Posts

OPEC: Ai sẽ chiến thắng trong chuyển đổi năng lượng toàn cầu?

Tạp chí Phố Wall (The Wall Street Journal) mới đây đã có bài viết phân tích về dự báo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đối với tiến trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

OPEC dự báo, sẽ rất khó có người chiến thắng trong tiến trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Tổ chức này nhấn mạnh, OPEC sẽ tăng đáng kể ảnh hưởng của mình trên thị trường dầu mỏ toàn cầu trong hai thập kỷ tới. Tạp chí Phố Wall (The Wall Street Journal) mới đây đã có bài viết phân tích về dự báo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đối với tiến trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu.

Trong báo cáo thường niên về xu hướng năng lượng dài hạn mới đây, OPEC cho biết, tổ chức này kỳ vọng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trưởng ổn định trong hai thập kỷ tới. OPEC dự báo, các thành viên của mình sẽ chiếm 39% tổng sản lượng tiêu thụ dầu thô toàn cầu (tăng từ 33% hiện nay) đến năm 2045. Bên cạnh đó, OPEC nhận định, khu vực Trung Đông (nơi có hai nhà sản xuất lớn nhất trong OPEC là KSA và UAE) sẽ xuất khẩu 57% lượng dầu thô khai thác của thế giới vào năm 2045 (tăng từ 48% vào năm 2019).

Ảnh: Shutterstock

Theo báo cáo, thị phần của OPEC sẽ tăng lên do sản lượng của một số nhà sản xuất lớn, bao gồm Mỹ sẽ sụt giảm trong bối cảnh đầu tư vào phát triển các dự án dầu khí mới giảm. Nguồn cung dầu thô ngoài OPEC được dự báo sẽ ổn định và đạt đỉnh vào cuối thập kỷ này. Báo cáo cũng cho biết, sản lượng dầu thô của Mỹ dự kiến sẽ giảm 1,5 triệu thùng/ngày vào năm 2045 so với mức của năm 2019.

Những dự báo nêu trên đều nằm trong những tính toán chặt chẽ của OPEC. Nhiều giám đốc điều hành và các nhà phân tích thị trường cho rằng, việc các nền kinh tế phát triển thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng phát thải carbon thấp không tạo ra động lực lớn. Bất chấp sự chuyển đổi đó, nhu cầu về dầu và khí đốt thiên nhiên dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong nhiều năm tới. Trong ngắn hạn, điều này mang lại những lợi ích tiềm năng cho các bên không cam kết cắt giảm sản lượng dầu thô và khí đốt.

Các nhà phân tích của IEA cho rằng, OPEC sẽ đóng vai trò quan trọng hơn đối với các thị trường dầu mỏ. Bằng cách tăng thị phần của mình trên thị trường dầu toàn cầu, tổ chức này cũng sẽ tăng cường sức mạnh của mình trong việc tác động đến giá dầu thô. Không giống như hầu hết các nhà sản xuất, KSA và một số thành viên OPEC luôn có công suất khai thác dự phòng. Điều này có nghĩa là, trữ lượng dầu có thể nhanh chóng được bơm ra khỏi lòng đất, cho phép các quốc gia này điều chỉnh biên độ tăng, giảm sản lượng tùy ý trong thời gian ngắn, phụ thuộc vào nhu cầu dầu toàn cầu. Hoạt động sản xuất sẽ giống như một ngân hàng trung ương trên thị trường dầu mỏ. Ví dụ gần đây, trong tháng 8/2021, chính quyền của Tổng thống Mỹ Biden đã kêu gọi OPEC đẩy nhanh các kế hoạch tăng sản lượng dầu thô để giúp đáp ứng nhu cầu gia tăng tại Mỹ sau đại dịch Covid-19. Đề nghị này được đưa ra trong bối cảnh giá xăng tại Mỹ đang tăng mạnh. Tuy nhiên, OPEC từ chối tăng sản lượng hơn nữa. Điều này đã góp phần thúc đẩy giá dầu thô Brent trong ngày 28/09 có thời điểm đã chạm ngưỡng 80 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Với thị phần hiện có trong cơ cấu tiêu thụ dầu toàn cầu, OPEC đang sử dụng một nhóm các nhà kinh tế chuyên nghiệp – những chuyên gia chuyên phân tích dữ liệu từ các nước thành viên và các nguồn bên ngoài OPEC. Thường kỳ hàng tháng, nhóm này sẽ công bố nhiều báo cáo đánh giá, phục vụ các quan chức của OPEC tham khảo để đưa ra những quyết định về sản lượng.

Cũng trong báo cáo của mình, OPEC dự báo, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 28%, lên mức 108,2 triệu thùng/ngày trong vòng hai thập kỷ tới (từ mức 100 triệu thùng/ngày vào năm 2019). OPEC nhận định, sản lượng chung của tổ chức trong khoảng thời gian này sẽ tăng hơn 23% để đảm bảo mức giá “dễ chịu” cho ngân sách của các nước thành viên. Bên cạnh đó, báo cáo cho rằng, hầu hết nhu cầu dầu thô mới sẽ gia tăng chủ yếu tại các nước đang phát triển. Nhu cầu tại đây dự kiến sẽ tăng 52% đến năm 2040.

Ngoài ra, OPEC cũng dự báo, hai loại hình năng lượng gió và mặt trời sẽ tăng thị phần lên 4 lần trên thị trường toàn cầu và sẽ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu năng lượng của thế giới vào năm 2045 (tăng so với mức 2,5% hiện nay). Điều này sẽ ảnh hưởng chung đến hoạt động của OPEC trên thị trường năng lượng, song sự thay đổi được dự báo là không lớn. Đến năm 2045, vai trò tổng thể của dầu mỏ như một nguồn năng lượng sẽ sẽ chiếm thị phần tới 28%, chỉ giảm 2% so với mức 30% hiện nay. Khí đốt thiên nhiên sẽ tăng thị phần từ 23% lên 24,4%.

Đáng chú ý là báo cáo của OPEC được công bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về khí hậu (COP26) sắp tới. Nhiều quốc gia đã cam kết giảm lượng khí thải để làm chậm lại quá trình nóng lên toàn cầu do hoạt động của con người gây ra.

Chính phủ các nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ, trong đó có Mỹ, đã cam kết cắt giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính bằng cách gia tăng sử dụng các nguồn NLTT như năng lượng gió và mặt trời. IEA cho biết, việc đạt mục tiêu trung hòa carbon sẽ là “chìa khóa” để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C. Đầu năm nay, Liên hợp quốc đã kêu gọi chính phủ các nước cần phải ngừng ngay lập tức đầu tư vào hydrocarbon để không phát thải ròng đến năm 2050.

Ngược lại, OPEC lại cho rằng, thế giới cần đầu tư gần 12 nghìn tỷ USD đến năm 2045 để đáp ứng tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu hóa thạch dự kiến và bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng tại các mỏ dầu khí hiện nay. Nếu không có sự đầu tư này, thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ giá dầu tăng cao. OPEC cho biết thêm, việc cắt giảm đầu tư đối với ngành công nghiệp dầu mỏ là một trong những thách thức lớn. Nếu không có các khoản đầu tư cần thiết, thị trường sẽ chứng kiến sự biến động lớn.

Tiến Thắng
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/opec-ai-se-chien-thang-trong-chuyen-doi-nang-luong-toan-cau-627902.html

Chuyển đổi xanh toàn cầu: Thế giới sẽ vận hành như thế nào?

Các chuyên gia Klaus Mike, Dmitry Belov, Agrafena Kotova, Evgeny Kuznetsov, Anita Mujumdar, Aleksei Shadrin đã trình bày báo cáo về chủ đề chuyển đổi năng lượng toàn cầu theo hướng “xanh” hơn bằng cách giảm phát thải carbon.

Các chuyên gia nhận định, chuyển đổi “xanh” toàn cầu đang ngày càng gia tăng bất chấp khủng hoảng đại dịch và mâu thuẫn giữa các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) trong các cuộc đàm phán thuộc khuôn khổ chương trình nghị sự về khí hậu của Liên hợp quốc.

Số lượng các thảm họa tự nhiên và nhân đạo do hậu quả của biến đổi khí hậu gây ra đang gia tăng đều đặn theo từng năm. Tuy nhiên, thế giới vẫn còn đó những mâu thuẫn trong chính sách khí hậu toàn cầu. Năm 2019, trong các cuộc đàm phán tại Hội nghị thứ 25 của UNFCCC, các nước đã không thể thống nhất về Điều 6 về các cơ chế tài chính của Thỏa thuận Paris 2015. Năm 2020, hội nghị khí hậu lần thứ 26 của UNFCCC đã bị hoãn lại đến năm 2021 do tác động của đại dịch Covid-19. Đồng thời, bất chấp đại dịch, chương trình nghị sự về khí hậu đã được củng cố đáng kể. Chuyển đổi “xanh” dựa trên nhiều khía cạnh như công nghệ kỹ thuật số đang trở thành đối tượng cạnh tranh giữa các quốc gia và tập đoàn. Nhiều quốc gia, ngân hàng và các tập đoàn quốc tế đã tham gia cuộc cạnh tranh này, tiêu biểu nhất là Liên minh châu Âu (EU).

Thỏa thuận khí hậu Paris 2015 với mục tiêu giữ cho sự ấm lên toàn cầu trong khoảng 2 độ C và tìm cách hạn chế xuống 1,5 độ C vào năm 2100 đặt ra quỹ đạo mới cho sự phát triển của nền kinh tế thế giới và hình thành xu hướng vĩ mô cho quá trình khử carbon. Bất chấp những bất đồng nói trên giữa các bên tham gia UNFCCC về một số vấn đề, nhiều quốc gia và tập đoàn hàng đầu thế giới đã tự nguyện công bố các mục tiêu về trung hòa hoàn toàn carbon vào giữa thế kỷ XXI. Điều này xuất phát chủ yếu từ áp lực của dân chúng, đòi hỏi chính phủ của họ phải hành động tích cực để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu. Các doanh nghiệp cũng theo đó để chạy đua nhằm chiếm lĩnh những cơ hội thị trường và công nghệ mới.

Biến đổi khí hậu và hậu quả của nó là mối đe dọa thực sự đối với GDP và sinh kế của người dân ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Thiệt hại kinh tế hàng năm do thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan lên đến hàng tỷ USD. Tác động của biến đổi khí hậu cũng bao gồm việc băng vĩnh cửu tan chảy và sự xuất hiện của các loại bệnh mới. Để giảm thiểu thiệt hại do tác động của biến đổi khí hậu, các quốc gia, khu vực, doanh nghiệp đang tích cực thực hiện các chiến lược và biện pháp thích ứng với khí hậu. Một số biện pháp nổi bật như hiện đại hóa hệ thống chăm sóc sức khỏe, đã được đưa vào các gói khắc phục khủng hoảng.

Cùng với những con số kỷ lục về tình trạng biến đổi khí hậu, thế giới cũng đã ghi nhận những kỷ lục trong lĩnh vực tài chính và công nghệ. Lĩnh vực đầu tư vào tài sản “xanh” đang phát triển mạnh và chứng tỏ vị trí quan trọng trong quá trình chuyển đổi “xanh” toàn cầu. Lĩnh vực này trong thời kỳ khủng hoảng ghi nhận thành công hơn các lĩnh vực kinh tế truyền thống, đồng thời chứng tỏ sự ổn định tài chính hơn. Khối lượng trái phiếu “xanh” phát hành tăng mạnh so với năm 2019 và đạt kỷ lục 350 tỷ USD trong năm 2020. Theo báo cáo của PwC, một phân khúc mới của thị trường đầu tư mạo hiểm đã xuất hiện trong năm 2020: công nghệ khí hậu. Phân khúc này hội tụ các tập đoàn, công ty lớn toàn cầu như Amazon, Tesla, Google, Microsoft đã và đang đầu tư. Những dữ kiện này cho thấy, loài người đang ở giai đoạn đầu của một xu hướng dài hạn hướng tới sự chuyển đổi “xanh” toàn cầu của nền kinh tế. Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến sự cạnh tranh cho các thị trường chính và kiểm soát các dòng tài chính quốc tế. Câu hỏi đặt ra là: ai sẽ là người dẫn đầu và ai là người thua cuộc trong cuộc đua toàn cầu này.

Việc thông qua Thỏa thuận xanh châu Âu cho thấy sự tuân thủ chặt chẽ của EU đối với chiến lược trung hòa carbon vào năm 2050. Nó được lên kế hoạch chi ít nhất 1000 tỷ euro trong thập kỷ này. Mọi thứ chỉ ra rằng, EU đang trở thành người dẫn đầu trong cuộc đua “xanh” nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu và duy trì vị thế là trung tâm kinh tế toàn cầu có khả năng thiết lập các tiêu chuẩn tại các thị trường mới đầy hứa hẹn.

Đồng thời, để bảo vệ thị trường của mình và có thể bổ sung ngân sách, EU đã giới thiệu chính sách thuế carbon xuyên biên giới. Điều này đe dọa nghiêm trọng đến các nhà cung cấp năng lượng, vật liệu cơ bản và hàng tiêu dùng cho EU như Nga, các quốc gia Trung Đông, Mỹ, Trung Quốc và các quốc gia khác nếu các nền kinh tế này không kịp trung hòa carbon trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa của mình. Thật hợp ký khi cho rằng những người thua cuộc từ sự chuyển đổi “xanh” của EU nói riêng và trong nền kinh tế toàn cầu nói chung sẽ trở thành các quốc gia sản xuất hàng hóa với lượng khí thải carbon cao hơn đối thủ cạnh tranh của họ. Để không nằm trong số những người chạy đua hàng đầu, các quốc gia đang phát triển cần phải có hành động tương xứng, khéo léo sử dụng các lợi thế cạnh tranh hiện có và tiềm năng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực tế cho thấy, chúng ta đang ở trong quá trình đổi mới đang diễn ra với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế lẫn công nghệ.

Công nghệ số hóa đã thành công trong thời gian đại dịch, cho phép các chính phủ và doanh nghiệp hóa giải một số hậu quả tiêu cực từ cuộc khủng hoảng y tế. Trong thời gian đại dịch, tầm quan trọng của công nghệ nhằm tăng tính minh bạch, nhận dạng kỹ thuật số, giám sát và đánh giá rủi ro, nền kinh tế không tiếp xúc, đầu tư công, trí tuệ nhân tạo và máy học đã tăng lên. Số hóa trở thành một phần quan trọng không thể thiếu của nhiều gói khôi phục vượt khủng hoảng. Ví dụ, Trung Quốc đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 1.400 tỷ USD. Đáng chú ý, sự chú trọng đã được chuyển sang đầu tư kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng thế hệ tiếp theo. EU cũng đang ưu tiên số hóa và khử carbon như một phần của gói khôi phục kinh tế sau đại dịch với khẩu hiệu chính thức là “Phục hồi xanh và kỹ thuật số”.

Viễn Đông
https://petrotimes.vn/chuyen-doi-xanh-toan-cau-the-gioi-se-van-hanh-nhu-the-nao-597385.html

Thế giới đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu trong dài hạn

Theo Reuters, các nhà phân tích năng lượng hàng đầu cho biết, việc suy giảm đầu tư vào thăm dò và khoan mới toàn cầu có thể khiến thế giới không đủ dầu mỏ trong vòng 20-30 năm tới bất chấp sự chuyển dịch sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Triển vọng dài hạn trái ngược với tình hình hiện nay khi nhu cầu sụt giảm do cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến thị trường cung vượt cầu, buộc các nước sản xuất dầu trong liên minh OPEC+ phải hạn chế sản lượng.

Nhu cầu yếu đã gây áp lực lên các nhà sản xuất và các công ty dầu khí toàn cầu khi họ phải tìm cách chuyển hướng sang các nguồn năng lượng carbon thấp. Điều này đã cắt giảm ngân sách đầu tư của các công ty dầu khí vào các tài sản dầu khí mới nhằm đáp ứng nhu cầu dầu thô dự kiến tăng khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi.

IEA cho biết, hiện chưa rõ liệu đầu tư đầy đủ vào các nguồn cung dầu thô có kịp thời hay không và nếu có thì nguồn đầu tư sẽ đến từ đâu. Theo IEA, không có gì đảm bảo chắc chắn nguồn cung dầu dài hạn đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

Rystad Energy cho biết trong báo cáo của mình rằng, thế giới sẽ cạn kiệt nguồn cung dầu thô vào năm 2050 trừ khi hoạt động thăm dò tăng mạnh. Hãng cho biết, thế giới cần khoản đầu tư 3.000 tỷ USD để khai thác 313 tỷ thùng dầu mới từ các mỏ kém phát triển hiện nay hoặc từ các mỏ mới chưa được khám phá. Phạm vi thăm dò sẽ phải mở rộng đáng kể trừ khi sự chuyển đổi năng lượng toàn cầu đạt tốc độ nhanh hơn dự kiến.

Wood Mackenzie cho biết, những phát hiện dầu khí hiện nay cần đầu tư để đáp ứng nhu cầu dầu mỏ trong tương lai. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ hiện tại vẫn đang ở mức thấp trong khi chi phí phát triển tài nguyên mới cao và những rủi ro liên quan đã ngăn cản các công ty dầu khí hành động. Chỉ khoảng 50% nguồn cung cần thiết được đảm bảo đến năm 2040. 50% còn lại đòi hỏi nguồn vốn mới đầu tư để phát triển.

Viễn Đông
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/the-gioi-doi-mat-voi-tinh-trang-thieu-hut-nguon-cung-dau-trong-dai-han-590828.html