Sử dụng và quản lý hoá chất: Thách thức lớn đối với DNVVN
Hoá chất có vai trò quan trọng trong sản xuất công nghiệp và hiện diện trong hầu hết các cơ sở sản xuất. Song sử dụng và quản lý hóa chất thế nào cho hiệu quả vẫn là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN).
Hiện nay, có khoảng 100.000 chất đang được sử dụng phổ biến trong quá trình sản xuất ở các doanh nghiệp. Trong đó, có khoảng 8.000 hóa chất thương phẩm thuộc loại độc hại và mỗi năm có thêm khoảng 1.000 hóa chất mới được ra đời.
Ở Việt Nam, lượng hóa chất sử dụng hàng năm lên tới hơn 9 triệu tấn. Hầu như tất cả doanh nghiệp đều đang sử dụng ít nhất một loại hoá chất nào đó, doanh nghiệp nhiều có thể lên tới vài chục loại hoá chất khác nhau. Lượng và loại hoá chất trong từng ngành sản xuất công nghiệp là khác nhau, chẳng hạn sản xuất giấy cần các loại hoá chất như NaOH, NaCO3, H2O2, Al2(SO4)3.18H2O, ClO2, Cl2,CaO, NaSiO3 (hoá chất khử mực), Na2O4S2… với lượng từ 70 – 150 kg/tấn sản phẩm.
Hiện nay, có khoảng 100.000 chất đang được sử dụng phổ biến trong quá trình sản xuất ở các doanh nghiệp.
Đối với các cơ sở dệt, nhuộm lượng hoá chất các loại sử dụng để xử lý trước và xử lý hoàn tất vải có thể từ 500 – 2.000 kg/tấn sản phẩm, trong đó có cả hoá chất dạng vô, hữu cơ là axit, kiềm, dung môi và các loại muối khác nhau. Tuy nhiên, những hoạt động liên quan đến hoá chất luôn tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người, an ninh xã hội và môi trường.
Các chất hóa học có thể gây ra những tác động:
– Vật lý như gây cháy, nổ, gây chấn thương cho người và thiệt hại cơ sở vật chất;
– Ăn mòn thiết bị, đường ống làm máy móc xuống cấp, hư hỏng;
– Ô nhiễm môi trường do hóa chất phát tán, bị tràn, rò rỉ hay hóa chất bị tồn kho, kém chất lượng thải bỏ;
– Ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động do hàng ngày tiếp xúc với hoá chất (gây các bệnh như ung thư, lao phổi, nhiễm độc, bỏng da…);
Vì sao các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần thực hiện quản lý hóa chất?
Đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động ở nước ta thường hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân lực có kỹ năng. Phải đối mặt với những khó khăn và vật lộn để tồn tại nên họ thường chỉ chú trọng tới việc sản xuất và bán sản phẩm của mình. Việc thực hiện quản lý hóa chất do vậy thường không được ưu tiên trong danh mục các hoạt động quản lý của công ty.
Hơn nữa, trong các doanh nghiệp hoạt động ở quy mô hộ gia đình và được quản lý theo kiểu gia đình với việc chuyển giao các kiến thức và kinh nghiệm mang tính cha truyền con nối, việc tiếp cận với các nguồn thông tin hiện đại về lưu giữ, xử lý, sử dụng đúng cách và đánh giá rủi ro liên quan đến hóa chất là rất khó. Do những hạn chế này, nhiều công ty có xu hướng phản ứng rất thụ động đối với công tác quản lý hóa chất. Nghĩa là, họ chỉ quan tâm đến công tác này chỉ sau khi có các sự cố xảy ra hay vấn đề liên quan đến sử dụng hóa chất trong sản xuất ở doanh nghiệp mình.
Khi thực hiện quản lý hóa chất các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường có những trở ngại:
– Thiếu thông tin về chất lượng, số lượng, đặc tính về mức độ độc hại của tất cả các hóa chất đang được sử dụng;
– Mua hóa chất có chất lượng kém hoặc không có đủ những tính chất cần cho sản xuất;
– Hóa chất không được dán nhãn, không nhận biết được hóa chất;
– Hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân lực;
– Không có quy định quản lý tốt hệ thống thông tin và tư liệu;
– Chưa ưu tiên đúng mức cho công tác quản lý hóa chất;
– Tuy nhiên, nếu suy nghĩ về hoá chất sử dụng ở cơ sở sản xuất, chắc chắn doanh nghiệp sẽ nhận ra:
Sử dụng hóa chất thường là nhằm mục tiêu đảm bảo đạt được những đặc tính kỹ thuật cũng như chất lượng nhất định của các sản phẩm. Song phần lớn lượng hoá chất cần được loại bỏ trước khi cho ra sản phẩm cuối ví dụ như đối với sản phẩm dệt may chỉ có một phần thuốc nhuộm được giữ lại trên sản phẩm, còn lượng lớn hoá chất (70 – 85%) phải thải bỏ trong các quá trình giặt sau mỗi công đoạn xử lý ướt hay trong công nghệ mạ điện hiệu quả sử dụng hoá chất không cao, mạ crôm chỉ khoảng 15 – 40%. Hóa chất thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và phá hủy môi trường sinh thái.
Sử dụng hóa chất thường là nhằm mục tiêu đảm bảo đạt được những đặc tính kỹ thuật cũng như chất lượng nhất định của các sản phẩm.
Chi phí cho hóa chất chiếm một phần đáng kể trong tổng chi phí sản xuất của các công ty,đặc biệt như trong dệt nhuộm, sản xuất giấy và bột giấy, gia công kim loại… chi phí cho hoá chất chiếm 25 – 30% tổng chi phí sản xuất. Như vậy, doanh nghiệp cần phải có chiến lược quản lý hoá chất cho cơ sở sản xuất của mình.
Những lợi ích đem lại cho doanh nghiệp khi quản lý hoá chất hiệu quả, đó là:
– Giảm chi phí sản xuất thông qua bất kỳ biện pháp nào có thể làm giảm lượng thất thoát, lãng phí hóa chất cũng như tránh để hóa chất bị nhiễm bẩn, bị quá hạn sử dụng cũng sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho công ty và đồng thời giúp giảm tác động môi trường gây bởi hoạt động sản xuất của công ty.
– Tăng lợi thế cạnh tranh do yêu cầu và nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm và môi trường ngày càng cao, dẫn đến việc hình thành những yêu cầu mới, ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các nhà sản xuất và cung cấp hàng hóa trên thị trường nội địa và quốc tế. Bằng cách nhận biết và giảm sử dụng các hóa chất bị cấm và các hóa chất độc hại, doanh nghiệp tránh được sự phàn nàn của khách hàng và có thể nâng cao vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường.
– Nâng cao an toàn và sức khỏe công nhân thông qua quản lý, bảo quản và sử dụng hoá chất hợp lý sẽ giảm được các rủi ro về nhiễm độc, gây bệnh nghề nghiệp hay các vụ cháy nổ. Nâng cao sức khỏe cho người lao động và thúc đẩy động lực làm việc, tăng năng suất và giảm nghỉ việc do ốm đau, hoặc chấn thương.
Cách quản lý hiệu quả hoá chất trong doanh nghiệp vừa và nhỏ
Để quản lý hiệu quả hóa chất, cách tiếp cận theo hướng chiến lược phòng ngừa hay sản xuất sạch hơn sẽ giúp doanh nghiệp phòng tránh được các sự cố và giảm đáng kể những chi phí liên quan đến việc giải quyết các sự cố khi chúng xảy ra. Cách tiếp cận mang tính phòng ngừa sẽ giúp công ty khắc phục được những điểm yếu và giải quyết được khó khăn ngay từ giai đoạn đầu.
VNCPC (Tổng hợp)