Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT: Tôi vẫn đi làm bằng xe đạp

TPO – “Hằng ngày tôi vẫn đi làm bằng xe đạp. Việc đó là bình thường, chỉ khi nào tới các cơ quan nhà nước, họ thấy tôi hơi lạ”. Đó là ý kiến của ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia (UB ATGT QG) tại hội thảo “Khuyến khích mô hình xe đạp công cộng tại Hà Nội” ngày 28/9.
Bk - Ebike mô hình thí điểm xe đạp tại Hà Nội

Bk – Ebike mô hình thí điểm xe đạp tại Hà Nội

Theo ông Hùng, hiện nay người Việt quá phụ thuộc vào xe máy, quãng đường 200 mét cũng đi xe máy, góp phần gây ra tình trạng ùn tắc giao thông. Trong khi đó, xe đạp mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng như không tạo ra khí thải CO2…

“Việc chuyển sang đi xe đạp sẽ phù hợp cho mỗi người dân, xã hội, bảo vệ môi trường. Chúng ta nên có giải pháp khuyến khích để xe đạp trở thành phương tiện đi làm của người dân, nhất là tuyến đường tốc độ tối đa 30 km/h”, ông Hùng cho biết.

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng UB ATGT QG cho rằng, để phát triển hệ thống xe đạp thành công tại Việt Nam cần nhiều giải pháp như phát triển hệ thống hạ tầng hỗ trợ cho người đi xe đạp (gồm làn đường cho xe đạp, điểm dừng, trông giữ, bảo quản xe đạp). Quy hoạch các khu chức năng trong đô thị hợp lý, người dân có thể thực hiện những chuyến đi ngắn trong phạm vi 3-4 km, lúc đó xe đạp sẽ trở nên rất phổ biến.

Hiện nay, với sự tài trợ của Thuỵ Sĩ, Đại học Bách Khoa Hà Nội triển khai thí điểm dự án “Thí điểm năng lượng mặt trời & xe đạp điện hai bánh tại Hà Nội – Ebike”. Dự án triển khai các trạm sạc và cho thuê xe đạp điện bằng năng lượng mặt trời tại một số trường học ở Hà Nội. Dự án đã đưa vào sử dụng 730 xe đạp và xe đạp điện tại Hà Nội.

Sau 2 năm triển khai, báo cáo đánh giá hiệu quả giảm phát thải CO2 của Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam cho thấy, dự án đã góp phần làm giảm khoảng 20 tấn lượng CO2 so với việc sử dụng xe máy chạy xăng trong năm 2015 và nửa đầu năm 2016. Dự án đặt ra mục tiêu đến 2020 sẽ có 12.000 xe, với 400 trạm BK-ebike.

Theo tienphong.vn