Hà Nội: Phấn đấu 100% trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi nilon khó phân hủy

UBND TP Hà Nội phấn đấu 100% trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi nilon khó phân hủy; đến ngày 31/12/2020, hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa…

UBND TP Hà Nội mới đây đã ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND triển khai hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2020.

Theo kế hoạch này, Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2020 đạt các chỉ tiêu: Tỷ lệ các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối có nhận thức, được hướng dẫn, áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng đạt 50%; giảm 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh; 100% trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi nilon khó phân hủy; đến ngày 31/12/2020, hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng từ nhựa.

Ảnh minh họa

Phấn đấu tỷ lệ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường đạt 70%. Gắn kết các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường, phấn đấu 100% doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Ứng dụng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.

Phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ đóng góp của các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, tái chế chất thải trong GDP đạt 45%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý đúng quy định đạt 100% đối với khối lượng được thu gom, ưu tiên xử lý bằng các phương pháp tái chế, đốt thu hồi năng lượng. Chất thải rắn xây dựng được ưu tiên tái chế, tái sử dụng bằng công nghệ nghiền; tỷ lệ chất thải rắn công nghiệp được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ đạt 75%.

Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND thành phố chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; giới thiệu các mô hình về đối mới sinh thái, mô hình về thiết kế sinh thái, thiết kế bền vững, các chuỗi cung ứng, các mô hình điển hình về sản xuất và tiêu dùng bền vững, các cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường; giới thiệu kiến thức về chuỗi sản xuất và tiêu dùng bền vững cho người tiêu dùng Thủ đô thông qua phát hành cẩm nang, tin, bài, phóng sự, phát clip và các phương tiện thông tin truyền thông khác.

Xuân Hinh
https://petrotimes.vn/ha-noi-phan-dau-100-trung-tam-thuong-mai-sieu-thi-khong-dung-tui-nilon-kho-phan-huy-571137.html

Khởi động dự án giải mã bí ẩn về virus Sars-CoV-2

Các nhà nghiên cứu trên khắp nước Anh sẽ tham gia vào một dự án lớn nhằm nghiên cứu và giải mã những bí ẩn về virus Sars-CoV-2 gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Theo tờ Reuters, các nhà khoa học Anh đang cố gắng tập trung giải đáp câu hỏi vì sao virus Sars-CoV-2 lại khiến một số người tử vong nhưng lại không gây ra bất cứ triệu chứng nào cho một số người khác. Muốn tìm lời giải, họ sẽ phải giải mã gene của hàng ngàn người mắc Covid-19 nặng và so sánh bộ gene của những bệnh nhân này với người bị bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng bệnh.

Bác sĩ Kenneth Baillie, người đứng đầu nghiên cứu nhận định, việc so sánh các bộ gene sẽ rất khó khăn. Có đến 4-5 triệu khác biệt giữa bộ gene 2 người nên để so sánh, các nhà khoa học cần lấy mẫu lớn.

Ông Baillie cho biết ông sẽ làm việc với các đơn vị chăm sóc đặc biệt trên khắp Vương quốc Anh, Công ty Genomics England và Tổ chức GenOMICC – một cộng đồng bác sĩ và nhà khoa học toàn cầu nghiên cứu các bệnh hiểm nghèo để hoàn thành nghiên cứu nói trên.

Còn theo tờ The Asian Post, cứ mỗi tuần trôi qua, danh sách các triệu chứng của dịch bệnh Covid-19 lại nối dài thêm. Từ những triệu chứng ban đầu giống bệnh cúm thông thường như ớn lạnh, đau đầu và sốt, sau 3 tháng xuất hiện và hoành hành, các triệu chứng của Covid-19 cũng mở rộng nhanh chóng với hàng loạt tác động tới hầu hết các bộ phận trong cơ thể từ não bộ cho tới thận.


Ảnh minh họa

Dịch bệnh nguy hiểm này còn có thể khiến hệ miễn dịch của cơ thể bị quá tải, dẫn tới hội chứng giải phóng ra lượng lớn cytokine- hay còn gọi là bão cytokine- trong chính mầm bệnh cũng như trên cơ thể vật chủ, một dạng tác dụng phụ của hệ miễn dịch.

Theo lý giải của Jeremy Rossman, giảng viên cao cấp Đại học Kent, hầu hết virus đều gây bệnh theo 2 cách. Virus có phá hủy các mô mà chúng xâm nhập và sao chép tại đó hoặc gây những những tổn hại theo kiểu kích thích tác dụng phụ của hệ miễn dịch khi cơ thể phản ứng để chiến đấu với bệnh tật.

Hiện các bác sỹ đang nghi ngờ Covid-19 là thủ phạm dẫn tới hàng chục ca trẻ nhỏ phải nhập viện tại New York, London và Paris, được chẩn đoán mắc rối loạn phản ứng viêm hiếm gặp tương tự như hội chứng trên. Rối loạn này chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ, tấn công các thành mạch và dẫn tới suy nội tạng. Hàng chục nghiên cứu y học trong những tuần gần đây cũng nêu tác động nguy hiểm tiềm tàng của Covid-19 như đột quỵ và tổn thương tim.

Nhiều nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra các triệu chứng hiếm gặp ở bệnh nhân cúm thông thường xuất hiện ở những ca bệnh Covid-19 và thường là do rối loạn đông máu. Các vấn đề về tim, gan, phổi và tổn thương não ở bệnh nhân Covid-19 chủ yếu liên quan tới rối loạn đông máu.

Bảo Lâm (Theo Reuters, The Asian Post)
http://vietq.vn/khoi-dong-du-an-giai-ma-bi-an-ve-virus-sars-cov-2-d173947.html

Phà thu gom rác thải nhựa chạy bằng năng lượng mặt trời

Tổ chức bảo vệ môi trường The Ocean Cleanup (Hà Lan) đang phối hợp với cơ quan chức năng Malaysia triển khai giải pháp dùng chiếc phà sử dụng năng lượng mặt trời để thu gom rác thải nhựa trên sông.

Chiếc phà mang tên Interceptor có giá khoảng 775.000 USD (hơn 17,9 tỉ đồng), hình dáng như một lâu đài nổi. Thiết bị được thiết kế chạy bằng năng lượng mặt trời, chiều dài khoảng 24m, tự động thu nhặt rác thải nhựa trôi nổi trên mặt nước bằng các tấm lưới cuốn và đưa vào bồn chứa. Mỗi ngày, chiếc phà này có thể thu gom và xử lý khoảng 50 tấn rác.

Chiếc phà hoạt động rất hiệu quả sau một thời gian thử nghiệm trên sông Klang, dòng sông lớn và ô nhiễm nặng chảy qua Kuala Lumpur và khu vực lân cận.

Dự án sẽ tác động lớn đến cuộc chiến chống lại sự khủng hoảng rác thải nhựa trên thế giới.

G.Minh
https://petrotimes.vn/pha-thu-gom-rac-thai-nhua-chay-bang-nang-luong-mat-troi-570803.html

EU và Pháp hỗ trợ 20 triệu euro giúp Việt Nam hướng tới tương lai xanh

Liên minh châu Âu và Pháp, thông qua AFD vừa hỗ trợ 20 triệu euro giúp Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu và quản lý nước, tài nguyên thiên nhiên.

Ngày 11/5, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) và ông Fabrice Richy, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam vừa ký một thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác chung trong việc nâng cao khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và thiên tai tại Việt Nam, nhằm hướng tới một “tương lai xanh.”

Theo thỏa thuận, EU sẽ cung cấp viện trợ không hoàn lại 20 triệu euro (1 euro tương đương hơn 25.300 đồng) cho AFD.

Thông qua phối hợp với các chính quyền Trung ương và địa phương, AFD sẽ huy động Quỹ Quản lý Nước và Tài nguyên Thiên nhiên nhằm chuẩn bị và triển khai các dự án đầu tư được đồng tài trợ thông qua các khoản cho vay của AFD và các nguồn lực của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2029 với tổng nguồn vốn ước tính 200 triệu euro.

Dự kiến, Quỹ Quản lý Nước và Tài nguyên Thiên nhiên sẽ hỗ trợ cho việc chuẩn bị và thực hiện các dự án đầu tư có tính chiến lược hơn, gồm cả hạ tầng “cứng” và “mềm” trong các lĩnh vực quản lý nước, các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, cũng như ứng phó với những thách thức tại địa phương như lũ lụt và xói mòn đường bờ biển.

Ngoài ra, kinh nghiệm thu được từ các dự án sẽ đóng góp vào quá trình đối thoại chính sách chiến lược về khí hậu, môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Đại sứ EU, ông Giorgio Aliberti cho biết thích ứng với biến đổi khí hậu có vai trò hết sức quan trọng vì tính bền vững trong sự phát triển của Việt Nam, và nước và tài nguyên thiên nhiên chính là một nhân tố then chốt của vấn đề này.

Mục đích của khoản viện trợ không hoàn lại 20 triệu euro này là nhằm hỗ trợ Việt Nam trên con đường hướng tới một tương lai xanh hơn và kiên cường hơn. Việc viện trợ này hoàn toàn phù hợp với các ưu tiên toàn cầu của EU về các quan hệ đối tác quốc tế với yêu cầu đạt được các thỏa thuận xanh.

“Sự tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên sẽ giúp khôi phục và bảo tổn các hệ sinh thái, tăng cường sức chống chịu của người dân địa phương và giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19,” Đại sứ Giorgio Aliberti chia sẻ thêm.

Hùng Võ (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/eu-va-phap-ho-tro-20-trieu-euro-giup-viet-nam-huong-toi-tuong-lai-xanh/639623.vnp

Tấm pin mặt trời lọc nước từ không khí

Một công ty khởi nghiệp của Mỹ đã phát triển thành công tấm pin mặt trời có khả năng lọc và hấp thụ hơi nước trực tiếp trong không khí.

Những tấm pin chạy bằng năng lượng mặt trời của Công ty Zero Mass Water chứa vật liệu tách độ ẩm trong không khí, biến nó thành chất lỏng.

Nước được chiết xuất sẽ được chuyển vào bể chứa có dung tích 60 lít, nơi nước được khoáng hóa canxi và magie. Một tấm pin có thể hút khoảng 150 lít nước/tháng.


Dự án giúp người dân ở các khu vực khan hiếm nước có nước sạch sinh hoạt.

Ngoài ra, các tấm pin năng lượng mặt trời này có thể hoạt động trong môi trường khô cằn và độ ẩm thấp như bang Arizona của Mỹ hay tại Australia, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.

Dự án này được kỳ vọng giúp hàng triệu người sống ở các khu vực khan hiếm nước trên thế giới có nước sạch sinh hoạt.

G.M
https://petrotimes.vn/tam-pin-mat-troi-loc-nuoc-tu-khong-khi-570407.html

Nhà thông minh tạo ra năng lượng

Một công ty ở Bồ Đào Nha đã thiết kế những ngôi nhà luôn quay về phía mặt trời để hấp thu và tạo ra năng lượng. Lấy cảm hứng từ hoa hướng dương, kiến ​​trúc của ngôi nhà tích hợp sự đổi mới và bền vững đồng thời cũng thích ứng với nhu cầu của người sử dụng.

Theo nhóm nghiên cứu, ngôi nhà có thể tự sản xuất 25.000 kWh điện mỗi năm, gấp 5 lần lượng điện một ngôi nhà cần sử dụng. Việc luôn quay về hướng mặt trời giúp nó sản xuất nhiều hơn 45% điện so với thông thường.


Ngôi nhà luôn quay về phía mặt trời để hấp thu và tạo ra năng lượng.

Ngôi nhà kết hợp 2 chuyển động. Chuyển động xoay của phần mái từ các tấm điện mặt trời và chuyển động xoay của chính ngôi nhà. Các tấm điện mặt trời có thể điều chỉnh phù hợp từng loại thời tiết. Chúng có thể tạo ra bóng râm hoặc mở ra để mặt trời chiếu vào làm ấm không gian bên trong. Sự kết hợp của hai chuyển động này tạo nên hiệu ứng hoa hướng dương. Năng lượng được tạo ra từ ngôi nhà có thể dùng để sạc xe ô tô điện.

Người sử dụng có thể mở cửa, bật đèn và điều chỉnh không gian bên trong như ý muốn. Ngôi nhà có thể dễ dàng di chuyển và phù hợp mọi nơi trên thế giới.

G.Minh
https://petrotimes.vn/nha-thong-minh-tao-ra-nang-luong-570443.html