Việt Nam – Đan Mạch hợp tác phát triển carbon thấp trong ngành năng lượng

Từ ngày 19/10/2018 đến ngày 20/10/2018, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Vương quốc Đan Mạch theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác vì Tăng trưởng Xanh và các Mục tiêu Toàn cầu 2030 (P4G) tại Copenhagen.

Sau 5 năm triển khai quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Đan Mạch, kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng, đạt trên 664 triệu USD, hiện có có trên 130 doanh nghiệp Đan Mạch đang hoạt động tại Việt Nam.

Sau lễ đón chính thức vào chiều ngày 20/10/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lars Løkke Rasmussen cùng đoàn đại biểu hai nước đã có buổi hội đàm trao đổi về những vẫn đề Việt Nam và Đan Mạch quan tâm trong lĩnh vực môi trường, tăng trưởng xanh, năng lượng… cũng như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Sau buổi hội đàm, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lars Løkke Rasmussen, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Lars Christian Lileholt đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực phát triển carbon thấp trong ngành năng lượng.

Bản ghi nhớ lần này sẽ thúc đẩy hợp tác dài hạn trong lĩnh vực phát triển carbon thấp trong ngành năng lượng, phát triển chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang một hệ thống năng lượng bền vững hiệu quả về chi phí, xây dựng khung pháp lý nhằm hỗ trợ các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và sự phát triển của năng lượng tái tạo bao gồm: cơ chế đấu thầu phát triển dự án năng lượng tái tạo, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực nguồn điện và tiết kiệm năng lượng.

Các hình thức hợp tác sẽ được thực hiện thông qua việc chia sẻ kiến thức, chuyên môn và các bài học kinh nghiệm của Đan Mạch trong bốn thập kỷ thực hiện chuyển hóa carbon thấp; chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng các quy định chính sách về quy hoạch, triển khai và chuyển giao công nghệ trong ngành năng lượng. Ngoài ra, Vương quốc Đan Mạch cũng sẽ hỗ trợ các dự án về năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, phát triển lưới điện và các dự án khả thi khác liên quan đến ngành năng lượng thông qua Chương trình Tài chính Doanh nghiệp của Danida, các quỹ Đầu tư Đan Mạch cho các quốc gia đang phát triển và/hoặc Quỹ Tín dụng xuất khẩu Đan Mạch.

Cùng ngày, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham dự Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam – Đan Mạch với sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu Đan Mạch. Tại Tọa đàm, Bộ trưởng đã giải đáp nhiều câu hỏi doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt đối với lĩnh vực năng lượng, trong đó có chủ trương phát triển năng lượng sạch và đảm bảo phát triển xanh của Việt Nam, về quy hoạch điện gió toàn quốc và các cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Theo tietkiemnangluong.com.vn

IEA cảnh báo khí thải CO2 tiếp tục tăng

Lượng khí CO2 thải ra từ hoạt động khai thác năng lượng của con người sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018, sau khi lên mức kỷ lục vào năm 2017. Thông tin này được cho là sẽ phủ bóng đen lên triển vọng đạt mục tiêu đề ra trong Hiệp định Pari về biến đổi khí hậu.

Phát biểu với các quan khách tại một hội nghị ngoại giao do Đại sứ quán Ba Lan ở Pari (Pháp) tổ chức ngày 17/10, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) Fatih Birol cho biết, khí thải CO2 trong năm 2018 sẽ tiếp tục tăng. Sau 3 năm duy trì ở một mức, lượng khí thải CO2 toàn cầu trong năm 2017 đã tăng 1,4%, phá tan các hy vọng rằng đây đã là mức đỉnh. Lĩnh vực năng lượng “đóng góp” 80% lượng khí thải CO2 toàn cầu.


Người dân đeo khẩu trang để tránh ô nhiễm không khí tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc (Nguồn: CNN)

Hiệp định Pari về biến đổi khí hậu được thông qua tại Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP 21), vào tháng 12/2015, có hiệu lực từ tháng 11/2016, đặt mục tiêu giới hạn mức tăng trung bình nhiệt độ Trái Đất từ nay đến năm 2100 ở phạm vi từ 1,5 – 20C. Theo ông Birol, “cơ hội đạt các mục tiêu tham vọng này đang ngày càng ít đi.”

Theo kế hoạch, COP 24 sẽ diễn ra ở TP. Katowice của Ba Lan vào tháng 12/2018. Mục đích là thống nhất “hướng dẫn hoạt động” về thực thi Hiệp định Pari.

Để kiềm nhiệt độ tăng ở mức 1,50C, lượng khí thải CO2 do con người gây ra trên toàn cầu sẽ cần phải giảm khoảng 45% vào năm 2030 từ mức của năm 2010 và đạt mức “0” vào giữa thế kỷ. Trong khi đó, năng lượng tái tạo sẽ cần chiếm tới 70 – 85% sản lượng điện vào năm 2050 so với 25% hiện nay. Phần điện sản xuất từ khí đốt sẽ cần phải cắt giảm xuống 8% và điện từ than đá xuống từ 0 – 2%.

Theo vietnamplus.vn

Nhựa phân hủy sinh học có thân thiện như bạn nghĩ?

Cụm từ “có thể phân hủy sinh học” không cho ta biết bất cứ thông tin gì về quá trình tự phân hủy của sản phẩm. Nó sẽ phân hủy thành gì? Độc hại hay không? Quá trình phân hủy thực chất kéo dài bao lâu? Nếu không xem xét trong hoàn cảnh cụ thể thì cụm từ này rất dễ gây nhầm lẫn và định hướng sai.

Các nhà sản xuất tất nhiên muốn in dòng chữ này trên sản phẩm để người tiêu dùng tin vào sự thân thiện của chúng đối với môi trường và từ đó đưa ra quyết định lựa chọn. Các công ty cũng có thể đưa ra bằng chứng thuyết phục về khả năng phân hủy của sản phẩm, tuy nhiên, không phải công ty nào cũng làm được điều này. Và đối với người tiêu dùng thì thật khó mà phân biệt đâu là những giải thích xác đáng.

Phân hủy sinh học là một quá trình hóa học, trong đó vật chất được vi sinh vật chuyển hóa thành nước, carbon dioxide, và sinh khối. Tùy thuộc vào từng vật liệu khác nhau mà dư lượng độc hại có thể vẫn tồn tại sau quá trình này.

Quá trình phân hủy sinh học bị tác động bởi nhiều yếu tố bao gồm nhiệt độ, độ ẩm, nồng độ oxy, sự hiện diện của các loại vi khuẩn và thời gian. Tuy nhiên, vì không có định nghĩa cụ thể khả năng phân hủy sinh học là gì nên nhiều chương trình cấp chứng chỉ đã được phát triển dựa trên các tiêu chuẩn khoa học và thí nghiệm.

Hiện có rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau dành cho nhựa phân hủy sinh học, song chưa có tiêu chuẩn nào rõ ràng với tiêu chí đạt hay không đạt về khả năng phân hủy nhựa trong nước biển. Riêng với nhóm sản phẩm có thể phân hủy sinh học bằng cách ủ phân tại nhà, hiện có một số tiêu chuẩn để xem xét như: Tiêu chuẩn AS 5810 của Australia; các chương trình chứng nhận do Cơ quan cấp chứng chỉ Vinvotte của Bỉ phát triển gồm OK Compost Home, DIN – OK Compost Home, DIN-Geprüft Home Compostable Mark và Australasian Bioplastics Association (ABA) Home Compostable. Các chứng chỉ này đòi hỏi ít nhất 90% sản phẩm bị phân hủy trong vòng 12 tháng ở nhiệt độ thường.

Đối với các sản phẩm phân hủy trong môi trường công nghiệp hoặc qua phân hủy yếm khí, có thể kể tới một số tiêu chuẩn như: các tiêu chuẩn châu Âu EN/13432/14995, trong đó 13432 chỉ áp dụng cho bao bì, 14995 áp dụng cho nhựa nói chung; Tiêu chuẩn ASTM D6400 của Hoa Kỳ; Nhật Bản không có tiêu chuẩn nào được chấp nhận và thường áp dụng theo chương tình GreenPla (yêu cầu mức tối thiểu các chất hữu cơ trong sản phẩm chuyển hóa thành CO2 là 60%). Các logo chứng minh khả năng phân hủy trong các cơ sở công nghiệp bao gồm: ABA Compostable Seedling, Vinçotte OK Compost, the DIN-Geprüft Industrial Compostable Mark, và Biodegradable Products Institute (BPI) Compostable.

Đáng chú ý là các sản phẩm được chứng nhận phân hủy sinh học không có nghĩa chúng có thể phân hủy 100% và không chứa kim loại nặng hoặc các chất độc hại. Mỗi tiêu chuẩn chứng nhận cho phép mức độ kim loại nặng như: đồng, nickel, cadium, trì, thủy ngân hay crôm, asen khác nhau, trong đó tiêu chuẩn ASTM D6400 của Hoa Kỳ có mức độ cho phép cao nhất.

Dưới góc độ luật pháp, hiện chưa có một quy định bắt buộc nào về khả năng phân hủy sinh học của sản phẩm, tuy nhiên, vẫn có các hướng dẫn sử dụng cụm từ “có thể phân hủy sinh học” (và một số logo môi trường khác) để tránh trường hợp chúng bị định hướng sai.

Ở Australia, Đạo luật Thương mại năm 1974 yêu cầu các doanh nghiệp phải cung cấp cho khách hàng thông tin chính xác về hàng hóa và dịch vụ. Các doanh nghiệp sẽ phải đưa ra bằng chứng xác đáng cho những khẳng định về khả năng phân hủy của sản phẩm. Các khẳng định này phải đảm bảo trung thực; thông tin chi tiết về thành phần hoặc quy trình liên quan; sử dụng ngôn ngữ toàn dân; giải thích tầm quan trọng hoặc lợi ích nhưng không được nói quá; và có khả năng chứng minh.

Ở Australia, Ủy bạn Cạnh tranh và Người tiêu dùng (Australian Competition and Consumer Commission – ACCC) từng chỉ điểm một số công ty đưa ra các khẳng định dễ gây nhầm lẫn về khả năng phân hủy sinh học, bao gồm chuỗi siêu thị Woolworths.

Để nhận diện các sản phẩm phân hủy sinh học, trước tiên, cần tìm hiểu các sản phẩm có dán nhãn “có thể phân hủy trong thùng phân ủ gia đình”, và nên nhớ ngay cả những sản phẩm có thể phân hủy công nghiệp thì vẫn có thể bị chôn lấp và nhựa phân hủy sinh học không phân hủy trong môi trường nước biển. Các sinh vật biển như rùa vẫn có thể nhìn nhầm nhựa thành sứa dù chúng được dán nhãn phân hủy sinh học hay không và cuối cùng, phân hủy sinh học không đồng nghĩa với việc có thể tiêu hóa.

Đặc biệt, nếu những bao bì có thể phân hủy sinh học bị vứt bừa bãi, chúng cũng gây nguy hại không kém bao bì thông thường. Và mặc dù sản phẩm nhựa được chứng nhận có thể phân hủy sinh học vẫn tốt hơn những sản phẩm không phân hủy, nhưng chúng cũng không phải là giải pháp tối ưu. Từ chối, tái sử dụng các sản phẩm nhựa khi có thể mới là quyết định sáng suốt.

The Treadingmyownpath.com/BVR&MT (20/10/2018)

Ngói năng lượng mặt trời

Công ty Tesla – hãng chuyên sản xuất xe điện của Mỹ đã lấn sang lĩnh vực vật liệu xây dựng (VLXD) và công bố phát minh ngói năng lượng mặt trời (ngói Tesla), mở ra hy vọng về một kiến trúc sạch hơn, hoàn hảo hơn…

Công ty Tesla – hãng chuyên sản xuất xe điện của Mỹ đã lấn sang lĩnh vực vật liệu xây dựng (VLXD) và công bố phát minh ngói năng lượng mặt trời (ngói Tesla), mở ra hy vọng về một kiến trúc sạch hơn, hoàn hảo hơn…

Cuối năm 2017, Tesla đã trở thành doanh nghiệp tiên phong, công bố phát minh ngói năng lượng mặt trời và dự kiến năm 2018 sẽ lắp cho hàng trăm ngôi nhà tại New York. Ngói năng lượng mặt trời của Tesla có kích thước nhỏ gọn (20x40cm) gồm 3 lớp chính: Tấm phim màu, tế bào quang điện Solar cell hiệu suất cao và tấm kính thạch anh chịu nhiệt.

Hiện nay ngói Tesla chỉ thu được khoảng 98% năng lượng mặt trời so với pin năng lượng mặt trời truyền thống.

Theo ông Elon Musk, người sáng lập, CEO của Tesla, thông thường pin mặt trời được gắn vào phần mái xây sẵn, sẽ tạo ra áp lực nặng nề cho hệ thống móng và dầm. Nhưng với ngói Tesla thì không, vì nó đã tích hợp ngói – pin, rồi sau đó “bọc” hai phần này trong một lớp kính thạch anh nhằm đảm bảo cho ngói có độ bền cao gấp 3 lần ban đầu và tuổi thọ trên 50 năm, dù khả năng sản xuất điện sẽ giảm theo thời gian (được bảo hành 30 năm ở tính năng này). Khi thử nghiệm với mưa đá lớn, ngói Tesla bền hơn hẳn so với mái ngói truyền thống.

Tuy nhiên, hiện nay ngói Tesla chỉ thu được khoảng 98% năng lượng mặt trời so với pin năng lượng mặt trời truyền thống. Theo Tesla, họ đang làm việc với đối tác để tìm giải pháp cải thiện lớp phủ bề mặt ngói, đưa hiệu suất thu năng lượng lên 100%.

Hiện Tesla có 4 loại ngói cho khách hàng lựa chọn là ngói sợi thủy tinh, ngói kính đen, ngói kính Tuscan và ngói kính trơn. Mỗi loại có màu sắc, bề ngoài khác nhau, nhưng chất liệu và hiệu quả tạo ra điện năng thì không chênh lệch. Chúng đều làm bằng vật liệu trong suốt, tạo cho năng lượng mặt trời xuyên qua và chuyển hóa thành điện. Tuy nhiên, ánh sáng chiếu vào ngói Tesla sẽ được phản hồi lại, không cho ánh sáng chiếu vào trong nhà.

Về chi phí đầu tư, đại diện Tesla cho biết, ngói năng lượng mặt trời 469 USD/m2 (tương đương 10,3 triệu đồng/m2) rẻ hơn mái ngói truyền thống 15%. Tuy nhiên, ắc quy dự trữ năng lượng vào ban đêm đi kèm mái ngói Tesla là PowerWall 2 do Tesla phối hợp với Panasonic sản xuất lại có giá khá đắt đỏ là 12.545 USD (tương đương 276 triệu đồng).

Nhà phân tích Hugh Bromley từ Bloomberg (Tạp chí tài chính nổi tiếng nước Mỹ) đưa ra nhận định: “Mức giá Tesla đề xuất khá hấp dẫn, nhưng vẫn còn cao so với năng lực tài chính chung của người dân Mỹ”. Cụ thể, nếu muốn thay thế mái nhà 100 m2 với 40% diện tích là các tấm ngói năng lượng mặt trời và mua ắc quy lưu trữ điện dùng vào ban đêm PowerWall 2, người dùng phải trả tới 38.636 USD (tương đương 850 triệu đồng). Tuy nhiên theo tính toán của Công ty Tesla, nếu sử dụng hệ thống này trong thời gian 30 năm, khách hàng sẽ có thể tiết kiệm được 64.000 USD (1,45 tỷ đồng) tiền điện.

Tesla đang hướng tới mục tiêu tiếp tục giảm giá sản phẩm để ngành công nghiệp năng lượng mặt trời bình dân có cơ hội hiện diện trên toàn cầu.

Theo ximang/moitruong.com.vn (11/10/2108)

Tối ưu hóa công nghệ sản xuất để bảo vệ môi trường

Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát đã chính thức đưa ra thị trường những lô xỉ hạt lò cao nghiền mịn S95 đầu tiên. Toàn bộ sản phẩm xỉ hạt lò cao nghiền mịn S95 của đơn vị này đã được các doanh nghiệp sản xuất xi măng, bê tông trong và ngoài nước, các nhà thầu xây dựng, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội bê tông cọc Việt Nam đăng ký mua hoặc làm nhà phân phối.

Xỉ hạt lò cao nghiền mịn là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất gang thép theo công nghệ lò cao khép kín. Nhờ được làm lạnh cực nhanh bằng nước áp lực cao, xỉ hạt lò cao là một loại phụ gia khoáng hoạt tính rất tốt cho xi măng, bê tông và đã được sử dụng từ rất lâu trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Sau khi được đưa vào dây chuyền nghiền, xỉ hạt được nghiền mịn đến tỷ diện lớn hơn 5.000 cm2/g, đạt tiêu chuẩn loại S95 theo TCVN 11586:2016, mịn hơn xi măng.

Xỉ hạt lò cao nghiền mịn S95 của Tập đoàn Hòa Phát.

Được biết, đầu năm 2018, Tập đoàn Hòa Phát đã cải tạo hệ thống tạo xỉ hạt bằng nước lạnh áp lực cao, đồng thời đầu tư thêm một dây chuyền nghiền xỉ hạt lò cao tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hải Dương. Đây là dây chuyền công nghệ nghiền đứng, đồng bộ vào loại hiện đại nhất hiện nay, công suất 115 tấn/h, tương đương 750.000 tấn/năm. Khi Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất hoàn thành và hoạt động hết công suất vào năm 2020, dự kiến tổng lượng xỉ hạt lò cao phát sinh là 2,6 triệu tấn/năm.

Dây chuyền nghiền xỉ hạt lò cao tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hải Dương.

Xỉ hạt lò cao nghiền mịn S95 Hòa Phát có nhiều ưu điểm nổi bật, ứng dụng làm phụ gia khoáng hoạt tính cao cho sản xuất xi măng, bê tông, vữa hoặc làm chất kết dính gia cố nền đất yếu. Với S95, Việt Nam có thể sản xuất đại trà xi măng, bê tông bền trong môi trường nước biển, nước mặn và nước lợ, ngăn chặn sự xâm thực của clo và sunfat, đáp ứng nhu cầu tăng tuổi thọ cho các công trình trên biển, trên đảo và ven biển. Pha thêm 30-50%, S95 thay thế cho xi măng sẽ chế tạo được bê tông tỏa nhiệt thấp và bê tông mác cao sử dụng cho các công trình bê tông khối lớn, bê tông có độ chịu uốn nén và chống thấm cao. Đặc biệt, sản phẩm này sẽ giúp hạ giá thành bê tông thương phẩm trộn sẵn khi thay thế 30-50% S95 cho xi măng PC50, PCB40, do giá bán S95 Hòa Phát thấp hơn giá xi măng.

Với sản phẩm xỉ hạt lò cao nghiền mịn S95, Hòa Phát đã trở thành doanh nghiệp sản xuất thép đầu tiên của Việt Nam biến chất thải rắn thành sản phẩm vật liệu xây dựng có giá trị kinh tế cao. Qua đó cũng cho thấy quyết tâm của doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa công nghệ, bảo vệ môi trường, đem lại giá trị gia tăng đáng kể cho chuỗi sản xuất thép của Tập đoàn.

Theo scp.gov.vn (15/10/2018)

Chung tay giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon

Sáng ngày 12/10, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lễ phát động Phong trào chống rác thải nhựa với sự phối hợp của các đối tác quốc tế nhằm hưởng ứng chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn năm 2018.

Tham dự lễ phát động có ông Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cùng đại diện nhiều bộ, ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất thương mại có sử dụng vật liệu nhựa, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ hàng hóa; đại diện các tổ chức quốc tế, đại sứ quán; cùng các cơ quan thông tấn báo chí trung ương.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại lễ phát động.

Các sản phẩm từ nhựa, nilon ra đời mang lại không ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người chúng ta. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng, trong đó khoảng 60% lượng sản phẩm đó được chôn lấp hoặc thải thẳng ra môi trường.

Những đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nilon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên Trái Đất.

“Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa, nilon đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần” – Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trườngTrần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội trao cam kết chống rác thải nhựa.

Vì vậy, để tiếp nối các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2018, góp phần giải quyết ô nhiễm nhựa, nilon trên phạm vi toàn cầu cũng như tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” nhằm kêu gọi những hành động thiết thực, thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bao gồm cả túi nilon khó phân hủy, ngay hôm nay và ngay bây giờ.

Tại lễ phát động, ông Kamal Malhotra, Đại diện thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Ô nhiễm nhựa ở châu Á là một vấn đề lớn. Trên thực tế, 60% lượng rác thải nhựa thải ra biển có nguồn gốc từ 6 nước ở châu Á, trong đó có Việt Nam.

Cũng tại Lễ phát động, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung ương Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và các doanh nghiệp tham dự đã trao các cam kết tham gia “Phong trào chống rác thải nhựa”.

Theo scp.gov.vn (12/10/2018)