Quỹ Ủy thác Tín dụng Xanh (Thụy Sĩ) bảo lãnh tín dụng đến 1 triệu USD cho SXSH
Bà Nguyễn Lê Hằng, điều phối viên GCTF tại Việt Nam cho biết, GCTF sẽ bảo lãnh đến 50% tổng giá trị khoản vay từ ngân hàng cho DN (khi DN cần vay để đổi mới dây chuyền, thiết bị sản xuất sạch hơn, cải thiện môi trường…) và thưởng đến 25% tổng giá trị khoản vay khi dự án đạt trên 50% mức độ cải thiện môi trường, thưởng 15% khi đạt trên 30% mức độ cải thiện môi trường. Mức thưởng tối đa một dự án là 200 ngàn USD. Thời gian GCTF cho vay một dự án kéo dài từ 2-3 năm và có thể hỗ trợ bảo đảm tín dụng từ 10 ngàn USD đến 1 triệu USD cho một dự án. Tuy nhiên, GCTF không can thiệp vào chính sách lãi suất của các ngân hàng và lãi suất này do DN thỏa thuận với ngân hàng.
Triển khai tại Việt Nam, GCTF có 4 phía tham gia là các ngân hàng thương mại Việt Nam (ACB, Techcombank, VIBank), Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC), Trung tâm tham vấn tại Thuỵ Sĩ và Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ. Ba ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ đánh giá DN về hiện trạng tài chính, đàm phán, thiết lập điều kiện vay (lãi suất, thời hạn vay, các điều khoản…), giải ngân và thu hồi vốn vay, khai thác khách hàng mới. Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam sẽ thẩm định dự án của DN về mặt kỹ thuật để xác định tính khả thi của dự án, tư vấn cho ngân hàng về tài chính của công nghệ sản xuất sạch hơn trong dự án và các vấn đề tác động đến môi trường, kiểm tra, đánh giá hiệu quả của dự án để xác định mức trả thưởng. Trung tâm tham vấn tại Thuỵ Sĩ sẽ tư vấn cho VNCPC về kỹ thuật đối với các dự án có giá trị tín dụng trên 100 ngàn USD. Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sĩ phát hành thư tín dụng, chuyển tiền cho 3 ngân hàng Việt Nam thông qua RBC (Royal Bank of Canada).
Tại Việt Nam, GCTF tập trung vào hỗ trợ các DN vừa và nhỏ có vốn điều lệ dưới 5 triệu USD và số nhân viên dưới 1 ngàn người. Nhưng GCTF vẫn hỗ trợ đối với các công ty lớn, đang dẫn đầu trong một lĩnh vực có nhiều DN tương tự quy mô nhỏ hơn đang hoạt động, để có thể nhân rộng mô hình cải thiện môi trường sau khi thành công.
Theo bà Hằng, muốn tham dự vào GCTF, DN phải có ít nhất 51% quyền sở hữu trong nước, DN không phải là một phần của một công ty đa quốc gia, DN đang hoạt động (không là DN mới) và có dự án đề xuất thay đổi công nghệ mới, đầu tư mới thiết bị – máy móc hoặc thiết bị – máy móc second-hand nhưng sẽ mang lại hiệu quả về môi trường. Một DN có thể đăng ký nhiều dự án nhưng tổng trả thưởng sẽ không vượt quá 500 ngàn USD/DN. DN phải cho GCTF sử dụng kết quả, công bố trong giới hạn bảo mật thông thường, để quảng bá đến nhiều DN khác sau khi dự án thành công.
Theo đó, sẽ có rất nhiều DN trong ngành công nghiệp tại Việt Nam nằm trong mục tiêu hỗ trợ của GCTF. Các ngành như sản xuất vật liệu xây dựng (gạch, xi măng…), sản xuất thủy tinh (thay lò nấu thủy tinh …), ngành nhựa (thay máy ép thế hệ mới…), ngành dệt nhuộm (thay máy nhuộm, lò hơi…), ngành chế biến thực phẩm, sản xuất thép, luyện kim, thuộc da, sản xuất hóa chất, sơn, pin, ắc quy… Ngoài ra, các lĩnh vực khác như nhà hàng, dịch vụ ăn uống, khách sạn, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại, khu vui chơi – giải trí, toà nhà văn phòng… cũng có thể tham gia vào GCTF nếu có các dự án liên quan đến tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng và bảo vệ môi trường…
Được biết đã có một số DN Việt Nam được GCTF thẩm định dự án và hỗ trợ như Công ty TNHH thép Việt – Pháp với dự án thay thế 4 lò trung tấn và máy đúc phôi liên tục bằng những thiết bị hiệu quả hơn nhằm giảm tiêu thụ điện năng và tuần hoàn nước làm mát (giải ngân thông qua Techcombak), Công ty Cổ phần nhựa Tân Phú với dự án đổi mới thiết bị và công nghệ sản xuất thùng 5 gallon, vỏ ắc quy N150, đây là dự án thứ hai của công ty được GCTF hỗ trợ (giải ngân thông qua Ngân hàng ACB)…
Một số dự án khác đang được phê duyệt về mặt kỹ thuật và trong quá trình thương lượng với ngân hàng như dự án của Công ty Cổ phần PLATO Việt Nam về việc thay thế dây chuyền mạ điện Ni-Cr thủ công bằng dây chuyền bán tự động với hệ thống mạ thu hồi dòng chảy ngược thiết kế hợp lý, dự án của Công ty Cổ phần giấy Đông Nam về việc thay thế dây chuyền sản xuất giấy Kraft giảm tiêu thụ điện năng và tăng năng suất, dự án của HTX Hồng Tiến về việc thay thế lò nung lạc hậu bằng lò nung công nghệ mới thẳng đứng nhằm giảm phát thải khí CO2…
Ngoài ra, còn có một số dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị như dự án thay thế buồng đốt lạc hậu bằng thiết bị mới sử dụng năng lượng mặt trời và thay lò sấy củ bằng lò tầng sôi của Công ty Cổ phần chè Văn Hưng, dự án thay thế thiết bị đúc nhựa của Công ty TNHH nhựa Hữu Tín…
Theo ven.vn