Hàn Quốc tạo ra Mặt trời nhân tạo đạt 100 triệu độ C

Các nhà nghiên cứu ở Hàn Quốc vừa tuyên bố đã phá kỷ lục của chính họ bằng cách tái tạo các điều kiện cường độ mạnh của Mặt trời ở quy mô rất nhỏ.

Trung tâm Nghiên cứu KSTAR đã cố gắng duy trì plasma ở nhiệt độ 100 triệu độ trong 8 giây vào năm 2019, nhưng gần đây đã mở rộng kỷ lục đó. Nghiên cứu được cho có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc về hoạt động bên trong của Mặt trời.

Đối với các nhà khoa học tại cơ sở Công ty Nghiên cứu Tiên tiến Siêu dẫn Tokamak Hàn Quốc (KSTAR), năm 2020 đang kết thúc với một dấu ấn rất cao, vì họ đã cố gắng phá vỡ kỷ lục của chính mình, được thiết lập vào năm 2019, bằng cách giữ nhiệt độ ion plasma hơn 100 triệu độ trong 20 giây.

Kỷ lục trước đó là 8 giây được thiết lập bởi cùng một nhóm nghiên cứu và phá vỡ kỷ lục trước đó là 100 triệu độ trong 1,5 giây. Cơ bản, các nhà khoa học đang cố gắng tái tạo các điều kiện tồn tại bên trong Mặt trời. Làm như vậy trên bề mặt Trái đất là một nỗ lực rất đáng ghi nhận.

Để đạt được nhiệt độ cao đến kinh ngạc như vậy, các nhà nghiên cứu đã sử dụng thiết bị tổng hợp siêu dẫn để đẩy nhiệt đồng vị hydro đến trạng thái plasma.

Một trong những mục tiêu cuối cùng của loại nghiên cứu này là khai thác sức mạnh của năng lượng nhiệt hạch. Nếu một bước đột phá như vậy được thực hiện, nó có thể hoàn toàn cách mạng hóa cách thế giới có được nguồn năng lượng sạch và bền vững. Nó có thể là những gì chúng ta cần để chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trên quy mô lớn.

“Thành công của KSTAR trong việc duy trì plasma nhiệt độ cao trong 20 giây sẽ là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chạy đua đảm bảo các công nghệ”, Si-Woo Yoon, Giám đốc trung tâm nghiên cứu KSTAR, cho biết.

Nghiên cứu về các phản ứng nhiệt hạch giống như Mặt trời đang được tiến hành nhanh chóng và chỉ vài năm sau khi lần đầu tiên đạt được trạng thái plasma nhiệt độ cực cao. Nhóm nghiên cứu đã kéo dài khoảng thời gian mà họ có thể duy trì nó từ 1,5 giây lên 20 giây. Chưa biết tương lai sẽ ra sao nhưng các nhà khoa học cho rằng đây là một lĩnh vực công việc vô cùng hứa hẹn.

Theo Dân trí
https://petrotimes.vn/han-quoc-tao-ra-mat-troi-nhan-tao-dat-100-trieu-do-c-592684.html

Indonesia gửi trả chất thải độc hại về Australia, New Zealand, Anh, Mỹ

Bộ Ngoại giao Indonesia đã triệu tập đại sứ của 4 nước Australia, New Zealand, Anh, Mỹ để thông báo kế hoạch gửi trả lại các nước này 79 container chứa chất thải độc hại.

Chính phủ Indonesia mới đây tuyên bố sẽ gửi trả 79 container chất thải độc hại về Australia, New Zealand, Anh và Mỹ bắt đầu từ tháng 1/2021.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trong một thông cáo ra ngày 24/12, Bộ Ngoại giao Indonesia (Kemlu) cho biết đã triệu tập đại sứ của 4 nước trên vào ngày 23/12 để thông báo về kế hoạch gửi trả rác thải.

Nhân viên Hải quan Indonesia kiểm tra container chứa rác thải nhựa tại cảng Batu Ampar ở Batam, ngày 15/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng vụ trưởng Vụ Mỹ và châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Ngurah Swajaya khẳng định biện pháp này phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển qua biên giới và việc tiêu hủy các phế thải nguy hiểm.

Công ước này nhằm giảm các hoạt động vận chuyển các chất thải độc hại giữa các quốc gia, đặc biệt là từ các nước phát triển sang các nước kém phát triển hơn.

Thông cáo của Kemlu dẫn lời ông Ngurah nêu rõ: “Theo Công ước Basel, hàng nhập khẩu có chứa chất thải độc hại là không được phép và Chính phủ Indonesia sẽ gửi trả về nước xuất xứ.”

Nguồn gốc của 79 container nói trên đã được nhiều cơ quan chính phủ gồm Bộ Môi trường và Lâm nghiệp, Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính và Cảnh sát quốc gia xác minh.

Tổng vụ trưởng Ngurah cho biết thêm những container này nằm trong tổng số 107 container đã bị lực lượng chức năng Indonesia thu giữ vì có chứa các chất thải nguy hại và 28 container còn lại sẽ tiếp tục được kiểm tra.

Số container nói trên bị thu giữ năm 2019 trong bối cảnh Indonesia và các nước Đông Nam Á khác đang đối mặt với sự gia tăng mạnh các lô hàng chứa chất thải nhựa từ các nước phát triển sau khi Trung Quốc quyết định cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu.

Các loại rác thải không nguy hại, trong đó chủ yếu là giấy vụn sạch, đã được các công ty tái chế giấy ở Indonesia sử dụng.

Tuy nhiên, hầu hết trong số 107 container nói trên được xác định là có chứa các chất thải gây nguy hại như tã giấy và đồ nhựa./.

Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/indonesia-gui-tra-chat-thai-doc-hai-ve-australia-new-zealand-anh-my/686284.vnp

Từ 1/1/2021, xe ô tô sẽ bị áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới

Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc chuẩn bị sẵn sàng cho việc triển khai áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới đối với xe ô tô được sản xuất trong thời gian từ năm 1999 đến hết năm 2008.

Cụ thể, các trung tâm đăng kiểm có nhiệm vụ phổ biến tới đăng kiểm viên và kiểm tra, chuẩn bị thiết bị để áp dụng kiểm định theo tiêu chuẩn khí phát mức 2 kể từ ngày 1/1/2021 đối với xe ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ do cháy nén được sản xuất trong giai đoạn 1999 – 2008. Bên cạnh đó, các trung tâm đăng kiểm có trách nhiệm thông báo tới chủ phương tiện, lái xe biết và thực hiện.

Theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhóm xe ô tô trên đang được áp dụng tiêu chuẩn khí thải ở mức thấp nhất (mức 1 trong 3 mức), song từ ngày 1/1/2021 phải đạt tiêu chuẩn cao hơn một mức (mức 2) của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6438:2018 (Phương tiện giao thông đường bộ – giới hạn lớn nhất cho phép của khí thải). Đây là lộ trình được quy định tại Quyết định số 16/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải của xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng.

Về giới hạn mức phát thải theo tiêu chuẩn mức 2, TCVN 6438:2018 quy định, giới hạn lớn nhất cho phép đối với xe ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức là 3,5% (thể tích) chất CO, 800 HC (ppm thể tích); giới hạn lớn nhất đối với xe lắp động cơ do cháy nén là 60% HSU giới hạn độ khói.

Ảnh minh họa

Việc kiểm định khí thải xe ô tô được thực hiện khi xe ô tô đăng kiểm định kỳ. Hiện phần mềm chương trình kiểm định khí thải mức 2 đối với xe sản xuất giai đoạn 1999 – 2008 đã được cài đặt tại tất cả các trung tâm đăng kiểm. Khi đăng kiểm viên nhập dữ liệu biển số xe, số đăng kiểm vào chương trình, phần mềm sẽ tự động đối chiếu chỉ số thực tế phát thải và tiêu chuẩn để đánh giá kết quả đạt hay không đạt tiêu chuẩn.

Theo lãnh đạo một số trung tâm đăng kiểm, ghi nhận trong năm 2020 cho thấy, dù nhóm xe ô tô sản xuất trong giai đoạn 1999 – 2008 áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức thấp nhất, song hầu như ngày nào cũng ghi nhận có trường hợp không đạt tiêu chuẩn khí thải; trong đó phần lớn là xe sản xuất thời điểm ngay trước và sau năm 2000 cũng như xe sử dụng nhiên liệu diesel.

Do đó, chủ phương tiện của nhóm xe trên cần chú trọng hơn trong việc bảo dưỡng, sửa chữa động cơ định kỳ (kim phun, bơm nhiên liệu, lọc dầu, lọc gió, pit tông…) để duy trì chất lượng khí thải theo tiêu chuẩn mức 2.

Bảo Linh
http://vietq.vn/tu-112021-xe-o-to-se-bi-ap-dung-tieu-chuan-khi-thai-moi-d182067.html

2020 – Năng lượng tái tạo tăng trưởng mạnh nhất

IHS Markit mới đây cho biết, đầu tư vốn toàn cầu vào lĩnh vực năng lượng tái tạo dự kiến sẽ phục hồi mức trước đại dịch trong năm 2021, trong đó điện mặt trời sẽ chiếm phần lớn công suất bổ sung năng lượng sạch trong vòng 5 năm tới.

Sau những tác động của đại dịch Covid-19 và các biện pháp kiểm dịch trong năm 2020, IHS ước tính, đầu tư năng lượng tái tạo toàn cầu (không bao gồm thủy điện) sẽ đạt 235 tỷ USD trong năm nay, giảm 7% so với năm 2019. Đồng thời, hãng dự báo, đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo sẽ tăng 8,5% lên 255 tỷ USD (tương đương với mức của năm 2019).

Chi tiêu cho phát triển năng lượng tái tạo hàng năm sẽ duy trì đến năm 2025 với tổng mức chi tiêu lũy kế trong giai đoạn 2021 – 2025 đạt 1,3 nghìn tỷ USD, tăng 9% so với giai đoạn 2015 – 2019.

IHS cũng dự báo chi phí vốn trung bình toàn cầu cho lĩnh vực điện mặt trời quy mô tiện ích (unity-scale) và phân tán vào năm 2025 sẽ thấp hơn 40% so với năm 2027. Lĩnh vực này cũng sẽ chiếm khoản 54% đầu tư tích lũy trong giai đoạn 2021 – 2025. Sự tăng trưởng về vốn và bổ sung công suất sẽ giúp tổng công suất lắp đặt điện gió và điện mặt trời sớm vượt tổng công suất lắp đặt điện khí toàn cầu vào năm 2023 và vượt công suất lắp đặt điện than vào năm 2024.

Theo số liệu của Hiệp hội năng lượng mặt trời châu Âu (Solar Power Europe), năm 2020 ghi nhận là năm tăng trưởng mạnh nhất năng lượng mặt trời ở EU trong vòng 1 thập kỷ qua với 18,7 GW công suất lắp đặt mới.

Tại Mỹ ghi nhận sự tăng trưởng ổn định của các dự án điện mặt trời quy mô tiện ích trong năm nay. Công suất lắp đặt điện mặt trời tại nước này được dự báo tăng 19 GW trong năm 2020.

Viễn Đông

https://nangluongquocte.petrotimes.vn/2020-nang-luong-tai-tao-tang-truong-manh-nhat-591826.html

Đức sửa đổi Luật năng lượng nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo

Bộ trưởng Môi trường LB Đức cho biết, liên minh cầm quyền tại Đức đã đồng ý sửa đổi Luật năng lượng nhằm thúc đẩy năng lượng tái tạo (NLTT) và giúp nước này đạt mục tiêu sản xuất 65% điện năng từ các nguồn năng lượng “xanh” vào năm 2030.

Dự thảo luật năng lượng mới dự kiến sẽ đưa ra thảo luận và bỏ phiếu vào thứ Năm (17/12) để kịp ban hành trước ngày 1/1/2021.

Dự thảo luật có một số điểm đáng chú ý, gồm: Cung cấp cho cộng đồng địa phương các ưu đãi tài chính để xây dựng các dự án điện gió trên bờ; Thúc đẩy phát triển năng lượng sinh khối và địa nhiệt; Khuyến khích xây dựng nhiều nhà máy điện mặt trời áp mái quy mô lớn trên các tòa nhà thương mại cũng như trên mái nhà của hộ gia đình; Thiết lập lại chính sách hỗ trợ đối với các nhà máy điện mặt trời và điện gió sau 20 năm hoạt động để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo ý kiến của một số nhà lập pháp Đức, dự luật mới sẽ cung cấp thêm các ưu đãi đối với việc tiêu thụ năng lượng của các hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời áp mái và thuế đối với các hộ dân tham gia vào dự án năng lượng mặt trời, giúp tiết kiệm chi phí điện năng cho người dân. Hiệp hội ngành công nghiệp tiện ích tại Đức (BDEW) cho biết, trong năm 2020, các nguồn NLTT đã chiếm 46,3% tiêu thụ điện năng của Đức, cao hơn 3,8% so với năm 2019. Một phần của sự gia tăng này xuất phát từ sụt giảm tiêu thụ điện năng trong thời gian khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Viễn Đông
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/duc-sua-doi-luat-nang-luong-nham-thuc-day-nang-luong-tai-tao-590961.html

Tiêu thụ than toàn cầu tiếp tục mạnh trong thời gian tới

Cơ quan năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, nhu cầu toàn cầu về than chắc chắn đạt đỉnh vào năm 2013, nhưng nó vẫn còn đáng kể. Sau đợt sụt giảm lịch sử vào năm 2020, than không có khả năng giảm trong những năm tiếp theo do nhu cầu sử dụng tăng ở châu Á.

Nguồn năng lượng chính thứ hai trên thế giới, than đá, đặc biệt được sử dụng để sản xuất điện, đã có xu hướng giảm trong vài năm qua. Và vào năm 2020, mức tiêu thụ của nó giảm 5% do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng y tế, mức sụt giảm lớn nhất được ghi nhận kể từ Thế chiến II, theo báo cáo Coal 2020 của IEA.

Dự kiến kinh tế thế giới ​​sẽ phục hồi 2,6% vào năm 2021, điều này sẽ đẩy bởi nhu cầu điện cũng như khí đốt tăng. “Có rất ít dấu hiệu cho thấy tiêu thụ than toàn cầu có thể giảm đáng kể trong những năm tới, với nhu cầu ngày càng tăng từ một số nền kinh tế châu Á bù đắp cho sự sụt giảm ở những nơi khác”, IEA nhấn mạnh, coi đây là “một thách thức lớn” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Năm 2025, nhu cầu than dự kiến ​​là 7,4 tỷ tấn. Điều này sẽ khiến năm 2013, với 8 tỷ tấn, trở thành năm đỉnh điểm của than.

Năm 2018 và 2019, nhu cầu than toàn cầu giảm mạnh, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và châu Âu, do tiêu thụ điện giảm và cạnh tranh từ khí đốt giá rẻ. Nhưng nếu tỷ trọng than giảm trong hỗn hợp điện và năng lượng, thì việc sử dụng than với số lượng tuyệt đối “sẽ không giảm nhanh trong tương lai”, IEA lưu ý.

“Năng lượng tái tạo đang trên đà trở thành nguồn cung cấp điện đầu tiên, trước cả than đá vào năm 2025. Và khi đó, khí đốt chắc chắn sẽ chiếm vị trí thứ 2 của than, sau dầu mỏ”, Keisuke Sadamori, giám đốc thị trường năng lượng tại IEA, lưu ý. Ông cho biết thêm: “Nhưng với sự đình trệ hoặc gia tăng nhu cầu về than dự kiến ​​ở các nền kinh tế lớn của châu Á, ngày nay không có bằng chứng nào cho thấy than sẽ biến mất nhanh chóng. “Ngay cả khi thế giới nỗ lực để chuyển đổi sang năng lượng sạch, sẽ cần nhiều thời gian để thoát khỏi sự phụ thuộc vào than đá”.

Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 65% nhu cầu than toàn cầu. Với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Đông Nam Á, mức sử dụng thanh là 75%. Các chuyên gia đang đặc biệt chú ý đến Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ một nửa lượng than của thế giới, sẽ trình bày kế hoạch 5 năm mới vào đầu năm 2021 như thế nào.

Nh.Thạch/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/tieu-thu-than-toan-cau-tiep-tuc-manh-trong-thoi-gian-toi-591163.html