10 vấn đề nóng của ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2018
Năm 2018 được nhắc đến không chỉ bởi thiên tai, ngập lụt ở các thành phố, mà còn hàng loạt vấn đề nóng gây xôn xao dư luận. Đó là việc “xẻ thịt” rừng phòng hộ xây dựng biệt thự trái phép ở Sóc Sơn, nhập khẩu phế liệu diễn biến phức tạp, “bom nước” ở Nha Trang, hay việc sử dụng vốn đầu tư công của Bộ Tài nguyên và Môi trường: “đụng đâu sai đó.”
Xin điểm lại những vấn đề gây xôn xao dư luận trong năm qua.
Hàng loạt thành phố chìm trong “biển nước” do mưa lũ
Do ảnh hưởng của nhiễu động trong đới gió Đông trên cao gây mưa lớn kéo dài từ ngày 7 đến 12/12, nhiều khu vực trên cả nước, đặc biệt là các thành phố lớn như Đà Nẵng, Vinh, Hội An, Nha Trang (Khánh Hòa), Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã bị ngập lụt cục bộ, nhiều tuyến đường biến thành sông.
Trước đó, cuối tháng 11, cơn bão số 9 đi qua một dải Nam Trung Bộ và Nam Bộ, cũng đã ảnh hưởng dọc các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bến Tre, đồng thời trút lượng mưa kỷ lục xuống Thành phố Hồ Chí Minh, biến khu vực nội đô ngập nặng.
Tại Hà Nội, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài từ ngày ngày 18 đến 31/7, mực nước sông Tích, sông Bùi qua địa bàn huyện Chương Mỹ dâng lên rất cao, khiến hàng nghìn căn nhà chìm sâu trong nước lũ; hàng nghìn hécta hoa màu, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, gia súc gia cầm bị lũ dữ hủy hoại, bị cô lập nhiều ngày.
Nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam diễn biến phức tạp
Năm tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến, gấp gần 2 lần so với cả năm 2017. Trong khi, với hàng nghìn container phế liệu đang bị tồn, một số cảng biển nước ta có nguy cơ thành “bãi rác phế liệu” của thế giới sau khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu 24 mặt hàng phế thải.
Trước tình trạng “báo động” nhập khẩu phế liệu, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các Bộ, địa phương thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để xảy ra tình trạng trên; tăng cường phối hợp để kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu, không để Việt Nam trở thành bãi thải, ảnh hưởng tới môi trường sống và uy tín của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc rà soát, ngăn chặn việc nhập lậu phế liệu vào Việt Nam.
“Xẻ thịt” đất rừng xây biệt thự trái phép
Tình trạng “xẻ thịt” đất rừng phòng hộ để xây biệt phủ, công trình trái phép tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) là câu chuyện thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong năm 2018. Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm đến khu biệt thự của gia đình ca sĩ Mỹ Linh và Việt phủ Thành Chương. Hai khu này được cho là đã “xẻ thịt” rừng phòng hộ và có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng về đất đai.
Trước đó trả lời trong cuộc giao ban báo chí Thành ủy diễn ra vào chiều ngày 16/10, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cho biết, hai công trình này nằm trong danh sách các công trình trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về thanh tra đất rừng Sóc Sơn từ năm 2006 và huyện đang xử lý.
Do công trình này thuộc sự quản lý của giai đoạn trước nên cần có sự thống nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xử lý theo đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Sử dụng vốn đầu tư công “đụng đâu sai đó”
Trước thông tin phản ánh công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công của Bộ Tài nguyên và Môi trường có “nhiều vi phạm” và “đụng đâu sai đó,” sáng ngày 5/5, Bộ này đã phát đi thông cáo báo chí giải thích một số nội dung báo chí phản ánh.
Theo Thông cáo, việc Thanh tra Bộ Tài chính triển khai thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng tại Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị trực thuộc là hoạt động thanh tra định kỳ theo kế hoạch; không phải thanh tra vụ việc cụ thể khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm.
Trong quá trình thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo, giải trình cụ thể về các nội dung của từng dự án và đã được Thanh tra Bộ Tài chính tiếp thu, được thể hiện trong kiến nghị của Kết luận Thanh tra đối với các thiếu sót và biện pháp khắc phục (chủ yếu là thiếu sót về trình tự thủ tục, thời gian, không phải là vi phạm về sử dụng, chi sai nguồn vốn, gây ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước).
Sạt lở khủng khiếp ở Nha Trang khiến 19 người chết
Sáng 18/11, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Toraji suy yếu, trận mưa lớn kéo dài kéo theo sạt lở khiến đất đá đổ xuống đã vùi lấp hàng chục nhà dân ở thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), làm 19 người chết, 28 người bị thương.
Trong đó, riêng sự cố vỡ hồ chứa nước nhân tạo tại dự án khu dân cư cao cấp Hoàng Phú ở phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang gây sạt lở đã khiến gia đình thầy giáo gồm 4 người tử nạn, hàng loạt căn nhà đổ sập.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, giáo sư tiến sỹ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng việc quy hoạch xây dựng “bom nước” trên núi cao, trong khi dân cư ở dưới đường thoát lũ là việc làm sai lầm.
“Thử hỏi, nếu như không vỡ hồ chứa nước nhân tạo ‘treo’ trên núi, liệu sạt lở có xảy ra như các điểm khác trong thành phố Nha Trang và mức độ ảnh hưởng có nghiêm trọng đến mức sập nhà, chết người nặng nề như vậy?,” ông Hồng nói.
Xôn xao việc bổ nhiệm quyền Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo
Ông Tạ Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, thành viên Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, là đơn vị từng bị kỷ luật tập thể vì sự cố Formosa nhưng vẫn được bổ nhiệm giữ chức quyền Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo.
Trước nghi vấn về việc bổ nhiệm trên, chiều 12/4, tại buổi họp báo quý 1/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết khi sự cố Formosa xảy ra, tập thể Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường giai đoạn 2010-2016 bị kỷ luật. Song, cá nhân ông Tạ Đình Thi không liên quan trực tiếp đến vụ Formosa, do vậy, không có hình thức kỷ luật với riêng ông Thi.
4.000 lít dầu tràn ra đồng, nhiều gia đình phải sơ tán
Ngày 17/12, tại khu vực phố 5, thuộc phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa xảy ra sự cố cháy dầu tràn ra kênh mương. Ước tính khối lượng dầu rò rỉ ra môi trường hơn 4.000 lít, khiến hơn 5 hécta đất ruộng và hơn 800-1.000m đường kênh mương nội đồng bị nhiễm dầu.
Theo thông tin ban đầu từ các lực lượng chức năng, nguyên nhân tràn dầu ra môi trường được xác định là do tràn bể thu váng dầu của một cây xăng quân đội sát Cảng Lễ Môn, Khu công nghiệp Lễ Môn, phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa. Dầu rò rỉ, chảy vào hệ thống thoát nước dọc khu dân cư, đổ ra cánh đồng.
Ngay trong ngày, Ủy ban Nhân dân thành phố Thanh Hóa đã họp khẩn với Bộ đội Biên phòng, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Thanh Hóa và các doanh nghiệp lên phương án xử lý, khắc phục sự cố.
Formosa không có trong kế hoạch thanh tra của Bộ Tài nguyên
Liên quan đến thông tin không đưa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) vào kế hoạch thanh tra năm 2018, chiều 3/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra thông cáo báo chí giải thích tới công luận.
Nội dung thông cáo báo chí cho biết, ngay sau khi FHS nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh Hà Tĩnh, các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan đưa FHS vào “chế độ giám sát đặc biệt và nghiêm ngặt” để thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình khắc phục hậu quả vi phạm của FHS, đảm bảo không để tái diễn sự cố.
Từ ngày 22/7/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập Tổ giám sát FHS trong việc thực hiện cam kết khắc phục sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung.
“Nóng” vụ sai phạm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Sau kết luận của Thanh tra Chính phủ về sai phạm ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xin nhận trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng vì đã thực hiện không đúng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng chân thành xin lỗi nhân dân thành phố, nhất là các hộ dân bị ảnh hưởng tại khu vực 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch thuộc Khu phố 1, phường Bình An, quận 2, đã chịu nhiều thiệt thòi, tổn thất, vất vả trong cuộc sống nhiều năm qua.
Thành phố cũng cam kết xây dựng xong chính sách bồi thường trước 30/11; đồng thời xử lý vi phạm với tổ chức, cá nhân liên quan trước ngày 30/11.
Nền đa dạng sinh học đang bị đe dọa nghiêm trọng
Năm 2018, liên tục xảy ra những vụ giết động vật hoang dã, quý hiếm rồi livestream, đăng ảnh lên mạng xã hội facebook để khoe chiến tích khiến dư luận phẫn nộ bởi hành vi đó đã đạt tột cùng của sự tàn ác.
“Quá tàn nhẫn, man rợn! Sao những hình ảnh dã man thời trung cổ lại có thể tái hiện ở xã hội văn minh?”. Nhiều người đã phải thốt lên như vậy khi xem đoạn livestream trên Facebook về một nhóm 5 đối tượng ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang giết động vật hoang dã nghi khỉ hoặc voọc chà vá chân nâu.
Đặc biệt, nhóm người đàn ông này đã dùng dao bổ mạnh lên phần đầu của cá thể này rồi dùng muỗng và tay múc não cá thể ăn sống với rượu ngay tại chỗ. Đám người này sau đó đã cạo lông, làm thịt cá thể nghi khỉ này.
Chỉ ít ngày sau, dư luận lại tiếp tục phẫn nộ với việc một giám đốc doanh nghiệp giết thịt hai con chim hoang dã nghi Cao cát bụng trắng, thuộc họ Hồng hoàng rồi đem khoe lên mạng xã hội Facebook.
Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), ở Việt Nam, số loài bị đe dọa toàn cầu không chỉ tăng về số lượng, mà còn tăng về mức độ đe dọa. Nhiều loài được đánh giá bị đe dọa không cao trên quy mô toàn cầu nhưng lại bị đe dọa ở mức rất cao.
Theo VietnamPlus.vn (31/12/2018)