Posts

OECD: Chỉ 9% rác thải nhựa được tái chế trên toàn thế giới trong 2021

Trong năm 2021, thế giới thải ra 353 triệu tấn rác thải nhựa nhưng lượng rác được tái chế chỉ đạt 9%, 19% được tiêu hủy và gần 50% được chôn lấp tại các hố rác đủ tiêu chuẩn.

Ngày 22/2, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố báo cáo cho biết chưa đến 10% rác thải nhựa được tái chế trên toàn thế giới, do vậy cần thiết lập các giải pháp mang tính toàn cầu trước thềm các cuộc đàm phán về một hiệp ước quốc tế đối với vấn đề này.

Theo báo cáo của OECD, trong năm ngoái, thế giới đã sử dụng 460 triệu tấn nhựa, gần gấp đôi so với con số ghi nhận năm 2000. Cùng với đó, lượng rác thải nhựa cũng đã tăng hơn gấp đôi, lên 353 triệu tấn.

Rác thải nhựa tại New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tuy nhiên, lượng rác thải nhựa được tái chế chỉ đạt 9%, 19% được tiêu hủy và gần 50% được chôn lấp tại các hố rác đủ tiêu chuẩn. Vẫn còn 22% lượng rác thải nhựa được xử lý tại những bãi rác không đúng quy định, đốt cháy tại các bãi rác lộ thiên hoặc rò rỉ ra môi trường.

Đại dịch COVID-19 đã chứng kiến việc sử dụng sản phẩm nhựa trong năm 2020 giảm 2,2% so với năm trước đó. Tuy nhiên, việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần lại tăng lên và việc sử dụng đồ nhựa nói chung dự kiến cũng sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Báo cáo của OECD cho rằng nhựa góp phần sản sinh ra 3,4% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu trong năm 2019, trong đó 90% là từ hoạt động sản xuất nhựa từ nhiên liệu hóa thạch.

Trước bối cảnh tình trạng ô nhiễm và ấm lên toàn cầu ngày càng trầm trọng, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann kêu gọi các nước trên thế giới cần phối hợp để có những giải pháp mang tính toàn cầu nhằm ứng phó với thách thức này.

OECD đã đề xuất một loạt biện pháp giúp giải quyết vấn đề trên, trong đó có phát triển thị trường nhựa tái chế vốn chỉ chiếm 6% hiện nay vì phần lớn các sản phẩm từ nhựa tái chế thường có giá thành cao hơn.

Trong khi đó, các công nghệ mới liên quan đến việc giảm ô nhiễm môi trường của nhựa cũng chỉ chiếm 1,2% tất cả những công nghệ liên quan đến nhựa.

OECD kêu gọi thiết lập những chính sách hạn chế việc sử dụng nhựa nói chung, đồng thời đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng quản lý rác thải cơ bản, trong đó cần đầu tư 25 tỷ euro mỗi năm vào những nỗ lực ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.

Báo cáo trên của OECD được đưa ra trước thềm một hội nghị về môi trường của Liên hợp quốc dự kiến bắt đầu vào ngày 28/2 tới tại Nairobi (Kenya), trong đó các bên tham gia có thể thảo luận một hiệp ước về sử dụng sản phẩm nhựa trong tương lai.

Theo kết quả cuộc khảo sát do công ty Ipsos thực hiện ở 28 quốc gia và công bố ngày 22/2, trung bình 88% số người được hỏi cho rằng cần có một hiệp ước quốc tế về chống ô nhiễm nhựa./.

Trần Quyên (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/oecd-chi-9-rac-thai-nhua-duoc-tai-che-tren-toan-the-gioi-trong-2021/774401.vnp

Chế tạo thành công loại nhựa an toàn được làm từ dầu thực vật

Theo các nhà khoa học, loại nhựa mới này có khả năng tái chế, tái sử dụng nhiều lần hơn so với các loại nhựa thông thường khác, đặc biệt khá an toàn.

Các chuyên gia hóa học người Đức mới đây vừa phát triển thành công một loại vật liệu có thể thay thế được nhựa dẻo polyethulene. Bằng việc tái cấu trúc lại cách các phân tử nhựa kết hợp với nhau, nhóm nghiên cứu có được loại nhựa đem đến hiệu quả gấp 10 lần các sản phẩm cũ và chúng có thể tái chế dễ dàng hơn bằng phương pháp hóa học. Trong báo cáo khoa học mới đây được đăng tải trên tạp chí Nature, loại nhựa mới này có nguồn gốc từ dầu thực vật, chúng thân thiện với môi trường và có thể thay thế được chất liệu nhựa chúng ta vẫn đang sử dụng.

Hầu hết các quy trình tái chế ngày nay đều dựa trên dây chuyền cơ khí. Rác thải nhựa sẽ được cắt nhỏ và chế biến thành vật liệu nhựa mới. Tái chế hóa chất đòi hỏi nhiệt độ cao hoặc các chất phá vỡ chuỗi phân tử nhựa. Độ bền của nhựa cũng là một trong những trở ngại ngăn cản quá trình tái chế hóa học: chúng quá dẻo và chắc chắn. Polyethylene là loại nhựa phổ biến nhất, cấu trúc của nó sẽ bị phân rã ở nhiệt độ 600 độ C. Chưa hết, quá trình tái chế polyethylene bằng chất hóa học không đạt hiệu quả tốt.


Vỏ điện thoại nhựa làm từ dầu thực vật, in 3D do nhóm khoa học trường Đại học Konstanz.

Stegan Mecking, tác giả chính của nghiên cứu và cũng là người đứng đầu mảng khoa học vật chất tại Đại học Konstanz (Đức) cho biết: “Khả năng ổn định của các chuỗi hydrocarbon là vấn đề rất nan giải. Để có thể thực sự phân rã chúng thành những phân tử nhựa, ta cần một nhiệt độ đủ lớn, điều này tốn rất nhiều năng lượng. Kết quả thu lại cũng không được như những gì ta mong muốn”.

Được biết, loại nhựa mới do ông Mecking và cộng sự tạo ra mang những liên kết hóa học dễ bị phân rã hơn, do đó quá trình tái chế hóa học cũng sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Nhúng loại nhựa mới vào ethanol hoặc methanol, thêm chất xúc tác và đặt vào trong mội trường ở nhiệt độ 120 độ C, nhựa sẽ ngay lập tức phân rã. Nếu không có chất xúc tác, quá trình tái chế cũng chỉ cần mức nhiệt 150 độ C là đã có thể đem đến kết quả tốt.

Sau khi có được sản phẩm sau tái chế, các nhà nghiên cứu làm nguội và tái tinh thể hóa thứ nhựa đã tan chảy rồi tiến hành lọc. Khi thử nghiệm với nhựa polycarbonate, nhóm nghiên cứu thu về được tới 96% lượng vật liệu tạo nên thứ nhựa tổng hợp. Trong nghiên cứu mới này, các nhà hóa học phát hiện ra rằng khi nhựa có chứa màu nhuộm hoặc các sản phẩm phụ (như sợi carbon) khiến việc tái chế cơ khí trở nên khó khăn. Họ chọn dầu thực vật làm nhựa vì trong dầu thực vật có một chuỗi phân tử dài, so với dầu thô được sử dụng trong sản xuất nhựa hàng loạt, dầu thực vật thân thiện với môi trường hơn.

Loại nhựa mới có độ bền tương đương với polyethylene đậm đặc và thích hợp cho in 3D hơn cả polyethylene. Sau khi tái chế, nhựa gốc dầu thực vật vẫn giữ được các đặc tính của nó. Trở ngại duy nhất ngăn việc đại chúng hóa thứ vật liệu mới là giá thành quá cao. Ethylene là “viên gạch nền móng rẻ nhất được dùng để xây nên ngành công nghiệp hóa học”, vậy nên việc có thể cạnh tranh được với nhựa polyethylene ở thời điểm hiện tại là không thể.

Hiện tại, Giáo sư Mecking và các đồng nghiệp của ông đang nghiên cứu tính khả thi của chất dẻo mới trong in 3D. Ông nói thêm về việc tiếp tục phát triển các loại nhựa mới và mở rộng quy mô sản xuất.

Bảo Linh
http://vietq.vn/che-tao-thanh-cong-loai-nhua-an-toan-duoc-lam-tu-dau-thuc-vat-d183984.html

Thị trấn không rác thải ở Nhật Bản

Kamikatsu – một thị trấn nằm ở quận Katsuura, tỉnh Tokushima – là nơi đầu tiên ở Nhật Bản ban hành chính sách Không rác thải.

Vào những năm 2000, thị trấn Kamikatsu vẫn còn thói quen đốt rác thải sinh hoạt hoặc vứt rác bừa bãi. Chính những hành động này đã làm phá hoại thiên nhiên, ảnh hưởng đến môi trường sống. Chính vì thế, năm 2003, Kamikatsu đã đưa ra bản tuyên ngôn “Không rác thải”, nhằm xây dựng lối sống xanh, thân thiện với môi trường.


Trạm xử lý rác Hibigaya.

Theo đó, người dân nơi đây thường rửa và phân loại rác trước khi đem đến trung tâm rác của vùng. Và ở trung tâm này, để đảm bảo công nhân sẽ kiểm tra phân loại thêm 1 lần nữa. Tổng cộng có đến 45 loại rác thải riêng biệt, riêng giấy cũng có đến 9 loại.


Rác thải được phân loại.

Thị trấn còn có 1 nơi để họ đem những đồ dùng hoặc nội thất không dùng nữa đến đó, trao đổi hoặc lấy miễn phí những thứ người khác không dùng nữa.

80% rác thải của thị trấn được tái chế, tái sử dụng hoặc ủ, 20% còn lại hiện không thể được xử lý – những thứ như tã lót và một số loại nhựa nhất định – sẽ được gửi đi đốt. Quá trình này tiết kiệm cho ngôi làng một phần ba chi phí so với trước đây từ việc đốt rác thải.


Toàn cảnh thị trấn Kamikatsu.

Ngoài Kamikatsu, các thành phố khác trên khắp thế giới cũng đang cố gắng giảm sự lãng phí. Chẳng hạn, năm 2015, San Diego tuyên bố kế hoạch giảm 75% rác thải vào năm 2030 và hoàn toàn không có chất thải vào năm 2040. Thành phố New York có kế hoạch đầy tham vọng tương tự, hy vọng sẽ không có chất thải trong khoảng 15 năm.

Trên toàn cầu, lượng rác được sản xuất đang tăng nhanh hơn tốc độ đô thị hóa (báo cáo của World Bank năm 2015). Đến năm 2025, tổ chức này ước tính sẽ có thêm 1,4 tỷ người sinh sống ở các thành phố trên toàn thế giới, với mỗi người sản xuất khoảng 1,3 kg chất thải mỗi ngày – nhiều hơn gấp đôi mức trung bình hiện tại.

G.Minh

https://petrotimes.vn/thi-tran-khong-rac-thai-o-nhat-ban-569696.html

Tìm giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế nhựa tại Việt Nam

Để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam, cần phải thực thi đồng bộ nhiều giải pháp cả về pháp lý và kinh tế, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng.

Ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam hiện có tiềm năng rất lớn, nhu cầu cho nguyên liệu phế liệu gia tăng hằng năm từ 15-20%. Mặc dù có nhiều tiềm năng song ngành công nghiệp tái chế nhựa của Việt Nam còn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam, cần thực thi đồng bộ các giải pháp mang tính pháp lý, kinh tế và nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa.

Hiện trạng tiêu thụ và tái chế

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, mỗi năm con người thải ra lượng rác nhựa đủ để bao quanh Trái Đất 4 lần.

Nếu không thay đổi thói quen, đến năm 2050, con người sẽ phải chung sống với 12 tỷ tấn rác thải nhựa. Hiện có 192 quốc gia bị ô nhiễm rác thải nhựa trên biển, trong đó một số nước châu Á như Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Việt Nam là nặng nề nhất.

Vì vậy, việc tái chế sẽ làm giảm lượng chất thải nhựa cần xử lý, giảm áp lực đối với vật liệu nhựa nguyên sinh, giảm sự tiêu thụ năng lượng và nước cũng như giảm phát thải các loại khí và hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất vật liệu nguyên sinh…

Uớc tính việc tái chế 1 tấn nhựa sẽ giúp tiết kiệm 3,8 thùng dầu thô sẽ tạo ra những lợi ích kinh tế-môi trường đáng kể.

Trên quy mô toàn cầu, chỉ có 9% rác thải nhựa được tái chế. Riêng ở Mỹ, tỷ lệ tái chế chai nhựa chỉ đạt khoảng 30%, ở Anh từ 20 đến 45%.

Hiện nay, châu Âu đang đi đầu trong các giải pháp xử lý rác thải. Na Uy hiện là quốc gia đi đầu trong phong trào tái chế chất thải nhựa, với 97% chai nhựa đước tái chế. Một chai nhựa ở Na Uy có thể trải qua hơn 50 lần tái chế.

Năm 1991, Thụy Điển là một trong những quốc gia đầu tiên đánh thuế trên các nguồn năng lượng hóa thạch. Sau nhiều năm liền đi đầu về tái chế, hiện nay, Thụy Điển thậm chí phải nhập khẩu rác từ những nước khác để các nhà máy tái chế trong nước có thể tiếp tục hoạt động.

Nhiều nước trên thế giới đã đạt được một số thành tựu trong việc nghiên cứu tái chế rác thải nhựa và ứng dụng thành công vào thực tiễn, giải quyết thách thức về quản lý chất thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa.

Các biện pháp tận dụng, tái chế rác nhựa không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa về phát triển bền vững, mục tiêu mà mọi quốc gia đều hướng đến.

Chuyên gia Nguyễn Đình Đáp, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết tại Việt Nam, nguồn phế liệu nhựa thải ra tới gần 18.000 tấn/ngày, giá phế liệu rất thấp. Do đó, hạt nhựa tái chế từ chất thải nhựa sinh hoạt có giá thấp hơn nhiều so với hạt nhựa nguyên sinh. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa theo thống kê tăng trung bình 20%/năm.

Điều này cho thấy tiềm năng phát triển ngành nhựa tái chế là rất lớn, đồng thời kinh doanh tái chế chất thải nhựa cũng mang lại nhiều lợi ích như tiết kiệm năng lượng cho sản xuất nhựa nguyên sinh, giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ; giải quyết hàng loạt các vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất…

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hàng năm có tới 16.000 tấn chất thải phát sinh, bao gồm cả rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải y tế.

50-70% lượng rác thải chứa những hợp chất có thể tái chế và tạo ra nguồn năng lượng mới, song chỉ có gần 10% được tái chế sử dụng.

Hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh có tới 50.000 tấn chất thải nhựa đang chôn lấp, nếu số chất thải này được tái chế, Thành phố Hồ Chí Minh có thể tiết kiệm được khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm.

Dựa trên tốc độ tiêu thụ nhựa bình quân hiện tại, sự phát triển kinh tế, dân số tăng nhanh, ước tính đến năm 2020, lượng tiêu thụ, chất thải nhựa phát sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh vào khoảng 400.000 tấn/năm. Điều này cho thấy cơ hội phát triển cho ngành tái chế nhựa là rất lớn.

Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho rằng nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35-50%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%.

Trong khi đó, theo Quỹ Tái chế chất thải Thành phố Hồ Chí Minh, rác thải nhựa chiếm tỷ trong cao, chỉ sau rác thực phẩm trong chất thải rắn đô thị.

Những giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế

Tại Việt Nam, số lượng các công ty xử lý rác của Việt Nam còn quá ít, dẫn tới sự lãng phí “tài nguyên rác” như hiện nay. Với hơn 90 triệu dân, mỗi năm lượng rác thải gia tăng thêm 10%, đồng nghĩa với hàng trăm nghìn tấn rác bị lãng phí.

Các chuyên gia môi trường cho rằng có 2 nguyên nhân chính: việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ và hiệu quả; chưa có những chính sách ưu đãi đầu tư cần thiết và phù hợp để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia đầu tư vào tái chế rác thải.

Theo phó giáo sư-tiến sỹ Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, các cơ quan chức năng liên quan cần thực hiện hiệu quả hoạt động phân loại rác tại nguồn. Muốn tái chế và phát triển ngành tái chế để hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, đưa rác thải quay lại phục vụ đời sống, phải làm tốt phân loại rác thải tại nguồn, khâu này là quan trọng nhất.

Tuy vậy, hiện trạng của Việt Nam là nhựa phế liệu tuy có, nhưng phần lớn đều trộn lẫn với rác thải sinh hoạt và xử lý bằng biện pháp chôn lấp, số ít thu gom được từ hoạt động ve chai, nhưng không đáng kể.

Từ năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh đã có hướng chuyển đổi xử lý rác thải thành đốt phát điện. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, nếu không có chủ trương khuyến khích, phân loại rác thải tái chế, việc chuyển đổi cũng gặp nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư.

Mặt khác, tỷ lệ rác thải có khả năng tái chế được tận dụng cũng sẽ không cao.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, với các phân tích về tỷ trọng, thành phần chất thải rắn, có thể thấy rằng việc đốt hỗn hợp chất thải rắn sinh hoạt để sinh nhiệt và tạo năng lượng không mang lại giá trị kinh tế, trừ khi các chất có nhiệt trị cao hơn và có độ ẩm thấp hơn, như thành phần nhựa, gỗ, vải, giấy, cao su, da… được tách riêng để đốt.

Ở góc độ khác, nhiều doanh nghiệp cho rằng rào cản gặp phải hiện nay là định kiến của lãnh đạo địa phương đối với đầu tư lĩnh vực này, đồng thời vấp phải sự phản ứng tiêu cực từ phía cộng đồng do gây ảnh hưởng chung chất lượng sống của người dân.

Chuyên gia Nguyễn Đình Đáp cho rằng một trong những giải pháp hiệu quả là biến rác thải nhựa thành nguyên liệu cho các nhà máy công nghiệp.

Thu gom rác thải nhựa trên vùng biển xóm Nhà Rầm, phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Các ngành công nghiệp như ximăng, sắt thép và ngành điện đang phải tiêu thụ một lượng than khổng lồ. Rác thải nhựa không thể tái chế có thể được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy bằng phương pháp đồng xử lý. Từ đó, các nhà máy sẽ cắt giảm được lượng than tiêu thụ nhờ thu hồi năng lượng từ việc đốt rác thải nhựa không thể tái chế. Hiệu quả năng lượng sẽ cao hơn nhiều so với các nhà máy chuyển đổi rác thải thành năng lượng thông thường.

Phương pháp đồng xử lý hiệu quả về chi phí và không làm phát sinh các chất tồn dư, trong khi đó, phát thải khí nhà kính sẽ giảm đáng kể so với hình thức chôn lấp và đốt rác thải.

Hiện Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu phục vụ sản xuất, tổng lượng phế liệu nhựa thu mua chỉ khoảng 10% của tổng chất thải nhựa tồn lưu mỗi năm, bị phát tán vào môi trường.

Để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam, cần phải thực thi đồng bộ nhiều giải pháp cả về pháp lý và kinh tế, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa; cần có cơ chế chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa Việt Nam đầu tư hơn về công nghệ để tái chế rác thải nhựa. Điều này có thể giúp hạn chế tình trạng nhập khẩu phế liệu và xử lý tốt nguồn thải nhựa trong nước./.

Hoàng Nam (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/tim-giai-phap-thuc-day-nganh-cong-nghiep-tai-che-nhua-tai-viet-nam/623127.vnp

Australia phát triển công nghệ mới tái chế các loại rác thải nhựa

Không giống như phương thức tái chế vật lý truyền thống, công nghệ mới không yêu cầu phải phân tách nhựa theo loại và màu sắc mà có thể tái chế mọi thứ, từ hộp sữa, đồ lặn, thậm chí cả phụ phẩm gỗ.

Các nhà khoa học Australia đang nghiên cứu phát triển một công nghệ mới hướng tới việc có thể tái chế tất cả các loại nhựa để giải quyết cuộc khủng hoảng rác thải hiện nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, công nghệ mới này đã được cấp bằng sáng chế và là kết quả hợp tác nghiên cứu của Tiến sỹ Len Humphreys, đồng sáng lập và giám đốc điều hành công ty Licella, cùng Giáo sư Thomas Maschmeyer thuộc Đại học Sydney.

Công nghệ này được kỳ vọng có thể xử lý hầu hết các loại rác thải nhựa hiện đang không thể tái chế.

Các tác giả của công nghệ mới này cho biết, cơ chế hoạt động của công nghệ mới là chuyển đổi các loại rác thải nhựa thành chất lỏng hoặc hóa chất hình thành nên chất liệu đó.

Công nghệ này sử dụng lò phản ứng thủy nhiệt xúc tác (Cat-HTR) xử lý các loại rác thải nhựa thông qua một hình thức tái chế hóa học làm thay đổi nhựa ở cấp độ phân tử, sử dụng nước nóng ở áp suất cao để biến chúng trở lại thành dầu. Từ đó, dầu có thể biến thành hóa chất bitumen, xăng hoặc các loại nhựa khác.

Tiến sỹ Humphreys cho biết công nghệ Cat-HTR đã được cấp bằng sáng chế khác với các công nghệ nhựa-dầu hiện có như nhiệt phân.

Không giống như phương thức tái chế vật lý truyền thống, công nghệ mới không yêu cầu phải phân tách nhựa theo loại và màu sắc mà có thể tái chế mọi thứ, từ hộp sữa đến đồ lặn và thậm chí cả các phụ phẩm gỗ.

Công nghệ này đã được công ty Licella thử nghiệm trong gần 10 năm qua tại một nhà máy thí điểm ở một bờ biển tại bang New South Wales và đã sẵn sàng được đưa ra thương mại hóa.

Hiện, công ty Licella đang triển khai mở nhà máy tái chế thương mại đầu tiên theo công nghệ mới tại Vương quốc Anh.

Ông Humphreys cho biết Chính phủ Anh có chính sách tài trợ và môi trường phát triển thuận lợi hơn nhiều so với ở Australia.

Thông tin từ công ty Licella cho biết với công nghệ mới, một cơ sở thương mại có thể xử lý khoảng 20.000 tấn nhựa mỗi năm.

Công nghệ mới được các chuyên gia đánh giá cao và Bộ trưởng Môi trường Australia Sussan Ley cũng cho biết chính phủ đang đàm phán với công ty Licella để có thể hỗ trợ phát triển công nghệ tái chế mới này tại Australia.

Trung bình, người dân Australia thải ra khoảng 3,5 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, nhưng hiện tại chỉ có khoảng 10% trong số đó được tái chế. Phần còn lại thường được xử lý bằng cách chôn xuống đất, đốt cháy hoặc vận chuyển ra nước ngoài./.

Hoàng Linh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/australia-phat-trien-cong-nghe-moi-tai-che-cac-loai-rac-thai-nhua/608525.vnp