Người Việt đang lãng phí tiền tỷ vì “bỏ qua” tài nguyên rác
Ở Việt Nam, rác thải được xử lý lâu nay chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, hoặc đốt thủ công tiêu tốn mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng.
Với nhiều người, rác thải là những thứ thừa thãi, hết tác dụng, bỏ đi… tuy nhiên, trong thực tế rác cũng được coi là một “nguồn tài nguyên” vì nhiều thành phần trong đó có nguồn gốc từ các tài nguyên thiên nhiên nên nhiều nước trên thế giới đã coi việc phân loại và xử lý rác là một ngành công nghiệp mang lại nhiều lợi nhuận.
Ở Việt Nam, rác thải được xử lý lâu nay chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp, hoặc đốt thủ công tiêu tốn mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng. Vì vậy nhiều bãi rác đã và đang gây ra ô nhiễm môi trường rất nặng nề, đồng thời lãng phí một lượng lớn rác có thể tái chế sử dụng do thói quen không phân loại rác của người dân.
Không phân loại rác chính là nguyên nhân dẫn đến việc chúng ta đang lãng phí nguồn tài nguyên rất lớn.
Việc xử lý phổ biến nhất là chôn lấp và đốt thủ công mà chưa qua phân loại, phương pháp này chiếm tới 50%, theo đó các chất như nhựa, kim loại nặng, chất hữu cơ là những thứ lãng phí nhiều nhất.
Nhà máy xử lý rác thải Nam Sơn (Sóc Sơn-Hà Nội) là một trong những nhà máy có công nghệ xử lý rác được đánh giá tốt nhất Việt Nam. Nhưng rác thải túi nylon, chất hữu cơ, dầu thải, bông băng y tế, sắt vụn được thu gom về đây cũng không được tái chế và tái sử dụng mà chủ yếu chôn lấp.
Theo ông Phạm Trọng Thực – Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo và Năng lượng mới, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), có tới 85% lượng chất thải hiện nay tại Việt Nam được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, đòi hỏi nhiều quỹ đất, trong đó 80% bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, thế giới đã và đang sử dụng công nghệ tiên tiến để thực hiện việc tái chế rác thải, tận dụng các sản phẩm đó phục vụ vào sản xuất năng lượng. Về công nghệ xử lý rác thải, Việt Nam đang bị tụt hậu khá xa so với thế giới.
Số lượng các công ty xử lý rác của Việt Nam còn quá ít, dẫn tới sự lãng phí “tài nguyên rác” như hiện nay. Với hơn 90 triệu dân, mỗi năm lượng rác thải gia tăng thêm 10%, đồng nghĩa với hàng trăm nghìn tấn rác bị lãng phí. Nếu như số lượng rác này được tái chế và tái sử dụng, Việt Nam có thể tiết kiệm được một lượng tài nguyên không nhỏ.
Các chuyên gia đánh giá, cần phải thay đổi tư duy ngay từ bây giờ, thay vì sử dụng giải pháp chôn lấp rác thải, chúng ta cần tính đến giải pháp sử dụng công nghệ để tái chế rác thải vì một môi trường xanh sạch trong tương lai, vì mục tiêu hướng đến những đô thị văn minh, hiện đại. Việt Nam phải có nhiều các nhà máy đốt rác phát điện để không lãng phí tài nguyên rác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Và trên thực tế, nhiều DN hiện nay cũng đang bắt đầu đi theo xu hướng này. Vấn đề là các DN cần có được nguồn nguyên liệu ổn định nhưng lại không tìm được ở đâu, trong khi nghịch lý là mỗi ngày cả nước thải ra đến 70.000 tấn rác thải.
Theo ông Trương Việt Anh- đại diện Công ty Fecom, trong khi ở Việt Nam nguồn rác đang bị lãng phí, như nguồn rác Nam Sơn, mỗi ngày có từ 5.000 – 6.000 tấn được chở đi chôn lấp, thì nhiều nhà đầu tư lại “bó tay” vì không tìm được nguồn nguyên liệu để thực hiện tái chế rác thải một cách ổn định. Dường như đây vẫn là một ngịch lý chưa có lời giải đối với bài toán công nghệ tái chế rác thải ở Việt Nam.
Theo Danviet.vn