Mô hình sản xuất hydro xanh trên biển đầu tiên thế giới

Mới đây, công ty khởi nghiệp Lhyfe, có trụ sở ở thành phố Nantes (Pháp) đã công bố đạt được thành công trong dự án sản xuất “hydro xanh” từ điện được sản xuất từ một tuabin gió nổi ngoài khơi Le Croisic (tỉnh Loire-Atlantique). Đây là lần đầu tiên, thế giới có loại hình dự án này.

Lễ cắt băng khánh thành cơ sở sản xuất hydro ngoài khơi có tên SeaLhyfe.

Địa điểm sản xuất hydro ngoài khơi trên có tên SeaLhyfe. Được lắp đặt cách bờ biển 20 km, địa điểm này đã trải qua 8 tháng thử nghiệm trên đất liền trước khi được đưa ra biển vào ngày 18/5. Sau đó, vào tháng 6, nó được kết nối với địa điểm thử nghiệm Sem-Rev. Tại đây, một tuabin gió nổi đã được lắp đặt từ 5 năm trước.

Đơn vị nổi có màu vàng sáng, dài 21m và rộng 14m, chứa một hệ thống điện phân có khả năng biến đổi nước biển, được khử muối tại chỗ, thành khí hydro và oxy, nhờ điện năng được cung cấp từ tuabin gió nổi nằm gần đó.

Theo công ty khởi nghiệp, địa điểm sản xuất thử nghiệm này có khả năng tạo ra 400 kg hydro mỗi ngày. Địa điểm sẽ hoạt động trong 6 tháng đến một năm nhằm thử nghiệm quá trình sản xuất hydro trong các điều kiện khắc nghiệt (nước mặn, thủy triều, bão…).

Ông Matthieu Guesné – người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Lhyfe, giải thích: “Chúng tôi muốn chứng minh rằng, chúng ta có thể sản xuất hydro xanh từ năng lượng gió ngoài khơi. Dự án này cho thấy tiềm năng đáng kể trong việc tiến hành sản xuất ở quy mô đại trà, cũng như giúp nhanh chóng khử carbon khỏi ngành công nghiệp và vận tải”.

SeaLhyfe nhìn từ xa

Cùng với một liên doanh gồm 9 công ty khác, Lhyfe đã trúng thầu vị trí nhà điều phối cho dự án Hope – một địa điểm sản xuất hydro trên một trang trại gió nằm ngoài khơi Ostend (Bỉ). Dự án này sẽ đi vào hoạt động từ năm 2026 và trở thành dự án đầu tiên có đường ống dẫn hydro sản xuất ngoài khơi vào đất liền. Lhyfe đã được dự án trợ cấp 20 triệu euro.

Ông Bertrand Alessandrini – Giám đốc Quỹ Open-C, cho biết: “Ưu điểm của hydro là có thể lưu trữ được, không như điện”. Quỹ Open-C là đơn vị quản lý địa điểm thử nghiệm Sem-Rev.

Ông nói thêm: “Nhiều nhà sản xuất đã liên hệ với chúng tôi về việc đến tham gia và thử nghiệm sản xuất năng lượng từ sóng biển, hải lưu hoặc từ những tấm pin quang điện nổi”.

Vào năm 2021, Lhyfe – một công ty khởi nghiệp được thành lập tại Nantes vào năm 2017, đã khánh thành địa điểm sản xuất hydro đầu tiên của họ tại Bouin (tỉnh Vendée), bên cạnh một trang trại gió trên bờ. Công ty này có khoảng 200 nhân viên, và hiện đang phụ trách xây dựng những địa điểm sản xuất mới ở Pháp (Brittany, Occitanie) và ở châu Âu (Đức, Thụy Điển).

Ngọc Duyên/AFP
https://petrotimes.vn/mo-hinh-san-xuat-hydro-xanh-tren-bien-dau-tien-the-gioi-688400.html

Những thách thức đối với việc xây dựng nền sản xuất thông minh

Mặc dù có nhiều tiềm năng phát triển sản xuất thông minh nhưng Việt Nam cũng gặp phải không ít những khó khăn, thách thức.

Theo chuyên gia, trong suốt nhiều thập kỷ qua, thế giới đã và đang chứng kiến sự trỗi dậy của châu Á – Thái Bình Dương nhờ vào năng lực sản xuất, tận dụng lợi thế từ lượng nhân công dồi dào, nền kinh tế năng động và các quy định, chính sách linh hoạt. Dù vậy, khu vực được mệnh danh là công xưởng của thế giới nay lại đang đứng trước một bước ngoặt then chốt.

Năng lực sản xuất của châu Á – Thái Bình Dương hiện đang chịu sức ép lớn từ nhu cầu không ngừng biến động của khách hàng, từ yêu cầu rút ngắn thời gian đưa sản phẩm đến với thị trường, kết hợp với không ít thách thức từ việc lạm phát ngày càng gia tăng, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và đơn hàng tồn đọng. Các nhà sản xuất ngày nay không những phải nỗ lực bắt kịp tiến độ của thị trường, mà còn đối diện với thách thức mới nảy sinh từ những đối thủ cạnh tranh mới ra đời, sở hữu trang thiết bị và công nghệ mới nhất.

Việt Nam đang nỗ lực tìm cách vượt khỏi mô hình sản xuất truyền thống. Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới thực hiện tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương cho thấy 70% doanh nghiệp Việt Nam trong ngành chế biến và xử lý hiện vẫn đang sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% chế tạo thủ công, chỉ có 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy tính, và chưa đến 1% tận dụng công nghệ hiện đại như robot và sản xuất bồi đắp 3D.

Nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh, một số nhà sản xuất ở Việt Nam kỳ vọng có thể tận dụng những lợi ích của “sản xuất thông minh”, là khái niệm hợp nhất công nghệ, dữ liệu, quy trình và tương tác của con người để cải thiện kết quả sản xuất.


Ảnh minh hoạ

Để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản tạo hành lang pháp lý thuận lợi trên nhiều lĩnh vực ngành nghề như Nghị định số 111, Nghị quyết số 115 và Quyết định số 749 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đây có thể coi là những nỗ lực tạo cú hích lớn để phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam cho đến năm 2030.

Dù vậy, sản xuất thông minh vẫn đối diện hai trở ngại lớn. Thứ nhất là nhiều doanh nghiệp và nhà sản xuất cho rằng họ đã đạt được cấp độ sản xuất thông minh qua việc áp dụng và triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc phân tích dữ liệu theo hình thức cuốn chiếu, khiến lợi ích của công nghệ bị giới hạn trong phạm vi khu vực sản xuất chứ không kết nối được với chuỗi giá trị kinh doanh ở quy mô lớn. Thứ hai, nhiều đơn vị vẫn còn đắn đo chưa áp dụng công nghệ mới, lo ngại về khả năng tương thích giữa các hệ thống, về vốn đầu tư lớn và không mở rộng được quy mô. Quả thực là có đến hơn ba phần tư số doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng với hai phần ba số doanh nghiệp lớn vẫn còn hoài nghi về lợi ích kinh tế của việc đầu tư vào công nghệ mới.

Thách thức chính yếu góp phần tạo nên hai trở ngại này là khả năng quản lý và tích hợp “dữ liệu” với “quy trình”. Các doanh nghiệp và tổ chức không chỉ phải tiếp thu, bổ sung nhiều công nghệ mới, mà còn phải hiểu được tính kết nối thực sự giữa nhà máy của họ (hay còn là công nghệ vận hành) với doanh nghiệp (hay còn là công nghệ thông tin), quản lý vận hành nhà máy bằng phần mềm, và xem xét đánh giá các hoạt động, ứng dụng và tương tác con người ở cấp độ tổng thể trong bối cảnh kinh doanh rộng hơn.

Bảo Lâm

https://vietq.vn/nhung-thach-thuc-doi-voi-viec-xay-dung-nen-san-xuat-thong-minh-d211808.html

Đông Nam Á thiết lập “hàng rào bảo vệ” đối với trí thông minh nhân tạo

Các quốc gia Đông Nam Á đang xây dựng bộ quy tắc quản trị và đạo đức mới cho trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm áp đặt “các rào cản” lên dòng công nghệ đang bùng nổ này. Năm quan chức hiểu rõ trực tiếp về vấn đề này đã xác nhận thông tin trên với Reuters.

Những cơ quan quản lý trên khắp thế giới đang gấp rút soạn thảo ra những quy định để quản lý việc sử dụng trí tuệ nhân tạo. Với năng lực tạo ra văn bản và hình ảnh, dòng công nghệ này mang lại nhiều niềm phấn khích, cũng như nỗi lo ngại về khả năng tái định hình nhiều ngành công nghiệp.

Vào tháng 2/2023, các bộ trưởng của 10 nước thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhìn nhận tính cấp bách của việc phát triển một “hướng dẫn sử dụng AI” tại ASEAN – một khu vực với 668 triệu dân sinh sống. Dù vậy, vẫn chưa có báo cáo chi tiết nào về nội dung thảo luận giữa những nhà hoạch định chính sách trong khu vực.

Các quan chức cấp cao của Đông Nam Á cho biết, “Bộ Quy tắc của ASEAN về Quản trị và Đạo đức AI” đang được hình thành, với mục đích cố gắng cân bằng giữa lợi ích kinh tế và rủi ro trong quá trình ứng dụng công nghệ này.

“Công việc soạn thảo đang diễn ra và có thể sẽ hoàn thành vào cuối năm nay trước khi được các thành viên ASEAN thông qua”, một quan chức nói với Reuters.

Một quan chức khác cho biết, dự thảo có thể sẽ được công bố tại Hội nghị Bộ trưởng Kỹ thuật số ASEAN (ADGMIN) vào đầu năm tới.

Phát ngôn viên của Bộ Thông tin và Truyền thông Singapore cho biết, với tư cách là chủ tọa ADGMIN tổ chức vào năm 2024, quốc gia này sẽ hợp tác với những thành viên ASEAN khác “để xây dựng nên “Bộ Quy tắc của ASEAN về Quản trị và Đạo đức AI”. Đây sẽ là một bước đi thực tế và khả thi để tăng độ tin cậy trong việc triển khai những công nghệ AI mang đầy tính sáng tạo và trách nhiệm trong khu vực ASEAN”.

Những nước thành viên ASEAN khác bao gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Reuters đã không liên hệ được ngay với chính phủ của những nước trên để yêu cầu bình luận.

Các nguồn tin từ chối bình luận thêm về bản chất của bộ quy tắc sử dụng AI, vì thảo luận chỉ mới ở giai đoạn đầu. Đây cũng là một nội dung có tính bảo mật cao.

Những nguồn tin này từ chối tiết lộ danh tính vì họ không được phép nói chuyện với giới truyền thông. Trong số những người trao đổi với Reuters, có quan chức của 3 quốc gia Đông Nam Á.

Trong vòng vài tuần tới, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ dự kiến sẽ công bố bản dự thảo về bộ quy tắc ứng xử tự nguyện cho AI. Bộ quy tắc này sẽ có hiệu lực trước Đạo luật AI tiên phong của EU, vốn vẫn đang nằm trong giai đoạn thảo luận.

Như những đối tác của họ ở châu Âu và Mỹ, giới hoạch định chính sách của ASEAN cũng đã bày tỏ mối quan ngại cụ thể về khả năng AI công nghiệp hóa thông tin sai lệch.

Trong một bài báo nghiên cứu đăng tải vào tháng 6, Cơ quan Phát triển Truyền thông Infocomm của Singapore đã cảnh báo: AI tổng quát (regenerative AI) có khả năng những nội dung có bản chất “đánh lừa” nhưng mang tính thuyết phục nhất định, gây nguy cơ tạo ra “ảo giác”.

Theo 3 nguồn tin, quốc đảo này, với quyết định đi đầu trong công cuộc vạch ra chiến lược đối phó với AI trong khu vực, đang tổ nhiều cuộc đàm phán để xây dựng quy tắc sử dụng AI.

Ngọc Duyên/AFP
https://petrotimes.vn/dong-nam-a-thiet-lap-hang-rao-bao-ve-doi-voi-tri-thong-minh-nhan-tao-687507.html

Phát triển loại hydrogel chứa muối hấp thụ nước từ không khí, ngay cả trong điều kiện sa mạc

Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại hydrogel siêu hấp thụ có thể hút hơi ẩm từ không khí với số lượng lớn hơn so với các vật liệu trước đây, ngay cả trong điều kiện sa mạc. Vật liệu mới mở ra cơ hội tạo ra một phương pháp hiệu quả, bền vững để giải quyết vấn đề quan trọng là khan hiếm nước.

Nước là chìa khóa cho sự sống còn của con người, năng lượng, sản xuất lương thực và hệ sinh thái lành mạnh. Đồng thời, biến đổi khí hậu đã làm tăng thêm gánh nặng duy trì nguồn cung cấp nước và năng lượng toàn cầu do điều kiện môi trường thay đổi. Theo Unicef, gần 2/3 dân số thế giới đang trải qua tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng ít nhất một tháng mỗi năm.

Trong quá trình tìm kiếm các vật liệu sáng tạo cho phép thu hoạch nước, hydrogel có thể hấp thụ độ ẩm từ không khí đã thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu. Để có hiệu quả và có thể sử dụng được trong nhiều tình huống môi trường khác nhau, những hydrogel này cần phải có chi phí thấp, có thể mở rộng và bền vững, cũng như cung cấp mức độ hấp thụ hơi nước cao.

Các nhà nghiên cứu của MIT đã phát triển một loại hydrogel siêu hấp thụ đáp ứng tất cả các yêu cầu này, ngay cả trong điều kiện giống như sa mạc. Chìa khóa cho khả năng hấp thụ của vật liệu là nạp vào hydrogel một loại muối đặc biệt có tên là lithium clorua.

Sau khi đọc các nghiên cứu khác sử dụng hỗn hợp hydrogel với muối, các nhà nghiên cứu đã quyết định sử dụng lithium clorua, chất có khả năng hút ẩm cao. Nó có khả năng hấp thụ độ ẩm gấp 10 lần khối lượng của nó. Nhưng nó cần một vật liệu có thể giữ nước muối thu được từ không khí. Đó là nơi hydrogel phát huy tác dụng.

 Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại hydrogel siêu hấp thụ có thể hút hơi ẩm từ không khí, ngay cả trong điều kiện sa mạc.

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm bằng cách thả các đĩa hydrogel vào dung dịch chứa muối lithium clorua với nồng độ khác nhau. Mỗi ngày, họ được cân để xem có bao nhiêu muối đã được truyền vào hydrogel. Sau khi ngâm trong 30 ngày, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hydrogel chiếm 0,8 oz (24 g) muối trên mỗi gam gel. Nghiên cứu trước đây đã đạt được mức hấp thụ muối là 0,2 oz (6 g), nhưng hydrogel không được để lâu trong dung dịch muối.

Hydrogel chứa muối đã được thử nghiệm trong các điều kiện độ ẩm khác nhau. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, ở các mức độ ẩm khác nhau – 30%, 50% và 70% – hydrogel hấp thụ độ ẩm mà không bị rò rỉ. Theo các nhà nghiên cứu, ngay cả ở độ ẩm tương đối 30%, thấp hơn độ ẩm trong sa mạc vào ban đêm, hydrogel thu được 0,06 oz (1,79 g) nước trên mỗi gam vật liệu, nhiều hơn 15% so với hydrogel được thử nghiệm trước đây. Nước có thể được đun nóng, ngưng tụ và thu thập dưới dạng nước siêu tinh khiết.

Carlos Díaz-Marín, một trong những đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Bất kỳ sa mạc nào trong đêm sẽ có độ ẩm tương đối thấp, vì vậy có thể hình dung rằng vật liệu này có thể tạo ra nước trên sa mạc”.

Hà My
https://vietq.vn/phat-trien-loai-hydrogel-chua-muoi-hap-thu-nuoc-tu-khong-khi-ngay-ca-trong-dieu-kien-sa-mac-d211546.html

Quang hợp nhân tạo biến nước thành hydro

Các nhà khoa học Thụy Sĩ đã chế tạo thành công lò phản ứng năng lượng mặt trời có thể sản xuất hydro từ ánh sáng mặt trời và nước với hiệu suất cao hơn, chi phí sản xuất thấp hơn so với các công nghệ hiện nay.

Các kỹ sư tại Viện Công nghệ liên bang Lausanne (EPFL) chế tạo và thử nghiệm thành công một lò phản ứng năng lượng mặt trời có thể sản xuất hydro từ ánh sáng mặt trời và nước. Hệ thống mới này không chỉ đạt hiệu quả cao trong việc sản xuất hydro mà còn thu giữ các sản phẩm “thải”, phụ phẩm của oxy và nhiệt để đưa vào sử dụng.

Hydro đóng vai trò quan trọng trong năng lượng tái tạo. Một trong những cách hiệu quả nhất để sản xuất hydro là tách nước thành các phân tử cấu thành. Việc thực hiện quá trình này bằng năng lượng mặt trời được gọi là quang hợp nhân tạo.

Đĩa parabol đóng vai trò chính trong lò phản ứng hydro năng lượng mặt trời mới của EPFL

Lò phản ứng của EPFL trông giống đĩa vệ tinh và hoạt động theo nguyên lý tương tự – diện tích bề mặt cong lớn thu nhận càng nhiều ánh sáng càng tốt và tập trung ánh sáng vào thiết bị nhỏ treo lơ lửng ở giữa. Chiếc đĩa thu nhiệt từ mặt trời và tập trung nhiệt khoảng 800 lần vào một lò phản ứng quang điện hóa. Nước được bơm vào lò phản ứng và tại đây, năng lượng mặt trời giúp phân tách các phân tử nước thành hydro và oxy.

Lò phản ứng giữ lại 2 phụ phẩm của quá trình sản xuất hydro thường bị lãng phí là oxy và nhiệt. Oxy có thể dùng trong các bệnh viện hoặc cho công nghiệp, còn nhiệt được truyền qua bộ trao đổi nhiệt, có thể giúp đun nước hoặc sưởi ấm các tòa nhà.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm lò phản ứng tại cơ sở của EPFL trong hơn 13 ngày, vào tháng 8-2020, tháng 2 và tháng 3-2021, để hiểu cách thức hoạt động của nó trong những điều kiện thời tiết khác nhau. Hiệu suất chuyển hóa năng lượng mặt trời – hydro đạt mức trung bình trên 20%, tạo ra khoảng 500g hydro mỗi ngày.

Nhóm nghiên cứu cho biết, với sản lượng đó, trong hơn 1 năm, hệ thống có thể cung cấp năng lượng cho 1,5 xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro (với quãng đường di chuyển trung bình) hoặc đáp ứng khoảng 1/2 nhu cầu điện của 1 hộ gia đình 4 người.

Sophia Haussener – tác giả của nhóm nghiên cứu – cho biết: “Với công suất đầu ra hơn 2 kW, chúng tôi đã phá vỡ mức trần 1 kW cho lò phản ứng thử nghiệm trong khi vẫn duy trì hiệu suất cao kỷ lục ở quy mô này. Lượng hydro đạt được trong nghiên cứu mới cho thấy bước tiến đáng khích lệ trong việc thương mại hóa công nghệ này”.

Nhóm nghiên cứu dự định xây dựng một nhà máy thử nghiệm công suất vài trăm kW tại một cơ sở sản xuất kim loại. Hydro sẽ được dùng để ủ kim loại, nhiệt dùng để đun nóng nước, còn oxy cung cấp cho các bệnh viện gần đó.

Tường Linh
https://petrotimes.vn/quang-hop-nhan-tao-bien-nuoc-thanh-hydro-687171.html

Luật về năng lượng tái tạo của châu Âu có gì mới?

Theo những nguồn tin ngoại giao, các nước EU dự kiến sẽ thông qua luật về những mục tiêu năng lượng tái tạo mới vào hôm 14/6. Hiện họ đang xem xét một vài lựa chọn còn lại, trong đó có miễn trừ đối với một số nhà máy amoniac, nhằm thuyết phục những quốc gia vẫn còn hoài nghi về phiên bản cuối cùng của luật.

Liên minh châu Âu đang cố gắng hoàn thiện một yếu tố chủ chốt trong chương trình nghị sự về khí hậu của họ. Nếu các quốc gia và nhà lập pháp EU thông qua, luật năng lượng tái tạo sẽ chính thức hóa mục tiêu ràng buộc lên EU, là đạt tỷ trọng 42,5% năng lượng tái tạo trong cơ cấu điện của năm 2030.

Công việc thông qua luật này đã bị trì hoãn trong nhiều tuần, do sự phản đối muộn màng từ Pháp, còn những quốc gia khác thì muốn dự luật đưa cách thức đối xử thuận lợi hơn đối với năng lượng hạt nhân, vì đấy là loại năng lượng ít carbon, nhưng không thể tái tạo.

Nhiều quốc gia, phần lớn là ở Đông Âu hay có hứng thú với năng lượng hạt nhân, cũng bày tỏ quan ngại về số phận của amoniac được sản xuất từ hydrogen nếu thông qua phiên bản luật hiện tại.

Thụy Điển – Chủ tịch luân phiên hiện tại của EU kiêm nước chủ trì những cuộc đàm phán giữa những nước EU, đã đưa luật này trở lại chương trình nghị sự của cuộc họp giữa đại sứ các nước EU. Đây là tín hiệu cho thấy họ tin rằng luật đã có đủ sự ủng hộ để được thông qua.

Các nguồn tin ngoại giao cho biết, một số quốc gia không có lập trường rõ ràng. Slovakia dự kiến ​​sẽ ngừng phản đối và chuyển sang ủng hộ phiên bản cuối cùng. Như vậy, phiên bản luật này sẽ có lượng phiếu bầu đủ cao để được thông qua.

“Chúng tôi xác nhận, tiến trình thảo luận đang diễn ra và với một vài tiến triển. Tất nhiên, điều quan trọng là mọi người cùng hợp tác, vì chúng tôi cần họ đồng thuận. Chúng tôi đang xem xét lại những điều khoản về amoniac, điều này sẽ giúp chúng tôi có thêm tiến độ”. – Một quan chức Slovakia cho biết.

Một phiên bản dự luật cho thấy, điều khoản về amoniac có thể trở thành một lỗ hổng nhỏ để nhiều quốc gia sử dụng hydrogen có nguồn gốc năng lượng không thể tái tạo nhằm đạt được những mục tiêu về nhiên liệu tái tạo của họ.

“Một vài cơ sở tích hợp sản xuất amoniac có thể cần được xây dựng lại để dần dần tiêu thụ thêm nhiều hydrogen sản xuất từ quá trình điện phân.” – Trích nội dung dự luật.

Quá trình tính toán mục tiêu sử dụng nhiên liệu tái tạo của những quốc gia có thể sẽ loại trừ loại hydrogen được sản xuất tại những cơ sở này. Những nguồn tin cho biết thêm, những nhà máy sản xuất amoniac này nên có kế hoạch đạt trung hòa carbon vào năm 2035.

Ngọc Duyên/AFP
https://petrotimes.vn/luat-ve-nang-luong-tai-tao-cua-chau-au-co-gi-moi-687234.html