Calculator 2050 – sẽ có phiên bản Việt Nam

Dự kiến đến tháng 12/2014, phiên bản Calculator 2050 của Việt Nam sẽ hoàn thành và được công bố vào đầu năm 2015 tới.

Đây là thông tin được ông Hoàng Văn Tâm, Cục kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp, Bộ Công Thương đưa ra tại hội thảo tham vấn các bên về thông tin và dữ liệu đầu vào cho Calculator 2050 của Việt Nam, sáng nay (30/10), tại Hà Nội.

Calculator 2050 là một mô hình mở về năng lượng và phát thải khí nhà kính được sử dụng để giả định các kịch bản có thể xảy ra trong tương lai cũng như hỗ trợ xác định các nỗ lực nhằm giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng không khí. Công cụ này được Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu Vương quốc Anh xây dựng và đã được nhiều quốc gia phát triển riêng một phiên bản cho mình dựa trên phiên bản gốc. Calculator 2050 cho phép chỉ với kết nối internet, bất cứ ai cũng có thể tìm hiểu làm thế nào để Việt Nam vừa có thể theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xanh vừa hạn chế được phát thải và đảm bảo được nhu cầu năng lượng cho phát triển. Từ đó, mở ra kịch bản về tương lai phát triển ít phát thải và lợi ích mà nó đem đến, các chi phí và khả năng trao đổi, mua bán phát thải. Công cụ này cũng cho phép người sử dụng kiểm chứng về khả năng thực hiện các mục tiêu lâu dài, khuyến khích sự tham gia của các luồng ý kiến khác nhau, các cơ sở thực tiễn và phân tích khoa học. Bộ Công Thương Việt Nam đang tiến hành xây dựng một phiên bản riêng cho Việt Nam.

311010_calculatorViệt Nam đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020, giảm 8-10% cường độ phát thải khí nhà kính so với năm 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP là 1-1,5% mỗi năm. Chiến lược tăng trưởng xanh cũng đặt mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính trong hoạt động năng lượng từ 10-20% so với phương án phát triển bình thường.

Để đạt được mục tiêu này, nhiều chuyên gia nhận định, áp dụng Calculator 2050 là một trong những biện pháp hiệu quả. Ông Andrew Holt – Giám đốc Quỹ thịnh vượng chung Vương quốc Anh cho biết: Thế giới đang ngày càng chứng kiến nhiều thảm họa từ thiên nhiên, đồng thời cũng phải dành nguồn tài chính khổng lồ để giải quyết các hậu quả từ những thảm họa đó. Việc sử dụng một công cụ hữu ích như Calculator 2050 là một cách làm hiệu quả để con người có thể lường trước và tránh những gì do thiên tai đem đến. Chính phủ Anh cam kết sẽ nỗ lực để giúp Việt Nam hiện thực hóa và cụ thể hóa công cụ này.

Ông Phạm Quốc Khánh, chuyên gia trong nước xây dựng phiên bản Calculator 2050 của Việt Nam cho biết: Việt Nam xây dựng công cụ này dựa trên những tuân thủ fomat của Vương quốc Anh. Sử dụng một mô hình này có thể đưa ra nhiều câu trả lời như: Có thể cung cấp bao nhiêu năng lượng từ các công nghệ khác nhau? Chi phí cho từng sự lựa chọn hay kịch bản là bao nhiêu? Ngành nào là ngành đang cần được chú ý nhiều hơn và ngành nào không cần chú ý nhiều lắm từ góc độ năng lượng và phát thải? có thể đạt được mức giảm phát thải là bao nhiêu?…

Mặc dù thời hạn dự kiến hoàn thành công cụ này không còn nhiều, song nhóm chuyên gia xây dựng phiên bản Calculator 2050 cho Việt Nam vẫn mong muốn nhận được sự góp ý của các chuyên gia trong và ngoài nước để các dữ liệu này thể hiện được một bức tranh mang tính thực tế, với tất cả các khả năng khác nhau có thể xảy ra trong 36 năm tới.

Nếu Calculator 2050 cho Việt Nam hoàn thành đúng mục tiêu đề ra thì đây tiếp tục là giải pháp quan trọng nhằm kiểm soát phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu mà Việt Nam nói chung và Bộ Công Thương nói riêng đang nỗ lực ứng phó.

Hiện, Bộ Công Thương đang triển khai một loạt các chương trình nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu như: Chương trình mục tiêu quốc gia về “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”; Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2055”; Dự án “Nâng cao năng lực cho các ngành công nghiệp và thương mại Việt Nam nhằm kiểm soát phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu”…

Theo Thanh Tâm/Báo Công Thương

Những giải pháp tiết kiệm năng lượng từ sản xuất công nghiệp

Những giải pháp khoa học công nghệ để giảm thiểu lượng chất thải, tiết kiệm điện và năng lượng trong ngành sản xuất công nghiệp ngày càng trở lên cấp thiết. Dưới đây là một số giải pháp tiết kiệm trong ngành sản xuất công nghiệp đang được khuyến khích sử dụng.
Story (1)
Doanh nghiệp ngành bia đang áp dụng những giải pháp thực hiện tiết kiệm năng lượng góp phần giảm chi phí sản xuất

Các chuyên gia về quản lý năng lượng cho biết, việc đốt các nhiên liệu hóa thạch trong các lò hơi và lò đốt là một trong các tác nhân chính gây biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng cho các loại lò này là giải pháp công nghệ đầu tiên góp phần giảm thiểu sự phát thải các chất này.

Đối với ngành sản xuất sạch: Giải pháp tiếp cận nhằm tác động ngay các khâu của dây chuyền sản xuất để chủ động ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải tại nguồn phát sinh, qua đó giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời giảm định mức tiêu hao nguyên liệu năng lượng cho một đơn vị sản phẩm và giảm chi phí cho xử lý chất thải.

Đối với ngành sản xuất xi măng: Cần che chắn, bịt kín các điểm phát sinh bụi, tăng công suất quạt hút, cải tạo hệ thống thiết bị tách bụi, điều chỉnh đủ lượng không khí cấp vào lò, bố trí cửa cấp gió thông lò, xây dựng kho có bao che để chứa nguyên nhiên liệu, tận dụng tiềm năng nhiệt khói lò để sấy sơ bộ nguyên liệu, sử dụng phế thải của ngành luyện kim ít độc hại…

Trong ngành sản xuất gạch nung: Cần phun nước giữ độ ẩm đất trong quá trình ngâm ủ tại cửa nạp điện máy cán nhào, lắp hệ thống hút xử lý bụi tại khu phơi, cải tạo đường ống thu hồi nhiệt lò nung cấp cho lò sấy, lắp đặt hệ thống khử bụi, dùng quạt thổi ngược ở đầu lò ra gạch để thu hồi nhiệt, giảm nhiệt độ và bụi gạch ra lò…

Ngành đúc kim loại: Cần lựa chọn quặng và phế liệu chất lượng tốt, lắp đường ống thu hồi nhiệt lò nung cấp cho lò sấy phế liệu, lắp đặt hệ thống khử bụi và hơi khí độc, tối ưu hóa lò đốt, lắp đặt các thiệt bị kiểm soát tự động…

Ngành công nghiệp luyện thép hồ quang: Có thể áp dụng loại bỏ chất phi kim loại, băm chặt nhỏ nguyên liệu, vận hành lò điện chế độ siêu cao công suất, làm nguội tường lò và nắp lò bằng nước, nung sơ bộ thép phế làm giảm thời gian nấu luyện và giảm phát thải bụi, sử dụng hệ thống nước làm mát khép kín để tiết kiệm nước và giảm năng lượng cho bơm, tái sử dụng bụi lò điện, sử dụng công nghệ cháy sau kết hợp với xử lý khói…

Để kiểm soát chất lượng khí thải, cần sử dụng các thiết bị xử lý khí axit thông dụng như tháp sủi bọt, tháp phun, tháp đệm… Đối với các chất hữu cơ có thể được xử lý qua các thiết bị xử lý hơi khí độc theo phương pháp hấp thụ, tức là quá trình phân ly khí dựa trên ái lực của một số chất rắn đối với một số loại khí trong hỗn hợp khí nói chung và trong khí thải nói riêng.

Nguồn: monre.gov.vn

Người tiêu dùng đang bỏ lỡ công cụ tự bảo vệ mình

Dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực thi hành được hơn ba năm, nhưng nhiều người tiêu dùng (NTD) vẫn chưa nắm rõ hoặc chủ quan trong việc bảo vệ quyền lợi của mình, dẫn đến những thiệt thòi không đáng có.

images1074530_42

 Trái táo và cam nhập khẩu chị Thu Hà (quận Thanh Xuân) mua về nhưng không sử dụng được

Ngày 2/10, chị Thu Hà (quận Thanh Xuân, Hà Nội) phản ánh với đường dây nóng của Báo Giao thông việc chị mua 3kg táo Ambrosia có xuất xứ từ Luvya New Zealand và 2 kg cam Nam Phi tại một siêu thị lớn ở Hà Nội. Sau khi mua, chị bảo quản hoa quả vào tủ lạnh, hai ngày sau mang hoa quả ra bổ mới té ngửa những quả táo nhìn vẫn tươi và ngon nhưng bên trong đã bị dập và thối hết. Còn những trái cam to, vàng ươm thì khô như rơm, không có chút hương vị của cam.
Bức xúc vì đã mua hàng tại siêu thị uy tín mà chất lượng quá tệ, nhưng chị Hà, cũng như hầu hết các bà nội trợ khác, đã không lưu giữ lại hóa đơn mua hàng hay bao bì đựng sản phẩm; chị cũng không sử dụng thẻ khách hàng khi mua hàng, do đó, rất khó để có căn cứ truy trách nhiệm của siêu thị đã bán hàng kém chất lượng.
Ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi NTD (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương) thừa nhận, nhiều người tiêu dùng sau khi mua hàng hóa không có thói quen lưu trữ hóa đơn, không sử dụng thẻ khách hàng… Điều đó dẫn đến việc dù có phát hiện các sự cố về chất lượng, giá cả hàng hóa, khách hàng “ở thế yếu” khi muốn đấu tranh cho quyền lợi của mình.
“Muốn đảm bảo quyền lợi của mình, khách hàng cần lường trước những tình huống sự cố có thể xảy ra, giữ lại những gì liên quan đến sản phẩm đã mua để có căn cứ truy tìm trách nhiệm liên quan đến sự cố”, ông Quảng khuyến cáo.
Một số đường dây tiếp nhận khiếu nại của NTD
Tổng đài tư vấn, hỗ trợ NTD của Cục Quản lý cạnh tranh: 04.39387846, 04.22205022 ; website: http://bvntd.vca.gov.vn
Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam: 04.35745757,
email: [email protected]
Sở Công thương và Hội Bảo vệ quyền lợi NTD các địa phương

Không chỉ chủ quan vứt bỏ các chứng cứ bảo vệ mình, đa số NTD Việt còn rất e dè, ngại ngần trong việc khiếu nại, tố cáo khi quyền lợi của mình bị ảnh hưởng. Ông Cao Xuân Quảng dẫn chứng, từ năm 2012 – 2014, trung bình mỗi năm, Sở Công thương và UBND cấp huyện chỉ tiếp nhận khoảng 300 khiếu nại của NTD, trong khi số vụ việc xâm phạm quyền lợi NTD mà cơ quan chức năng địa phương phát hiện lên tới hơn 90 nghìn vụ việc/năm.

“NTD vẫn có ý nghĩ “được vạ thì má đã sưng”, ngại phiền hà, rắc rối trong quá trình khiếu kiện. Nhưng thực ra, số vụ việc khiếu nại của NTD được giải quyết thành công chiếm tỷ lệ khá cao. Như năm 2013, các địa phương tiếp nhận 305 vụ khiếu nại thì đã giải quyết thành công 283 vụ”, ông Quảng cho hay.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi NTD cũng thừa nhận thực tế, 80% vụ việc khiếu nại đến Hiệp hội đã được tư vấn giải quyết thành công, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, nhiều NTD bị thiệt hại thường bỏ qua hoặc không biết khiếu nại ở đâu. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền để NTD nhận biết được quyền lợi của mình, biết cách bảo vệ quyền lợi khi có sự cố xảy ra”, ông Hùng nói.
Theo Báo Giao Thông (giaothongvantai.com.vn)

Tích hợp tiêu chuẩn Quản lý năng lượng ISO 50001 với tiêu chuẩn ISO 14001

So với tiêu chuẩn mới ISO 50001, tiêu chuẩn ISO 14001 ra đời sớm hơn và có một số lượng đông đảo các doanh nghiệp áp dụng. Một câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp đã áp dụng hệ thống ISO 14001 thường đặt ra khi muốn triển khai xây dựng HTQL năng lượng theo ISO 50001 là khi áp dụng cùng lúc 2 tiêu chuẩn này, doanh nghiệp gặp phải thuận lợi và khó khăn gì?
Story
Ảnh minh họa
Theo TS.Mike Brogan, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực QLNL, đồng thời là chuyên gia hướng dẫn xây dựng HTQL năng lượng ISO 50001, thì tiêu chuẩn ISO 50001 và ISO 14001 sẽ bổ sung và hoàn thiện cho nhau. Đây chính là điểm thuận lợi giúp các DN có thể tích hợp 2 tiêu chuẩn này với nhau, tiến tới sử dụng môt HTQL tích hợp, giúp DN hoạt động hiệu quả hơn, bớt cồng kềnh mà không cần phải đầu tư thêm quá nhiều.Trong một trao đổi với bà Phạm Thị Nga, Điều phối viên Dự án “Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và tiêu chuẩn quản lý năng lượng” do Bộ Công Thương phối hợp với tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) thực hiện, nhằm hỗ trợ các DN xây dựng HTQL năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001, bà Nga cho biết: “Doanh nghiệp đã áp dụng HTQL chất lượng ISO 9001 hoặc HTQL môi trường ISO 14001 sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi áp dụng HTQL năng lượng ISO 50001 vì một loạt các yêu cầu của tiêu chuẩn này hoàn toàn tương thích với các HTQL chất lượng và HTQL môi trường”.

Cụ thể hơn, theo TS.Mike Brogan, cả 2 tiêu chuẩn này đều được xây dựng theo mô hình PDCA (Plan-Do -Check -Act) hay còn biết đến với 4 bước: Hoạch định- Thực hiện- Kiểm tra- Xem xét. Đây là một khuôn khổ chung để tích hợp hoạt động quản lý năng lượng và quản lý môi trường trong tổ chức.

Khi tích hợp 2 tiêu chuẩn này, các công cụ và kỹ thuật tương tự có thể được sử dụng cho các hoạt động chung xây dựng ISO 14001 và ISO 50001 như: quản lý tài liệu, lập kế hoạch kiểm toán, đánh giá mức độ khắc phục…

Bởi, các công cụ được sử dụng để quản lý tài liệu và kỹ thuật theo tiêu chuẩn ISO 14001 đáp ứng được các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 50001. Hệ thống kiểm toán và quản lý hoạt động khắc phục áp dụng cho tiêu chuẩn ISO 14001 có thể được sử dụng cho ISO 50001. Ngoài ra, nhiều quy trình trong ISO 14001 có thể dễ dàng thích ứng, giúp giảm lưu lượng thông tin và sự trùng lặp.

Điểm khác biệt đáng lưu ý nhất của ISO 50001 so với ISO 14001 là ISO 50001 tập trung vào các hoạt động kỹ thuật và các giải pháp phần mềm giúp quản lý các mục tiêu và các chỉ tiêu một cách năng động và hiệu quả hơn. Đồng thời, tự động báo cáo theo dõi cải thiện hiệu suất năng lượng.

Do đó, một hệ thống công nghệ thông tin mạnh mẽ sẽ giúp cho việc tích hợp 2 tiêu chuẩn này trở lên dễ dàng. Các ưu điểm mà hệ thống này mang lại như hỗ trợ quản lý các tài nguyên tốt hơn, cho phép làm việc theo nhóm tốt hơn, dễ dàng truy cập thông tin, lập kế hoạch hoạt động hiệu quả hơn, bảo trì tốt hơn. Nhờ vậy, DN có thể có nhiều thời gian để đầu tư cho các hoạt động tiết kiệm năng lượng mới, giúp các hoạt động năng lượng hiệu quả hơn.

Việc tích hợp 2 tiêu chuẩn này sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho DN thông qua việc cải thiện hiệu quả trong tổ chức. Tuy nhiên, DN cũng phải đối mặt với một số khó khăn khi tích hợp 2 tiêu chuẩn này.

Theo TS.Mike Brogan, những trở ngại lớn nhất khi tích hợp ISO 50001 và ISO 14001 là phải kết hợp những nhóm nhân viên làm việc cho những hệ thống khác nhau với những kỹ năng khác nhau thành một đội ngũ làm việc chung, am hiểu cả 2 hệ thống tiêu chuẩn. Bởi, công đoạn kiểm tra, đánh giá lúc này sẽ phứa tạp hơn khi tiến hành đồng thời về cả năng lượng và môi trường.

DN chỉ thực sự đạt được lợi ích khi 2 nhóm: Quản lý môi trường và quản lý năng lượng cùng phối hợp chặt chẽ với nhau, để tìm cách tiết kiệm năng lượng trong tất cả các hoạt động của tổ chức.

Một trong những quy tắc để đảm bảo tính phát triển bền vững cho các DN là luôn cần hài hòa giữa kinh tế, năng lượng và môi trường.Tại Việt Nam, nhiều DN có xu hướng áp dụng các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO như ISO 50001, ISO 14001, ISO 9001…Tích hợp các HTQL trong DN hiện đang là xu hướng trên thế giới. Tích hợp HTQL giúp các DN tăng khả năng cạnh tranh, tăng khả năng hội nhập và duy trì được vị trí của mình trong chuỗi giá trị.Những lợi ích cụ thể có thể kể đến như giảm sự chồng chéo, giảm chi phí, giảm thiểu rủi ro, loại bỏ sự xung đột giữa các mối quan hệ , tăng sự tập trung vào mục tiêu kinh doanh, thống nhất và chuẩn hóa hệ thống văn bản…
Nguồn: tietkiemnangluong.com.vn

Đường xe đạp năng lượng Mặt Trời đầu tiên trên thế giới tại Hà Lan

Tuyến đường xe đạp năng lượng Mặt Trời. (Nguồn: trendingcity)

Người Hà Lan luôn đi trước thế giới một bước khi nói tới việc sử dụng xe đạp. Cải tiến mới nhất của họ mang tên SolaRoad, con đường xe đạp đầu tiên trên thế giới, được làm từ các tấm năng lượng Mặt Trời.

Bắt đầu từ ngày 12/11 tới, người đi xe đạp ở thành phố Zaanstad phía bắc Hà Lan sẽ có thể sử dụng tuyến đường này.

Thay vì nhựa đường hay bêtông, con đường SolaRoad sử dụng các tấm pin Mặt Trời được thiết kế đặc biệt để có thể chống chọi với mưa, tuyết, nhiệt độ khắc nghiệt và dĩ nhiên là cả trọng lượng của người đi xe đạp và người đi bộ. Công việc xây dựng con đường dài 70 mét đã bắt đầu được tiến hành từ tháng 6.

Bằng cách khai thác ánh sáng Mặt Trời, những tấm pin Mặt Trời của SolaRoad được dự kiến sẽ sản xuất đủ năng lượng cho khoảng 3 hộ gia đình sử dụng.

Các kỹ sư thuộc dự án này hy vọng có thể mở rộng mô hình của SolaRoad trong tương lai, với việc thử nghiệm các tuyến đường dành cho những loại phương tiện khác ngoài xe đạp.

Mục tiêu hướng tới là nhằm cung cấp nhiều năng lượng hơn, chẳng hạn như cho nhiều hộ gia đình hơn hoặc thậm chí là năng lượng cho đèn giao thông./.

Theo Vietnam+

Nông dân Ấn Độ chống chọi với BĐKH nhờ công nghệ

Các thiết bị công nghệ mới đang giúp nông dân Ấn Độ giảm thiểu tổn thất trong trồng trọt do biến đổi khí hậu.

Năm vừa qua không phải là một năm tốt cho nông nghiệp Ấn Độ. Trong suốt mùa gieo trồng thì thời tiết hạn hán, còn giờ sắp đến mùa thu hoạch thì lại liên tiếp xảy ra mưa to.

Nhưng đối với một số nông dân như Lovepreet Singh ở bang Haryana, miền bắc Ấn Độ, thì không phải mọi thứ đều đã mất. Ông đã có được sự trợ giúp lớn từ những công nghệ mới, ví dụ như GreenSeeker – một công cụ cầm tay hoạt động như một cảm biến cây trồng.

Khi ông Singh chĩa công cụ vào một đám cây trồng, cảm biến sẽ phát ra những tia sáng đỏ và hồng ngoại. Thông qua việc đo đạc mỗi loại ánh sáng phản chiếu lại từ cây trồng, thiết bị này có thể tính toán và hiển thị tình trạng sức khỏe của cây trồng đó. Ông Singh sử dụng thiết bị này để đánh giá xem đất trên mỗi mảnh đất trồng cần bao nhiêu nitrogen.

Đây chỉ là một trong số những thiết bị ông sử dụng để hỗ trợ việc trồng trọt, thiếu chúng thì mùa màng sẽ thất bát thảm hại.

Ông Singh đang sử dụng công cụ cho một ruộng lúa (Ảnh: BBC)

Ông Singh đang sử dụng công cụ cho một ruộng lúa (Ảnh: BBC)

Ông cho biết, nhờ sử dụng công nghệ mà ông dự báo được thời tiết tốt hơn, từ đó có kế hoạch gieo hạt hay phun tưới cây trồng hiệu quả hơn, nếu không những vụ mưa bất chợt có thể dễ dàng cuốn trôi mọi công sức và tiền của mà ông bỏ ra.

Tuy không giúp tăng lợi nhuận nhiều nhưng sử dụng công nghệ đã giúp ông Singh giảm thiểu tổn thất.

Hầu hết người dân ở đây, như ông Singh, đều dựa hoàn toàn vào nông nghiệp để duy trì cuộc sống. Nhưng không phải ai cũng có khả năng đầu tư và những công nghệ đắt tiền như thế này. Thiết bị GreenSeeker có giá gần 40.000 rupees (680 đô-la Mỹ). Bởi vậy, hiệp hội nông nghiệp địa phương ở đây phải giúp đỡ bằng cách thu mua thiết bị và cho nông dân sử dụng miễn phí.

Họ cũng đang sử dụng một công nghệ mới khác, gọi là san lấp mặt bằng bằng la-de. Thiết bị được điều khiển bằng la-de được gắn vào máy kéo, giúp nông dân san phẳng mặt đất trồng. Phương pháp canh tác này giúp tiết kiệm từ 25-30% lượng nước trong trồng trọt.

Một phương pháp tiết kiệm nước và công sức nữa là gieo hạt trực tiếp bằng máy vào đồng lúa. Cách này thay thế cho phương pháp thông thường là ươm lúa rồi cấy cây con bằng tay.

Theo truyền thống thì nông dân Ấn Độ chi rất nhiều tiền thuê nhân công sau mỗi mùa thu hoạch để dọn những cây trồng còn dư lại. Sau đó họ đốt hàng đống phế thải này, gây ô nhiễm môi trường và tạo ra khói mù dầy đặc bay đến những thành phố như Delhi. Bây giờ, để tránh phải đốt cây trồng phế thải, thiết bị “happy seeders” đã được gắn vào các máy cày, giúp gieo hạt ngay cả khi trên cánh đồng vẫn còn lúa dư thừa. Cách này không những giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giúp tăng chất hữu cơ và giúp kiểm soát độ ẩm và nhiệt độ tốt hơn. Chính phủ đã đưa ra chính sách hỗ trợ chi phí để giúp nông dân mua thiết bị trị giá 100.000 rupees này.

Taraori là một trong mười mấy làng thuộc bang Haryana đang bắt đầu thay đổi cách làm nông nghiệp nhờ tham gia vào một sáng kiến dẫn dắt bởi tổ chức tư vấn toàn cầu Biến đổi Khí hậu, Nông nghiệp và An ninh Lương thực (CCAFS) ở Ấn Độ.

Người dân ở đây được trợ giúp để áp dụng những công nghệ “thông thái về khí hậu” để giảm thiểu những tác động của sự thay đổi về thời tiết. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã cảnh báo rằng thay đổi về thời tiết có thể gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Ấn Độ, lấy đi tương đương khoảng 9% GDP mỗi năm vào thế kỷ sau.

Bởi vậy mà chính quyền địa phương đang dần dần thay đổi các chính sách nông nghiệp để thích ứng với những thay đổi khí hậu này. Tuy không phải mọi nông dân đều đã chuyển sang sử dụng những công nghệ và kỹ thuật mới, song những thành công của một số nông dân như ở bang Haryana sẽ giúp khuyến khích chính phủ và nông dân các vùng khác học tập áp dụng công nghệ vào canh tác.

Theo Tạp chí Tia Sáng