Posts

Bản tin năng lượng xanh: không có tăng trưởng đột phá

Nhìn chung thế giới không ghi nhận sự tăng trưởng đột phá nào trong giai đoạn này. Tổng mức đầu tư lớn nhưng chưa đủ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Khối lượng đầu tư vào NLTT được dự báo sẽ còn lớn hơn trong 6 tháng cuối năm.

Trước đó vào tháng 01/2021, BNEF đã công bố báo cáo về đầu tư toàn cầu vào tài sản carbon thấp trong năm 2020. Theo đó, các khoản đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng trong năm đại dịch Covid-19 đạt mức cao nhất mọi thời đại, lần đầu tiên đạt tới 500 tỷ USD.

Biểu đồ: Đầu tư NLTT thế giới từ 2006 – 2021. Xanh lá cây: nhiên liệu sinh học; Xanh dương: điện gió; Vàng: điện mặt trời; Đỏ: các nhiên liệu tái tạo khác; Hồng: vốn đầu tư.

Theo dự báo nửa cuối năm 2021 của BNEF, tăng trưởng công suất điện phân sẽ cao gấp 2 lần trong bối cảnh tăng trưởng mạnh mẽ công suất điện phân ở Trung Quốc và con số này được dự báo tăng gấp 4 lần, đạt ít nhất 1,8 GW trong năm 2022.

BNEF đã đề cập đến các kế hoạch dài hạn của Trung Quốc nhằm đạt được tính trung hòa carbon và lưu ý rằng, đây là một yếu tố tăng trưởng mạnh mẽ công suất điện phân và sản lượng hydro toàn cầu.

Theo BNEF, Trung Quốc sẽ chiếm thị phần 60-63% công suất điện phân toàn cầu. Các công ty Trung Quốc đang chứng minh rằng, họ đang đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon bằng cách thúc đẩy thị trường máy điện phân. BNEF dự báo đến năm 2030, tổng công suất điện phân toàn cầu sẽ vượt mốc 40 GW. Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng, hơn 40 quốc gia đã công bố hoặc đang phát triển các chiến lược hydro. Hơn 90 dự án hydro quy mô công nghiệp đang được lên kế hoạch trên thế giới.

Các chính phủ dự kiến sẽ tăng hỗ trợ cho nền kinh tế hydro, lên mức 11,4 tỷ USD/năm nhằm mở rộng sản xuất hydro phát thải carbon thấp trong thập kỷ này.

Tuy nhiên, BNEF nhận định, nhu cầu hydro sạch đang tăng chậm và chưa có chính sách hiệu quả để kích thích tiêu thụ nhiên liệu. Các chuyên gia của BNEF đánh giá, giá CO2 ít nhất ở mức 100 USD/tấn mới đủ để kích thích sử dụng hydro “xanh” tích cực hơn.

Viễn Đông
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-xanh-khong-co-tang-truong-dot-pha-621649.html

Đức tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải

Chính phủ Đức đã nhất trí về lộ trình đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải trong 10 năm tới, hướng tới mục tiêu chiếm 28% năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Chính phủ Đức ngày 3/2 đã thông qua dự luận tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải lên 28% vào năm 2030.

Dự luật do Bộ Môi trường, Bảo vệ tự nhiên và An toàn hạt nhân liên bang soạn thảo nhằm mục tiêu gia tăng sử dụng nhiên liệu sinh học trong giao thông vận tải cũng như đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng sạc cho ô tô điện.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Chính phủ Đức đã nhất trí về lộ trình đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo trong lĩnh vực giao thông vận tải trong 10 năm tới, hướng tới mục tiêu chiếm 28% năng lượng tái tạo trong lĩnh vực này vào năm 2030.

Bộ trưởng Môi trường liên bang Đức Svenja Schulze khẳng định mục tiêu mà Đức đặt ra cao gần gấp đôi mục tiêu của EU (14%), và đây là mục tiêu “rất tham vọng.”

Tuabin điện gió tại một ngôi làng ở Đức. (Nguồn: dw.com)

Theo bà Schulze, điều này là cần thiết do Đức chưa đạt được mục tiêu về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính phát trong lĩnh vực giao thông kể từ năm 1990.

Với kết hoạch tham vọng mới, các công ty dầu khoáng có nghĩa vụ giảm mức phát thải bằng cách sử dụng các sản phẩm năng lượng thân thiện với môi trường như nhiên liệu sinh học tiên tiến, hydro xanh hoặc điện, với hạn ngạch tăng từ 6% hiện nay lên 22% vào năm 2030.

Dự luật cũng quy định cụ thể loại nhiên liệu tái tạo được sử dụng để đáp ứng hạn ngạch. Trong khi tỷ trọng của nhiên liệu sinh học tiên tiến (nhiên liệu từ các phế phẩm như rơm rạ và phân bón) sẽ tăng từ 0 lên ít nhất 1,75% vào năm 2030, thì tỷ trọng nhiên liệu sinh học từ thực phẩm và cây lương thực sẽ được giữ ở mức trần 4,4%.

Việc sử dụng dầu cọ trong bể chứa (hiện chiếm 20% nhiên liệu sinh học) sẽ bị loại bỏ dần vào năm 2026.

Ngoài ra, để có thể sử dụng nhiên liệu tái tạo trong lĩnh vực hàng không, dự luật lần đầu tiên đề cập hạn ngạch nhiên liệu điện trong hàng không, theo đó nhiên liệu cho máy bay phản lực phải đạt ít nhất 2% nhiên liệu lỏng có nguồn gốc từ năng lượng tái tạo thông qua điện phân vào năm 2030.

Theo Bộ trưởng Schulze, Đức cần có nhiều công nghệ sạch, hiện đại hơn để đạt được các mục tiêu về khí hậu trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Với luật khuyến khích sử dụng nhiên liệu thân thiện với khí hậu, Chính phủ liên bang Đức đang tạo ra một công cụ hiệu quả để thực sự giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Việc điều chỉnh luật nêu trên nhằm thực hiện chỉ thị của EU về năng lượng tái tạo trong giao thông (RED II), theo đó đến năm 2030 phải chiếm 14% tổng năng lượng tiêu thụ trong lĩnh vực giao thông.

Ngành giao thông vận tải bị tụt hậu so với lĩnh vực điện và sưởi ấm, những lĩnh vực đã đạt mức độ khử cácbon cao hơn do các nguồn năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu hóa thạch.

Sau khi được nội các thông qua, dự luật trên phải được Quốc hội (Hạ viện) và Hội đồng liên bang (Thượng viện) phê chuẩn để có hiệu lực. Việc xem xét điều chỉnh luật có thể được tiến hành muộn nhất vào năm 2024./.

Mạnh Hùng (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/duc-tang-ty-trong-nang-luong-tai-tao-trong-linh-vuc-giao-thong-van-tai/693467.vnp