Bỉ phá kỷ lục về năng lượng tái tạo trong năm 2021

Việc sản xuất năng lượng tái tạo đã phá kỷ lục ở Bỉ vào năm 2021, trong khi hạt nhân vẫn chiếm một nửa cơ cấu năng lượng, theo số liệu hàng năm do Elia, công ty quản lý lưới điện cao thế công bố.

Sản lượng điên gió và năng lượng mặt trời đạt 15,2 TWh vào năm 2021, tăng 2% (15 TWh vào năm 2020), nhờ sự gia tăng công suất lắp đặt trên bờ (+11%) và năng lượng mặt trời (+ 17%). Mặt khác, sản lượng gió ngoài khơi vẫn ổn định do công suất không thay đổi.

Theo Elia, vào ngày 21 tháng 5 năm 2021, tổng sản lượng năng lượng mặt trời và gió ở Bỉ đạt mức cao nhất mọi thời đại với sản lượng 6.420 MW.

“Một nửa mức tiêu thụ của Bỉ được cung cấp bởi những nguồn năng lượng này, mặc dù tình trạng này chỉ kéo dài 2% thời gian trong năm 2021”, công ty quản lý của cơ sở hạ tầng điện cao thế của Bỉ cho biết.

Năng lượng mặt trời và năng lượng gió chiếm khoảng 16,7% trong cơ cấu sản xuất điện của Bỉ vào năm 2021. Năng lượng hạt nhân chiếm 52,4% vào năm 2021.

“Việc sử dụng năng lượng hạt nhân trong hỗn hợp điện đã tăng 47% so với năm 2020. Điều này đã dẫn đến số lượng các nhà máy điện chạy bằng khí đốt giảm xuống”, Elia lưu ý. Việc sử dụng khí đốt để phát điện là nguyên nhân dẫn giá khí đốt tăng cao vào năm 2021. Năm 2020, khí đốt chiếm gần 25% tổng sản lượng điện của Bỉ.

Nhà điều hành lưới điện cao áp chỉ ra rằng Bỉ, trong những năm gần đây, đã đi từ nước nhập khẩu ròng trở thành nước xuất khẩu ròng, phá kỷ lục xuất khẩu hàng năm vào năm 2021, với 21,7 TWh xuất khẩu, tức là tăng 59% so với năm 2020.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/bi-pha-ky-luc-ve-nang-luong-tai-tao-trong-nam-2021-638556.html

KCN sinh thái hướng đến sự phát triển bền vững

Đó là nhận định của ông Lê Thành Quân – Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) tại Hội thảo tập huấn trực tuyến “Nâng cao năng lực Hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp” cho các doanh nghiệp thuộc KCN Amata (Đồng Nai).

Hội thảo do Ban Quản lý Dự án KCN sinh thái tại Việt Nam (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) tổ chức vào ngày 13-14/1/2022.

VNCPC đơn vị đồng tổ chức Hội thảo tập huấn trực tuyến “Nâng cao năng lực Hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn và cộng sinh công nghiệp”

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu”, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện, với nguồn tài trợ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO).

Dự án nhằm đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ các KCN chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái nhằm đem lại lợi ích môi trường, kinh tế cho doanh nghiệp thông qua hàng loạt các hoạt động đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực thực hành về hiệu quả tài nguyên, sản xuất sạch hơn (RECP) và cộng sinh công nghiệp.

Hướng tới mức phát thải ròng bằng “0”

Ông Lê Thành Quân – Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế – Giám đốc dự án.

Phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo ông Lê Thành Quân – Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế – Giám đốc dự án cho biết: “Quá trình công nghiệp hóa với tốc độ nhanh tại Việt Nam đã và đang đặt ra nhiều thách thức về môi trường. Do đó, nước ta đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó có KCN theo hướng bền vững hơn nhằm phù hợp với Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030 của Liên hợp quốc, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và mới đây nhất là cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các bên (COP 26) tại Glasgow (Anh) về mục tiêu đạt được mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Chính vì vậy, hội thảo là sự kiện quan trọng được tổ chức nhằm phổ biến thông tin về mô hình KCN sinh thái không chỉ trong phạm vi các KCN tham gia thí điểm, mà còn lan tỏa trên khắp cả nước”.

Tại hội thảo, các chuyên gia UNIDO và Việt Nam đã chia sẻ nhiều kiến thức và kinh nghiệm để đánh giá KCN sinh thái theo khuôn khổ quốc tế, quản lý KCN sinh thái và các dịch vụ cho các doanh nghiệp trong KCN sinh thái; khái niệm, phương pháp và công cụ chính trong việc nhận diện và thực hiện các giải pháp RECP; khái niệm, phương pháp và công cụ chính liên quan đến phát hiện và thực hiện cộng sinh công nghiệp.

RECP không chỉ mang lại lợi ích về môi trường

Ông Đinh Mạnh Thắng – Chuyên gia cao cấp của VNCPC

Theo ông Đinh Mạnh Thắng – Chuyên gia cao cấp về RECP của VNCPC: Mọi nền công nghiệp, ở bất cứ quy mô và lĩnh vực nào đều có thể tăng cường hiệu quả sản xuất bằng những phương pháp có hệ thống. Tăng cường hiệu quả tài nguyên tại các doanh nghiệp mang lại những lợi ích đáng kể về kinh tế và xã hội, chứ không chỉ đơn thuần là những lợi ích về môi trường. Việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về sản xuất, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng, nước và các dạng chất thải tại doanh nghiệp một cách hệ thống, liên tục sẽ là căn cứ quan trọng, quyết định cho sự thành công khi thực hiện RECP. Đây là một chiến lược quan trọng giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh và tiến tới phát triển bền vững.

Về cộng sinh công, ông Dick van Beers – Chuyên gia về KCN sinh thái đến từ UNIDO đã mô tả cộng sinh công nghiệp là sự hợp tác giữa một số cơ sở khác nhau, thường là gần nhau về mặt địa lý, tức là các công ty và nhà máy nằm gần nhau trong các cụm hoặc các KCN trao đổi tài nguyên (ví dụ: vật liệu, năng lượng, nước và các phụ phẩm) có thể được sử dụng để thay thế cho các sản phẩm hoặc nguyên liệu thô, nếu không sẽ được nhập khẩu từ nơi khác hoặc được xử lý như chất thải.

Ông Ankit Kapasi – Chuyên gian về KCN sinh thái của Sofies

Chuyên gia về KCN sinh thái của Sofies – Ankit Kapasi cũng đã dẫn chứng những điển hình về cộng sinh công nghiệp trong một số KCN sinh thái trên thế giới. Cụ thể như, KCN Kalundborg (Đan Mạch) sau khi ứng dụng cộng sinh công nghiệp, đã giảm được sử dụng năng lượng, giảm phát thải khí CO2 lên đến khoảng 250.000 tấn/năm, giảm 30% lượng nước sử dụng và giảm thiểu cả các chất phát thải phải xử lý khác. Đặc biệt, KCN NISP (Anh), trong 7 năm, họ đã tiết kiệm được chi phí 1,3 tỷ bảng Anh, doanh số bán hàng bổ sung tăng 1,3 tỷ bảng Anh, đồng thời giảm tới 39 triệu tấn CO2.

Hội thảo cũng giúp các bên liên quan hiểu rõ hơn về khái niệm, phương pháp tiếp cận, triển khai cộng sinh công nghiệp thông qua những ví dụ điển hình rất cụ thể. Các chuyên gia cho rằng, đây là phương pháp tiếp cận tập hợp các công ty từ tất cả các lĩnh vực kinh doanh với mục đích nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên giữa các ngành thông qua hoạt động kinh doanh thương mại. Đó là những liên kết về: nguyên vật liệu; năng lượng, nước và các tài nguyên khác; chia sẻ nguồn lực vật tư; logistics, dịch vụ; và chuyên môn nhằm mục đích tối đa hóa việc bảo tồn tài nguyên và giảm phát thải thông qua quản lý bền vững chất thải và các sản phẩm phụ giữa các ngành/công ty. Nhờ vậy, sự cộng sinh này giúp hình thành các chuỗi cung ứng khả thi về mặt kinh tế, môi trường và xã hội.

VNCPC

Lưu trữ khí tự nhiên dưới lòng đất như thế nào?

Gần đây, thị trường khí đốt tự nhiên thế giới đang có xu hướng tăng giá mạnh, ảnh hưởng lớn đến châu Âu, vì tất cả các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) được kết nối với nhau bằng mạng lưới khí đốt và điện.

Tổng quan khí đốt ở châu Âu

Nguồn cung cấp khí đốt cho EU một phần đến từ các nguồn nội địa (30%), đặc biệt từ Đan Mạch, Hà Lan và Romania, nhưng đang có xu hướng giảm. Phần còn lại (70%) được nhập khẩu bằng đường ống dẫn khí hoặc đường biển dưới dạng LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng). 90% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của châu Âu được cung cấp bởi các đường ống dẫn khí đốt từ Nga, Algeria, Na Uy, Libya, Iran và Azerbaijan và 10% dưới dạng LNG được vận chuyển bởi các hãng vận tải LNG, đến từ Qatar, Algeria, Nigeria, Peru, Trinidad và Tobago và có thể là Mỹ, Canada và Australia. Lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga ở mức trung bình đối với Pháp (gần 20%), nhưng cao đối với toàn châu Âu (hơn 40%) và lớn đối với Đông Âu (khoảng 90%).

Ở châu Âu, lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ thường được chia sẻ giữa hệ thống sưởi nhà ở dân cư (khoảng 40%), ngành công nghiệp và ngành điện (khoảng 55%). Khí được sử dụng để sản xuất điện bằng turbine khí chu trình mở hoặc chu trình hỗn hợp. Ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia không có thủy điện hoặc điện hạt nhân, các turbine khí được sử dụng như một nguồn dự phòng cho năng lượng tái tạo không liên tục trong thời gian ít gió và ít nắng. Mùa hè năm 2021 không có nhiều gió trên khắp châu Âu. Đó là lý do tại sao mức tiêu thụ khí đốt cao hơn bình thường và các kho dự trữ không được lấp đầy khi mùa đông đến gần.

Một số quốc gia coi khí đốt là năng lượng chuyển tiếp từ than hướng tới mục tiêu “không phát thải” của châu Âu vào năm 2050. Lập luận là lượng phát thải khí nhà kính trực tiếp liên quan đến quá trình đốt cháy khí tự nhiên thấp hơn một nửa so với các nhà máy nhiệt điện than hiện đại nhất và thấp hơn 2/3 so với các nhà máy nhiệt điện than cũ.

Lưu trữ khí đốt tự nhiên

Khí tự nhiên hiện được lưu trữ tại 600 địa điểm dưới lòng đất trên khắp thế giới, với khối lượng tương đương 12% lượng khí tiêu thụ toàn cầu hằng năm. Khí tự nhiên có thể được lưu trữ trong các bể chứa hydrocarbon cũ cạn kiệt (các mỏ đã cạn kiệt), trong các tầng chứa nước sâu hoặc trong các hang muối.

Loại đầu tiên chiếm 3/4 trữ lượng khí dưới lòng đất trên thế giới: Khí được lưu trữ trong độ xốp của đá vỉa trước đó đã giữ lại hydrocarbon. Canada là quốc gia đầu tiên lưu trữ khí đốt tự nhiên dưới lòng đất vào năm 1915, tiếp theo là Mỹ vào năm 1916 (Zoar, bang New York), sau đó vào năm 1956, Pháp đã phát triển kho chứa đầu tiên tại Beynes ở Yvelines. Đây là cách lưu trữ an toàn và tiết kiệm nhất. Chi phí xây dựng kho chứa, không bao gồm chi phí tài chính hoặc chi phí vận hành, dao động trong khoảng 0,15-0,8 euro/1 Nm3 khí tùy thuộc vào loại kho chứa.


Các điểm lưu trữ khí dưới lòng đất ở Pháp.

Châu Âu có 237 điểm lưu trữ khí đốt dưới lòng đất dưới các hình thức khác nhau (gần một nửa trong mỏ khí đã cạn kiệt, khoảng 80 trong hang muối và 30 trong các tầng chứa nước mặn) với dung tích lưu trữ 186 GNm3, tập trung ở các quốc gia: Ukraine (32 GNm3), Đức (26 GNm3), Italia (25 GNm3), Pháp (13 GNm3), Thổ Nhĩ Kỳ (13 GNm3)… Nga chỉ có dung lượng lưu trữ 2 GNm3 vì cho rằng không cần thiết.

An ninh cho mạng lưới khí

Việc lưu trữ khí tự nó không bảo đảm ổn định giá cả mà phụ thuộc vào cách khí được quản lý và khả năng kết nối giữa các kho lưu trữ. Châu Âu được tổ chức theo các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do với những ngoại lệ. Ví dụ, ở nhiều quốc gia thành viên EU, năng lượng tái tạo phải được định giá tại thời điểm mời thầu. Do đó, hệ thống vừa mang tính tự do vừa có quy củ.

Người nắm giữ một kho dự trữ khí đốt tự nhiên, nếu theo định nghĩa của Max Weber là tạo ra lợi nhuận tối đa, không nhất thiết phải hành động theo cách tích cực về mặt xã hội đối với người tiêu dùng khí đốt. Ngược lại, người nắm giữ có thể bị cám dỗ để đầu cơ, chờ giá rất cao mới bán ra. Chính vì vậy, ở một số quốc gia, bao gồm cả Pháp, thị trường lưu trữ khí đốt được quản lý bởi hệ thống đấu thầu công cộng.

Tại Pháp, dung lượng khí lưu trữ được bán theo hình thức đấu giá, các điều khoản và điều kiện do Ủy ban Điều tiết năng lượng đặt ra. Châu Âu có thể và phải xác định mức dự trữ chiến lược nào là mong muốn về mặt xã hội và xác định các phương tiện trả công cho những khoản đầu tư nặng nề này và việc khai thác các nguồn khí dự trữ. Việc lưu trữ khí được tổ chức một cách có hệ thống và minh bạch mang lại sự linh hoạt và an toàn cho mạng lưới khí. Nhìn chung, nhu cầu về khí đốt sẽ sớm giảm ở châu Âu do những tiến bộ trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà và sự gia tăng sản xuất điện từ các nguồn năng lượng gió và mặt trời. Nhưng điều cần thiết là phải cung cấp điện ổn định theo thời gian để bảo đảm sự hoạt động ổn định của mạng lưới khí vào mỗi mùa đông.

Để tăng công suất kho chứa khí, không chỉ nhằm khai thác các nguồn dự trữ này đủ sinh lời mà trên hết là tăng tính an toàn cho hệ thống khí, hấp dẫn các nhà đầu tư. Có được như vậy, lưu trữ khí dưới lòng đất mới là một giải pháp tốt.

S.Phương
https://petrotimes.vn/luu-tru-khi-tu-nhien-duoi-long-dat-nhu-the-nao-638921.html

Năng lượng mặt trời chiếm một nửa công suất phát điện mới của Hoa Kỳ trong năm 2022

EIA cho biết họ dự kiến ​​sẽ bổ sung thêm 46,1 GW công suất phát điện quy mô tiện ích mới vào lưới điện Hoa Kỳ trong năm nay. Khoảng 21,5 GW (46%) trong số đó sẽ là từ các dự án năng lượng mặt trời, 9,6 GW (21%) từ các dự án khí đốt tự nhiên và 7,6 GW (17%) từ điện gió. EIA cho biết họ dự kiến ​​sẽ có thêm 5,1 GW (11%) đến từ các dự án lưu trữ năng lượng.

Cơ quan này cũng cho biết, 5% dự kiến ​​bổ sung công suất điện của Hoa Kỳ vào năm 2022 sẽ đến từ 2 lò phản ứng mới tại nhà máy điện hạt nhân Vogtle ở Georgia. Tổ máy số 3 của nhà máy này đã bị trì hoãn đến tháng 6/2022 để có thêm thời gian xây dựng và thử nghiệm. Dự án bị trì hoãn kéo dài đã nhiều lần làm tăng chi phí dự án.

Các con số trong báo cáo của EIA về việc bổ sung công suất điện được tổng hợp, phân tích từ các báo cáo hằng tháng và hằng năm do các nhà phát triển và vận hành nhà máy điện cung cấp. Trong các cuộc khảo sát đó, EIA đã yêu cầu các nhà phát triển cung cấp thời gian cho việc đi vào hoạt động của các dự án điện vòng 5 năm tới.


Biểu đồ dự kiến phân bổ năng lượng điện mới bổ sung năm 2022 của Hoa Kỳ.

Theo báo cáo, 21,5 GW năng lượng mặt trời dự kiến được bổ sung vào năm 2022 sẽ vượt qua 15,5 GW của năm ngoái. EIA đưa ra các con số ước tính dựa trên các bổ sung được báo cáo cho đến tháng 10/2021, cũng như các bổ sung dự kiến ​​trong 2 tháng cuối năm 2021. Hầu hết nguồn năng lượng mặt trời được bổ sung trong năm 2022 dự kiến ​​sẽ ở Texas (6,1 GW chiếm 28% tổng số), tiếp theo là California (4 GW chiếm 18%).

EIA dự kiến ​​công suất điện gió 7,6 GW sẽ đi vào hoạt động vào năm 2022. Con số này sẽ thấp hơn một nửa so với mức cao kỷ lục 17,1 GW được đưa vào hoạt động vào năm 2021. Khoảng 51% công suất điện gió bổ sung năm 2022 sẽ là các dự án nằm ở Texas. Trung tâm Năng lượng gió Traverse 999 MW ở Oklahoma, dự án gió lớn nhất Hoa Kỳ dự kiến ​​đi vào hoạt động vào năm 2022 và ​​bắt đầu hoạt động vào tháng Tư năm nay.

Trong số 9,6 GW công suất đốt khí tự nhiên mới dự kiến, các nhà máy chu trình hỗn hợp chiếm 8,1 GW (hơn 84%) trong tổng số, với các nhà máy đốt chiếm 1,4 GW. Khoảng 88% dự án công suất khí đốt tự nhiên dự kiến được ​​bổ sung nằm ở Ohio, Florida, Michigan và Illinois.

H.A
https://petrotimes.vn/nang-luong-mat-troi-chiem-mot-nua-cong-suat-phat-dien-moi-cua-hoa-ky-trong-nam-2022-638848.html

Màng bọc thực phẩm làm từ ngô giúp thực phẩm tươi lâu hơn

Một loại màng bọc thực phẩm mới được phát triển từ nguồn gốc thiên nhiên có thể giúp thực phẩm tồn tại lâu hơn, ngoài ra nó còn có thể phân hủy sinh học giữ vệ sinh môi trường.

Được phát triển bởi các nhà khoa học tại Đại học Harvard và Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore (NTU), vật liệu làm màng bọc này có hình dạng trong suốt. Được tạo ra từ quá trình quay kéo sợi, các sợi cơ bản của nó bao gồm protein ngô được gọi là zein, cùng tinh bột, xenlulo và các polyme có nguồn gốc tự nhiên khác. Những sợi đó được tẩm các hợp chất kháng khuẩn tự nhiên như cỏ xạ hương, axit xitric và axit axetic.

Khi màng bọc ban đầu được đặt xung quanh một thực phẩm như thịt, cá hoặc sản phẩm tươi sống, hợp chất kháng khuẩn vẫn còn trong các sợi. Tuy nhiên, nếu độ ẩm tăng lên hoặc nếu một số enzym nhất định được tạo ra bởi vi khuẩn có hại, những hợp chất đó sẽ tự động được giải phóng, sau đó chúng sẽ tiến hành tiêu diệt vi khuẩn cùng với bất kỳ loại nấm nào, giữ cho thực phẩm không bị hư hỏng.

Giáo sư Mary Chan (trái) và Tiến sĩ Suresh Kumar Raman Pillai với các mẫu phim kháng khuẩn. 

Trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, dâu tây tươi được bọc trong màng bọc thực phẩm kéo dài 7 ngày trước khi phát triển nấm mốc, so với bốn ngày đối với dâu tây được giữ trong giỏ trái cây thông thường.

Ngoài ra, như đã đề cập, vật liệu phân hủy sinh học hoàn toàn sau khi bị loại bỏ. Cũng cần lưu ý rằng zein thu được từ bột gluten ngô, một phụ phẩm phế thải từ quá trình sản xuất etanol. Người ta hy vọng vật liệu này có thể được thương mại hóa trong vài năm tới.

Giáo sư Mary Chan của NTU cho biết, bao bì thực phẩm hoạt tính bền vững, có thể phân hủy sinh học với công nghệ ngăn chặn vi khuẩn và nấm, có tầm quan trọng lớn đối với ngành công nghiệp thực phẩm. “Nó có thể đóng vai trò là giải pháp thay thế thân thiện với môi trường cho các polyme làm từ dầu mỏ sử dụng trong bao bì thực phẩm thương mại, chẳng hạn như nhựa, có tác động tiêu cực đáng kể đến môi trường”, GS Mary Chan nhấn mạnh.

An Hạ
https://vietq.vn/mang-boc-thuc-pham-lam-tu-ngo-giup-thuc-pham-tuoi-lau-hon-d195819.html

Mối đe dọa an ninh mạng từ các thiết bị sử dụng công nghệ 5G

Các chuyên gia của Australia vừa phải phát đi cảnh báo, công nghệ 5G mang lại nhiều lợi ích nhưng chúng cũng có khả năng bị hacker tấn công.

Theo ông Lennon Chang – Giảng viên cao cấp về Tội phạm học, Trường Khoa học Xã hội tại Đại học Monash, công nghệ mở ra nhiều cánh cửa, khiến mọi thứ diễn ra nhanh chóng và trở nên ổn định hơn. Nhiều ngôi nhà hiện được xây dựng như nhà thông minh bằng cách sử dụng công nghệ 5G, bao gồm hệ thống chiếu sáng và kiểm soát năng lượng.

Hiện giờ người dùng có thể mở một cánh cửa thông qua nhận dạng khuôn mặt hoặc nhận dạng giọng nói; có thể yêu cầu Google Home khởi động máy pha cà phê. Người dùng cũng không cần phải rời khỏi chiếc giường ấm áp của mình để kéo rèm lên hay lo lắng rằng không có ai ở nhà tưới vườn.


Mối đe dọa an ninh mạng từ Internet of Things. Ảnh minh họa

Cũng theo chuyên gia trên: “Trong số tất cả các ứng dụng, tôi thích tủ lạnh thông minh 5G nhất. Bạn sẽ không cần phải lên danh sách mua sắm hay đặt hàng trực tuyến nữa – tủ lạnh thông minh có thể làm điều đó giúp bạn. Tôi cũng thích ô tô không người lái 5G – tất cả các cảm biến và máy tính trong ô tô sẽ giúp bạn lái xe thoải và an toàn hơn. Và một ngày nào đó, tôi tin rằng chẳng bao lâu nữa, tủ lạnh của bạn sẽ có thể liên lạc với xe của bạn để đưa bạn đến một cửa hàng bán đồ uống và mua thêm bia vì trong tủ lạnh bạn không còn nhiều!”.

Tuy nhiên, ông Lennon Chang nhấn mạnh, Internet vạn vật (IoT) chắc chắn sẽ giúp cuộc sống của mỗi người trở nên dễ dàng hơn nhưng đồng thời cũng cảnh báo những mối đe dọa đến từ Internet. Vì mọi thứ hiện đã được kết nối, điều này đồng nghĩa với việc tất cả đều có thể bị tin tặc tấn công.

Vậy, mối liên hệ giữa Internet vạn vật (IoT) 5G và tội phạm mạng là gì? Ông Chang chia tội phạm mạng thành hai loại – tội phạm phụ thuộc vào công nghệ cao và tội phạm được gây ra bởi công nghệ cao.

Tội phạm phụ thuộc vào mạng xuất hiện sau khi Internet được phát minh vào những năm 1980. Nhóm tội phạm này đòi hỏi nhiều ở công nghệ và internet. Ví dụ tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDOS) và mạng lưới botnet.

“Dữ liệu về xu hướng tấn công lỗ hổng bảo mật đối với các thiết bị tự động hóa gia đình cho chúng ta biết rằng hầu hết mọi thứ trong nhà hiện đều có thể bị hack. Cũng có trường hợp chúng tôi biết việc các thiết bị đã bị tấn công và được sử dụng như một máy tính bị nhiễm bot để mở ra những cuộc tấn công mạng. Chúng ta cũng có thể thấy rằng các mạng lưới botnet thuộc Internet vạn vật (IoT) đang được bán với giá rẻ trên web tối (dark web)”, ông Chang nói.

Liên quan tới công nghệ 5G cũng có thể bị tấn công, hãng bảo mật Fortinet (Mỹ) cảnh báo, tội phạm mạng có thể lợi dụng các thiết bị sử dụng công nghệ 5G và những cải tiến về tốc độ, hiệu suất để tạo ra những mối nguy hại mới ở tốc độ và quy mô chưa từng có.

Thực tế, sức mạnh của 5G không chỉ nằm trên những chiếc smartphone. Thế hệ mạng mới với độ trễ thấp, tốc độ truyền nhanh sẽ mở ra thời kỳ mới của IoT. Hàng triệu thiết bị thông minh có thể kết hợp với nhau để vận hành nhà thông minh, các khu công nghiệp và thậm chí là các thành phố thông minh. Tuy nhiên, chỉ cần khai thác lỗ hổng từ một thiết bị nhỏ, tin tặc có thể xâm nhập vào cả hệ thống để đánh cắp dữ liệu, chiếm quyền điều khiển, thực hiện cho các vụ tấn công đòi tiền chuộc…

Thời gian tới, các thiết bị thông minh không còn đơn giản là mục tiêu tấn công của tội phạm mạng, mà trở thành “đường dẫn” cho các quy trình tấn công sâu hơn. Hiện nay, không ít người dùng mạng xã hội bị lừa chuyển tiền, bị dụ tải file, bấm vào link chứa mã độc… Trong kỷ nguyên của 5G và IoT, tin tặc có thể âm thầm theo dõi thời gian biểu hàng ngày, thói quen và thu thập một số thông tin tài chính về người dùng, từ đó tạo sự tin cậy và tăng tỷ lệ thành công cho các vụ lừa đảo phi kỹ thuật.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/moi-de-doa-an-ninh-mang-tu-cac-thiet-bi-su-dung-cong-nghe-5g-d195829.html