Posts

Trái Đất đang trong thời kỳ nóng kỷ lục – “Hậu quả” của hiệu ứng nhà kính

Cơ quan quan sát khí hậu Châu Âu cho biết, tháng 3 vừa qua là tháng Trái Đất nóng nhất trong lịch sử và là tháng thứ 10 liên tiếp phá kỷ lục nhiệt độ mà nguyên nhân chính là do tình trạng hiệu ứng nhà kính.

Kể từ tháng 6/2023, kỷ lục về mức nhiệt cao liên tục bị phá vỡ và tháng 3/2024 không phải là ngoại lệ. AFP ngày 9/4 dẫn số liệu của Dịch vụ biến đổi khí hậu Copernicus (C3S), cơ quan theo dõi thời tiết của Liên minh Châu Âu (EU), cho thấy nhiệt độ toàn cầu trong tháng 3 vừa qua được ghi nhận nóng hơn 1,68 độ C so với mức nhiệt trung bình trong tháng 3 từ năm 1850-1900, thời kỳ tiền công nghiệp.

Nhiều phần rộng lớn trên Trái Đất từ Châu Phi cho đến Greenland, Nam Mỹ và châu Nam cực trong tháng 3 có nhiệt độ cao hơn mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Đó cũng là tháng thứ 10 liên tiếp có mức nhiệt phá vỡ kỷ lục và là đỉnh điểm của một năm nóng nhất lịch sử, cao hơn mức tiền công nghiệp 1,58 độ C.

Phó giám đốc C3S Samantha Burgess nhận xét đây là xu hướng đáng báo động và cảnh báo thế giới đang ở cực gần với việc vượt qua ngưỡng giới hạn mà các nhà lãnh đạo thế giới đạt được vào năm 2015 tại Paris (Pháp).

Theo bà Burgess, tình hình nhiệt độ biển cũng gây sốc không kém khi mức nhiệt kỷ lục đo được trên bề mặt các đại dương trong tháng 2 tiếp tục bị phá vỡ trong tháng 3. Điều này là cực kỳ bất thường.

Dữ liệu của C3S bắt đầu được tổng hợp từ năm 1940 nhưng những nguồn thông tin khác về khí hậu như từ lõi băng, vòng gỗ trên thân cây và san hô giúp các nhà khoa học có được thêm thông tin từ xa hơn trong quá khứ. “Chúng tôi biết rằng giai đoạn mà chúng ta đang sống có thể là ấm nhất trong ít nhất 100.000 năm qua”, bà Burgess nói.


Trái Đất ngày càng nóng lên là do hậu quả của hiệu ứng nhà kính. Ảnh minh họa

Một trong những nguyên nhân khiến Trái Đất nóng lên là do tình trạng hiệu ứng nhà kính. Hiệu ứng nhà kính có tên tiếng Anh là “Greenhouse Effect”. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học giải thích, hiệu ứng nhà kính là hiệu ứng làm cho không khí của Trái Đất nóng lên do bức xạ sóng ngắn của Mặt Trời có thể xuyên qua tầng khí quyển chiếu xuống mặt đất và mặt đất hấp thu nóng lên lại bức xạ sóng dài vào khí quyển để CO2 hấp thu làm cho không khí nóng lên.

CO2 trong khí quyển giống như một tầng kính dày bao phủ Trái Đất, làm cho Trái Đất không khác gì một nhà kính lớn. Theo tính toán, nếu không có lớp khí quyển, nhiệt độ trung bình ở lớp bề mặt Trái Đất sẽ xuống tới -230C, nhưng nhiệt độ trung bình thực tế là 150C, có nghĩa là hiệu ứng nhà kính đã làm cho Trái Đất nóng lên 380C.

Ngoài khí CO2 ra, các khí CH4, CFC, SO2, metan, ozôn, các halogen và hơi nước cũng là nguyên nhân tác động và gây lên hiện tượng hiệu ứng nhà kính. Cộng với sự phát triển dân số và công nghiệp với tốc độ gia tăng chóng mặt cũng tác động trực tiếp tới nhiệt độ của Trái Đất.

Theo các chuyên gia, những tác hại mà hiệu ứng nhà kính để lại không ít hệ lụy đến sức khỏe con người, sinh vật và môi trường sống. Do đó cần tăng cường trồng nhiều cây xanh. Đây chính là một trong những công việc tuy đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại là phương pháp vô cùng hiệu quả và được ưu tiên hàng đầu để giảm hiệu ứng nhà kính. Có cây xanh sẽ gia tăng sự hấp thụ khí CO2 thông qua quá trình quang hợp của cây xanh, từ đó, giúp làm giảm lượng khí CO2 trong khí quyển một cách đáng kể, sẽ khắc phục hiệu quả hiệu ứng nhà kính.

Nâng cao ý thức tiết kiệm điện. Điện năng được sản xuất từ việc đốt các nguyên liệu cũng như nhiên liệu hóa thạch. Khi các nguyên – nhiên liệu này đốt sẽ sinh ra một lượng rất lớn CO2 và thải ra môi trường. Không chỉ là nguyên nhân lớn gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn làm tăng hiệu ứng nhà kính ảnh hưởng xấu đến cuộc sống con người, sinh vật.

Sử dụng phương tiện di chuyển bảo vệ môi trường. Thực tế, những phương tiện di chuyển phổ biến nhất hiện nay như xe máy, ô tô,… khi hoạt động sẽ thải ra khí CO2 rất nhiều và gây ô nhiễm môi trường, cũng như tăng hiệu ứng nhà kính. Vì lẽ đó, nếu có thể bạn hãy tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng, đi xe đạp hay đi bộ sẽ là những cách bảo vệ môi trường và trái đất hiệu quả nhất.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đẩy mạnh các công tác truyền thông để bảo vệ môi trường để mỗi người dân tự có ý thức để giảm hiện tượng hiệu ứng nhà kính.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/trai-dat-dang-trong-thoi-ky-nong-nhat-trong-100000-nam–hau-qua-do-hieu-ung-nha-kinh-d220320.html

Sử dụng sợi nấm làm vật liệu cách âm thân thiện với môi trường

Việc sử dụng nấm làm vật liệu trong sản xuất da và bao bì “xanh” đang cho thấy nhiều hứa hẹn.

Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã sử dụng nấm để thiết kế một loại vật liệu thân thiện với môi trường và có khả năng hấp thụ âm thanh hiệu quả.


Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều vật liệu cách âm khác nhau. Vật liệu cách âm chủ yếu được làm bằng vật liệu tổng hợp hoặc vật liệu gốc khoáng.

Tuy nhiên, việc xử lý và tái chế cả hai vật liệu này không hề đơn giản và đặc biệt là có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Xuất phát từ thực tế trên, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Môi trường, An toàn và Năng lượng Fraunhofer của Đức đã sử dụng sợi nấm để chế tạo vật liệu thân thiện với môi trường có khả năng hấp thụ âm thanh.

Phần lớn nấm phát triển dưới dạng các sợi đa bào được gọi là sợi nấm. Sợi nấm là thành phần sinh dưỡng của nấm, được tạo thành từ các cấu trúc giống như sợi chỉ nên được gọi là sợi nấm.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu hoạch sợi nấm được trồng trong phòng thí nghiệm, sau đó bổ sung vào chất nền bao gồm rơm, sợi gỗ và chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất thực phẩm. Hỗn hợp này sau đó được in 3D thành hình dạng mong muốn.

Các sợi nấm tiếp tục phát triển trên khắp bè mặt ma trận ba chiều, tạo thành một chất rắn độc lập. Sau khi đạt độ rắn nhất định, vật liệu được sấy khô trong lò nung ở nhiệt độ cao nhằm ngăn chặn sự phát triển thêm của nấm. Kết quả là vật liệu có cấu trúc ô thoáng xốp “lý tưởng cho mục đích cách âm” ra đời.

Vật liệu mới không chỉ được làm hoàn toàn từ các thành phần tái tạo, có khả năng phân hủy sinh học. Một số thành phần có thể bị loại bỏ tuy nhiên vì được in 3D nên cấu trúc bên trong của vật liệu được tối ưu hóa để hấp thụ âm thanh.

Các nhà khoa học cho biết họ đang lên kế hoạch thực hiện những nghiên cứu sâu rộng hơn nhằm mục đích xác định dạng cấu trúc hoạt động hiệu quả nhất.

Theo Dân trí
https://petrotimes.vn/su-dung-soi-nam-lam-vat-lieu-cach-am-than-thien-voi-moi-truong-596004.html

Xu hướng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam và thế giới

Từ năm 2000, đã bắt đầu làm quen với xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới, một số ít các dự án năng lượng xanh được triển khai ở dạng thử nghiệm.

Kinh tế xanh và xu hướng phát triển kinh tế xanh trên thế giới

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã đưa ra khái niệm về kinh tế xanh như sau: “Nền kinh tế xanh là kết quả mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, nó có ý nghĩa giảm những rủi ro môi trường và khan hiếm sinh thái”. Phát triển một nền kinh tế xanh thực chất là vì con người, đảm bảo phúc lợi cao nhất, đạt mục tiêu công bằng về mặt xã hội và hạn chế tối đa những tác động xấu đến môi trường và hệ sinh thái, giúp tôn tạo, phát triển hệ sinh thái tự nhiên.

Xu hướng phát triển công nghiệp xanh

Xu hướng phát triển công nghiệp xanh tập trung vào 2 mục tiêu chính là hạn chế phát thải khí CO2, hóa chất độc hại từ các khu công nghiệp, khu chế xuất ra ngoài môi trường; đồng thời, nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới, máy móc kỹ thuật mới thân thiện với môi trường.

Phát triển ứng dụng năng lượng sạch trong các ngành công nghiệp

Việc ứng dụng các nguồn năng lượng sạch vào sản xuất công nghiệp như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học đã và đang được nhiều nước, nhất là các nước phát triển đặc biệt quan tâm. Trong xu hướng phát triển công nghiệp xanh, các nước đang tập trung phát triển nhiên liệu biogas. Nhiên liệu biogas là năng lượng tái tạo từ các chất hữu cơ, chất thải chăn nuôi, bùn thải, có thể thay thế điện hay các nhiên liệu đốt trong để vận hành máy móc, dây chuyền sản xuất mà không gây ô nhiễm môi trường. Đây được coi là một nghiên cứu ứng dụng khả thi, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch có hại cho môi trường.

Khuyến khích sản xuất máy móc, thiết bị thân thiện với môi trường

Những thập kỷ gần đây, vấn đề tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường cùng những quy định khắt khe về khí thải đã khiến ngành công nghiệp ô tô đặt ra một câu hỏi: Làm thế nào để sản xuất được động cơ giá thành rẻ, tiết kiệm nhiên liệu, ít gây ô nhiễm môi trường mà vẫn đảm bảo tính năng vận hành? Động cơ điện, năng lượng mặt trời, đã được phát minh, tuy đây là nguồn năng lượng sạch nhưng lại rất khó ứng dụng. Và động cơ hybrid ra đời đã phần nào trả lời cho câu hỏi trên. Tuy động cơ hybrid chưa hoàn toàn “sạch” nhưng động cơ này đã mang lại nhiều giá trị to lớn cho nhân loại. Những chiếc xe ô tô hybrid sử dụng động cơ tổ hợp gồm 1 động cơ điện kết hợp với 1 động cơ đốt trong đã được nghiên cứu sản xuất cho ra thị trường. Động cơ đốt trong với nhiên liệu là xăng hoặc diesel như thông thường, còn động cơ điện hoạt động nhờ dòng điện tái tạo từ động cơ đốt trong hoặc từ nguồn pin trên xe…

Xu hướng phát triển nông nghiệp xanh

Mục tiêu của nông nghiệp xanh là gia tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đồng thời bảo đảm các giá trị “xanh” đối với môi trường và “an toàn” đối với con người. Với công nghệ sinh học, phân bón sinh học, hoạt chất sinh học quản lý sâu bệnh, áp dụng những tiến bộ trong canh tác và nghiên cứu về giống, kỹ năng thâm canh mới, xử lý và chế biến sinh khối, nông nghiệp xanh đang là xu hướng tất yếu ngày nay.

Xu hướng phát triển dịch vụ xanh

Trong lĩnh vực dịch vụ, các quốc gia trên thế giới ngày càng chú trọng xây dựng và khai thác các loại hình dịch vụ gắn với gìn giữ, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường. Du lịch bền vững đang phát triển mạnh mẽ. Nhu cầu tiêu dùng gia tăng, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch triển khai ngày càng đưa ra nhiều chương trình du lịch “xanh”, trong khi các chính phủ cũng đang đẩy mạnh triển khai xây dựng những chính sách nhằm khuyến khích hoạt động du lịch bền vững. Một trong những tiêu chí hàng đầu của du lịch xanh được đưa ra là “Dịch vụ du lịch kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên”.

Xu hướng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam

Tại Việt Nam, kể từ năm 2000, đã bắt đầu làm quen với xu hướng phát triển kinh tế xanh của thế giới, một số ít các dự án năng lượng xanh được triển khai ở dạng thử nghiệm. Sau một thời gian tìm hiểu và học tập kinh nghiệm của các quốc gia về phát triển kinh tế xanh, Việt Nam nghiên cứu và triển khai dự án 3R (Reduce – giảm thiểu, Reuse – tái sử dụng, Recycle – tái chế) quá trình và kết quả nghiên cứu được các chuyên gia nước ngoài đánh giá tốt về mặt lý thuyết. Tiếp nối sự phát triển năng lượng xanh của các quốc gia trên thế giới, hiện nay, Việt Nam đã bắt đầu triển khai các dự án năng lượng sinh học…

Với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa, có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, năng lượng gió phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh là lợi thế sẵn có cho Việt Nam tham gia vào các chương trình mục tiêu thiên niên kỷ để hướng tới xây dựng một “nền kinh tế xanh” phát triển bền vững.

Theo Thanh Thảo/moitruong.com.vn (5/10/2019)

Tạo ra tấm lọc nước từ không khí

Giáo sư một trường đại học đã tạo ra những tấm lọc không khí, giữ lại hơi nước và lọc chúng thành nước uống. Tính đến thời điểm hiện tại, phát minh của ông đã được sử dụng tại hơn 30 quốc gia trên 6 châu lục.

Cody Friesen, phó giáo sư trường đại học Arizona vừa được tặng giải thưởng Lemelson-MIT năm nay cùng khoản tiền 500.000 USD vì phát kiến tạo ra những tấm lọc không khí, giữ lại hơi nước và lọc chúng thành nước uống.


Phát minh này của giáo sư Friesen có thể được lắp đặt ở những nơi hẻo lánh nhất thế giới.

Ông Friesen đã phát minh ra công nghệ này, sáng lập công ty Zero Mass Water tại Phoenix, Arizona. Tính đến thời điểm hiện tại, phát minh của ông đã được sử dụng tại hơn 30 quốc gia trên 6 châu lục.

Ông cho biết, sẽ dùng khoản tiền thưởng của mình để lắp đặt thêm 200 panel lọc nước tại Bahia Hondita, Colombia với sự trợ giúp của Conservetion International. Dự án này sẽ cung cấp cho người dân ở đây mỗi người 3 lít nước sạch hàng ngày.

Cái hay của công nghệ mà ông Friesen phát minh ra, đó là không cần máy bơm, không cần điện năng, cũng không cần cơ sở hạ tầng, nên chúng có thể được lắp đặt ở những nơi hẻo lánh nhất thế giới.

Dùng sức nóng của ánh sáng mặt trời để tách rồi ngưng tụ hơi nước, những panel này có thể lắp được ở những sa mạc với độ ẩm không khí chỉ là 5%. Chúng cũng có thể kết nối với mạng toàn cầu để theo dõi năng suất làm việc.

Giải thưởng thường niên này được tổ chức để “vinh danh những cá nhân biến đổi ý tưởng thành phát minh để cải thiện thế giới mà chúng ta sống”.

Trước đó, công nghệ của ông Friesen và Zero Mass Water đã giúp được những nạn nhân của cơn bão Maria ở Puerto Rico có được nguồn nước sạch.

Thêm vào đó, hệ thống lọc nước ở bệnh viện nhi Tây Ấn vùng Caribbean đã sản xuất 2.550 lít nước sạch mỗi tháng, thay thế cho hơn 5.000 chai nhựa đựng nước tinh khiết loại nửa lít.

Theo Khánh Ly/moitruong.com.vn/Tinhte (25/9/2019)

Phát minh “xanh” biến khí nhà kính thành nhiên liệu lỏng

Một lò phản ứng điện phân được xây dựng tại Đại học Rice đã tái chế thành công carbon dioxide để tạo ra nhiên liệu lỏng tinh khiết có thể sử dụng trong năng lượng điện.

Các nhà khoa học hy vọng phát minh này sẽ hiệu quả trong việc tái sử dụng khí carbon dioxide và giúp trái đất thoát khỏi hiệu ứng nhà kính.


Phát mình này làm giảm carbon dioxide trong khí quyển và biến nó thành nhiên liệu có giá trị.

Carbon dioxide, tên hóa học là CO2, là loại khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân làm cho trái đất nóng lên.

Lò phản ứng này được phát triển bởi Phòng thí nghiệm của kỹ sư hóa học và phân tử sinh học Haotian Wang, sử dụng carbon dioxide làm nguyên liệu tạo ra axit formic có độ tinh khiết cao.

Trước đây, axit formic được sản xuất bởi các thiết bị carbon dioxide truyền thống cần các bước thanh lọc tốn nhiều chi phí và năng lượng, Wang nói. Việc sản xuất trực tiếp nhiên liệu axit formic tinh khiết sẽ giúp thúc đẩy các công nghệ chuyển đổi carbon dioxide thương mại.

Wang đã gia nhập Trường Kỹ thuật Brown thuộc Đại học Rice vào tháng 1. Nhóm của ông theo đuổi các công nghệ biến khí nhà kính thành các sản phẩm hữu ích.

Qua các thử nghiệm, các nhà khoa học đã đạt hiệu suất chuyển đổi năng lượng khoảng 42%. Điều đó có nghĩa là gần một nửa năng lượng điện có thể được lưu trữ trong axit formic làm nhiên liệu lỏng.

“Axit formic là chất mang năng lượng. Pin nhiên liệu từ axit formic có thể tạo ra điện và phát thải carbon dioxide, thứ mà bạn có thể lấy và tái chế một lần nữa”, Wang nói.

“Nó cũng là nền tảng trong ngành công nghiệp kỹ thuật hóa học, làm nguyên liệu cho các hóa chất khác và là vật liệu lưu trữ cho hydro. Nó có thể nén khí hydro gấp gần 1.000 lần thể tích, mà điều đó đang là một thách thức lớn đối với những chiếc xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro”, Wang cho biết.

Theo Wang, việc giảm lượng khí carbon dioxide rất quan trọng bởi nó là tác nhân gây nên sự nóng lên toàn cầu. Giờ đây chúng ta có thể tạo ra một vòng khép kín biến carbon dioxide thành một năng lượng quan trọng mà không phát sinh ra thêm nó.

Theo moitruong.com.vn/Nhandan

Smartphone – kẻ tội đồ phá hủy môi trường sống

Với mức tăng phi mã do nhu cầu luôn muốn đổi máy mới của người dùng và chân lý bán càng nhiều hàng càng tốt từ nhà sản xuất, điện thoại di động đang là thiết bị có đóng góp nhiều nhất trong việc thải carbon ra môi trường sống.

Thiết bị nhỏ nhưng mối lo rất to

Với hầu hết mọi hoạt động công nghiệp của con người ngày nay đều phát ra khí thải nhà kính, nên cũng không quá ngạc nhiên khi biết rằng việc sản xuất và sử dụng điện thoại thông minh cũng để lại nhiều dấu ấn xấu cho trái đất, bao gồm thải khí carbon, sử dụng và phá hủy tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, với smartphone mọi thứ trông càng tệ hơn vì quy mô và tốc độ ảnh hưởng đang tăng nhanh chóng, dấy lên nhiều điều đáng lo ngại.

Năm 2007, riêng ngành công nghệ thông tin (CNTT), bao gồm máy tính (để bàn và xách tay), điện thoại, tablet và các hạ tầng viễn thông như trạm phát sóng, bộ định tuyến (router) và các trung tâm dữ liệu đã đóng góp khoảng 1,3% tổng lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Mặc dù con số này có vẻ thấp nhưng nó sẽ tăng gần như gấp đôi lên 2,5% vào năm 2020 theo một nghiên cứu năm 2018 từ trường Đại học McMaster của Canada.

Nếu không được kiểm soát, con số này dễ dàng đạt 14% vào năm 2040, tương đương với hơn một nửa lượng khí thải trên toàn thế giới của cả ngành vận tải và điều này sẽ khiến ngành CNTT trở thành ngành công nghệ gây hại môi trường bậc nhất.

Điều đáng buồn, thiết bị đóng góp nhiều nhất cho việc thải carbon ra môi trường của ngành CNTT lại là thiết bị rất thân quen, mang lại nhiều tiện ích cho cuộc sống chúng ta mỗi ngày – điện thoại thông minh.

Xuất phát điểm với mục đích chính là giúp con người tự do liên lạc ở bất cứ nơi đâu, điện thoại đã trải qua một loạt thay đổi mang tính cách mạng và giờ đây, nó đóng vai trò là một thiết bị đa năng, bao gồm liên lạc (qua rất nhiều cách, chứ không chỉ có gọi điện và nhận cuộc gọi truyền thống), lưu trữ dữ liệu, truy cập thông tin, mua hàng và vô số tính năng khác đang ngày được thêm vào và mở rộng liên tục bởi các kỹ sư công nghệ và các nhà sản xuất.

Sự đa năng của smartphone khiến nó trở thành một vật bất ly thân của hàng chục triệu người trên toàn thế giới, khiến các hoạt động có liên quan smartphone, bao gồm việc sản xuất ra nó, dự đoán sẽ tạo ra một lượng khí thải carbon ở mức 11% trong tổng số lượng khí thải của ngành CNTT vào năm 2020, tương đương 124 triệu tấn CO2, vượt qua mức của máy tính và màn hình.

Lượng khí thải carbon từ điện thoại thông minh không chỉ từ việc sản xuất, mà ngay cả việc sử dụng chúng mỗi ngày. Một nghiên cứu vào năm 2014 đã dự đoán rằng vào năm 2019 này, lượng khí nhà kính thải ra từ việc sạc smartphone sẽ hơn 13 triệu tấn, tương đương với lượng khí thải của 1,1 triệu ô tô.

Chưa dừng lại ở đó, một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy việc xem 1 giờ video trên điện thoại thông minh mỗi tuần trong một năm sẽ tiêu tốn cùng một lượng năng lượng như hai tủ lạnh chạy trong 1 năm. Vì sao có thể lớn đến như vậy? Vì năng lượng tiêu thụ này không chỉ bắt nguồn từ pin của chiếc smartphone mà còn bởi các cơ sở hạ tầng, nơi diễn ra một loạt các hoạt động nền để thực hiện các tác vụ trên điện thoại. Do hầu hết năng lượng để duy trì hạ tầng này được cung cấp từ các nguồn năng lượng không thể tái tạo nên việc sử dụng điện thoại thông minh, nếu không được kiểm soát, chắc chắn sẽ tạo ra sự phát triển không bền vững.

Đáng lưu ý, quá trình sản xuất smartphone chiếm khoảng 85% đến 95% tổng lượng khí thải carbon phát sinh từ thiết bị này. Trong một báo cáo của tổ chức Greenpeace của Mỹ, người ta thấy rằng từ năm 2007 đến 2017, việc sản xuất điện thoại thông minh toàn cầu đã sử dụng khoảng 968 TWh (Terawatt giờ), con số này tương đương với lượng năng lượng toàn bộ quốc gia lớn thứ 2 về dân số là Ấn Độ đã tiêu thụ trong năm 2014. Con số 968 TWh đó được bắt nguồn phần lớn từ nhiên liệu hóa thạch và khoảng 67% trong số đó có nguồn gốc từ than đá.

Để sản xuất ra một chiếc smartphone hoàn chỉnh, người ta khai thác và sử dụng nhiều chất liệu và đây là một quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng. Một loạt các chất liệu điển hình có thể kể đến như nhôm, đồng, coban, vonfram, bạc, vàng, neodymium, indium, palladium và gallium. Chip và bo mạch là 2 thành phần chứa phần lớn các chất liệu cần tốn nhiều năng lượng nhất để khai thác.

Hãy là người dùng thông minh, có ý thức bảo vệ môi trường sống

Về phía người người dùng cuối, khoảng 78% doanh số điện thoại thông minh đến từ người mua một chiếc điện thoại mới để thay thế thiết bị họ đang sử dụng. Con số này phản ánh văn hóa thoải mái vứt bỏ đồ cũ dù chúng vẫn còn sử dụng tốt tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Một phần lớn văn hoá này được thúc đẩy và tiêm nhiễm vào ý thức người dùng thông qua nỗ lực quảng cáo với kinh phí khổng lồ từ cả nhà sản xuất smartphone lẫn nhà cung cấp dịch vụ di động, nhằm đẩy mạnh doanh thu hàng năm phải tăng liên tục.

Các thương hiệu lớn thường tung ra các mẫu mới để lôi kéo người tiêu dùng thay đổi smartphone của họ. Thậm chí tệ hơn, một số nhà sản xuất còn phân phối ra các bản cập nhật phần mềm làm chậm hiệu suất hoạt động điện thoại, điều mà cả Apple và Samsung đã bị phạt vào năm 2018, nhằm tăng thêm lý do để người dùng phải “ngoan ngoãn” mua điện thoại mới.

Hậu quả của những chiến thuật này là vấn đề ngày càng tăng của chất thải điện tử. Đây là loại rác gia tăng nhanh nhất về số lượng hiện nay, gấp đôi so với nhựa. Trong năm 2021, dự kiến ​​sẽ có hơn 50 triệu tấn chất thải điện tử mà loài người phải đau đầu xử lý.

Hầu hết chúng ta đều cần một chiếc smartphone bên mình để hỗ trợ và giải trí trong cuộc sống hàng ngày vì sự đa năng và tiện dụng của nó. Chúng ta nên là người tiêu dùng có trách nhiệm bằng cách sử dụng điện thoại thông minh của mình lâu nhất có thể và tái sử dụng chúng bằng cách gửi tặng cho bạn bè, người thân hoặc sử dụng với mục đích khác (biến chiếc smartphone cũ thành máy phát nhạc, camera an ninh…).

Các nhà sản xuất cần hỗ trợ và nỗ lực nghiên cứu các công nghệ có thể tái sử dụng các vật liệu có giá trị bên trong những chiếc smartphone cũ, giúp cho thị trường điện thoại thông minh phát triển bền vững hơn. Những thay đổi, cải thiện mới trên những phiên bản trong tương lai nên tập trung thêm về những yếu tố thân thiện môi trường, chứ không chỉ quá tập trung vào lợi nhuận, từ đó các nguồn lực có giá trị mới có thể được sử dụng hiệu quả.

Theo moitruong.com.vn/Thegioiso (2/9/2019)