Posts

Có gì đặc biệt trong thành phố thông minh kiểu mẫu do Nhật Bản xây dựng?

Tại thành phố thông minh Aizuwakamatsu (Nhật Bản), người dân được thoải mái trải nghiệm các tiện ích thông minh xuất phát từ các giải pháp công nghệ hiện đại.

Thành phố Aizuwakamatsu, tỉnh Fukushima (Nhật Bản) vừa tiến hành lắp đặt và triển khai một loạt công cụ kỹ thuật số có thể gửi cảnh báo thiên tai, qua đó giúp bảo vệ tính mạng người dân. Đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền nhằm thúc đẩy công nghệ, đồng thời giúp người dân vượt qua những thách thức về kinh tế và xã hội.

Tuần trước, công ty tư vấn Accenture đã triển khai dịch vụ gửi cảnh báo qua điện thoại thông minh tại thành phố Aizuwakamatsu. Nhiều năm qua, Accenture đã hợp tác với các nhà nghiên cứu trong các dự án sử dụng công nghệ để hồi sinh thành phố sau thảm họa động đất-sóng thần năm 2011. Người dân Aizuwakamatsu có thể chọn đăng ký các dịch vụ kỹ thuật số. Đây được coi là cách tiếp cận khác biệt rõ rệt so với những sáng kiến đã được triển khai ở các thành phố thông minh khác, vốn yêu cầu người dùng bắt buộc phải đăng ký dịch vụ, làm dấy lên những quan ngại về bảo mật thông tin cá nhân.

Thành phố Aizuwakamatsu cũng chính là thành phố thông minh lớn và hiện đại nhất tại Nhật Bản. Hệ thống các công ty, bệnh viện và nhiều tổ chức tại thành phố này đã và đang áp dụng công nghệ để tạo nên một nền tảng thông minh. Ví dụ như tại Bệnh viện Đa khoa Takeda, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy bệnh nhân đang sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán hóa đơn. Hệ thống thanh toán là một thử nghiệm sử dụng mã QR trong thanh toán điện tử.

“Chúng tôi muốn làm cho mọi thứ trở nên thuận tiện hơn bằng cách sử dụng mã QR; không chỉ để thanh toán hóa đơn viện phí mà còn trả thuế, dịch vụ vận chuyển cũng như việc mua hàng thông thường”, ông Keisuke Kobayashi, Giám đốc của Công ty phát triển hệ thống TIS cho biết.

Giải pháp của TIS cũng giúp giảm thời gian người bệnh phải đợi chờ tại bệnh viện bằng cách cung cấp dịch vụ thuận tiện như đặt lịch hẹn khám trực tuyến. Ngoài ra, TIS cũng cung cấp các dịch vụ y tế dự phòng như chăm sóc y tế từ xa và chẩn đoán dựa trên trí tuệ nhân tạo.

Ngoài TIS, nhiều công ty khác cũng đang nỗ lực cung cấp các dịch vụ công nghệ đối với các lĩnh vực như vận chuyển, giáo dục, năng lượng, nông nghiệp hay sản xuất tại thành phố Aizuwakamatsu. Các công ty này bao gồm NEC, Toppan Printing, Coca-Cola, SoftBank Group và Mitsubishi – tất cả đều đang hợp tác dưới một mái nhà tại Trung tâm đổi mới AiCT.


Nhật Bản đang nỗ lực xây dựng thêm nhiều thành phố thông minh kiểu mẫu

Với dân số chỉ 120.000 người, Aizuwakamatsu là một bất ngờ khi được lựa chọn để xây dựng thành phố thông minh kiểu mẫu tại đất nước mặt trời mọc. Điều này có thể lý giải là do mô hình phát triển độc đáo của thành phố này.

Cụ thể, người dân được phép lựa chọn nếu họ muốn cung cấp thông tin cá nhân để đổi lấy các dịch vụ thông minh. Kỹ sư Shojiro Nakamura tại Công ty tư vấn Accenture, giám sát dự án, cho biết: “Điều quan trọng nhất là sự tin tưởng của người dân. Nếu không có được sự tin tưởng của người dân, việc phát triển đô thị thông minh sẽ thất bại”.

Thành phố đang nỗ lực để thu hút người dân bằng cách nêu rõ lợi ích của việc chọn tham gia vào hệ thống của thành phố. Để tăng tính minh bạch và đảm bảo với mọi người rằng thông tin cá nhân sẽ không bị lạm dụng, việc quản lý dữ liệu sẽ được giám sát bởi cộng đồng.

Chẳng hạn, ý tưởng lắp đặt các cảm biến trong bãi đậu xe của một điểm thu hút khách du lịch địa phương, đã được đưa ra với mục đích để xác định xem có cách nào để tăng sự hấp dẫn của địa điểm này hay không. Nhưng thành phố đã loại bỏ các cảm biến khi cho rằng công nghệ này có thể khiến người dân lo lắng.

Trên thực tế, khoảng 20% người dân tại thành phố Aizuwakamatsu đã đăng ký sử dụng một số loại dịch vụ thông minh. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 30% vào cuối năm tài chính 2020. Khoảng 20 công ty đang hợp tác để xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Aizuwakamatsu

“Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu biết sâu sắc hơn về các thành phố thông minh. Khi tỷ lệ đăng ký đạt 50%, thành phố sẽ cho phép người dân chọn tham gia tất cả các dịch vụ dưới dạng một gói, thay vì từng dịch vụ một. Khi đạt 70%, hệ thống sẽ được coi là đã lấy được lòng tin của người dân và chia sẻ dữ liệu cá nhân theo mặc định. Nhưng người dân vẫn có thể chọn không tham gia”, kỹ sư Nakamura nhận định.

Tại Nhật Bản, thành phố thông minh bắt đầu được chú ý từ sau thảm họa động đất-sóng thần năm 2011. Chính quyền địa phương đã hợp tác với các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu nhằm áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội, trong đó có tình trạng già hòa dân số và biến đổi khí hậu. Những công ty điện tử như Panasonic, Hitachi hay ứng dụng tin nhắn LINE đều nằm trong số các công ty đang phát triển thành phố thông minh tại Nhật Bản.

Hồi tháng trước, hãng sản xuất ô tô Toyota cũng khởi công xây dựng thành phố thông minh mới gần Tokyo, được coi là “phòng thí nghiệm” thử nghiệm và phát triển xe tự hành, robot, thiết bị di động cá nhân và công nghệ AI cho cư dân. Chủ tịch Tập đoàn Toyota Akio Toyoda từng nhấn mạnh việc xây dựng thành phố từ bước ban đầu là cơ hội độc nhất vô nhị để phát triển các công nghệ tương lai.

Nhật Bản cũng luôn hướng tới cách tiếp cận minh bạch để xử lý dữ liệu cá nhân. Vào tháng 5 vừa qua, chính phủ Nhật Bản đã sửa đổi một luật để mở rộng các thành phố thông minh được đặc trưng bởi “truy cập mở”. Bằng cách tiêu chuẩn hóa hệ điều hành đô thị – phần mềm cơ bản cho thành phố thông minh – nhiều thành phố có thể được kết nối với cơ sở hạ tầng dữ liệu để thu thập và tổ chức thông tin.

Điều này đã loại bỏ nhu cầu mỗi thành phố phải xây dựng cơ sở hạ tầng của riêng mình, giúp các thành phố kém phát triển dễ dàng chuyển đổi sang thành phố thông minh hơn. Khi nhiều thành phố được kết nối hơn, lượng dữ liệu lớn hơn có thể được thu thập, cho phép các dịch vụ tốt hơn và được nhắm mục tiêu nhiều hơn.

Theo ông Shojiro Nakamura, đồng lãnh đạo Trung tâm Đổi mới Accenture Fukushima, hầu hết dữ liệu thành phố thông minh đều lấy từ các hoạt động của người dân, trong đó có việc sử dụng năng lượng, chăm sóc sức khỏe. Người dân cũng là chủ quản của các dữ liệu này, theo đó họ có thể tự quyết định mức độ tiếp cận các dữ liệu, ngay cả khi các công ty hoặc phòng khám nắm giữ dữ liệu này.

Không chỉ Nhật Bản, các thành phố trên khắp thế giới đang chạy đua để nắm bắt công nghệ nhằm cải thiện cuộc sống đô thị. Thông qua việc thu thập dữ liệu, lực lượng chức năng có thể giải quyết các vấn đề như tắc nghẽn giao thông, tội phạm và quản lý chất thải. Theo Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC), ước tính riêng trong năm 2020, chi tiêu toàn cầu cho các sáng kiến thành phố thông minh đạt gần 124 tỷ USD, trong đó Nhật Bản và Mỹ Latin được dự báo sẽ chi mạnh tay nhất trong lĩnh vực này.

Bảo Lâm
http://vietq.vn/co-gi-dac-biet-trong-thanh-pho-thong-minh-kieu-mau-do-nhat-ban-xay-dung-d184660.html

Điều kỳ lạ từ dự án xây dựng thành phố thông minh trên sa mạc

Ai Cập đang tích cực xúc tiến việc xây dựng một thành phố thông minh trên vùng sa mạc của nước này. Đây cũng sẽ là trung tâm hành chính mới của của quốc gia Bắc Phi.

Theo tin tức trên ZDNet, Ai Cập đang tập trung các nguồn lực quốc gia vào việc xây dựng một đô thị thông minh (hay thành phố thông minh)- nơi sẽ trở thành trung tâm hành chính mới của đất nước này với 6,5 triệu cư dân sinh sống. Thủ đô mới của Ai Cập sẽ bao phủ diện tích 700 km2, tương đương với diện tích của Singapore và cách thủ đô Cairo 35 km về phía Đông.

Thủ đô mới sau khi xây dựng sẽ là nơi đặt tòa nhà Quốc hội, dinh Tổng thống mới, sân bay lớn nhất Ai Cập, tòa tháp cao nhất châu Phi, nhà hát lớn nhất Trung Đông, khu giải trí trị giá 20 tỷ USD và một công viên đô thị khổng lồ lớn hơn Công viên Trung tâm ở New York.

Chính quyền Ai Cập cho biết, việc xây dựng thủ đô mới nhằm đối phó với sự gia tăng dân số chóng mặt tại quốc gia này. Được biết, cứ 15 giây, ở Ai Cập lại có một em bé chào đời. Điều này có nghĩa là Ai Cập sẽ có thêm khoảng 2 triệu người dân mỗi năm. Trong khi đó, Cairo- thủ đô của Ai Cập cũng đang phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn, ô nhiễm và quá đông đúc, được dự báo dân số sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, tức là thêm 40 triệu người. Đến lúc đó, dân số Ai Cấp dự báo đạt 150 triệu dân, tăng từ mức hơn 100 triệu hiện nay.

Bên cạnh những thách thức về dân số tăng nhanh, kế hoạch xây dựng nên một thành phố thông minh cũng là cơ hội để Tổng thống Sisi (lên nắm quyền vào năm 2011) ghi dấu ấn trong việc thúc đẩy nền kinh tế vẫn còn chậm chạp của đất nước này.


Thủ đô mới của Ai Cập sẽ cách phía Đông Cairo 35 km.

Mất bao nhiêu tiền để dự án hoàn thành?

Chi phí dự kiến cho dự án xây dựng thành phố thông minh cho Ai Cập sẽ mất từ 45 tỷ đến 58 tỷ USD. Dù dự án có những người ủng hộ, nhưng vẫn có không ít người đã đặt câu hỏi về khả năng trang trải chi phí cho dự án. Bởi hiện tại, Ai Cập vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức tài chính như lạm phát nhanh, thất nghiệp, ngành du lịch suy thoái, cơ sở hạ tầng tồi tàn và tình trạng thiếu việc làm.

Mặc dù vậy, chính quyền Ai Cập cho biết, dự án này vẫn đang có những bước tiến về phía trước. Đầu tiên là các bộ, ngành thuộc chính phủ có kế hoạch chuyển đến thủ đô mới vào giữa năm 2020 và một loạt hợp đồng được ký kết hợp tác xây dựng thủ đô mới gần đây như: một khu kinh doanh mới trị giá 834 triệu USD, một hệ thống an ninh kỹ thuật số toàn thành phố và Honeywell lắp đặt hơn 6.000 camera không dây trên toàn thành phố.

Trong khi đó, nhà mạng Viễn thông Ai Cập (Telecom Egypt) do nhà nước sở hữu hồi tháng 9/2019 đã cho biết sẽ xây dựng một mạng lưới viễn thông trị giá 2,44 tỷ USD trong vòng 6 tháng tới. Nhà sản xuất xe lửa và máy bay Bombardier đã được ký hợp đồng xây dựng một đường ray 21 ga tại thành phố mới, cũng như một tuyến mới để kết nối Đông Cairo với thủ đô mới.

Daniel Di Perna, Chủ tịch của Bombardier Transport, cho biết: “Giải pháp di chuyển thông minh cho tương lai đô thị của Cairo có chiều dài 54 km có thể chở 45.000 hành khách mỗi giờ. Thời gian di chuyển ước tính từ Đông Cairo đến thủ đô mới là khoảng 60 phút”.

Công nghệ thông minh giữ vai trò tiên phong

Trong phần giới thiệu về dự án nhấn mạnh, thủ đô mới được phát triển với tầm nhìn chiến lược trở thành một thành phố thông minh tích hợp cơ sở hạ tầng thông minh để cung cấp nhiều dịch vụ cho người dân. Tầm nhìn này bao gồm giám sát thông minh việc tắc nghẽn và tai nạn giao thông, các tiện ích thông minh để giảm mức tiêu thụ và chi phí. Các tòa nhà thông minh và quản lý năng lượng bao gồm tập trung vào năng lượng tái tạo và sử dụng IoT để tiết kiệm điện năng, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng cáp quang kết nối mọi tòa nhà sử dụng công nghệ. Kế hoạch cho một nhà máy năng lượng mặt trời 90 km2 cũng là một phần của dự án.

Cùng kế hoạch này, chính phủ đã tuyên bố đưa thủ đô hành chính mới thành thành phố không tiền mặt đầu tiên trên cả nước. Sự phát triển của thương mại điện tử, được kỳ vọng sẽ phát triển nhờ dự án này và thanh toán tiền qua điện thoại di động (mobile money) là ưu tiên mang tính chiến lược lớn của chính phủ. Hiện tại, có khoảng 20 triệu tài khoản thanh toán di động đang hoạt động ở nước này, nhưng Ngân hàng Trung ương Ai Cập muốn tăng gấp đôi con số này trong hai năm tới.

Những rào cản cần vượt qua

Mặc dù các kế hoạch xây dựng thành phố thông minh đang tiến triển, nhưng cũng đã có một số thách thức. Dự án đang gặp khó khăn về nguồn kinh phí và cần phải vượt qua những thách thức khác sau khi các nhà đầu tư rút lui.

“Chúng tôi cần nguồn tài chính rất lớn. Nhà nước không có tiền để rót cho chúng tôi. Kết quả là khoảng 20% đầu tư cho đến nay là từ nguồn nước ngoài. Trung Quốc đã đóng góp tới 4,5 tỷ USD cho các chi phí và China State Construction Engineering cũng đang đào tạo 10.000 công nhân xây dựng Ai Cập”, Ahmed Zaki Abdeen, một vị tướng đã nghỉ hưu, người đứng đầu công ty xây dựng thành phố mới cho biết.

Đáng chú ý, theo tờ Daily News, Ai Cập năm ngoái, Matt Walker của MTN Consulting đã tuyên bố rằng phần lớn đóng góp của Trung Quốc là dưới dạng các khoản vay, và “các ngân hàng Trung Quốc chỉ cho vay tiền để mua thiết bị Trung Quốc”. Bên cạnh đó, xây dựng đô thị thông minh trên sa mạc cũng mang đến những thách thức khác. Thành phố mới sẽ tiêu thụ khoảng 650.000 mét khối nước mỗi ngày từ các nguồn tài nguyên khan hiếm của quốc gia Bắc Phi này.

Thủ đô mới sau khi xây dựng sẽ là nơi đặt tòa nhà Quốc hội, dinh Tổng thống mới, sân bay lớn nhất Ai Cập, tòa tháp cao nhất châu Phi, nhà hát lớn nhất Trung Đông, khu giải trí trị giá 20 tỷ USD và một công viên đô thị khổng lồ lớn hơn Công viên Trung tâm ở New York.

Liệu dự án có thành công?

Tờ The economist nhận định rằng, việc xây dựng thủ đô mới như là “một con voi trên sa mạc” và lưu ý rằng mặc dù thủ đô mới sẽ là một trung tâm việc làm, thì cũng rất ít công chức có thể đủ đáp ứng cuộc sống ở đó. Bởi trung bình một công chức thu nhập 1,247 EGP (70 USD)/tuần, trong khi năm ngoái, Bộ nhà ở niêm yết giá căn hộ trong thành phố ở mức hơn 11.000 EGP (698 USD)/m2″.

Ngoài ra là những lo ngại về tác động có thể đối với thủ đô Cairo lịch sử. Một bài báo trên AP đã từng đặt câu hỏi: “Với một thủ đô Ai Cập mới được xây dựng, Cairo sẽ trở thành gì?”. Amar Ali Hassan, một chuyên gia chính trị- xã hội bày tỏ quan điểm cho rằng Cairo – thủ đô của Ai Cập trong hơn 1.000 năm có thể bị “ghẻ lạnh và dần bị lãng quên”.

Do đó, Khaled Fahmy, giáo sư lịch sử tại Đại học Mỹ ở Cairo, cho rằng cần nguồn kinh phí cho thủ đô mới có thể được sử dụng tốt hơn, khắc phục các vấn đề vốn có hiện nay.

Phong Lâm (Theo ZDNet)
http://vietq.vn/dieu-ky-la-tu-du-an-xay-dung-thanh-pho-thong-minh-tren-sa-mac-d169787.html