SXSH mang lại những lợi ích gì cho ngành dệt?

Trong thời gian gần đây, sản xuất sạch hơn (SXSH) nổi lên như một phương thức hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề môi trường do quá trình công nghiệp hoá nhanh gây ra và đã được chấp nhận trên toàn cầu. Vậy áp dụng SXSH sẽ mang lại những lợi ích gì cho các doanh nghiệp ngành dệt?.

Ngành dệt có đặc điểm là sử dụng rất nhiều các nguồn tài nguyên như nước, nhiên liệu, thuốc nhuộm và các loại hoá chất, lại kết hợp với hiệu suất quá trình ở mức thấp đã dẫn tới sự lãng phí rất lớn các nguồn tài nguyên. Trong bối cảnh đó, khái niệm về SXSH là rất phù hợp với ngành công nghiệp này.

Do những thách thức rất lớn nảy sinh từ quá trình toàn cầu hoá thương mại và tự do hoá xuất nhập khẩu, sự cạnh tranh trong ngành dệt đang ngày càng tăng, hiện nay, sự tăng trưởng và tồn tại của các công ty ngành dệt phụ thuộc rất nhiều vào việc làm sao để chi phí sản xuất phải nhỏ nhất. Trong khi, các hoá chất và năng lượng chiếm hơn 70% tổng chi phí sản xuất trong ngành dệt, nên việc giảm mức sử dụng các đầu vào này giữ vai trò quan trọng.

Ngành dệt có đặc điểm là sử dụng rất nhiều các nguồn tài nguyên như nước, nhiên liệu, thuốc nhuộm và các loại hoá chất…

Bên cạnh đó, việc giảm lượng chất thải được sinh ra cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vì các yêu cầu đối với việc xây dựng các trạm xử lý phức tạp và tốn kém nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn theo luật định cũng sẽ giảm đi.

Theo đó, việc triển khai SXSH sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp dệt, cụ thể như:

Bảo toàn hoá chất và chất trợ

Ngành công nghiệp dệt sử dụng rất nhiều loại hoá chất và chất trợ với khối lượng khổng lồ. Một công ty dệt điển hình thường tiêu thụ khoảng 350 đến 500kg các hoá chất cho một tấn vải. Không giống như nhiều ngành sản xuất khác, trong ngành dệt chỉ có khoảng 15 đến 20% các hoá chất sử dụng trong quá trình xử lý sẽ lưu lại trên sản phẩm, lượng còn lại đi vào môi trường dưới dạng chất thải.

Chưa tính đến chi phí cho hoá chất ngày càng tăng lên và tải lượng ô nhiễm ở mức cao do các loại hoá chất gây ra, các đơn vị trong ngành này không thể tiếp tục để thất thoát các chất này dưới dạng chất thải. Các doanh nghiệp có thể giảm đáng kể suất tiêu thụ các hoá chất và chất trợ nhờ áp dụng kỹ thuật SXSH, chẳng hạn: tái sử dụng các dịch nhuộm (nhuộm polyester với thuốc nhuộm phân tán), trong đó còn chứa tới 80 – 95% lượng hoá chất phụ trợ đã được thêm vào vẫn chưa tận trích để chuẩn bị dịch nhuộm cho mẻ sau.

Bảo toàn nước

Công nghiệp dệt là ngành sử dụng rất nhiều nước. Tỉ lệ về lượng nước tiêu hao so với lượng vải sản xuất rất cao, dao động trong khoảng 15 – 20m3 cho 1.000m vải. Ứng dụng các kỹ thuật SXSH sẽ giúp bảo toàn nước, tuần hoàn và tái sử dụng nước và cuối cùng là giảm đáng kể suất tiêu hao nước cho một đơn vị sản phẩm.

Bảo toàn năng lượng

Ngành công nghiệp dệt sử dụng cả nhiệt năng và điện năng, và các dạng năng lượng này chiếm tới 15 đến 20% tổng dòng thải, nếu không được xử lý trước khi xả thải, sẽ gây ra những nguy hại trầm trọng cho môi trường. Các khí thải do quá trình đốt cháy nhiên liệu sinh ra cũng gây ô nhiễm không khí. Việc xử lý nước thải từ các nhà máy dệt đang đối mặt với hai vấn đề lớn, đó là:

Thể tích dòng thải lớn đòi hỏi phải có những công trình xử lý lớn và đắt tiền. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì đây là vấn đề quan trọng hàng đầu vì họ thiếu cả địa điểm để xây dựng công trình và kinh phí.

Với đặc tính “khó xử lý” khiến cho việc xử lý trở nên rất phức tạp về mặt kỹ thuật và tốn thời gian.

Do đó, bước đầu tiên trong việc giải quyết các vấn đề môi trường là giảm lượng chất thải phát sinh. Điều này đòi hỏi phải nỗ lực để giảm thiểu lãng phí các loại hoá chất và chất trợ nhằm giảm độc tính và độ phức tạp khi xử lý các dòng thải.

Áp dụng SXSH là hướng tới mục đích đáp ứng cả hai yêu cầu này, tạo điều kiện thuận lợi để quá trình xử lý chất thải ở mức chi phí thấp hơn cũng như đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quy định.

Áp lực từ cộng đồng

Ngành công nghiệp Việt Nam mà đặc biệt là ngành công nghiệp dệt đang phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Đó là song song với việc ngày càng có nhiều các công ty Nhà nước mở cửa chào đón các đối tác là công ty tư nhân thì nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường cũng tăng đáng kể.

Ngành công nghiệp dệt sử dụng cả nhiệt năng và điện năng, và các dạng năng lượng này chiếm tới 15 đến 20% tổng dòng thải.

Các tổ chức phi chính phủ về bảo vệ môi trường cũng bắt đầu xuất hiện, không chỉ là để nâng cao sự hiểu biết về lĩnh vực này, mà còn đóng vai trò như những nhà giám sát đối với các cơ sở gây ô nhiễm. Các dòng thải từ các công ty dệt đều có độ màu lớn do chứa lượng thuốc nhuộm và pigment chưa được tận trích. Điều này đã khiến dư luận quan tâm chặt chẽ đến các vấn đề môi trường của ngành dệt. Vì thế, áp lực tạo ra đối với ngành ngày càng tăng lên trong việc quản lý dòng thải, kể cả khi chỉ với một lượng nhỏ. Ngành công nghiệp dệt hiện nay không thể tách ra ngoài mối quan tâm của các nhóm áp lực, nên phải có những biện pháp tích cực nhằm giảm nhẹ tác động ô nhiễm môi trường.

Các yêu cầu của thị trường xuất khẩu

Do ngành công nghiệp dệt đóng góp rất lớn vào xuất khẩu của cả nước nên doanh nghiệp cần phải quan tâm tới các yếu tố giúp xúc tiến thị trường xuất khẩu. Ngành này sử dụng rất nhiều loại hoá chất và thuốc nhuộm, mà rất nhiều trong số đó về bản chất là có độc tính. Một số nước châu Âu, bên cạnh việc áp dụng lệnh cấm đối với việc sản xuất và sử dụng các hoá chất và thuốc nhuộm độc hại tại chính đất nước của họ, thì việc nhập khẩu các mặt hàng có sử dụng các hoá chất này trong quá trình sản xuất cũng bị cấm. Rất nhiều quốc gia khác trong tương lai cũng sẽ thi hành các lệnh hạn chế tương tự.

Vì lý do này, để có thể tồn tại được trong thị trường xuất khẩu, vấn đề cấp bách hiện nay của ngành là cần phải tránh sử dụng các hoá chất độc hại. Áp dụng SXSH sẽ hỗ trợ đắc lực bởi vì mục tiêu của tiếp cận này cũng chính là tìm ra các giải pháp thay thế có tính thân thiện với môi trường đối với các hoá chất độc hại.

Thêm vào đó, khách hàng ở các quốc gia phát triển ngày một quan tâm nhiều hơn về môi trường, nên ngành dệt cần phải có hệ thống quản lý môi trường phù hợp. Trong các trường hợp này, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải có một sự chuyển dịch đúng đắn là xây dựng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001. SXSH sẽ rất hữu ích vì giúp doanh nghiệp thu thập dữ liệu, cải tiến hệ thống tài liệu, và phát triển một hệ thống quản lý môi trường – điều kiện đầu tiên cần phải có để được cấp chứng nhận ISO 14001.

Giúp công ty tăng thị phần

SXSH được sử dụng như một công cụ nhằm cải thiện hình ảnh của công ty trước cộng đồng thông qua các bước thực hiện nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường. Một khi SXSH trở thành một phần không tách rời trong các hoạt động của công ty thì các tuyên bố như “Sản xuất trong môi trường xanh” hay “Sản phẩm xanh/ Sản phẩm sinh thái” cũng có thể sử dụng nhằm gia tăng thị phần của sản phẩm và mức độ chấp nhận của xã hội đối với sản phẩm.

Giảm chi phí sản xuất và giảm tải lượng ô nhiễm

Thực tế cho thấy, lượng lớn chất thải sinh ra trong sản xuất dệt có thể quy vào một số lý do như công nghệ lạc hậu và kém hiệu quả, nhân lực thiếu đào tạo, hoạt động bảo dưỡng và vận hành không đúng cách, thiếu kế hoạch sản xuất hợp lý, thiếu tài liệu tham khảo về SXSH… Ngoài ra, trong số các nhà sản xuất vẫn có một quan niệm chung là “dùng dư nhiều hoá chất sẽ có thể nâng cao chất lượng quá trình”. Điều này không chỉ gây ra việc tăng mức tiêu thụ các nguồn tài nguyên mà còn khiến cho lượng chất thải sinh ra nhiều hơn. “Chất thải kéo theo nhiều chất thải hơn” chính là sự mô tả về các trường hợp này. Hệ quả là không chỉ làm giảm khả năng sinh lợi của công ty và thậm chí đôi khi dẫn tới chất lượng sản xuất dưới mức tiêu chuẩn.

Lượng lớn chất thải sinh ra trong sản xuất dệt có thể quy vào một số lý do như công nghệ lạc hậu và kém hiệu quả, nhân lực thiếu đào tạo, hoạt động bảo dưỡng và vận hành không đúng cách…

Hơn nữa, như đã đề cập ở trên, chỉ có một số phần trăm rất nhỏ hoá chất thêm vào trong quá trình sản xuất được tận dụng và phần còn lại thì sẽ đi vào môi trường theo dòng chất thải. Do vậy mà mức độ tác động tới môi trường của ngành này là rất cao.

Kết quả từ thực tiễn cho thấy, bằng việc sử dụng hiệu quả các loại vật liệu và năng lượng, khả năng tiết kiệm chi phí của doanh nghiệp có thể đạt đến mức 100 USD/tấn thông qua áp dụng SXSH.

Cũng nhờ thực hiện các giải pháp SXSH với chi phí thấp và trung bình, các công ty dệt của Việt Nam có thể đạt mức lợi nhuận từ 50-80 USD/tấn sản phẩm và giảm đáng kể tải lượng ô nhiễm, cũng như cải thiện môi trường làm việc.

VNCPC