Xăng sinh học chuẩn bị được sử dụng rộng rãi

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chủ trì cuộc họp với các cơ quan, doanh nghiệp liên quan rà soát các bước chuẩn bị đưa vào sử dụng xăng sinh học E5 vào đầu tháng 12 tới theo kế hoạch đã đề ra.

Theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg về việc ban hành Lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống, bắt đầu từ ngày 1/12/2014, xăng E5 RON 92 sẽ được sản xuất, phối chế, kinh doanh để sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tiêu thụ ở các địa phương: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ảnh minh họa: pvoil.com.vn

Ảnh minh họa: pvoil.com.vn

Theo báo cáo tổng hợp, đến thời điểm này các địa phương và doanh nghiệp được giao nhiệm vụ đã và đang tích cực chủ động đưa xăng E5 RON 92 vào lưu thông rộng rãi trên thị trường.

Tại Quảng Ngãi, xăng E5 bắt đầu được bán rộng rãi từ tháng 7, trước 6 tháng so với lộ trình và đã có khoảng 93% cửa hàng, đại lý tham gia phân phối. Từ đầu tháng 9, toàn bộ cửa hàng xăng dầu trên địa bàn đã triển khai phân phối xăng E5 thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92, sản lượng phân phối đến nay đạt hơn 12.000 m3. Sở Công Thương và các doanh nghiệp cho biết xăng E5 được người tiêu dùng đón nhận và không xảy ra trường hợp khiếu kiện nào.

Tại Đà Nẵng, các cơ quan, doanh nghiệp liên quan thực hiện phối trộn từ tháng 11 và học tập kinh nghiệm Quảng Ngãi để có kế hoạch thay thế dần, không bị gián đoạn nguồn cung xăng dầu trên thị trường.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố như Cần Thơ, Hà Nội, TPHCM đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết để lưu thông xăng E5 trên thị trường theo đúng lộ trình. Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam là địa phương không nằm trong các tỉnh mục tiêu của Quyết định 53 nhưng do có vị trí thuận lợi nằm giữa 2 địa phương là Quảng Ngãi và Đà Nẵng đã lập kế hoạch thay thế 100% xăng khoáng RON 92 bằng xăng E5 từ 1/12/2014.

Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, để đảm bảo nguồn cung ethanol cho thị trường, các nhà máy nhiên liệu sinh học ở miền Trung và tỉnh Bình Phước đã hoàn thành và đi vào vận hành thương mại với công suất thiết kế 200.000 m3 E100/năm, có thể đảm bảo phối trộn khoảng 4 triệu m3 xăng E5.

Tổng Công ty PVOil hiện có 276 cửa hàng xăng dầu trong hệ thống sẵn sàng bán xăng E5 tại 52 tỉnh, thành trên cả nước, tăng 99 cửa hàng so với năm 2013. PVOil cho biết có 5 trạm pha chế theo mẻ đặt tại kho Đình Vũ (Hải Phòng), Liên Chiểu (Đà Nẵng), Thắng Nhất (Vũng Tàu), Nhà Bè (TPHCM), Cổ Chiên (Vĩnh Long) và 4-5 trạm pha chế liên tục với tổng công suất khoảng gần 600.000 m3/năm.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các công ty đầu mối khác cũng đã nghiên cứu, lựa chọn công nghệ phối trộn xăng sinh học tiên tiến và phù hợp, phê duyệt các dự án đầu tư lắp đặt hệ thống phối trộn, trang bị bồn bể, phương tiện vận chuyển tại các điểm kho.

Sau khi rà soát, đánh giá kỹ các khía cạnh của vấn đề, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp cần nhất quán, quyết tâm thực hiện Lộ trình mà Thủ tướng đã đề ra cho việc đưa vào sử dụng rộng rãi nguồn năng lượng mới xăng sinh học.

Đến ngày 15/11, Bộ Công Thương sẽ rà soát, hoàn thiện toàn bộ các kế hoạch, lộ trình triển khai chi tiết để báo cáo Chính phủ, trong đó chú ý tới các công việc cụ thể tại các doanh nghiệp đầu mối, các đại lý phân phối xăng dầu; ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo chất lượng, yêu cầu sử dụng của sản phẩm như các quốc gia khác đã thực hiện trước đây.

Phó Thủ tướng lưu ý đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên toàn quốc tới mọi người tiêu dùng về các lợi ích, thông tin cần thiết về sản phẩm, môi trường, xã hội của xăng sinh học, thay đổi nhận thức của một số địa phương, tổng đại lý, đại lý còn chưa mặn mà tham gia do ngại đầu tư, chuyển đổi…

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị triển khai Lộ trình như việc cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5 hiện còn chậm được ban hành, việc ban hành các quy hoạch, đảm bảo vùng nguyên liệu…

1. Nhiên liệu sinh học là gì? Xăng sinh học E5 là gì?– Nhiên liệu sinh học (NLSH) là loại nhiên liệu được hình thành từ các hợp chất có nguồn gốc động thực vật hoặc chế xuất từ chất béo của động thực vật (mỡ động vật, dầu dừa…), từ ngũ cốc (lúa mì, ngô, đậu tương…), từ chất thải trong nông nghiệp (rơm, rạ, phân…), sản phẩm thải trong công nghiệp (mùn cưa, gỗ thải…).- Xăng sinh học E5 là nhiên liệu chứa 5% thể tích cồn sinh học và 95% thể tích xăng truyền thống.2. Tại sao sử dụng nhiên liệu sinh học được cho là hành động thiết thực để bảo vệ môi trường? 

– Vì NLSH là loại nhiên liệu được chế xuất từ các hợp chất có nguồn gốc động thực vật như trên nên nó là sản phẩm hoàn toàn thân thiện với môi trường và là nguồn nhiên liệu tái sinh được.

Sử dụng NLSH giúp giảm thiểu đáng kể các loại khí thải độc hại có trong các nhiên liệu truyền thống như CO, SO2, hạt bụi và khí CO2.

Ngoài ra, lượng khí độc hại thải ra môi trường của xăng sinh học ít hơn so với xăng truyền thống, làm giảm hiệu ứng nhà kính, giúp cho môi trường được an toàn và trong sạch hơn.

3. Chất lượng xăng E5 được đảm bảo như thế nào? Chứng nhận của Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng? 

– Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, xăng E5 được kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập nguyên liệu, pha chế, tồn chứa, vận chuyển đến khâu phân phối tại các cửa hàng xăng dầu.

Nguyên liệu E100 cũng như RON 92 trước khi nhập kho đều được các công ty giám định độc lập (ví dụ như PV EIC và QUATEST) kiểm tra, chứng nhận chất lượng sản phẩm.

Sau đó, xăng E5 được pha chế tại các trạm pha chế và được các Trung tâm Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng khu vực là QUATEST 1 và 3 đánh giá và cấp chứng nhận hợp quy theo QCVN 01:2009/BKHCN – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu diesel và nhiên liệu sinh học và sản phẩm xăng E5 sản xuất đạt Tiêu chuẩn chất lượng theo TCVN 8063:2009 – Xăng không chì pha 5% ethanol, yêu cầu kỹ thuật.

Sau khi có chứng nhận hợp quy, xe bồn chuyên dùng cho xăng E5 vận chuyển đến các cửa hàng xăng dầu. Hệ thống cơ sở vật chất tại các cửa hàng xăng dầu cũng được cải tạo để phù hợp với xăng E5. Như vậy, xăng E5 được kiểm soát rất chặt chẽ trong tất cả các khâu, đảm bảo chất lượng theo đúng QCVN và TCVN do Bộ Khoa học – Công nghệ ban hành.

(Nguồn Tổng Công ty Dầu Việt Nam – PVOil)

Theo Nguyên Linh/Chinhphu.vn

Tài chính “khiêm tốn” khiến đầu tư công nghệ ở cấp độ ngắn hạn

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Môi trường kinh doanh chưa cải thiện, hoạt động của doanh nghiệp nhìn chung vẫn trì trệ, phần nào cho thấy chính sách công nghiệp hiện tại dường như chưa đáp ứng được những nhu cầu của doanh nghiệp.

Đây là một trong những điểm nhấn được đưa ra tại Báo cáo “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam-Kết quả điều tra năm 2013,” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch tài trợ, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM,) Tổng cục Thống kê (GSO) và Trường đại học Copehagen phối hợp thực hiện.

Báo cáo là kết quả điều tra từ 7.500 doanh nghiệp chế biến và được thực thiện bởi Tổng cục Thống kê từ năm 2010-2013, nhằm mục đích cung cấp cho các nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách sự hiểu biết về tính năng động của công nghệ, năng suất và lợi nhuận của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam.

Kết quả điều tra từ Báo cáo cho thấy, mặc dù doanh nghiệp nhận thức được lợi ích từ việc đầu tư công nghệ và họ cũng đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm với khả năng cho phép, nhưng thực tế những khoản đầu tư cho công nghệ của họ mới dừng lại ở những lợi ích trước mắt.

Nguyên nhân là do doanh nghiệp đang phải đối với rất nhiều trở  ngại, tác động ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Cụ thể, trở ngại lớn nhất là “đói” tài chính, kế tiếp sau đó là máy móc thiết bị lạc hậu, thiếu lao động có kỹ năng và sự yếu kém từ cơ sở hạ tầng.

Báo cáo đặc biết nhấn mạnh, năm 2013 những trở ngại, khó khăn của doanh nghiệp vẫn tương tự như năm 2012 và hầu như không có sự thay đổi. Qua đó nhóm nghiên cứu cho rằng, “các chính sách hiện tại tiếp tục ‘thất bại’ trong việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong ngắn hạn.”

Ảnh nguồn: Viện kinh tế, Trường đại học Copehagen

Theo Giáo sư John Rand, Trường Đại học Copenhagen, “đối với các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, chuyển giao công nghệ là chìa khóa. Việt Nam đang ở dưới đường giới hạn công nghệ nhưng có thể bắt kịp bằng cách học hỏi từ những nước khác. Theo đó, sự tương tác giữa chuyển giao công nghệ, đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI,) thương mại và đổi mới là đặc biệt quan trọng.”

Tuy nhiên, Báo cáo lại cho thấy, phần lớn sự chuyển giao công nghệ lại đang được thực hiện giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và không có dấu hiệu nào về chất lượng của những sự chuyển nhượng này, mặc dù đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Báo cáo đã phân tích, các hoạt động đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) chủ yếu nhằm vào các công nghệ đã có sẵn ở nơi khác. Do xác suất thất bại cao của nghiên cứu phát triển và chi phí tốn kém, vì vậy doanh nghiệp có xu hướng lựa chọn tiếp nhận và điều chỉnh công nghệ có sẵn thay vì đầu tư vào nghiên cứu phát triển.

Cuối cùng, Báo cáo đề cập tới trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, “nền kinh tế Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn, áp lực có thể gia tăng cho các doanh nghiệp, khiến họ giảm bớt cam kết trách nhiệm xã hội nhằm theo đuổi lợi nhuận cao hơn. Trách nhiệm xã hội ở Việt Nam hầu như mới để đáp ứng các nghĩa vụ trong doanh nghiệp và phù hợp với những yêu cầu pháp lý bắt buộc.”

Theo giáo sư Finn Tarp, Trường Đại học Copenhagen, việc doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với những trở ngại, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ một phần do quá trình cải cách chưa hoàn thành.

Do đó, giáo sư Finn Tarp đề xuất giải pháp, cơ quan chức năng cần sớm đưa ra chính sách nhằm giảm bớt khó khăn tài chính, nâng cao chất lượng giáo dục, khả năng tiếp cận với máy móc công nghệ cao và thiết bị cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó là giải pháp hỗ trợ cho nghiên cứu phát triển, như pháp luật về bảo hộ sáng chế và trợ cấp, giảm thuế.

“Đáng chú ý, hiện nay những tác động lan tỏa từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài  không xuất hiện thông qua các kênh điển hình, do vậy cơ quan xúc tiến đầu tư nên tập trung vào FDI ở các lĩnh vực thượng nguồn, nơi tác động lan tỏa lớn nhất. Cuối cùng, Chính phủ cần tìm cách giúp doanh nghiệp xuất khẩu tăng năng suất đồng thời thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa trách nhiệm xã hội gắn liền với thương mại và FDI,” giáo sư Finn Tarp nói./.

Theo Vietnamplus.vn

UNCTAD khẳng định tầm quan trọng của nhiên liệu sinh học

Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vừa ra báo cáo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nhiên liệu sinh học với các công nghệ thế hệ thứ hai trong bối cảnh gia tăng những sức ép kinh tế và mối quan tâm đến tình trạng biến đổi khí hậu.

041114_nhienlieusinhoc-500x375

Nhiên liệu sinh học từ vi tảo (Ảnh: inventorspot.com)

Theo UNCTAD, nhiên liệu sinh học hiện chiếm 1% việc sử dụng năng lượng toàn cầu. Trong khi các nguồn năng lượng thay thế đang phát triển nhanh hơn so với bất kỳ nguồn năng lượng khác, nhưng vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ rất hạn chế trong nhu cầu năng lượng chính.

Nhiên liệu sinh học dự kiến chưa thể thay thế nhiên liệu hóa thạch, nhưng sẽ đóng vai trò bổ sung trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng thế giới.

Sự phát triển nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai có tính cạnh tranh khi được làm từ gỗ, chất thải nông nghiệp hoặc phế thải, chứ không giống như nhiên liệu sinh học thế hệ đầu tiên được làm từ đường và dầu thực vật được tìm thấy trong một số cây trồng.

Theo UNCTAD, các nước đang phát triển cần có các chính sách để tận dụng lợi ích của nhiên liệu sinh học. Cần có một khuyến nghị quan trọng kêu gọi các chiến lược quốc tế tránh tạo khoảng cách về công nghệ giữa nhiên liệu sinh học thế hệ thứ nhất đòi hỏi nhiều đất thâm canh với nhiên liệu sinh học thế hệ thứ hai đòi hỏi nhiều vốn.

Điều này sẽ đặt ra một số thách thức đối với nước đang phát triển phải đảm bảo cung cấp cho những hộ nông dân nhỏ khỏi những gánh nặng chi phí không đáng có, tạo dòng chảy liên tục của đầu tư tư nhân và công nghệ sản xuất.

Các nước đang phát triển cần tạo thuận lợi cho thương mại bằng cách tham gia tư vấn và áp dụng các quy tắc tương thích với các quy tắc phát triển bền vững được áp dụng tại các thị trường lớn.

Báo cáo của UNCTAD đã cập nhật các dữ liệu và thông tin toàn diện về thị trường nhiên liệu sinh học, trong đó lưu ý rằng năm 2014 nhiên liệu sinh học ethanol và diesel đã trở thành sản phẩm giao dịch thường ngày trong tất cả các châu lục nhờ vào sử dụng trong lĩnh vực giao thông, đặc biệt là cho phương tiện đường bộ.

Quan trọng hơn là sự xuất hiện của thị trường thay thế nhiên liệu sinh học chất lỏng, mà được sử dụng trong ngành mang tính thương mại như hàng không, phát điện, năng lượng để nấu ăn và thậm chí trong cả lĩnh vực vận tải biển.

Theo Tố Uyên/VietnamPlus

Xây dựng tư duy hệ thống trong phát triển đô thị tăng trưởng xanh

Tăng trưởng xanh đã trở thành xu hướng toàn cầu và nhiều quốc gia đang chú trọng áp dụng mô hình này vào thực tiễn.

Tuy nhiên, sự phát triển đó chỉ có thể bền vững nếu giải quyết được những thách thức của các đô thị. Đó là tình trạng ùn tắc giao thông, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường…

Để duy trì hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, việc xây dựng tư duy hệ thống trong phát triển đô thị tăng trưởng xanh là một trong những trọng tâm cần quan tâm đặc biệt.

Xu hướng toàn cầu

Theo tiến sỹ Nguyễn Quang – Trưởng đại diện UN-Habitat tại Việt Nam, tăng trưởng xanh là mô hình tăng trưởng giúp biến những hạn chế về nguồn lực và ảnh hưởng của thảm họa thiên nhiên thành những cơ hội kinh tế giúp nâng cao tăng trưởng, giảm tác động xấu tới môi trường thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, tăng đầu tư vào vốn tự nhiên.

Tăng trưởng xanh thúc đẩy phát triển kinh tế theo mô hình tiêu thụ, sản xuất bền vững nhằm bảo đảm nguồn vốn tự nhiên để có thể tiếp tục cung cấp những nguồn lực và dịch vụ sinh thái mà đời sống của chúng ta phụ thuộc vào cho hiện tại và cả tương lai.

Do đó, nhiều nước đã chọn Chiến lược Tăng trưởng xanh để theo đuổi và nó đã trở thành xu hướng toàn cầu – tiến sỹ Nguyễn Quang khẳng định.

Tại châu Á, từ năm 2008 Hàn Quốc là một trong những nước đi đầu trong thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh với mô hình phát triển cácbon thấp và tập trung vào giải quyết ba mấu chốt là thách thức của biến đổi khí hậu, kinh tế suy giảm và năng lượng.

Thực tế cho thấy, vấn đề môi trường rất cần được chú trọng chứ không nên chỉ tập trung vào tăng trưởng nhanh, nếu không cái giá phải trả còn lớn hơn cả những gì có thể đạt tới.

Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) cũng chỉ rõ, thị trường toàn cầu hóa sẽ đi theo chuỗi giá trị cung cầu xanh, với các dòng chảy mậu dịch, đầu tư được quy định nghiêm ngặt theo những nguyên lý bền vững. Khi ấy, tăng trưởng xanh là định hướng mới thúc đẩy kinh tế phát triển.

Cũng chung quan điểm này, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng tăng trưởng xanh là quá trình tăng trưởng sử dụng tài nguyên hiệu quả, sạch hơn và tăng cường khả năng chống chịu mà không làm chậm quá trình này.

Trên thực tế, tăng trưởng xanh và kinh tế xanh có quan hệ rất mật thiết với nhau. Kinh tế xanh được chứng minh là có hiệu quả về mặt dài hạn hơn hẳn kinh tế nâu (nền kinh tế khai thác và sử dụng nhiều năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, gây tổn hại cho môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, gây biến đổi khí hậu quy mô toàn cầu và đe dọa cuộc sống con người).

Bởi vậy, nhiều quốc gia, nhất là khu vực Tây Âu và Ðông Á đã và đang đầu tư mạnh vào Chiến lược Tăng trưởng xanh. Điển hình là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều ưu tiên cao cho tăng trưởng xanh. Hiện cơ cấu của Trung Quốc là 35% và tỷ lệ này của Hàn Quốc lên đến 80%.

Tại các quốc gia này, hoạt động đầu tư được tập trung cho lĩnh vực năng lượng sạch, giao thông thân thiện môi trường, đô thị hóa bền vững, nông nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái, công nghiệp văn hóa, xử lý chất thải, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh…

Đặc biệt là Hàn Quốc đã có Luật khung về Tăng trưởng xanh, ít cácbon và hàng năm dành tới 2% GDP cho lĩnh vực tăng trưởng xanh – gấp đôi mức khuyến nghị của Liên hợp quốc.

Ảnh minh họa: Diễn đàn Doanh nghiệp

Ảnh minh họa: Diễn đàn Doanh Nghiệp

Giải quyết thách thức

Các chuyên gia cho rằng giải pháp thông minh để giải quyết các thách thức trong phát triển đô thị hiện nay chính là hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh bởi nó sẽ đảm bảo tính bền vững, đồng thời duy trì hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc phát triển đô thị như ùn tắc giao thông, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường…

Cùng đó, việc mở rộng đô thị nhưng lại thiếu sự kiểm soát đã khiến đất nông nghiệp bị thu hẹp, cộng với những tác động của biến đổi khí hậu đã khiến bất cập tại các đô thị bị đẩy lên đến đỉnh điểm.

Thành phố Hồ Chí Minh là một ví dụ điển hình với hệ quả nhận được là sự úng ngập trước các đợt triều cường đang làm đau đầu chính quyền đô thị. Tuy nhiên, việc giải quyết những thách thức này không thể đem lại hiệu quả ngay tức thời mà phải xác định cần một quá trình để thẩm thấu.

Bởi vậy, nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho các địa phương là phải quy hoạch phát triển công nghiệp, cơ sở hạ tầng, giao thông… một cách hợp lý với ưu tiên hàng đầu là giữ lại những mảng xanh, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và nguồn nước. Ngay cả trong hoạt động sản xuất cũng phải tính đến cách giảm tối đa việc sử dụng nhiên liệu để tránh ô nhiễm môi trường.

Trong một diễn đàn trao đổi về tăng trưởng xanh, cố vấn cao cấp Tổng thống Hàn Quốc là giáo sư, tiến sỹ Kim Do Nyun cũng đã từng chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển vùng đô thị Seoul.

Theo Tiến sỹ Kim Do Nyun, quá trình phát triển đô thị không chỉ liên quan đến gia tăng về kinh tế và dân số mà còn bao gồm cả vấn đề môi trường, xử lý rác thải, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Do đó, mục tiêu phát triển các đô thị hiện nay là ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả, phát triển gắn với bảo vệ môi trường. Khi chuyển đổi kinh tế, phải chú trọng phát triển công nghệ cao, nhất là công nghệ sáng tạo.

Cần xây dựng tư duy hệ thống

Để đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, tiến sỹ Trần Quốc Thái – Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng cần phải xây dựng tư duy hệ thống trong phát triển đô thị tăng trưởng xanh.

Nếu đô thị bền vững là mối quan hệ tổng hòa của ba yếu tố (kinh tế, môi trường và văn hóa-xã hội) thì đô thị tăng trưởng xanh là sự tiệm cận đến phát triển bền vững. Trong đó, tăng trưởng và phát triển kinh tế gắn với môi trường như một hướng ra cho mô hình tăng trưởng của đô thị.

Thông qua các hoạt động chính sách và chương trình của đô thị sẽ giảm thiểu được tác động bất lợi, ô nhiễm môi trường, phát thải khí nhà kính cũng như việc tiêu thụ tài nguyên tự nhiên… Bởi vậy, tăng trưởng xanh không còn là một lựa chọn của các đô thị mà trở thành nhiệm vụ trọng tâm cần phải đạt được, tiến sỹ Trần Quốc Thái phân tích.

Với vai trò là động lực phát triển kinh tế-xã hội của mỗi vùng, mỗi quốc gia, mô hình tăng trưởng của đô thị không thể không xem xét mức độ ảnh hưởng, tác động đến môi trường xung quanh.

Yếu tố này ảnh hưởng đến sự tồn tại, phát triển lâu dài và thịnh vượng của chính đô thị đó, đồng thời hiệu ứng lan tỏa tích cực. Không đô thị nào có thể tồn tại chỉ dựa trên việc cho thuê, xuất khẩu tài nguyên trực tiếp hay gián tiếp và trông chờ nhận nguồn phân bổ ngân sách từ Chính phủ.

Để đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng về nhu cầu nhà ở, cơ sở hạ tầng đô thị, chất lượng môi trường sống, thực hiện các trách nhiệm chung với cộng đồng và quốc tế, các đô thị Việt Nam không thể tự bằng lòng với những kết quả của sự ổn định và tăng trưởng ban đầu.

Chính vì vậy, trước xu hướng tác động của toàn cầu hóa đòi hỏi các đô thị Việt Nam phải có tầm nhìn, kế hoạch dài hạn, xây dựng cơ sở bền vững cho sự tăng trưởng dựa trên động lực mang tính cạnh tranh cũng như có hiệu suất cao.

Tiến sỹ Trần Quốc Thái cũng chỉ ra 6 yếu tố cần được quan tâm bao gồm quy hoạch, quản trị, chất lượng nguồn nhân lực, động lực tăng trưởng, quy mô đô thị và khả năng tự chủ về tài chính.

Song hành cùng đó là 6 lĩnh vực hoạt động và chính sách nhằm giảm thiểu các tác động đối với môi trường như quy hoạch sử dụng đất nhằm giảm thiểu yêu cầu di chuyển qua lại trong đô thị và khuyến khích sử dụng hiệu quả các khu vực đất đã khai thác; khuyến khích giao thông công cộng tại đô thị nhất là hình thức giao thông không phát thải; xây dựng công trình sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng; tiêu thụ năng lượng; tái sử dụng, tái chế rác thải; sử dụng tiết kiệm và chống thất thoát, thất thu nước sạch.

Mặc dù đô thị Việt Nam vẫn tồn tại những bất cập nhưng cũng có nhiều điểm mạnh và lợi thế riêng mà đặc biệt là khả năng ứng xử linh hoạt để thích ứng với những thay đổi.

Do đó, nếu có tư duy đúng, lộ trình phù hợp và những giải pháp sáng tạo, đô thị tăng trưởng xanh được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng để thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia.

Theo Thu Hằng/TTXVN

Tìm nguồn than cho sản xuất điện

Theo dự kiến của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), năm 2015 nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện trong nước khoảng 23 – 24 triệu tấn, tăng khoảng 6 triệu tấn so với năm 2014. Với tính toán gần nhất theo Quy hoạch điện 7 thì nhu cầu than cho điện còn cao hơn gấp đôi so với con số nêu trên. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Vinacomin, do nhiều dự án nhiệt điện chậm tiến độ nên nguồn than trong nước vẫn có thể cân đối cung ứng đủ cho năm 2015. Nhưng từ năm 2016 trở đi sẽ phải nhập khẩu khoảng vài triệu tấn và đến năm 2020 có thể lên 20 – 30 triệu tấn/năm.

 Khu vực tuyển than tại khai trường mỏ than Khánh Hòa (Thái Nguyên) thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Ảnh: Báo Tin Tức)

Khu vực tuyển than tại khai trường mỏ than Khánh Hòa (Thái Nguyên) thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Ảnh: Báo Tin Tức)

Ông Biên cho biết, nhu cầu than cho phát điện ngày càng cao. Theo Quy hoạch điện 7, chiếm tỷ trọng lớn nguồn điện của Việt Nam là nguồn nhiệt điện than. Theo dự báo, có tới 1/3 nhà máy nhiệt điện than sẽ phải dùng than nhập khẩu sau năm 2015. Với việc đầu tư các mỏ mới đòi hỏi thời gian dài và nguồn vốn lớn, chưa thể đáp ứng được nhu cầu trước mắt thì việc phải tìm nguồn cung than cho các nhà máy điện cũng cần được tính đến.

Đứng trước mối lo ngại trên, trong cuộc họp bàn về nhập khẩu than gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo, than sản xuất trong nước được ưu tiên cung ứng cho các nhà máy điện gần mỏ than và các nhà máy điện khu vực miền Bắc. Than nhập khẩu chủ yếu cung ứng cho các nhà máy điện khu vực miền Nam và miền Trung. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu than sớm ký hợp đồng nguyên tắc với Vinacomin và Tổng công ty Đông Bắc về cung cấp than theo đúng quy định, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối này tìm nguồn than cung cấp ổn định, với chất lượng và giá cả phù hợp.

Là đơn vị được giao chủ trì nhập khẩu than cho các nhà máy điện trong nước khi có nhu cầu, Vinacomin cũng đã chủ động đàm phán tìm kiếm hợp đồng nhập khẩu than, trong đó có các nhà kinh doanh than thương mại lớn trên thế giới, các đơn vị sản xuất than trực tiếp. Ông Nguyễn Văn Biên cho biết, với các hợp đồng đã ký, Vinacomin đã có nguồn than để đảm bảo cung cấp than theo tiến độ đã cam kết với các chủ đầu tư. Mới đây, Vinacomin đã ký hợp đồng nguyên tắc với EVN để cấp than cho các nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 4; đồng thời đang tiếp tục đàm phán với các chủ đầu tư để cung cấp than nhập khẩu cho các nhà máy điện khác.

“Về lâu dài nhu cầu nhập khẩu than than sẽ tăng cao, nhất là những năm sau 2018 – 2020, với sản lượng nhập khẩu cao như vậy thì ngoài ký kết hợp đồng nhập khẩu với các nhà cung cấp thì cũng cần tính đến việc hợp tác khai thác than ở nước ngoài. Hiện chúng tôi đang làm việc với một số nước có nguồn tài nguyên để hợp tác khai thác, nhằm chủ động hơn về nguồn cung và duy trì được sự ổn định lâu dài cho các nhà máy điện”, ông Biên nói.

Việc hợp tác này có thể coi là một lợi thế của Vinacomin vì ngành than đã phát triển nhiều năm nay, có đội ngũ kỹ sư, công nhân khai thác mỏ giàu kinh nghiệm, sau khi thực hiện lộ trình giảm dần khai thác mỏ lộ thiên ở trong nước thì có thể đưa đội ngũ công nhân này đi hợp tác khai thác mỏ ở nước ngoài.

Để chuẩn bị cho lộ trình nhập khẩu than, Vinacomin vẫn đang thí điểm nhập than và tìm hiểu nhiều đối tác ở Indonesia, Malaysia, Nga, Ukraina… Từ năm 2011, Vinacomin đã thí điểm nhập hơn 9.500 tấn than từ Indonesia để cung cấp cho thị trường phía Nam. Theo tính toán từ Tập đoàn, giá than nhập khẩu từ Indonesia cộng với chi phí vận chuyển nếu cung ứng cho các nhà máy điện tại miền Trung và miền Nam thì sẽ kinh tế hơn so với việc khai thác và vận chuyển than từ các mỏ phía Bắc. Tháng 8 vừa qua, 41.500 tấn than Antraxit được Vinacomin nhập khẩu từ Liên bang Nga về cảng Hòn Nét (Quảng Ninh). Đây cũng là lô than đầu tiên có chất lượng cao được nhập khẩu về để cung cấp cho thị trường nội địa và các nhà máy nhiệt điện.

Bên cạnh nguồn than do Tập đoàn Than sản xuất và nhập khẩu để cung ứng cho các nhà máy nhiệt điện theo cam kết thì EVN, PVN cũng chủ động triển khai các thủ tục để tìm kiếm nguồn hàng phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện của mình. Hiện EVN có 3 dự án sẽ phải dùng than nhập khẩu trong tương lai gần là dự án Duyên Hải 3 mở rộng (600MW), Vĩnh Tân 4 (1.200MW), Duyên Hải 3 (1.200MW). Với tổng công suất 3.000 MW thì nhu cầu tiêu thụ than nhập sẽ khoảng 10 triệu tấn than/năm. Trong khi đó, PVN với 5 nhà máy nhiệt điện than trong quy hoạch có tổng công suất 6.000MW, trong đó, 3 nhà máy sẽ dùng than nhập khẩu là Long Phú 1, Quảng Trạch 1 và Sông Hậu 1. Đầu tháng 10/2014, Công ty nhập khẩu và phân phối than điện lực Dầu khí (PV Power Coal) đã Ký hợp đồng khung mua bán than dài hạn với các đối tác Bukit Asam và Prima multi Minerals (Indonesia). Theo hợp đồng ký kết, PV Power Coal sẽ nhập khoảng 2 triệu tấn than/năm với đối tác Bukit ASam và 1 triệu tấn/năm với đối tác Prima multi Minerals và đảm bảo nguồn than nhập khẩu trong vòng ít nhất 10 năm.

Song song với việc tính toán cho lộ trình nhập khẩu thì Tập đoàn Vinacomin tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tập trung đẩy mạnh nhịp độ sản xuất trong các tháng mùa khô, tăng sản lượng sản xuất, tiêu thụ, tập trung bóc đất, đào lò để đảm bảo sản lượng than năm 2014 và chuẩn bị tốt cho năm 2015. Đặc biệt, Tập đoàn chú trọng vào các dự án khai thác mỏ có công suất trên 2 triệu tấn/năm như Khe Chàm III, Núi Béo để không ngừng tăng sản lượng khai thác, tiếp đến là Khe Chàm II-IV công suất 3,5 triệu tấn/năm, dự kiến đến năm 2017 sẽ xây dựng xong. Hiện tại, Vinacomin tiếp tục duy trì công suất phát cho các nhà máy nhiệt điện Na Dương, Cao Ngạn, Sơn Động, Cẩm Phả, Mạo Khê, đồng thời triển khai thủ tục đảm bảo các nhà máy nhiệt điện Na Dương 2, Cẩm Phả 3 thực hiện đúng tiến độ phát điện theo chỉ đạo của Chính phủ.

Theo Hoàng Tùng/Báo Tin Tức

 

Bốn phương án đảm bảo sản lượng điện năm 2015

Trên cơ sở tính toán cân bằng cung cầu cho năm 2015 với các kịch bản tần suất nước về và phụ tải dự kiến, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) vừa xây dựng bốn phương án đảm bảo điện cho năm 2015.

6

Theo đó, có ba phương án điện thương phẩm tăng 11,5%, tần suất nước về các hồ thủy điện 65-75% và một phương án điện thương phẩm tăng 13%, tần suất nước về các hồ thủy điện 65%. A0 cho biết, các phương án đều đã tính đến trường hợp kịch bản xấu nhất (phụ tải cao, nước về thấp), sản lượng nhiệt điện dầu sẽ phải huy động ở mức cao, truyền tải trên các đường dây 500 kV luôn ở mức cao…

Theo dự báo, trong năm 2015 việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc sẽ ở mức tối thiểu; Sản lượng điện dự phòng ở miền Bắc tương đối cao; Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 sẽ được huy động cao trong cả năm để đáp ứng nhu cầu phụ tải miền Nam.

Theo giaothongvantai.com.vn