Rác thải hạt nhân: “Quả bom nổ chậm” trong tương lai
Thị trấn Eurajoki nằm trên đảo Olkiluoto, cách thủ đô Helsinki của Phần Lan 30 phút chạy xe, đang là nơi được triển khai xây dựng “nghĩa địa hạt nhân”.
Đến Eurajoki, người ta có cảm giác như đang lạc vào một khu bảo tồn sinh thái tự nhiên. Nhưng trong lòng đất nơi yên bình đó, “nghĩa địa hạt nhân” khổng lồ đầu tiên trên thế giới có tên gọi Onkalo đang được xây dựng.
Onkalo được khởi công xây dựng vào đầu năm 2017 ở độ sâu 400-450m dưới lòng đất. Theo thiết kế, các đường hầm trong Onkalo dài tổng cộng 60km. Theo các chuyên gia địa chất Phần Lan, nền đá granit ở vùng này có niên đại gần 2 tỷ năm, trải qua vài thời kỳ băng hà, xung chấn gần như bằng 0, nên là khu vực địa chất ổn định, lý tưởng để chôn các container chứa rác thải hạt nhân. Tuy nhiên, Posiva – cơ quan quản lý rác thải hạt nhân của 2 nhà máy điện nguyên tử Olkiluoto và Loviisa, đang xây Onkalo – mới được chính phủ Phần Lan cấp phép xây dựng đường hầm chứ chưa có giấy phép chôn lấp rác thải hạt nhân.
Nếu được cấp phép chôn lấp, Onkalo sẽ là nơi chứa 5.500 tấn rác thải hạt nhân có nồng độ phóng xạ cao, từ giữa những năm 2020 đến khoảng năm 2100. Onkalo được thiết kế để tồn tại nguyên vẹn trong vòng ít nhất 100.000 năm, tương đương với thời gian sống của 4.000 thế hệ con người hay nhiều gấp 25 lần độ tuổi của các kim tự tháp Ai Cập cổ đại. Theo tính toán của các chuyên gia, thời gian đó đủ lâu để các chất phóng xạ trở nên vô hại.
Tuy nhiên, các nhà bảo vệ môi trường lại có cách nghĩ khác. Theo tổ chức Hòa Bình Xanh, tất cả công đoạn sản xuất điện nguyên tử đều thải chất phóng xạ độc hại: uranium (95%) và plutonium (1%) có thể tái sử dụng, 4% chất thải hạt nhân còn lại là không thể tái sử dụng. Ngay cả quá trình xử lý rác thải hạt nhân để tái sử dụng cũng gây ô nhiễm nặng. Việc sản xuất điện nguyên tử là ngành công nghiệp gây ô nhiễm nặng nề nhất và để lại cho nhiều thế hệ tương lai một loại rác thải nguy hiểm vô cùng và khó xử lý.
Xây dựng “nghĩa địa hạt nhân” tại Onkalo.
Nhiều thập niên nghiên cứu và những khoản đầu tư khổng lồ vẫn chưa mang lại cho con người một giải pháp xử lý rác thải hạt nhân triệt để. Việc chuyển đổi các chất phóng xạ tồn tại lâu dài trong tự nhiên thành chất phóng xạ dễ phân rã trong tự nhiên cho tới nay vẫn chỉ là mơ ước của các chuyên gia hạt nhân, do khả năng trở thành hiện thực rất xa vời và chi phí không hề nhỏ.
Tại nhiều nước khác, rác thải hạt nhân tại Pháp được lưu trữ tạm thời ngay trong các nhà máy điện hạt nhân. Ngoài ra, 10.000 tấn nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng cũng được chứa tạm thời trong trung tâm xử lý rác thải hạt nhân Le Hague, cơ sở xử lý rác thải hạt nhân lớn nhất châu Âu và thuộc hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, trong năm 2017, điều tra của Hòa Bình Xanh cho thấy các bể làm nguội thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại các nhà máy điện hạt nhân cũng như ở nhà máy xử lý chất thải hạt nhân Le Hague không được đảm bảo an toàn chặt chẽ như các lò phản ứng, chẳng hạn dễ bị nguy cơ tấn công khủng bố. Thêm vào đó, trung tâm Le Hague chỉ được khai thác đến năm 2030. Thông thường, một cơ sở như La Hague chỉ được sử dụng trong vòng 40 năm. Còn sau đó phải làm thế nào?
Hiện nay, do thiếu giải pháp, chôn lấp vĩnh viễn thật sâu trong lòng đất rác thải hạt nhân có nồng độ phóng xạ cao dường như được coi là phương pháp xử lý rác thải hạt nhân tối ưu và được nhiều quốc gia hướng tới. Giới nghiên cứu hiện đang tập trung vào 3 phương pháp chôn lấp: trong lòng lớp đá granit (Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc), trong môi trường trầm tích, nhất là đất sét (Bỉ, Thụy Sĩ) hoặc lưu trữ bằng muối, chẳng hạn trong các mỏ muối (Hoa Kỳ, Đức).
Theo Saigondautu.com.vn