doanh nghiệp trên thị trường. Sản xuất dư thừa cũng góp phần làm doanh nghiệp phải đối mặt với tình hình sản phẩm, hàng hóa hết hạn.

Chẳng hạn như mặt hàng dược phẩm, thực phẩm… doanh nghiệp không chỉ cần bảo quản đúng cách mà còn phải theo dõi hạn dùng. Nếu hết hạn sử dụng doanh nghiệp phải hủy các loại hàng hóa này, như vậy đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tốn chi phí cho khoản tiến mua nguyên liệu, đầu vào ban đầu; bên cạnh đó phải mất thêm một khoản chi phí để xử lý và thải bỏ các hàng hóa hết hạn. Sản xuất dư thừa góp phần tăng thêm số lượng tồn kho so với nhu cầu thực, dẫn đến lượng tồn kho vượt quá khả năng lưu trữ, chiếm dụng diện tích. Từ đó phát sinh thêm chi phí cho các hoạt động lưu trữ và bảo quản hàng hóa.


Sản xuất dư thừa là một trong những lãng phí được đánh giá là nghiêm trọng và tồi tệ nhất trong các dạng lãng phí.

Với sản xuất dư thừa doanh nghiệp có thể phải bán các sản phẩm này với giá thấp hoặc phải bỏ đi dưới dạng phế liệu hoặc phải dùng loại đầu vào, bàn giao sản phẩm cho khách hàng với chất lượng cao hơn mức yêu cầu. Ngoài ra, doanh nghiệp phải đầu tư vốn trước thời hạn như đầu tư mua nguyên liệu và phụ tùng trước kỳ hạn mà doanh nghiệp có khả năng tiếp tục được đặt hàng. Sản xuất thừa còn dẫn đến gia tăng nhiều chi phí như: chi phí lưu kho, chi phí năng lượng, chi phí bảo quản, chi phí nhân lực, chi phí hành chính, chi phí thiết bị, chi phí tài chính…

Các nguyên nhân dẫn đến sản xuất dư thừa có thể là: Thường doanh nghiệp đều mong muốn chủ động trong sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của khách hàng càng nhanh càng tốt do vậy doanh nghiệp vẫn chấp nhận một khoảng sản xuất dư thừa nào đó như một khoảng dự phòng.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có được lượng sản xuất dư thừa mong muốn này. Nguyên nhân là do có một số khoản dự phòng nhưng mức này được tính toán chưa hợp lý dẫn đến dự phòng quá cao; Hoặc mặc dù doanh nghiệp chưa có đơn hàng, chưa ký hợp đồng, thông tin hợp đồng/đơn hàng chưa rõ đã bắt tay vào triển khai thực hiện để tạo thế chủ động và lợi thế so với đối thủ cạnh tranh. Cũng có một số doanh nghiệp dự báo sai nhu cầu hoặc sản xuất trước kỳ hạn và cho rằng khách hàng sẽ đặt lại đơn hàng cũ nên tiến hành triển khai sản xuất trước khi có thông tin chính thức.

Thường các doanh nghiệp đều mong muốn chủ động trong sản xuất kinh doanh, mong muốn đáp ứng yêu cầu của khách hàng càng nhanh càng tốt do vậy nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận một khoảng sản xuất dư thừa nào đó như một khoảng dự phòng.


Ảnh minh hoạ.

Trong một số trường hợp, khi doanh nghiệp đã sản xuất hoàn thiện đơn hàng nhưng đơn hàng lại bị hủy hoặc thay đổi số lượng hay chủng loại. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sản xuất dư thừa. Mức độ nghiêm trọng của sản xuất dư thừa trong trường hợp này gặp ở các doanh nghiệp có quy mô sản xuất theo lô hàng lớn hoặc sản xuất hàng loạt nhiều hơn so với doanh nghiệp có loại hình sản xuất khác.

Việc quản lý trao đổi thông tin trong doanh nghiệp chưa tốt, thông tin truyền đạt giữa bộ phận kinh doanh và bộ phận sản xuất không xuyên suốt dẫn đến thông tin đầu vào, đầu ra (ví dụ: nguyên vật liệu) không rõ và giám sát thông tin, giám sát tuân thủ không tốt (ví dụ mặt dưới mặt bàn cần được làm bằng gỗ loại A, trong khi khách hàng chỉ yêu cầu loại B, v.v. hoặc kế hoạch sản xuất không đạt.

Phương Nam
https://vietq.vn/nguy-co-lang-phi-tu-san-xuat-du-thua-d225939.html

Nghiên cứu đột phá công nghệ tạo ra điện Mặt Trời vào ban đêm

Nghiên cứu từ Đại học UNSW (Australia) cho thấy, nhiệt hồng ngoại bức xạ của Trái Đất có thể được sử dụng để tạo ra điện, ngay cả sau khi Mặt Trời lặn.

Nghiên cứu từ Đại học UNSW (Australia) cho thấy, nhiệt hồng ngoại bức xạ của Trái Đất có thể được sử dụng để tạo ra điện, ngay cả sau khi Mặt Trời lặn, theo cách tương tự như Trái Đất nguội đi bằng cách bức xạ vào không gian lúc ban đêm.

Mặc dù lượng điện được tạo ra ở giai đoạn này rất nhỏ, ít hơn khoảng 100.000 lần so với lượng điện do tấm pin Mặt Trời, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng kết quả có thể được cải thiện trong tương lai.

Phó Giáo sư Ned Ekins-Daukes cho biết, năng lượng chiếu xuống Trái Đất vào ban ngày dưới dạng ánh sáng Mặt Trời và làm ấm hành tinh. Vào ban đêm, cùng mức năng lượng này bức xạ trở lại vào không gian dưới dạng ánh sáng hồng ngoại và có thể tạo ra điện bằng cách tận dụng quá trình này.

Theo Tiến sĩ Phoebe Pearce, khi có dòng năng lượng, có thể chuyển đổi thành các dạng khác nhau. Quá trình chuyển đổi trực tiếp ánh sáng Mặt Trời thành điện, do con người phát triển để chuyển đổi năng lượng mặt trời thành điện năng. Quá trình nhiệt bức xạ cũng tương tự, chuyển năng lượng trong tia hồng ngoại từ Trái Đất ấm vào vũ trụ lạnh.


Nghiên cứu sử dụng nhiệt hồng ngoại bức xạ của Trái Đất để tạo ra điện ngay cả sau khi Mặt Trời lặn. Ảnh minh họa

Nhóm nghiên cứu tin rằng, công nghệ mới có thể có nhiều ứng dụng trong tương lai, giúp sản xuất điện theo những cách hiện không thể thực hiện được.

Theo Tiến sĩ Michael Nielsen, từ nghiên cứu tới thương mại hoá vẫn còn chặng đường dài, tuy nhiên mở ra giải pháp tạo ra điện từ Mặt Trời ban đêm.

Liên quan tới tấm pin điện Mặt Trời, trước đó nhóm nghiên cứu tại Đại học Stanford (Mỹ) chế tạo pin Mặt Trời với khả năng thu năng lượng từ môi trường cả ngày lẫn đêm, giúp loại bỏ nhu cầu sử dụng thêm bộ lưu trữ điện.

Ban đêm, pin Mặt Trời tỏa nhiệt ra không gian và nhiệt độ bề mặt pin sẽ mát hơn vài độ so với không khí xung quanh. Thiết bị mới sử dụng một module nhiệt điện để tạo ra điện áp và dòng điện từ sự chênh lệch nhiệt độ giữa pin mặt trời và không khí. Quá trình này phụ thuộc vào cấu trúc nhiệt của hệ thống, bao gồm một bên nóng và một bên lạnh.

“Module nhiệt điện cần tiếp xúc tốt với cả bên lạnh (pin Mặt Trời ) lẫn bên nóng (môi trường xung quanh). Nếu không đảm bảo điều đó, bạn sẽ không thu được nhiều năng lượng”, Sid Assawaworrarit, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.

Nhóm chuyên gia đã chứng minh khả năng phát điện của thiết bị mới vào ban ngày, khi thiết bị hoạt động theo chiều ngược lại và đóng góp thêm năng lượng cho pin Mặt Trời truyền thống, cũng như vào ban đêm.

Nhóm nhà khoa học đặt mục tiêu tối ưu hóa khả năng cách nhiệt và các thành phần nhiệt điện của thiết bị. Họ cũng đang tìm cách cải tiến pin mặt trời để tăng hiệu quả tỏa nhiệt mà không ảnh hưởng đến khả năng thu năng lượng Mặt Trời.

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực điện mặt trời

Nhằm mục đích đẩy mạnh khai thác và sử dụng tối đa, có hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo trong nước, từng bước gia tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng quốc gia để giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, cải thiện cơ cấu ngành năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế – xã hội bền vững, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo ở nước ta trong đó có điện Mặt Trời. Các cơ chế cũng đã tạo điều kiện cho hàng nghìn nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường từ nghiên cứu, sản xuất, phân phối, lắp đặt, dịch vụ, đến tài chính, bảo hiểm…, góp phần hình thành thị trường điện năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Song song với đó, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia cũng đang hoàn thiện để có được các tiêu chuẩn kỹ thuật kiểm soát an toàn, chất lượng của hệ thống điện Mặt Trời. Tính đến hết năm 2019 có khoảng 1000 TCVN trong lĩnh vực điện và điện tử, trong đó có 19 TCVN về hệ thống điện Mặt Trời. Các tiêu chuẩn quốc gia TCVN về điện Mặt Trời phần lớn được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC (Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà quản lý, tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận có thể thừa nhận lẫn nhau kết quả thử nghiệm cũng như chứng chỉ chứng nhận.

Việc biên soạn các TCVN này được thực hiện chính bởi Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/E13 Năng lượng Tái tạo. Tiêu chuẩn quốc gia về tấm pin Mặt Trời hiện nay đã có bộ tiêu chuẩn về an toàn điện của tấm pin TCVN 12232 được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC 61730, bộ tiêu chuẩn về đánh giá chất lượng thiết kế của tấm pin TCVN 6781 được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC 61215. Bên cạnh đó còn có các tiêu chuẩn đối với thành phần của hệ thống pin mặt trời như bộ TCVN 12231 về an toàn của bộ nghịch lưu inverter được xây dựng trên cơ sở chấp nhận tiêu chuẩn quốc tế IEC 62109 và các TCVN cho hộp kết nối, cáp điện, v.v…

An Dương (T/h)

https://vietq.vn/australia-nghien-cuu-dot-pha-cong-nghe-tao-ra-dien-mat-troi-vao-ban-dem-d225631.html

Cần thêm lực đẩy cho sản xuất và tiêu dùng bền vững

Theo TS. Lê Xuân Thịnh, hiện doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang thiếu “lực đẩy và lực kéo” để thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững một cách hiệu quả.

Doanh nghiệp cần cả “lực đẩy và lực kéo”

Là Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), TS. Lê Xuân Thịnh cho biết sau hơn 20 năm chương trình sản xuất sạch hơn hiện diện tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã được thụ hưởng và có những chuyển biến rõ nét.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần cả “lực đẩy và lực kéo” để có thể thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững, kinh tế tuần hoàn một cách thực chất, hiệu quả và bền vững.


TS. Lê Xuân Thịnh trình bày điển hình sản xuất sạch hơn tại một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp do VNCPC tư vấn (Ảnh: Thu Hường)

Chia sẻ bên lề Hội nghị Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 19/9 vừa qua, TS. Lê Xuân Thịnh khẳng định: Nhận thức của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hiện nay khá rõ nét và đầy đủ.

Sau hơn 20 năm Việt Nam thực hiện chương trình sản xuất sạch hơn mà hiện nay chuyển thành Sản xuất và tiêu dùng bền vững, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các chương trình hỗ trợ của Quốc gia thông qua Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (2009), Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững 2021-2030 cũng đã phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực rất lớn cho các doanh nghiệp, việc nhận thức của doanh nghiệp hiện nay tương đối tốt.

“Đặc biệt là với sức ép của các nhãn hàng, người tiêu dùng, sự cạnh tranh của thị trường quốc tế, các doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí tối đa mới có thể cạnh tranh, do đó nhiều doanh nghiệp đã chủ động thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn”- TS. Thịnh khẳng định.

Tuy nhiên cũng theo Giám đốc VNCPC, từ việc nhận thức sang thực hiện của doanh nghiệp còn có một khoảng cách rất lớn.

TS. Thịnh cho rằng, đội ngũ kỹ thuật để thực hiện ở dưới các doanh nghiệp luôn bị dịch chuyển, nghĩa là sau đào tạo họ chỉ làm ở doanh nghiệp một thời gian lại dịch chuyển sang doanh nghiệp khác, và doanh nghiệp phải bắt đầu lại từ đầu.

Bên cạnh đó, việc quyết liệt thực hiện giao nhiệm vụ từ lãnh đạo doanh nghiệp xuống cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật cũng chưa được quyết liệt, khiến cho công tác trình các kế hoạch thực hiện từ đội ngũ cán bộ kỹ thuật lên lãnh đạo nhà máy còn có độ trễ, dẫn đến nhiều cán bộ kỹ thuật không hào hứng trong thực hiện.

Ngoài ra, nhiều mô hình trình diễn đang thiếu, đặc biệt là ở một số ngành, từ việc phổ biến thông tin đến ngành đó còn chưa đầy đủ, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong quá trình thực hiện.

Hiện nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ lộ trình chuyển đổi xanh, sản xuất sạch, kinh tế tuần hoàn là con đường đi tất yếu phải thực hiện. Tuy nhiên theo vị chuyên gia này, nếu Nhà nước tiếp tục có các chương trình hỗ trợ về truyền thông, tư vấn, xây dựng mô hình mẫu… chắc chắn các doanh nghiệp sẽ triển khai nhanh và hiệu quả hơn.

“Để triển khai hiệu quả, phải vừa đẩy và kéo. Cụ thể “đẩy” ở đây phải có các mô hình trình diễn, có các hỗ trợ để doanh nghiệp lên một tầm cao mới. Bên cạnh đó, cần có các tiêu chí thế nào là phát triển bền vững? thế nào sinh thái? thế nào là doanh nghiệp xanh? hiện chúng ta còn thiếu nhiều các tiêu chí, việc nhận diện các tiêu chí đó còn đang rất khó khăn, người tiêu dùng không biết các sản phẩm này xanh hay không xanh. Nên phải bằng nhãn mà nhãn xanh hiện nay mới chỉ có ở các sản phẩm thuộc Chương trình quốc gia về Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, còn các nhãn khác đang vướng mắc”- TS. Lê Xuân Thịnh nhấn mạnh.

Cần thêm lực đẩy cho sản xuất và tiêu dùng bền vững

Cao su Đà Nẵng giới thiệu các sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng tại Triển lãm sản xuất và tiêu dùng bền vững, tiết kiệm năng lượng trong khuôn khổ hội nghị SCP Quốc gia vào ngày 19/9 tại Đà Nẵng (Ảnh: Thu Hường)

Còn việc “kéo”, là phải gỡ bỏ các rào cản về khuôn khổ pháp lý, Luật đã có đã quy định nhưng chúng ta phải xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn,… hiện các văn bản này đang thiếu.

Giám đốc VNCPC khẳng định: “Doanh nghiệp khi thực hiện họ phải biết được việc họ đang làm theo hướng dẫn của Nghị định, Thông tư nào hay Chỉ thị nào… đây là vấn đề mà doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc”.

TS. Thịnh lấy ví dụ thực tế mà doanh nghiệp đã gặp phải khi thực hiện tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng ngay trong doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị vướng về Báo cáo môi trường, xin cấp lại giấy phép môi trường…, Từ đó, ông cho rằng, khi thực hiện tuần hoàn như vậy sẽ thay đổi thành phần chất thải, chất thải sẽ giảm đi, việc đó phải có hướng dẫn cho doanh nghiệp và giảm thiểu thủ tục cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp cấp lại giấy phép môi trường dễ dàng nhanh chóng chứ không phải cấp mới như hiện nay.

Doanh nghiệp phải coi phát triển bền vững là lợi ích “sát sườn”

Hiện còn nhiều doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch và báo cáo phát triển bền vững (ESG) mang tính chất đối phó, chỉ để làm “thương hiệu, tuyên truyền”.

Để hoạt động này được doanh nghiệp tuân thủ và đi vào thực chất, theo TS. Lê Xuân Thịnh, chỉ khi doanh nghiệp nhận rõ lợi ích thiết thực từ các hoạt động trên thì họ mới làm thực chất. Do đó, phải cho doanh nghiệp thấy họ đang đứng ở đâu trong quá trình phát triển bền vững và việc phát triển bền vững giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí, được thị trường thừa nhận, khách hàng nhiều hơn thì lúc đó doanh nghiệp sẽ thay đổi cách làm.

Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, trong những năm qua, VNCPC đã tham gia tư vẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho hàng trăm doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam về các giải pháp thực hiện sản xuất sạch hơn, kinh tế tuần hoàn.

Trong đó có thể kể đến các giải pháp trong lĩnh vực sản xuất da giày, VNCPC đã tư vấn một doanh nghiệp sử dụng nước cấp 4.000m3/tháng, sau khi được xử lý nước đạt tiêu chuẩn, doanh nghiệp không xả ra môi trường mà tái sử dụng cho hoạt động vệ sinh của doanh nghiệp, nhờ đó doanh nghiệp đã tiết kiệm được 44,2 triệu đồng/tháng.

Hay đối với công ty dệt nhuộm, thông qua giải pháp đầu tư hệ thống RO để tái sử dụng nước, chất lượng nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn nước thải loại A. Theo đó với công suất 5.000m3/ngày đêm, chi phí đầu tư 20,5 tỷ đồng, chi phí vận hành 9,5 tỷ đồng. Với việc tuần hoàn sử dụng nước thải sau khi được xử lý đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí mua nước và chi phí xả thải lên đến 14,4 tỷ đồng/năm.


Mô hình sản xuất bia, rượu có thể áp dụng giải pháp thu hồi khí CO2, tuần hoàn nước làm mát nhằm thực hiện sản xuất sạch hơn (Ảnh minh họa: Thu Hường)

Đối với mô hình sản xuất bia, với công suất nhà máy 24 triệu lít bia/năm, khí biogas sinh ra từ hệ thống xử lý nước thải 4.800m3/ngày, chi phí đầu tư 2,6 tỷ đồng, chi phí vận hành 616 triệu đồng, nhờ tái sử dụng nước thải và thu hồi khí biogas phục vụ cho lò hơi (lò hơi trước đó sử dụng sinh khối) đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí nước và năng lượng là 5,39 tỷ đồng, như vậy thời gian hoàn vốn của doanh nghiệp chỉ có 3 tháng. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đã giảm tiêu thụ sinh khối với tỷ lệ 33% ( củi và trấu), qua đó giảm phát thải khí nhà kính là 17.044 tấn CO2.

Ông Lê Xuân Thịnh chia sẻ, với mô hình sản xuất bia, rượu thì giải pháp thu hồi khí CO2, tuần hoàn nước làm mát và ép vắt bã làm thức ăn gia súc sẽ mang lại hiệu quả rất lớn về môi trường, kinh tế và xã hội.

Tương tự như vậy trong lĩnh vực sản xuất tinh bột sắn, doanh nghiệp có thể sử dụng bã sắn, vỏ sắn để sản xuất phân vi sinh, thu hồi khí đốt để thay thế than, ép vắt bã làm thức ăn gia súc; hoặc đối với ngành mía đường doanh nghiệp có thể đầu tư hệ thống phát điện đồng phát từ bã mía, xây dựng hệ thống làm mát để tuần hoàn tái sử dụng, hơi dùng sấy đường, điện chạy nhà máy và hoàn toàn có thể đăng ký cơ chế phát triển sạch (CDM), bùn thải từ sản xuất mía đường có thể sản xuất phân vi sinh, bán CO2 để giảm thời gian hoàn vốn đầu tư.

“Như vậy, chỉ khi có những mô hình cụ thể, lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường cụ thể thì doanh nghiệp mới thực hiện và triển khai một cách thực chất, mang lại hiệu quả cao thay vì chỉ làm đối phó như hiện nay nhiều doanh nghiệp đang làm. Tất nhiên, để làm được điều đó đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần sự trợ lực từ Nhà nước”- TS. Thịnh khẳng định.

Thu Hường
https://congthuong.vn/can-them-luc-day-cho-san-xuat-va-tieu-dung-ben-vung-347594.html

Thực hành ESG: Những thách thức đối với doanh nghiệp

Từ năm 2004, thuật ngữ ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) đã lần đầu tiên xuất hiện trong báo cáo của Liên Hợp Quốc, song phải đến những năm 2020, ESG mới trở thành xu hướng đối các doanh nghiệp. Mặc dù vậy, việc thực hiện ESG cũng khiến không ít tổ chức lúng túng.

Thực hành ESG thể hiện rằng các tổ chức hay nhà đầu tư đang có trách nhiệm hơn trong việc phát triển bền vững, thực hành đạo đức, quản lý để tạo ra giá trị dài hạn cũng như giảm thiểu rủi ro về môi trường và xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện báo cáo ESG dưới đây là những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải:

Dữ liệu

Một trong những thách thức lớn khi thực hiện báo cáo ESG chính là sự thiếu tiêu chuẩn hóa về dữ liệu. Trong báo cáo ESG rất đa dạng dữ liệu liên quan tới môi trường và xã hội, dẫn tới việc rất khó khăn cho các doanh nghiệp khi đem ra so sánh và đánh giá các nguồn dữ liệu khác nhau. Theo nghiên cứu của Diligent (tổ chức chuyên nghiên cứu về giải pháp ESG), có tới hơn 60% các doanh nghiệp đang bị hạn chế khả năng thu thập, phân tích và báo cáo các dữ liệu liên quan tới ESG. Hiện có rất nhiều các tiêu chuẩn khác nhau về phát triển bền vững, các tiêu chuẩn này thường không thống nhất về dữ liệu. Vì vậy, nếu kết hợp nhiều tiêu chuẩn lại sẽ dẫn tới tình trạng “loạn” thông tin đối với doanh nghiệp.

Nhân lực và tài chính

Báo cáo ESG là một quy trình yêu cầu sử dụng rất nhiều nguồn lực và năng lực tài chính, vì thế có thể nói đây là một trong những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp không chỉ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thêm vào đó, báo cáo ESG không có liên kết rõ ràng với báo cáo tài chính của doanh nghiệp, vì vậy các tổ chức sẽ không có nhận thức rõ ràng trong việc tác động của báo cáo bền vững ảnh hưởng như thế nào tới lợi nhuận của họ. Ngoài ra, đầu tư vào báo cáo ESG là một khoản đầu tư dài hạn và yêu cầu sự cam kết liên tục. Cụ thể, để có thể theo dõi toàn diện và giám sát hiệu quả dữ liệu, các tổ chức phải đầu tư rất nhiều vào công nghệ, con người và hệ thống.

Trong khi đó, nhân lực có kiến thức chuyên môn cao về ESG phải được đào tạo hoặc thuê để duy trì mức độ hiệu quả của báo cáo ESG thường có chi phí rất cao.

ESG hiện đã phát triển thành một khuôn khổ toàn diện bao gồm các yếu tố chính xung quanh tác động môi trường và xã hội, cũng như cách sửa đổi cơ cấu quản trị doanh nghiệp để tối đa hóa phúc lợi của các bên liên quan.

Ngoài ra, khi đưa ESG vào chiến lược cốt lõi của doanh nghiệp có thể dẫn đến việc tổ chức phải tái thiết và phân bổ lại nguồn lực cho toàn bộ hệ thống của mình. Điều này có thể bao gồm việc thay đổi quản trị chuỗi cung ứng, phát triển sản phẩm hoặc các chức năng khác của doanh nghiệp.

Thực thi

Tuân thủ các quy định là một trong những khía cạnh quan trọng để thực hiện báo cáo ESG, bao gồm việc tuân thủ luật pháp, quy tắc và quy định do Chính phủ và cơ quan có liên quan. Những luật định này có thể thay đổi theo quốc gia, ngành, thậm chí kể cả quy mô của doanh nghiệp. Vì vậy, việc gặp những thách thức trong việc thực thi các luật định cũng là vấn đề nan giải mà các tổ chức và công ty cần phải giải quyết.

Có thể thấy rằng, việc thực hiện báo cáo ESG theo từng khu vực đang gây ra những thách thức cực lớn cho các tổ chức. Họ cần phải nắm bắt chặt chẽ các quy định và luật pháp cụ thể của từng khu vực để tránh dẫn tới tình trạng vi phạm và ảnh hưởng tới khả năng vận hành của doanh nghiệp.

Trước những thách thức trên, hiện phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đứng ngoài các hoạt động tiến tới đạt tiêu chuẩn ESG. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và quốc tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do cả yếu tố khách quan và chủ quan.

VNCPC

ESG và các khung báo cáo phổ biến

Khung báo cáo ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) là một tập hợp các hướng dẫn và tiêu chuẩn được sử dụng để tạo ra các báo cáo phát triển bền vững một cách rõ ràng, có cấu trúc và có thể hành động.

Khung báo cáo ESG mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?

Các khung báo cáo ESG hỗ trợ các tổ chức:

  • Minh bạch hơn với các bên liên quan;
  • Có được thông tin chuyên sâu về các cơ hội cải thiện; và
  • Luôn tuân thủ các yêu cầu báo cáo bắt buộc.

Khung báo cáo ESG cho phép các tổ chức có trình độ chuyên môn và xuất phát điểm khác nhau về tính bền vững biên soạn và công bố các sáng kiến của họ theo cách toàn diện và dễ tiếp cận nhất có thể, cả trong nội bộ và bởi các bên liên quan.

Khung báo cáo ESG là một tập hợp các hướng dẫn và tiêu chuẩn được sử dụng để tạo ra các báo cáo phát triển bền vững một cách rõ ràng, có cấu trúc và có thể hành động.

Các khung ESG phổ biến

Hiện có rất nhiều khung báo cáo ESG mà doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên, chỉ dựa vào một khung khổ duy nhất có thể không đủ để công bố tất cả thông tin cần thiết.

Dưới đây là một số khung khổ phổ biến nhất mà các doanh nghiệp có thể lựa chọn để phù hợp với nhu cầu của mình.

CDP

CDP (trước đây là “Dự án Công bố Carbon”) là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2000, vận hành hệ thống công bố lớn nhất trên toàn cầu cho các công ty và thành phố.

Với vai trò thu thập và phân tích dữ liệu về hiệu suất môi trường và cung cấp thông tin chi tiết để cải thiện các hoạt động bền vững, các doanh nghiệp gửi thông tin cho CDP bằng cách điền vào Bảng câu hỏi. Phối hợp với Trung tâm Khí hậu SME (SME Climate Hub), CDP đã đưa ra một khung khổ công bố khí hậu mới vào năm 2021. Khung khổ này giúp các doanh nghiệp theo dõi và báo cáo tiến độ của họ đối với các cam kết, cũng như thể hiện sự lãnh đạo về khí hậu trong các ngành tương ứng của họ.

Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (Global Reporting Initiative – GRI)

GRI là một tổ chức độc lập – trụ sở tại Amsterdam, có các văn phòng khu vực trên khắp thế giới – giúp các doanh nghiệp, chính phủ và các tổ chức khác hiểu và truyền đạt các tác động bền vững của họ.

Tiêu chuẩn GRI được công nhận rộng rãi như một tiêu chuẩn toàn cầu cho báo cáo ESG và được sử dụng bởi hàng ngàn công ty, chính phủ và tổ chức trên toàn thế giới.

Các tiêu chuẩn cung cấp một khung khổ toàn diện để báo cáo về hiệu suất ESG của một tổ chức, bao gồm một loạt các chủ đề như: phát thải khí nhà kính, sử dụng nước, thực hành lao động công bằng, nhân quyền, chống tham nhũng và sự tham gia của cộng đồng. Các tiêu chuẩn này hướng dẫn cụ thể về cách cung cấp thông tin cho từng chủ đề, bao gồm thông tin nào cần đưa vào, cách đo lường và báo cáo về hiệu suất, cũng như cách đảm bảo tính minh bạch và chính xác.

Hội đồng Chuẩn mực Kế toán bền vững (Sustainability Accounting Standards Board – SASB)

Các tiêu chuẩn SASB được thiết kế để giúp các công ty xác định và báo cáo về các vấn đề bền vững liên quan đến tài chính và có liên quan đến ngành nghề kinh doanh của họ. Bằng cách sử dụng SASB, các công ty có thể cung cấp cho các nhà đầu tư thông tin hữu ích hơn và có thể so sánh về hiệu suất bền vững để đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt hơn.

Hiện có rất nhiều khung báo cáo ESG mà doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng

Hội đồng Tiêu chuẩn Bền vững Quốc tế (International Sustainability Standards Board – ISSB)

ISSB là một cơ quan độc lập, thuộc khu vực tư nhân được thành lập bởi Tổ chức Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (International Financial Reporting Standards Foundation – IFRS) đã tìm cách phát triển “các tiêu chuẩn chất lượng cao về báo cáo tài chính và phát triển bền vững, dễ hiểu, có thể thực thi và được chấp nhận trên toàn cầu”.

Mục tiêu của ISSB là cung cấp cho các nhà đầu tư và những bên liên quan khác tham gia thị trường thông tin nhất quán về rủi ro và cơ hội liên quan đến tính bền vững của các công ty, để giúp họ đưa ra quyết định sáng suốt trong một loạt các ngành công nghiệp.

Mục tiêu của họ là giúp các nhà đầu tư toàn cầu đánh giá tốt hơn giá trị dài hạn của các công ty niêm yết, với các báo cáo bền vững được phát hành cùng với các báo cáo tiêu chuẩn tài chính.

Sáng kiến Mục tiêu Dựa trên Khoa học (Science-Based Targets Initiative – SBTi)

Khung báo cáo của SBTi cung cấp các hướng dẫn về cách các tổ chức nên báo cáo tiến độ của họ, bao gồm dữ liệu nào họ nên thu thập và cách họ nên đo lường lượng khí thải của mình. Khung này cũng bao gồm các yêu cầu cụ thể để báo cáo về các loại phát thải khác nhau, chẳng hạn như phát thải Phạm vi 1 (trực tiếp) và Phạm vi 2 (gián tiếp), cũng như phát thải Phạm vi 3 (gián tiếp) liên quan đến chuỗi giá trị của tổ chức.

SBTi cũng yêu cầu các tổ chức báo cáo về tiến trình của họ để đạt được các mục tiêu dựa trên khoa học, bao gồm bất kỳ thách thức hoặc rào cản nào họ gặp phải trên hành trình. Thông tin này được SBTi sử dụng để đánh giá hiệu quả của chương trình và xác định các lĩnh vực có thể cần hỗ trợ hoặc hướng dẫn bổ sung.

Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (UN Sustainable Development Goals – SDGs)

Mặc dù không phải là một khung khổ báo cáo theo nghĩa truyền thống, các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) là một tập hợp 17 mục tiêu toàn cầu nhằm giải quyết các thách thức kinh tế, xã hội và môi trường cấp bách nhất trên thế giới.

SDGs cung cấp một ngôn ngữ và khung khổ chung cho các tổ chức để điều chỉnh các chiến lược và hoạt động của họ với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu và báo cáo về những đóng góp của họ để đạt được các mục tiêu.

Một số khung báo cáo như CDP, GRI và SASB kết hợp với 17 mục tiêu trên và các tổ chức có thể công bố tiến trình của họ bằng cách sử dụng các khung khổ đó. Chính phủ có thể tận dụng dữ liệu này để theo dõi tiến trình quốc gia và phát triển các chính sách liên quan.

Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs) là một tập hợp 17 mục tiêu toàn cầu nhằm giải quyết các thách thức kinh tế, xã hội và môi trường cấp bách nhất trên thế giới.

Nhóm công tác về Công bố Tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD)

TCFD là một sáng kiến toàn cầu được thành lập bởi Ủy ban ổn định tài chính (Financial Stability Board – FSB) vào năm 2015 nhằm cải thiện và tăng cường báo cáo về rủi ro và cơ hội tài chính liên quan đến khí hậu của các công ty và tổ chức tài chính.TCFD đã phát triển một bộ khuyến nghị cho các công bố tài chính tự nguyện liên quan đến khí hậu được phát hành vào năm 2017.

Các khuyến nghị cung cấp một khung khổ cho các công ty công bố các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu trong báo cáo tài chính của họ, giúp các nhà đầu tư, bên cho vay và các bên liên quan khác đưa ra quyết định sáng suốt hơn. Các khuyến nghị của TCFD được công nhận và hỗ trợ rộng rãi bởi các doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan quản lý trên toàn thế giới như một phương tiện hiệu quả để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về các rủi ro và cơ hội tài chính liên quan đến khí hậu.

Vào năm 2018, CDP đã thiết kế lại bảng câu hỏi về biến đổi khí hậu của mình để phù hợp với các khuyến nghị của TCFD và hiện bảng câu hỏi về biến đổi khí hậu của CDP chứa hơn 25 câu hỏi phù hợp với TCFD.

Nên chọn khung khổ ESG nào?

Như vậy, có rất nhiều khung báo cáo ESG để doanh nghiệp lựa chọn. Mỗi loại lại đi kèm với bộ số liệu và yêu cầu báo cáo riêng, giúp tìm ra khung khổ nào (hoặc kết hợp với khung khổ nào) phù hợp nhất cho doanh nghiệp của bạn. Ngoài ra, để lựa chọn khung báo cáo phù hợp, tổ chức có thể:

  • Nghiên cứu các khung khổ thường được sử dụng bởi các công ty có cùng hoạt động kinh doanh;
  • Nhìn vào những gì đối thủ cạnh tranh đang sử dụng, khi sử dụng cùng một khung khổ báo cáo có thể giúp doanh nghiệp so sánh điểm chuẩn với họ;
  • Xem xét đối tượng chính mà báo cáo ESG của mình hướng tới, các nhà đầu tư, khách hàng, nhân viên và các bên liên quan khác thường muốn xem các thông tin khác nhau về các sáng kiến ESG.
  • Các quy định về công bố liên quan đến khí hậu và các loại báo cáo ESG khác cũng có thể ảnh hưởng đến các lựa chọn khung báo cáo.

VNCPC

ESG và Phát triển bền vững: Những điểm khác biệt

Trong những năm gần đây, định hướng phát triển bền vững và các yếu tố Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đã trở thành một phần không thể thiếu trong các chiến lược và quá trình ra quyết định của doanh nghiệp. Các nội dung thực thi của ESG tập trung vào việc đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức trong ba lĩnh vực chính này và đã thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư, người tiêu dùng và các bên liên quan. Đây là sự phát triển bền vững được bảo đảm bằng theo đuổi thực hiện ESG và là 1 xu hướng kinh tế xã hội thời thượng.

Hoạt động kinh doanh cân đối lợi ích hài hòa giữa khách hàng, doanh nghiệp và xã hội là một tư duy trong quản trị kinh doanh hướng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Phát triển bền vững đang trở thành giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh của tổ chức, đặc biệt đối với doanh nghiệp hoạt động giao thương quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và các công ty đại chúng niêm yết tại sàn chứng khoán.

Các yếu tố ESG và tính bền vững trong phát triển doanh nghiệp đã trở thành những cân nhắc thiết yếu đối với các công ty trên toàn thế giới. Theo đó, Báo cáo Phát triển bền vững và báo cáo ESG được các doanh nghiệp công bố trở nên cực kỳ phổ biến. Nếu một doanh nghiệp đơn giản chỉ muốn trở nên trưởng thành hơn hoặc mong muốn cao hơn là phát triển ra thị trường quốc tế, họ nên làm quen với các khái niệm này cũng như hiểu sự khác biệt giữa 2 loại báo cáo, để đảm bảo thực hành kinh doanh có trách nhiệm trong khi vẫn nâng cao hiệu quả tài chính trong dài hạn.

Hai chủ đề mang tính xu hướng thời đại này tồn tại song song nhau, tương quan hữu cơ chặt chẽ nhau và thường xuất hiện cạnh nhau không tách rời trong mọi chương trình nghị sự, hội thảo, đào tạo hay kế hoạch sản xuất kinh doanh dịch vụ của mọi tổ chức. Sự gần gũi ngữ cảnh và nội dung tinh thần của 2 thuật ngữ “Phát triển bền vững” và “Thực thi ESG” và sự hòa hợp có tính tương đồng hoàn hảo giữa Báo cáo Tính bền vững trong phát triển doanh nghiệp và báo cáo ESG làm cho nhiều người thường nghĩ chúng như nhau, nhưng kỳ thực, vẫn có những khác biệt khá là rạch ròi tuy là không lớn lao lắm.

“Phát triển bền vững” là tiêu chí lẫn cứu cánh

 

“ESG” là chuẩn mực lẫn phương tiện

Đúng là về mặt tinh thần chúng gần như nhau vì chúng là sự thực thi nghiêm túc, chuẩn mực để cùng hướng đến xây dựng 1 chủ thể kinh tế xã hội phát triển mạnh mẽ, minh bạch và bền vững, nhưng về giá trị cốt lõi trong 2 nội dung có vài sự khác nhau căn bản mà chỉ khi phân tích rõ nét mới nhận ra. Tuy nhiên 2 khái niệm về “Phát triển bền vững” và “ESG” khá tương đồng, không tách bạch sâu sắc và hoàn toàn có thể được hiểu là con đường làm sao cho doanh nghiệp tốt lên, vững mạnh lên, trong đó “Phát triển bền vững” là tiêu chí lẫn cứu cánh, còn “ESG” là chuẩn mực lẫn phương tiện.

Chúng như 2 thức uống trà và cà phê, cũng có hàm lượng chủ yếu chính là tanin và cafeiine và các nguyên tố thành phần, các khoáng chất vi lượng ở mức độ khác nhau, nhưng tính chất, hiệu ứng, cảm quan sử dụng không khác nhau đến nỗi có thể dùng chung không làm thay đổi phong vị dù hàm lượng tương ứng có thể đổi khác (Café: cafeiine 4%/tannin 6%; Trà: cafeiine 5%/tannin 30%) và tanin là thành phần có hàm lượng luôn cao nhất. Trong khi đó, trà sữa lại có trà và sữa là 2 thứ khác nhau hoàn toàn dù người ta có thể hòa chung thành 1 thức uống tổng hợp là trà sữa.

Trong ESG ba trụ cột liên kết với nhau để đo lường tác động của doanh nghiệp đối với các khía cạnh khác nhau của xã hội. Các yếu tố môi trường đánh giá cách doanh nghiệp tương tác với thế giới tự nhiên, bao gồm các đánh giá về lượng khí thải carbon, thực hành quản lý chất thải và bảo tồn tài nguyên. Các yếu tố xã hội đánh giá tác động của công ty đối với nhân viên, khách hàng, cộng đồng và các bên liên quan khác. Điều này bao gồm các sáng kiến về sự đa dạng và hòa nhập, thực hành lao động, tiêu chuẩn an toàn sản phẩm, sự tham gia của cộng đồng, v.v. Các yếu tố quản trị bao gồm các chính sách và cơ cấu nội bộ của công ty nhằm xác định cách thức quản lý và kiểm soát công ty.

Tầm quan trọng ngày càng tăng của tính bền vững ESG là do một số yếu tố chính. Thứ nhất, người tiêu dùng ngày càng có ý thức hơn về sản phẩm họ mua và các công ty họ ủng hộ. Họ đang tích cực tìm kiếm các doanh nghiệp phù hợp với giá trị của họ về quản lý môi trường và trách nhiệm xã hội. Thứ hai, các nhà đầu tư ngày càng xem xét tiêu chí ESG khi đưa ra quyết định đầu tư. Họ nhận ra rằng các công ty ưu tiên các yếu tố này có nhiều khả năng được quản lý tốt trong dài hạn và được trang bị các công cụ, giải pháp tốt hơn để xử lý các rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu hoặc các vấn đề xã hội.

Hơn nữa, các cơ quan quản lý trên khắp thế giới đang thực hiện các hướng dẫn chặt chẽ hơn liên quan đến các yêu cầu báo cáo tính bền vững đối với các doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động của họ. Điều này tạo ra nghĩa vụ pháp lý đối với các đơn vị, doanh nghiệp trong việc báo cáo chính xác hiệu suất ESG của họ. Quan trọng hơn hết là ESG bao trùm cả 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, thế nên mới nói ESG chính là phương tiện để đạt được cứu cánh Phát triển bền vững.

Để hiểu sự khác biệt rạch ròi của ESG và Phát triển bền vững, có lẽ cần phân tích khái niệm của 2 chủ đề này: Trước hết ta nói đến tính bền vững, là thực tiễn điều hành một doanh nghiệp theo cách đáp ứng nhu cầu kinh tế, xã hội và môi trường của hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng của các thế hệ tương lai để đáp ứng nhu cầu tồn tại và phát triển của chính doanh nghiệp.

Tính bền vững trong khía cạnh môi trường tập trung vào việc giảm hoặc loại bỏ các tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm chất thải và ô nhiễm, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên; Trong khía cạnh xã hội tập trung vào việc thúc đẩy công bằng xã hội, đa dạng và hòa nhập bằng cách đảm bảo thực hành lao động công bằng và an toàn, ưu tiên sức khỏe và an toàn, nhân quyền và sự tham gia của cộng đồng; Cuối cùng, trong khía cạnh kinh tế, tính bền vững tập trung vào việc duy trì lợi nhuận lâu dài, tạo ra giá trị kinh tế và đảm bảo phân bổ nguồn lực có trách nhiệm.

Tính bền vững của doanh nghiệp nhằm đảm bảo rằng các doanh nghiệp hoạt động một cách có đạo đức, có trách nhiệm và bền vững, họ đóng góp vào sự thịnh vượng của cộng đồng nơi họ hoạt động. Bằng cách giải quyết một loạt các vấn đề, chẳng hạn như giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện điều kiện làm việc, thúc đẩy nhân quyền và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, tính bền vững của doanh nghiệp có thể đảm bảo các tổ chức hoạt động theo cách có lợi nhuận và có trách nhiệm với xã hội. Điều này sẽ tạo ra giá trị và mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan trong dài hạn.

Trong khi đó, khung ESG được các nhà đầu tư sử dụng để đánh giá hiệu suất của một tổ chức dựa trên các tiêu chí cụ thể. Các tiêu chí này được sử dụng để đo lường mức độ rủi ro của đơn vị với mục đích cải thiện các quyết định đầu tư. Hiểu và cải thiện hiệu suất ESG của công ty có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp theo nhiều cách, bao gồm hiệu quả tài chính, nâng cao danh tiếng và thương hiệu, tăng tính tuân thủ quy định. Số lượng các cơ quan xếp hạng điểm ESG ngày càng phổ biến. Các khung báo cáo mới và đang phát triển đang tăng cường tính minh bạch và nhất quán của thông tin ESG mà các công ty báo cáo công khai. Điều này được gọi là công bố ESG.

Mặc dù cả ESG và tính bền vững đều liên quan đến các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị, nhưng ESG tập trung vào việc đánh giá hiệu suất của các công ty

Mặc dù việc công bố ESG là tự nguyện, nhưng nó đã trở thành một yêu cầu tiêu chuẩn đối với các bên liên quan quan trọng, chẳng hạn như các nhà đầu tư. Trong những năm gần đây, các yếu tố ESG ngày càng trở nên quan trọng đối với các nhà đầu tư và các bên liên quan khác, khi họ tìm cách đầu tư vào các công ty có tác động tích cực đến xã hội và môi trường.

ESG và tính bền vững là hai khái niệm liên quan chặt chẽ và lồng ghép nhưng khác biệt. Mặc dù cả ESG và tính bền vững đều liên quan đến các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị, nhưng ESG tập trung vào việc đánh giá hiệu suất của các công ty dựa trên các yếu tố này, trong khi tính bền vững là một nguyên tắc rộng hơn bao gồm các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và đạo đức một cách toàn diện. Tính bền vững giao thoa môi trường và trách nhiệm xã hội vào nền kinh tế nhưng ESG là sự hòa nhập mang tính tổng hợp của mảng quản trị doanh nghiệp vào cùng tập hợp với 2 mảng môi trường và trách nhiệm xã hội.

Thuật ngữ ESG dường như đồng nghĩa với tính bền vững, nhưng việc sử dụng hoán đổi ngữ nghĩa lẫn ngữ cảnh cho nhau của hai thuật ngữ này là không hề chính xác. Sự khác biệt chính giữa ESG và tính bền vững ở chỗ ESG là một công cụ cụ thể được sử dụng để đo lường hiệu suất của một doanh nghiệp, trong khi tính bền vững như một nguyên tắc rộng lớn bao gồm một loạt các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm.

Mặt khác, tính bền vững bao gồm một loạt các chủ đề như quản lý chuỗi cung ứng, sự tham gia của các bên liên quan và phát triển cộng đồng và cách doanh nghiệp tác động đến thế giới và thị trường, còn ESG xem xét cách thế giới và thị trường tác động đến doanh nghiệp hoặc khoản đầu tư, và có giá trị cung cấp khuôn khổ để đánh giá hiệu suất và rủi ro của công ty qua các tiêu chuẩn đã được đặt ra bởi các nhà lập pháp, nhà đầu tư và các tổ chức báo cáo ESG.

Trong khi tính bền vững có trọng tâm của các bên liên quan rộng hơn, bao gồm nhân viên, khách hàng và cổ đông bởi các tiêu chuẩn bền vững kết hợp khoa học thì ESG tìm cách xác định và xếp hạng các cam kết mong muốn, rộng hơn những gì được xem xét về tính bền vững – những đặc điểm này mở rộng đến mức thu nhập cho nhân sự, sự đa dạng của các bên liên quan, đãi ngộ với người lao động, sự tham gia của cộng đồng và các vấn đề sức khỏe và an toàn và nhiều thứ nữa.

Sự khác biệt giữa ESG và tính bền vững là tinh tế nhưng quan trọng. Việc chuyển đổi từ các chỉ số bền vững sang ESG cho thấy sự phát triển của các hoạt động kinh doanh sang các phép đo hiệu suất chính xác hơn. Theo nghĩa này, thay đổi là tốt, vì nó chỉ ra sự trưởng thành của các hoạt động kinh doanh để đo lường chính xác hơn về cách một doanh nghiệp tác động đến môi trường và hệ thống xã hội.

Sự khác biệt của 2 chủ thể tính bền vững và ESG dẫn đến khác biệt của giữa Báo cáo ESG với Báo cáo Phát triển bền vững:

Báo cáo ESG cần cho các nhà đầu tư để xuất vốn cho những hoạt động kinh doanh hiệu quả và có trách nhiệm, vì các báo cáo này cho phép họ xem xét dữ liệu đáng tin cậy, chính xác, có thể so sánh và kịp thời. Báo cáo ESG tiết lộ dữ liệu môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp bằng cách sử dụng các tiêu chí cụ thể, với mục đích tiết lộ hồ sơ rủi ro của đơn vị cho các nhà đầu tư.

Trong báo cáo ESG, thông tin về quản trị thường được cung cấp trong báo cáo hàng năm của một tổ chức là tiêu chuẩn về thủ tục quản trị và quy tắc đạo đức của họ; Các dữ liệu môi trường có số liệu phức tạp hơn nhiều vì những quy định mới đang được phát triển trong lĩnh vực này và các tiêu chuẩn báo cáo được cải thiện; Sau cùng là các vấn đề xã hội bao gồm phúc lợi của nhân viên, quan hệ lao động, sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc, điều mà các doanh nghiệp thường chậm chạp trong việc cung cấp dữ liệu đáng tin cậy.

Báo cáo ESG cần cho các nhà đầu tư để xuất vốn cho những hoạt động kinh doanh hiệu quả và có trách nhiệm

Trong khi đó, Báo cáo Phát triển bền vững là một báo cáo định kỳ được xuất bản bởi các doanh nghiệp muốn chia sẻ trách nhiệm xã hội và môi trường của mình với nhiều bên liên quan. Báo cáo này tổng hợp và công bố thông tin mà một tổ chức quyết định truyền đạt liên quan đến các cam kết và hành động của mình ở các lĩnh vực xã hội và môi trường trong hoạt động kinh doanh của mình. Bằng cách đó, một tổ chức sẽ cho phép các bên liên quan – từ khách hàng đến nhân viên và bất kỳ ai khác quan tâm đến hành động của tổ chức – biết về chiến lược phát triển bền vững của thương hiệu.

Tóm lại, sự khác biệt giữa ESG và Phát triển bền vững của doanh nghiệp nằm ở chỗ, ESG là một tiêu chí cụ thể được đặt ra bởi các nhà lập pháp, nhà đầu tư và các tổ chức báo cáo ESG. Trong khi Phát triển bền vững là một thuật ngữ chung để làm điều tốt đẹp thuộc bối cảnh và là mục tiêu lẫn nội hàm hoạt động cho nhiều bên liên quan. Sự khác biệt này được phản ánh trong báo cáo. Mặc dù nhiều tiêu chuẩn được sử dụng cho báo cáo ESG cũng có thể được sử dụng để tạo ra một báo cáo bền vững, mục đích và đối tượng mục tiêu của các báo cáo khác nhau. Song, một báo cáo bền vững có thể mơ hồ trong khi báo cáo ESG được cấu trúc chặt chẽ bởi các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị.

Chuyên gia Lê Năng Hùng, GS danh dự Đại học quốc tế Châu âu IEU – Ngành kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.
https://www.hane.vn/co-gi-khac-biet-giua-phat-trien-ben-vung-va-esg/