Rác thải hạt nhân: “Quả bom nổ chậm” trong tương lai

Thị trấn Eurajoki nằm trên đảo Olkiluoto, cách thủ đô Helsinki của Phần Lan 30 phút chạy xe, đang là nơi được triển khai xây dựng “nghĩa địa hạt nhân”.

Đến Eurajoki, người ta có cảm giác như đang lạc vào một khu bảo tồn sinh thái tự nhiên. Nhưng trong lòng đất nơi yên bình đó, “nghĩa địa hạt nhân” khổng lồ đầu tiên trên thế giới có tên gọi Onkalo đang được xây dựng.

Onkalo được khởi công xây dựng vào đầu năm 2017 ở độ sâu 400-450m dưới lòng đất. Theo thiết kế, các đường hầm trong Onkalo dài tổng cộng 60km. Theo các chuyên gia địa chất Phần Lan, nền đá granit ở vùng này có niên đại gần 2 tỷ năm, trải qua vài thời kỳ băng hà, xung chấn gần như bằng 0, nên là khu vực địa chất ổn định, lý tưởng để chôn các container chứa rác thải hạt nhân. Tuy nhiên, Posiva – cơ quan quản lý rác thải hạt nhân của 2 nhà máy điện nguyên tử Olkiluoto và Loviisa, đang xây Onkalo – mới được chính phủ Phần Lan cấp phép xây dựng đường hầm chứ chưa có giấy phép chôn lấp rác thải hạt nhân.

Nếu được cấp phép chôn lấp, Onkalo sẽ là nơi chứa 5.500 tấn rác thải hạt nhân có nồng độ phóng xạ cao, từ giữa những năm 2020 đến khoảng năm 2100. Onkalo được thiết kế để tồn tại nguyên vẹn trong vòng ít nhất 100.000 năm, tương đương với thời gian sống của 4.000 thế hệ con người hay nhiều gấp 25 lần độ tuổi của các kim tự tháp Ai Cập cổ đại. Theo tính toán của các chuyên gia, thời gian đó đủ lâu để các chất phóng xạ trở nên vô hại.

Tuy nhiên, các nhà bảo vệ môi trường lại có cách nghĩ khác. Theo tổ chức Hòa Bình Xanh, tất cả công đoạn sản xuất điện nguyên tử đều thải chất phóng xạ độc hại: uranium (95%) và plutonium (1%) có thể tái sử dụng, 4% chất thải hạt nhân còn lại là không thể tái sử dụng. Ngay cả quá trình xử lý rác thải hạt nhân để tái sử dụng cũng gây ô nhiễm nặng. Việc sản xuất điện nguyên tử là ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng nề nhất và để lại cho nhiều thế hệ tương lai một loại rác thải nguy hiểm vô cùng và khó xử lý.

Xây dựng “nghĩa địa hạt nhân” tại Onkalo.

Nhiều thập niên nghiên cứu và những khoản đầu tư khổng lồ vẫn chưa mang lại cho con người một giải pháp xử lý rác thải hạt nhân triệt để. Việc chuyển đổi các chất phóng xạ tồn tại lâu dài trong tự nhiên thành chất phóng xạ dễ phân rã trong tự nhiên cho tới nay vẫn chỉ là mơ ước của các chuyên gia hạt nhân, do khả năng trở thành hiện thực rất xa vời và chi phí không hề nhỏ.

Tại nhiều nước khác, rác thải hạt nhân tại Pháp được lưu trữ tạm thời ngay trong các nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, 10.000 tấn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng cũng được chứa tạm thời trong trung tâm xử lý rác thải hạt nhân Le Hague, cơ sở xử lý rác thải hạt nhân lớn nhất châu Âu và thuộc hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, trong năm 2017, điều tra của Hòa Bình Xanh cho thấy các bể làm nguội thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại các nhà máy điện hạt nhân cũng như ở nhà máy xử lý chất thải hạt nhân Le Hague không được đảm bảo an toàn chặt chẽ như các lò phản ứng, chẳng hạn dễ bị nguy cơ tấn công khủng bố. Thêm vào đó, trung tâm Le Hague chỉ được khai thác đến năm 2030. Thông thường, một cơ sở như La Hague chỉ được sử dụng trong vòng 40 năm. Còn sau đó phải làm thế nào?

Hiện nay, do thiếu giải pháp, chôn lấp vĩnh viễn thật sâu trong lòng đất rác thải hạt nhân có nồng độ phóng xạ cao dường như được coi là phương pháp xử lý rác thải hạt nhân tối ưu và được nhiều quốc gia hướng tới. Giới nghiên cứu hiện đang tập trung vào 3 phương pháp chôn lấp: trong lòng lớp đá granit (Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc), trong môi trường trầm tích, nhất là đất sét (Bỉ, Thụy Sĩ) hoặc lưu trữ bằng muối, chẳng hạn trong các mỏ muối (Hoa Kỳ, Đức).

Theo Saigondautu.com.vn

Trái đất đang ở giới hạn chịu đựng cuối cùng?

Những hoạt động của nhân loại đã phá hoại nghiêm trọng môi trường và những tài nguyên trọng yếu, mà kiểu phá hoại này thường là không thể khôi phục lại.

Nếu không kiểm điểm lại thì rất nhiều hoạt động của chúng ta sẽ đặt xã hội nhân loại và các loài động thực vật vào tình thế cực kỳ nguy hiểm.

Hơn nữa có thể còn khiến cả thế giới đầy sinh cơ này trở thành nơi không thể duy trì bất kỳ phương thức sự sống nào mà chúng ta biết. Nhằm tránh những xung đột sắp tới, việc cải biến về bản chất (những hoạt động của con người) đã vô cùng cấp bách.

Hơn 2 thập kỷ đã trôi qua, liệu tình hình đã thay đổi gì hay chưa? Có, nhưng theo chiều hướng xấu đi, và xấu đi rất nhiều!

Theo dự báo, trong 540 triệu năm qua, đây là lần thứ 6 các sinh vật sống có thể bị hủy diệt hoặc ít nhất sẽ bị tuyệt chủng vào cuối thế kỷ này.

Tháng 11/2017, các nhà khoa học lại tiếp tục đưa ra lời kêu gọi khẩn thiết lần thứ 2 với danh sách chữ ký lên đến 15.372. Đây có thể được coi là bài viết khoa học chính thống có được sự hậu thuẫn lớn nhất từ giới khoa học.

Dưới tựa đề rất nghiêm túc: “Lời cảnh báo của các nhà khoa học thế giới đối với nhân loại: Cảnh báo lần 2”, các tác giả viết:

25 năm sau lời kêu gọi thứ nhất, chúng tôi nhìn lại và đánh giá phản ứng của con người với những dữ liệu có được. Từ năm 1992, ngoài việc làm ổn định tầng ôzôn bình lưu, nhân loại đã không làm đủ những gì cần thiết để giải quyết các vấn đề môi trường cơ bản đã được báo trước.

Đáng báo động là hầu hết những vấn đề ấy đang trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều. Đặc biệt rắc rối là xu hướng biến đổi khí hậu do con người gây ra và khí thải nhà kính ngày càng tăng do việc đốt nhiên liệu hóa thạch, phá rừng, và sản xuất nông nghiệp, nhất là việc chăn nuôi các động vật nhai lại để lấy thịt.

Hơn nữa chúng ta còn gây ra sự tuyệt chủng hàng loạt. Trong 540 triệu năm qua, đây là lần thứ 6 các sinh vật sống có thể bị hủy diệt hoặc ít nhất sẽ bị tuyệt chủng vào cuối thế kỷ này.”

Nói tóm lại: Trái Đất đang chết, và nhân loại có thể sẽ chịu chung số phận đó. Chúng ta có thể làm gì? Con người đã rất cố gắng dùng khoa học và pháp luật để bảo vệ môi trường vật chất và kiềm chế hành vi của những người khác. Nhưng kết quả mấy chục năm bảo vệ môi trường đã cho thấy rõ cách làm này hoàn toàn vô dụng.

Chúng ta hãy thử suy ngẫm xem, nền văn minh của nhân loại đã xuất hiện và tồn tại trong yên ổn được vài ngàn năm, vậy vì sao mà chỉ trong khoảng 100 năm qua, các vấn đề môi trường lần lượt xuất hiện và đe dọa tới chính sự tồn vong của loài người? Chúng ta đã rẽ lối sai ở đâu mà đi tới kết cục như ngày hôm nay?

Theo moitruong.com.vn

Australia thử nghiệm hệ thống tạo nước uống từ không khí

Cơ quan Năng lượng tái tạo Australia (ARENA) vừa công bố kế hoạch thử nghiệm hệ thống sản xuất nước uống đầu tiên có thể chiết xuất nước trực tiếp từ không khí và sử dụng năng lượng mặt trời.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ARENA sẽ thay mặt Chính phủ Australia cấp 420.000 AUD (hơn 315.000 USD) cho công ty khởi nghiệp Zezo Mass Water có trụ sở tại Mỹ để triển khai 150 hệ thống tấm nước có tên SOURCE tạo nước uống từ năng lượng mặt trời tại nhiều khu vực trên khắp Australia.

Đây là một sản phẩm chế biến nước uống sạch từ không khí, dùng năng lượng tái tạo và không cần nhà máy hạ tầng, nguồn điện hoặc nước để vận hành.

Thay vì dùng mạng lưới lọc và phân phối nước, hệ thống này sẽ sản xuất nước sạch bằng năng lượng mặt trời và độ ẩm từ không khí.

Hệ thống tấm nước SOURCE có thể tạo ra 5 lít nước uống trong một ngày, tùy thuộc vào đặc trưng khí hậu. Theo ước tính, một hệ thống SOURCE có thể tạo ra một lượng nước đủ để thay thế hơn 20.000 chai nhựa trong vòng 15 năm.

Hệ thống tấm nước SOURCE có thể tạo ra 5 lít nước uống trong một ngày, tùy thuộc vào đặc trưng khí hậu.

Tại Australia, đây là lần đầu tiên công nghệ này được thử nghiệm, lắp đặt ở 150 địa điểm khác nhau trên khắp Australia bao gồm Sydney, Adelaide, Perth cũng như các vùng xa xôi. Các vị trí đặt thử nghiệm rất đa dạng bao gồm sân bay, quán cà phê, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, trung tâm thương mại…

Dự án này nhằm giảm sự phụ thuộc vào việc sử dụng chai nhựa đồng thời cung cấp nước uống cho các khu vực vùng sâu vùng xa gặp khó khăn trong triển khai hệ thống điện và nước uống hoặc trong thời kỳ khô hạn.

Các nơi thử nghiệm của dự án cũng phối hợp đồng thời với một nghiên cứu khác nhằm đánh giá tác động môi trường của nước đóng chai ở Australia.

Giám đốc điều hành ARENA Ivor Frischknecht cho biết SOURCE là một cách thức độc đáo trong thúc đẩy đổi mới sử dụng năng lượng mặt trời ở Australia.

Ông nêu rõ dự án này sẽ tạo ra một sản phẩm mang lại phương thức sử dụng mới cho ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ở Australia.

Cùng với việc sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời, SOURCE có thể tạo ra nguồn nước uống sạch, như một giải pháp chủ động cung cấp nước sạch.

Lợi ích tiềm năng của công nghệ này với môi trường là rất quan trọng. Dân cư sinh sống ở các vùng xa xôi hoặc trong thời kỳ khô hạn vẫn có thể tiếp cận nguồn nước sạch, trong khi giảm đáng kể số lượng chai nhựa thải ra môi trường.

Theo VietnamPlus

Ô nhiễm ánh sáng gia tăng trên toàn cầu

Nghiên cứu cho thấy ô nhiễm ánh sáng đã gia tăng trên toàn thế giới do sự xuất hiện của các loại đèn LED siêu tiết kiệm điện.

Nhưng vấn đề lại không nằm ở những chiếc đèn LED. Trên thực tế, thế giới đang ngày một sáng hơn nhờ hệ thống đèn LED chiếu sáng ở những nơi mà trước đó chưa có ánh sáng.

Ô nhiễm ánh sáng là gì?

Ô nhiễm ánh sáng (light pollution, photopollution) là sử dụng không đúng hoặc quá mức ánh sáng nhân tạo (anthropogenic light) đặc biệt về đêm. Do đó, ô nhiễm ánh sáng thường là hệ quả của lối sống văn minh, nền công nghiệp hiện đại, quá trình đô thị hóa ào ạt….

Có nhiều loại ánh sáng gây ô nhiễm như: (1) Chói sáng, độ sáng quá mức gây khó chịu thị giác; (2) Quầng sáng (skyglow) vùng sáng của bầu trời đêm trên khu vực có người ở; (3) Tia sáng (light trespas) ánh sáng xuyên vào không chủ định, không cần thiết; và (4) Cụm sáng là các nhóm ánh sáng sáng không có ích.

Ô nhiễm ánh sáng (light pollution, photopollution) là sử dụng không đúng hoặc quá mức ánh sáng nhân tạo (anthropogenic light) đặc biệt về đêm.

Ánh sáng nhân tạo xuất hiện ngày một nhiều

Thế giới đang bị ô nhiễm ánh sáng là bài nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances cho biết ánh sáng nhân tạo đã tăng trưởng với tốc độ 2,2% mỗi năm tính từ năm 2012 đến 2016 – Theo Viettimes.

“Mặc dù có một vài ngoại lệ, nhưng tốc độ tăng trưởng ánh sáng đã diễn ra ở khắp Nam Mỹ, châu Phi và châu Á”. Nghiên cứu của các nhà khoa học đã được thực hiện thông qua các thiết bị đo đặc biệt được gắn trên vệ tinh.

“Ánh sáng đã xuất hiện nhiều hơn, từ những con đường để đạp xe qua công viên, đến những cung đường ngoại vi mà trước đó chưa bao giờ được chiếu sáng”, nhà vật lý và tác giả chính của nghiên cứu, ông Chris Kyba cho biết.

Các nhà nghiên cứu ghi nhận một vài sự sụt giảm ánh sáng hiếm hoi ở các vùng chiến sự như Syria và Yemen, trong khi Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và Mỹ là những khu vực sáng nhất thế giới.

Việc ánh sáng nhân tạo xuất hiện ngày một nhiều sẽ tác động xấu đến môi trường. Ánh sáng đèn LED ảnh hưởng đến động vật, thực vật và vi sinh vật vào ban đêm, và nó cũng bị nghi ngờ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.

Nghiên cứu trên cho biết: “Ánh sáng ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của chúng ta, ảnh hưởng tới giấc ngủ. Sự thiếu ngủ sẽ dẫn đến hàng loạt các vấn đề về sức khỏe như tiểu đường, cao huyết áp và trầm cảm”.

Ông Franz Holker, đồng tác giả của nghiên cứu nói rằng rất nhiều người đã sử dụng ánh sáng vào ban đêm mà không biết được tác động xấu của nó. Holker nói rằng nghiên cứu nói trên đã giúp ông thay đổi cách sử dụng ánh sáng vào ban đêm.

Phá vỡ hệ sinh thái

Nhịp sinh học bình thường được hình thành qua sự phối hợp với chu kỳ sáng-tối tự nhiên, do đó sự phá vỡ mô hình này ảnh hưởng đến động sinh thái (ecological dynamics). Do đó, ánh sáng nhân tạo, được dùng để chiếu sáng ban đêm, cũng là nguyên nhân quan trọng gây xáo trộn hệ sinh thái.

Ô nhiễm ánh sáng, sinh thái bị ô nhiễm ánh sáng, gây nhiều rối loạn như các động vật hoang dã về đêm di chuyển nhầm lẫn, khó kiếm được mồi, kiếm bạn tình…; vì sự quá sáng sẽ ức chế phát triển sinh vật phù du ăn tảo bề mặt, tảo sẽ phát triển quá mức gây hiện tượng “tảo nở hoa” giết chết các loài thực vật khác; nhiều loại cây như lúa sẽ không ra hoa trổ hạt vì ánh đèn điện cao áp; các loại hoa ban đêm khó được sâu bướm thụ phấn….

Theo moitruong.com.vn

Lý do khiến doanh nghiệp không thể “bỏ qua” việc quản lý rác thải

Rác thải gắn với mọi quá trình sản xuất và kinh doanh. Do đó, việc quản lý rác thải thế nào để tăng hiệu quả kinh tế và giảm tác hại đối với môi trường là điều mà các doanh nghiệp không thể “bỏ qua”.

Rác thải liệu có phải là tài nguyên?

Rác thải được định nghĩa là các chất đầu ra không phải sản phẩm, không có giá trị trường hoặc có giá trị tiêu cực đối với thị trường. Rác thải có thể là chất rắn, lỏng, khí hoặc đặc quánh như hồ. Nước và khí thải mặc dù là các chất đầu ra không phải sản phẩm, nhưng không được coi là rác thải.

Các khu vực chôn lấp rác thải trên thế giới ngày càng tăng chính là hình ảnh phản chiếu xu thế toàn cầu của tăng dân số, thịnh vượng và đô thị hóa. Điều đáng lo ngại là rác thải sinh ra ngày một nhiều: các nguồn tài nguyên có hạn đang biến thành những hàng hóa dùng 1 lần, các hàng hóa sinh ra khí nhà kính (GHG) cũng rất nhanh chóng bị chôn lấp.

Bên cạnh đó, hiện tượng đốt rác ngoài trời ở các nước đang phát triển là nguyên nhân đáng kể gây ra ô nhiễm không khí, bao gồm cả các hiểm họa đối với sức khỏe của các động đồng sống lân cận. Như vậy, hầu như chưa nhiều người nhận ra rằng rác thải cũng là một tài nguyên.

Rác thải được định nghĩa là các chất đầu ra không phải sản phẩm, không có giá trị trường hoặc có giá trị tiêu cực đối với thị trường.

Trước đó, vào năm 1960, một nghiên cứu quy mô thế giới của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đã chỉ ra rằng tất cả các nước đều có nguy cơ nhiễm độc đất đai do nhiều loại hình sản xuất công nghiệp. Điều này cần phải nhấn mạnh vì chi phí xử lý đất bị nhiễm độc rất đắt đỏ. Do đó, các chương trình ngăn ngừa ô nhiễm vẫn là chiến lược được ưu tiên trong việc quản lý rác thải. Đây cũng là vấn đề thách thức lớn đối với các quốc gia phát triển và đang phát triển.

Cách phân loại rác thải

Tùy theo chất lượng, rác thải được phân loại như sau:

Khoáng chất: Rác thải khoáng chất là chất trơ, không hòa tan, không phân hủy. Rác thải khoáng về bản chất là an toàn, có thể đổ bỏ mà không cần công nghệ xử lý, chôn lấp đặc biệt hay các biện pháp quản lý rác thải chôn lấp về lâu dài.

Phi khoáng chất: Rác thải được phân loại phi khoáng chất nếu có khả năng phản ứng hóa học hoặc sinh học. Rác này hòa tan được, phân hủy được. Khi vứt bỏ rác thải này cần có công nghệ xử lý, chôn lấp đặc biệt và/hoặc các công nghệ xử lý chôn lấp lâu dài. Rác thải phi khoáng chất có thể trở thành khoáng chất thông qua công nghệ xử lý rác thải.

Công nghệ nào được áp dụng cho việc xử lý rác

Công nghệ xử lý rác thải được chia thành các loại sau:

Tái sử dụng, tái sản xuất, tái chế

Tái sử dụng là tận dụng thành phần, bộ phận hoặc sản phẩm nào đó sau khi nó đã được loại khỏi vòng đời phục vụ của nó. Tái sử dụng không bao gồm quá trình sản xuất, tuy nhiên, có thể bao gồm việc làm sạch, sửa chữa, tân trang khi chuyển đổi sử dụng.

Tái chế là khôi phục và tái sử dụng vật liệu từ phế liệu hoặc rác, phục vụ cho quá trình sản xuất sản phẩm mới.

Tái sản xuất là tận dụng thành phần, bộ phận hoặc sản phẩm nào đó sau khi nó đã được loại khỏi vào đời phục vụ của nó, chuyển sang một quá trình sản xuất mới đi xa hơn việc làm sạch, sửa chữa, tân trang khi chuyển đổi sử dụng.

Tái chế là khôi phục và tái sử dụng vật liệu từ phế liệu hoặc rác, phục vụ cho quá trình sản xuất sản phẩm mới. Thu hồi năng lượng (được coi là tái chế nhiệt) không được coi là tái chế, mà là thiêu đốt rác. Các quá trình xử lý ban đầu tạo điều kiện để tái chế rác thải được coi là một phần của quy trình tái chế.

Các công ty sẽ phân biệt rõ ràng và kỹ càng hơn giữa tái sử dụng mở hoặc khép kín, tái sản xuất và tái chế tùy theo mục đích, hiệu quả kinh tế.

Tái sử dụng mở

Vật liệu được tái chế, tái sử dụng hoặc tái sản xuất không quay trở lại sử dụng trong đơn vị đó mà quay lại thị trường.

Tái sử dụng đóng

Vật liệu được tái chế, tái sử dụng hoặc tái sản xuất quay trở lại sử dụng trong đơn vị đó. Tái chế ngay trong quá trình là dạng tái sử dụng đóng ngắn nhất.

Đốt rác

Đốt rác sẽ khoáng hóa rác thải, giảm thể tích rác thải rắn. Đốt rác thải tạo nên những dòng rác thải khác như khí thải, bụi, xỉ, nhiệt… cần phải xử lý riêng biệt.

Các loại hình đốt rác thải:

Thiêu đốt rác ở nhiệt độ thấp;

Thiêu đốt rác ở nhiệt độ cao;

Thiêu đốt trong lò xi măng;

Chôn lấp vệ sinh

Chôn lấp vệ sinh cung cấp nơi xả rác. Khu chôn lấp vệ sinh là một khu đất có kiểm soát, trên đó rác thải được đổ theo cách thức phù hợp với tiêu chuẩn, luật lệ, chỉ thị của một cơ quan điều hành.

Rác thải được đổ xuống các rãnh, hoặc ngay trên mặt đất nén lại bằng các máy móc cơ khí và sau đó được chôn lấp bằng đấy và lớp phủ trên cùng.

Phương pháp ủ và các cách xử lý sinh học khác sinh ra một lượng rất nhỏ GHG. Cần lưu ý rằng, chất thải từ quá trình chôn lấp rác thải sẽ tiếp diễn trong nhiều thập kỷ sau khi rác thải được chôn lấp nên rất khó đánh giá xu hướng phát thải.

VNCPC

Vì sao doanh nghiệp không thể bỏ qua khâu quản lý hóa chất?

Hầu hết các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh đều cần sử dụng hóa chất. Do đó, quản lý hóa chất là khâu mà các doanh nghiệp không thể bỏ qua.

Sử dụng hóa chất và những nguy cơ hiện hữu

Các hóa chất có thể gây ra những tác động vật lý như cháy nổ, gây chấn thương cho con người và thiệt hại về cơ sở vật chất. Các tác động vật lý đến cơ sở vật chất có thể kể đến như là: ăn mòn, làm máy móc xuống cấp, ô nhiễm chất thải, chất độc dư lại có thể hạn chế công dụng của thiết bị, dụng cụ, cơ sở vật chất…

Đó là chưa kể đến các vấn đề về môi trường nảy sinh do kết quả của hóa chất tồn kho bị tràn, rò rỉ, rác thải hóa chất. Ngoài tác động đến sức khỏe, tác động vật lý lên môi trường sống do các biến cố liên quan tới hóa chất, các công ty còn phải chi phí để giảm nhẹ các tổn thất.

Ngoài ra, việc sử dụng hóa chất còn có thể gây ra những hiểm họa đối với sự an toàn của công nhân, môi trường và các thất thoát tài nguyên khác khiến việc phải quản lý hóa chất càng trở thành hoạt động vô cùng cấp thiết trong mỗi doanh nghiệp.

Các hóa chất có thể gây ra những tác động vật lý như cháy nổ, gây chấn thương cho con người và thiệt hại về cơ sở vật chất.

Thêm vào đó, sử dụng hóa chất còn có nguy cơ gây hại cho mọi người, đặc biệt là công nhân thường phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại do tính chất công việc.

Sử dụng hiệu quả hóa chất mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?

Khi công ty xác định rõ việc quản lý hóa chất là một phần rất quan trọng trong hoạt đông kinh doanh của mình sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải chủ động trong việc lên kế hoạch cho an toàn hóa chất và đặt ra những mục tiêu thay vì bị động giải quyết hậu quả khi vấn đề phát sinh.

Trong những năm gần đây, chi phí xử lý và thải bỏ các loại rác thải nguy hại đã tăng lên, cùng với sự gia tăng của các công văn về quản lý vật liệu độc hại.

Với sự gia tăng vùn vụt trong chi phí và mức độ tin cậy của việc tiếp xúc với nguyên vật liệu gây hại, cần phải đầu tư vào các chất thay thế và các quá trình làm giảm sự phụ thuốc vào các chất độc trong công nghiệp.

Việc giảm sử dụng chất độc giúp cho nhà sản xuất tăng hiệu suất làm việc, cải tiến chất lượng. Nó giúp doanh nghiệp chi hiệu quả vào vật liệu, giảm thời gian sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí vận chuyển, xử lý và thải bỏ, giảm các loại phí điều tiết và những mối lo khác, tăng an toàn lao động, giảm tỷ lệ bảo hiểm bồi thường cho công nhân.

Theo thống kê, trong số 5 đến 7 triệu chất độc được biết tới và rất nhiều hóa chất mới được tìm và sử dụng mỗi năm, các công ty sử dụng hơn 80 ngàn chất trong sản xuất.

Theo thống kê, trong số 5 đến 7 triệu chất độc được biết tới và rất nhiều hóa chất mới được tìm và sử dụng mỗi năm, các công ty sử dụng hơn 80 ngàn chất trong sản xuất. Ngày nay, hầu như mọi công ty đều sử dụng một số loại hóa chất. Vì vậy, những công ty biết cách quản lý hóa chất hiệu quả sẽ giành được lợi thế.

Tác dụng của việc sử dụng hiệu quả hóa chất

Giảm chi phí và tác động lên môi trường: Hóa chất chiếm một phần chi phí sản xuất trong công ty. Bất cứ biện pháp nào có thể giảm hao phí, rác thải, chất độc và chi phí xử lý những chất này đều tiết kiệm cho công ty và giảm các tác động xấu lên môi trường.

Lợi thế cạnh tranh: Trong khi hóa chất thường được sử dụng để đạt được một số đặc tính và phẩm chất trong sản phẩm, người tiêu dùng thường không thích các chất độc hại trong sản phẩm. Do đó, các công ty thường phải cố gắng tránh hoặc hạn chế sử dụng các chất bị cấm hoặc hạn chế đến mức có thể để không bị tẩy chay khỏi thị trường.

Trên thực tế, khách hàng và người tiêu dùng cũng đánh giá cao những công ty tự nguyện không sử dụng các loại hóa chất bất hợp pháp, có tác động xấu đến sức khỏe và gây hại cho môi trường.

Nâng cao an toàn và sức khỏe công nhân: Bản thân các hóa chất hoặc khi chúng kết hợp với các chất khác có thể gây chấn thương, bệnh tật hoặc tử vong cho người xử lý chúng. Sử dụng sau các chất hóa học có thể dẫn đến cháy nổ. Các tai nạn liên quan đến hóa chất thường gây tổn thương lớn cho công ty trên các mặt như thất thoát nguyên liêu, hư hỏng thiết bị nhà xưởng, tổn thất về ngươi. Giảm nguy cơ về sức khỏe cho người lao động cũng sẽ góp phần nâng cao động lực làm việc, năng suất và giảm nghỉ việc do đau ốm hoặc chấn thương của người lao động.

VNCPC