Xử lý chất thải trong chăn nuôi: Luẩn quẩn, bế tắc
Ngành chăn nuôi đang tăng trưởng mạnh cả về quy mô và giá trị mang lại hiệu quả cao cho người dân. Tuy nhiên, ở một số địa phương, do quy hoạch chăn nuôi chưa tốt, phát triển nhỏ lẻ, tự phát, gây ô nhiễm môi trường.
Mới xử lý khoảng 40% chất thải
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trung bình mỗi năm ngành chăn nuôi thải ra 85-90 triệu tấn phân, nhưng chỉ khoảng 40% được xử lý, còn xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết, do chủ yếu là chăn nuôi nông hộ nên biện pháp xử lý chất thải vật nuôi chủ yếu là ủ làm phân chuồng, xây bể ủ khí sinh học biogas. Hiện nay, cả nước có 8,5 triệu hộ chăn nuôi hộ gia đình, song chỉ có khoảng 10% chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, khoảng 70% có chuồng xử lý bằng hệ thống biogas, 8,7% xử lý bằng khí sinh học, còn lại không được xử lý.
Xử lý tốt các chất thải trong chăn nuôi sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường nông thôn. (Ảnh: Lê Lâm)
Ngoài ra, cả nước có trên 20.000 trang trại chăn nuôi tập trung, trong đó, các trang trại chăn nuôi lớn đã có hệ thống xử lý chất thải bằng công nghệ khác nhau nhưng hiệu quả không cao. Hiện chỉ có 6,4% trang trại làm đệm lót sinh học; 32% trang trại sử dụng biogas; gần 2% trang trại áp dụng ủ phân compost; trên 25% bán phân; trên 2% áp dụng các biện pháp xử lý khác, còn lại khoảng 6% không sử dụng biện pháp nào. Mặc dù, các trang trại chăn nuôi tập trung biết tác hại từ ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, nhưng để đầu tư khu xử lý chất thải rất tốn kém nên đành chịu.
Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Cổ Đông (Sơn Tây) Trần Văn Chiến cho biết, mặc dù người dân đã chú ý tới xử lý ô nhiễm môi trường nhưng do đầu tư cho khu xử lý nước thải quá lớn nên nhiều trang trại đành chấp nhận vi phạm Luật Môi trường và bị xử phạt. Năm 2013, trang trại chăn nuôi của HTX Cổ Đông đã bị cơ quan môi trường xử phạt 500 triệu đồng vì gây ô nhiễm môi trường, nhưng đến nay vẫn không có biện pháp xử lý triệt để vì thiếu kinh phí. Thực tế, để đầu tư một khu xử lý nước thải, chất thải trong chăn nuôi phải tốn đến hàng trăm tỷ đồng, số kinh phí quá lớn đối với chủ trang trại.
Từng bước giảm chăn nuôi nhỏ lẻ
Theo dự báo của ngành chăn nuôi, với tốc độ phát triển hiện nay, mỗi năm sẽ phát sinh khoảng 1,2 triệu tấn chất thải. Do đó, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng mô hình xử lý chất thải theo công nghệ hiện đại. Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân cho biết, để từng bước giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, các địa phương cần có quy hoạch vùng chăn nuôi ổn định, theo từng đối tượng nuôi phù hợp nhằm giảm hộ nuôi nhỏ lẻ, tự phát trong khu dân cư. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ triển khai mô hình ứng dụng xử lý nước thải sau bể biogas, sau đó nhân rộng ra các trang trại chăn nuôi ở từng địa bàn thích hợp. Ngoài ra, người dân cần áp dụng sử dụng chất thải rắn trong chăn nuôi để nuôi giun quế và các loại giun khác. Hộ chăn nuôi nên sử dụng chế phẩm sinh học EM để hạn chế mức độ ô nhiễm chất thải trước khi đưa ra môi trường.
Bên cạnh đó, các trang trại cần sử dụng phương pháp hóa học như: Phun sát trùng bằng OZON, nước vôi trong, VIKON, BKA…; làm kết tủa tạo bông, cặn trong nước thải để tách phần lỏng và phần rắn. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân; xây dựng và ban hành quy định bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý môi trường. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm túc việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, bảo đảm các trang trại đều phải có đầy đủ công trình biện pháp bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu xử lý ô nhiễm trước khi đưa vào hoạt động…
Theo Hoài Thu/ Báo Hà nội mới, 12/01/2015