Posts

Pháp công bố biện pháp điều chỉnh “khẩn cấp” đối với năng lượng tái tạo

Ngày 29/7, Bộ trưởng Bộ Chuyển dịch năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher đã công bố gói điều chỉnh “khẩn cấp” đầu tiên nhằm đẩy nhanh sự phát triển của năng lượng tái tạo, trước bối cảnh giá vật liệu xây dựng ngày càng tăng.

Theo Bộ Chuyển dịch năng lượng, một số dự án sản xuất năng lượng tái tạo hiện đang bị đe dọa bởi chi phí xây dựng tăng cao. Theo đó, nguồn tài trợ nhà nước cho ngành điện và khí sinh học sẽ không còn đủ cho các dự án năng lượng mặt trời có công suất 6-7 GW và năng lượng gió với công suất 5-6 GW.

Loạt biện pháp đầu tiên, được công bố trong những ngày tới, sẽ giúp giải phóng các dự án hoặc đẩy nhanh tiến độ trước mùa đông – giai đoạn căng thẳng ​​về nguồn cung năng lượng do ảnh hưởng của chiến tranh Nga – Ukraine.

Trong trường hợp đấu thầu thành công, biện pháp đầu tiên sẽ cho phép các dự án nhanh hoàn thành được bán điện với giá thị trường trong 18 tháng.

Biện pháp thứ hai tập trung vào việc lập bảng giá năng lượng bán lại, trong khi biện pháp thứ ba sẽ bãi bỏ kế hoạch giảm thuế ban đầu đối với dự án lắp đặt quang điện lên các tòa nhà.

Cuối cùng, loạt biện pháp sẽ cho phép các dự án đã được thầu đẩy công suất lên 40% trước khi đưa vào vận hành, còn các dự án xây dựng cơ sở sản xuất khí sinh học sẽ được phép kéo dài thời hạn hoàn thành để có thể đối phó với những khó khăn liên quan đến khủng hoảng dịch tễ và vấn đề cung ứng.

Các biện pháp điều chỉnh khác đối với điện tái tạo hoặc khí đốt dự kiến ​​sẽ được công bố vào cuối mùa hè, kèm theo đó sẽ là một đạo luật rộng hơn nhằm đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo.

Ngọc Duyên/AFP
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/phap-cong-bo-bien-phap-dieu-chinh-khan-cap-doi-voi-nang-luong-tai-tao-661474.html

IEEFA: Năng lượng tái tạo trở thành yếu tố quyết định tương lai kinh tế Việt Nam

Theo một báo cáo mới công bố của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), nền kinh tế Việt Nam với độ mở và sự phụ thuộc rất lớn vào các tập đoàn đa quốc gia và thị trường tiêu dùng toàn cầu đòi hỏi Chính phủ phải hoạch định một chiến lược phát triển năng lượng sạch tương thích với với các cam kết giảm phát thải carbon của các tập đoàn toàn cầu.

Báo cáo ước tính rằng các tập đoàn đa quốc gia với đóng góp khoảng 150 tỷ USD vào doanh thu xuất khẩu hàng năm của Việt Nam hiện đã đưa ra các cam kết cụ thể về trung hòa carbon hoặc giảm phát thải carbon ở các phạm vi và lộ trình khác nhau. Do vậy, hành trình hướng tới phát triển bền vững của các thương hiệu toàn cầu này là cơ hội mà Việt Nam không thể bỏ qua hay để tuột mất.


Chỉ có tăng cường điện gió để đạt mới giúp Việt Nam đạt mục tiêu net-zero.

Việt Nam hiện là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lớn nhất trong số các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Nam Á. Với gần 60% doanh thu xuất khẩu đến từ các mặt hàng gia công sản xuất cho các nhãn hàng lớn quốc tế, vị thế ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu đi kèm với đòi hỏi phải thích ứng linh hoạt với các mối quan tâm và ưu tiên của các tập đoàn này.

Báo cáo nhận định, điện gió và điện mặt trời không còn đơn thuần là giải pháp về nguồn cung điện bổ sung, mà còn đóng vai trò như một chính sách bảo đảm việc làm cho hàng triệu lao động, về nguồn thu ngoại tệ, tăng trưởng kinh tế, và sẽ là chìa khoá giúp khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển bền vững. Khác với thập kỷ vừa qua, dòng tiền của thập kỷ tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cung ứng điện sạch tới các nhà máy sản xuất và khu công nghiệp. Một kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo quyết đoán và rõ ràng sẽ có tác động lan tỏa vĩ mô tới toàn bộ nền kinh tế.

Cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) về việc Việt Nam hướng tới nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 được đưa ra ở thời điểm rất nhiều các tập đoàn toàn cầu coi việc giảm phát thải trong chuỗi cung ứng là mối ưu tiên trọng tâm và hàng đầu của chiến lược phi carbon hóa của họ. Rất nhiều trong số các doanh nghiệp này có chuỗi cung ứng sâu rộng và lâu năm tại Việt Nam.

Các tập đoàn lớn như Nike và Apple đã và đang là những tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ cho một kế hoạch phát triển năng lượng sạch táo bạo tại Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp này đã kiến nghị Chính phủ cho phép các nhà máy trong chuỗi cung ứng của họ được tiếp cận với các nguồn điện sạch. Đối với các tập đoàn này, tiêu thụ điện sạch không chỉ nhằm mục đích tiết giảm chi phí trước mắt mà đây là một phần trong nỗ lực tổng thể và cấp bách về giảm phát thải carbon mà nếu chậm trễ triển khai sẽ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới lợi nhuận, khả năng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, và danh tiếng của họ.

Một minh chứng rõ ràng cho nhu cầu điện sạch cấp bách của ngành sản xuất thể hiện ở sự tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian vừa qua của các giải pháp năng lượng tái tạo phân tán, ví dụ như điện mặt trời áp mái khu công nghiệp và thương mại (CN&TM), với sự ủng hộ của Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

“Các hệ thống này hỗ trợ đáp ứng nhu cầu phụ tải cho sản xuất, giúp giảm áp lực cho lưới điện, cũng như giảm gánh nặng huy động vốn và phát triển thêm công suất nguồn cho EVN,” báo cáo cho biết.

Do đó, phân khúc điện mặt trời áp mái CN&TM hiện đang âm thầm dẫn dắt đà tăng trưởng công suất trong bối cảnh nhà nước tạm thời đóng băng chính sách phát triển loại hình điện mặt trời quy mô trang trại. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp phát triển dự án điện mặt trời áp mái CN&TM và các đối tác cho vay đã nhanh chóng cập mật mô hình kinh doanh để không còn lệ thuộc vào trợ cấp nhà nước (ví dụ EVN thanh toán cho phần điện dư phát lên lưới theo giá mua cố định) và đang tích cực tiếp cận các khu công nghiệp nhộn nhịp với số lượng gia tăng không ngừng tại Việt Nam.


Các tập đoàn lớn trên thế giới mong muốn tiếp cận nguồn năng lượng sạch của Việt Nam.

Một số nhà đầu tư lớn đã gia nhập thị trường, ví dụ như Tập đoàn Điện lực Pháp EDF hay tập đoàn kinh tế SK Group của Hàn Quốc. Các doanh nghiệp này liên doanh với các đối tác trong nước, và cam kết đầu tư hàng trăm triệu USD vào thị trường điện mặt trời áp mái CN&TM tại Việt Nam trong vài năm tới.

Bên cạnh đó, các khu công nghiệp sinh thái cũng đang tạo ra một xu hướng mới tại Việt Nam, với các chủ đầu tư chủ động tìm kiếm và cung cấp các giải pháp tạo ra nguồn điện sạch cho lưới điện nội bộ, nhằm thu hút các khách hàng chú trọng tới các yếu tố môi trường, xã hội, và quản trị doanh nghiệp (ESG). Mới đây, Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore mở rộng ở Bình Dương, với chủ đầu tư là tập đoàn Sembcorp, thông báo họ sẽ xây dựng một nhà máy điện mặt trời quy mô lớn tại chỗ để giúp các khách hàng lớn, như nhà máy sản xuất đồ chơi Lego, đạt được mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong tương lai.

Chính phủ đang tiến hành công tác chuẩn bị về mặt pháp lý và kỹ thuật để thí điểm cơ chế mua bán điện tái tạo trực tiếp cho doanh nghiệp, còn gọi là cơ chế DPPA. Đây là một chính sách được các doanh nghiệp nóng lòng chờ đợi, đặc biệt là các bên tiêu thụ điện lớn, có mục tiêu giảm phát thải tham vọng, nhưng lại không có đủ nguồn năng lượng sạch tại chỗ.

Cơ chế DPPA dự kiến triển khai thí điểm từ năm 2023-2024 với giới hạn công suất ban đầu là 1GW. Ưu điểm của DPPA là giúp giảm áp lực cân đối chi phí mua bán điện cho EVN, do việc đàm phán giá điện sẽ là vấn đề riêng giữa doanh nghiệp mua điện và nhà máy điện tái tạo.

Báo cáo lưu ý rằng thị trường mua bán điện tái tạo trực tiếp cho doanh nghiệp tại khu vực châu Á Thái Bình Dương đang tăng trưởng nhanh chóng, với Ấn Độ, một nền kinh tế sản xuất cạnh tranh với Việt Nam, hiện dẫn đầu khu vực với tổng công suất tích luỹ là 5,2GW. Do đó, việc triển khai cơ chế DPPA nhanh chóng và ở quy mô lớn hơn sẽ giúp Việt Nam củng cố vị thế của mình, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu và tài nguyên thiên nhiên dồi dào hiện nay.

PV
https://petrotimes.vn/ieefa-nang-luong-tai-tao-tro-thanh-yeu-to-quyet-dinh-tuong-lai-kinh-te-viet-nam-650847.html

Cuộc cách mạng hydro: Những trở ngại lớn

Hydro đóng một vai trò không thể thiếu trong một hệ thống năng lượng tương lai không có carbon. Nhưng các kịch bản cho thấy tỷ trọng của nó trong năng lượng vào năm 2050 khác nhau đáng kể.

Cho dù kết quả cuối cùng có thể là gì, những người theo dõi ngành công nghiệp hiện nay phần lớn đồng ý rằng có 2 lĩnh vực mà chi phí phải giảm xuống để tăng trưởng hydro không có carbon.

Hai lĩnh vực đó là: Chi phí năng lượng tái tạo, vốn là đối tượng giảm đáng kể trong thập kỷ qua, phải tiếp tục giảm. Và chi phí điện phân nước để sản xuất hydro, bao gồm phần cứng cơ bản của hydro xanh, máy điện phân phải đi theo một con đường tương tự cho phí thấp xuống.

Nhiều người thấy cả hai đã sẵn sàng xảy ra. Nhưng trên thực tế, đó là hai mảng có liên quan không thể tách rời, với chi phí vận hành và chi phí vốn được tính vào tổng chi phí vận hành máy điện phân.

Sự sụt giảm của giá điện tái tạo dự kiến ​​sẽ tiếp tục, với việc tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo vào lưới điện. Nhưng chi phí vốn cũng phải giảm, với thiết bị điện phân được sản xuất nhanh hơn và ít tốn kém hơn.

Trong khi giá điện mặt trời đã giảm khoảng 90% trong 10 năm qua, nó cần phải giảm thêm nữa và các chính phủ tỏ ra quyết tâm giúp đỡ. Ví dụ, vào tháng 3, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE) đã công bố mục tiêu của mình rằng chi phí năng lượng mặt trời quy mô tiện ích giảm hơn một nửa trong 10 năm, từ mức giá hiện tại là 4,6 cent cho mỗi kilowatt-giờ (kWh) xuống còn 3 cent/kWh vào năm 2025 và 2 cent/kWh vào năm 2030.

DOE đã công bố một loạt các dự án R&D và vốn hạt giống cho quang điện cải tiến (perovskites, màng mỏng) và điện mặt trời tập trung (CSP) để đạt được hiệu suất cao hơn và chi phí thấp hơn.

Chi phí của công nghệ điện phân cũng đang giảm, với những cải tiến về thiết kế để đạt hiệu quả cao hơn. Các đơn vị kiềm cải tiến đang được triển khai ngay cả khi người mua đang ngày càng chuyển sang sử dụng các máy điện phân màng trao đổi proton (PEM) hiệu quả cao hơn. Trong khi đó, công nghệ đang tiến bộ cho các tế bào điện phân oxit rắn (SOEC), hứa hẹn sẽ đạt được hiệu suất rất cao từ nhiệt đầu vào cao, từ các nguồn nhiệt công nghiệp và có khả năng từ các lò phản ứng hạt nhân.

Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu điện phân nước để sản xuất hydro có thể tuân theo đường cong chi phí giảm ngẫu nhiên mà điện mặt trời đã tuân theo trong 10 năm qua hay không?

Điều quan trọng là phải tiếp tục giảm chi phí, vì hydro điện phân sẽ phải cạnh tranh với “hydro xanh” được sản xuất bằng khí tự nhiên và thu giữ carbon, hiện đã ít tốn kém hơn. Thành công sẽ dẫn đến việc người ta hy vọng sẽ áp dụng rộng rãi thứ mà những người ủng hộ gọi là “Chén thánh” của hydro, là hydro điện phân được sản xuất bằng điện tái tạo (tức là hydro “xanh”).

Bảo Vy
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/cuoc-cach-mang-hydro-nhung-tro-ngai-lon-612770.html