Khu công nghiệp xanh

Thuộc loại “sinh sau đẻ muộn”, nhưng Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam – Điện Ngọc (Điện Bàn) đã có sự phát triển ngoạn mục và trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư không chỉ của Quảng Nam mà cả khu vực miền Trung. Với mô hình phát triển xanh, bền vững, KCN Điện Nam – Điện Ngọc trở thành “hạt nhân” trong phát triển kinh tế – xã hội của toàn vùng.
Story (1)
KCN Điện Nam – Điện Ngọc phát triển theo hướng xanh, sạch

Đất lành, chim đậu!

Trở lại KCN Điện Nam – Điện Ngọc trong những ngày giữa tháng 3-2015, chúng tôi thật sự ấn tượng bởi sự phát triển vượt bật trong xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư nơi đây. Dọc theo những con đường được xây dựng thẳng tắp, hệ thống hạ tầng đồng bộ là những nhà máy, xí nghiệp đang hoạt động hối hả ngày đêm.

Trưởng ban quản lý KCN Điện Nam – Điện Ngọc Nguyễn Ngọ nói với chúng tôi: “Các anh chờ đến giờ tan ca mới ghi nhận hết được sự quy mô của KCN này”. Và quả đúng như vậy, khi ca làm việc buổi chiều vừa kết thúc, hàng chục ngàn công nhân từ các nhà máy, xí nghiệp đổ ra tạo nên một rừng người ken đặt. Chứng kiến cảnh đó, chúng tôi mới cảm nhận hết được sự đánh giá của Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn Lê Trí Thanh về KCN tiêu biểu này: Đây là hạt nhân trong phát triển công nghiệp không chỉ của Điện Bàn mà cả tỉnh Quảng Nam. Có vai trò đặc biệt quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của địa phương, KCN không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho số lao động tại địa phương mà còn thu hút lao động từ các tỉnh, thành khác. Điện Bàn trở thành huyện công nghiệp từ năm 2010 và nay trở thành thị xã là có sự đóng góp rất lớn từ KCN Điện Nam – Điện Ngọc.

Đứng ở góc độ nhà đầu tư, Giám đốc Công ty TNHH Việt Vương Nguyễn Trung Kiên khẳng định: Môi trường đầu tư cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh tại KCN Điện Nam – Điện Ngọc rất thuận lợi, thông thoáng. Trước khi chọn nơi đây, công ty đã khảo sát nhiều KCN khác trên địa bàn miền Trung, nhưng chỉ có KCN Điện Nam – Điện Ngọc đáp ứng tốt nhất. Tốt ở mọi khía cạnh, từ cơ sở hạ tầng đến những chính sách ưu đãi, nguồn lao động, sự hỗ trợ hết mình từ ban quản lý KCN cho đến việc thông quan hàng hóa khi xuất khẩu… Chính vì vậy, sau 8 năm đi vào hoạt động, đến nay công ty đã thu hút trên 1.500 lao động, thu nhập bình quân 4,3 – 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Quảng Nam, hầu hết các doanh nghiệp đầu tư vào KCN Điện Nam – Điện Ngọc đều hoạt động hiệu quả. Trong đó phải kể đến Công ty Giày Rieker Việt Nam, Công ty TNHH VBL Quảng Nam… và nhiều doanh nghiệp khác tiếp tục tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất.

KCN Điện Nam – Điện Ngọc còn đóng vai trò hạt nhân trong mối liên hệ vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với chuỗi đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc nối liền giữa Đà Nẵng và Hội An. Đến nay đã có hàng chục khu đô thị mới, dự án du lịch vệ tinh hình thành quanh KCN.

Điểm sáng về môi trường

Nhận thức được công tác bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hướng tới phát triển lâu dài, bền vững, Công ty CP Phát triển đô thị và KCN Quảng Nam – Đà Nẵng (chủ đầu tư KCN Điện Nam – Điện Ngọc) đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, không ngừng phát triển mạng lưới cây xanh trong KCN. Hiện toàn KCN đã được phủ một màu xanh của những hàng cây sao đen, sưa, bàng Nhật Bản…, những thảm cỏ xanh mướt kéo dài đến tận cổng các nhà máy.

Anh Trần Thúc Hào, Giám đốc Nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN Điện Nam – Điện Ngọc, tự hào nói: Điện Nam – Điện Ngọc là một trong những KCN đầu tiên của khu vực miền Trung xây dựng nhà máy xử lý nước thải với công nghệ tiên tiến. Nhà máy hoạt động giai đoạn 1 từ tháng 8-2009. Đến nay đã hoàn thành giai đoạn 2 với công suất 5.000m3/ngày đêm. Với công suất này, hiện tại nhà máy đảm bảo thu gom 100% nước thải từ các nhà máy trong KCN. Nước thải từ khu dân cư của người dân cũng được nhà máy thu gom, xử lý miễn phí, góp phần bảo vệ môi trường chung cho cả khu vực.

Ông Lê Quang Hà, nhà cập bờ sông Vĩnh Điện, cho biết: Trước khi có nhà máy xử lý nước thải, sông Vĩnh Điện bị ô nhiễm nặng lắm; tôm cá vì thế chết hết hoặc tìm nơi khác sinh sống. Từ ngày nhà máy nước thải đi vào hoạt động thì sông Vĩnh Điện như “sống lại”. Bà con làm nghề đánh bắt tôm cá trên sông ở đây đã tìm lại nguồn sinh kế cho mình, cuộc sống ổn định hơn.

Giữa năm 2014, nhà máy là đơn vị đầu tiên của khu vực miền Trung – Tây Nguyên được Bộ TN-MT cấp phép xả thải. Trước đó, trong 3 năm liền (2012, 2013, 2014), KCN Điện Nam – Điện Ngọc cũng được Bộ TN-MT trao giải thưởng “Vì môi trường xanh”.

Trong chiến lược phát triển, KCN Điện Nam – Điện Ngọc tiếp tục chú trọng đến bảo vệ môi trường, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, trang thiết bị công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, phối hợp cùng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các nhà đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phụ trợ như: nhà ở công nhân; khu thiết chế thương mại, văn hóa, thể thao… để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công nhân viên của KCN.

Đến nay, 390 ha của KCN cơ bản đã được lấp đầy bởi 50 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 2.400 tỷ đồng và trên 429 triệu USD, giải quyết việc làm cho 25.000 lao động tại địa phương. Riêng trong năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp tạo ra từ các doanh nghiệp đang đầu tư tại đây là 13.505 tỷ đồng (chiếm 47,3% toàn tỉnh Quảng Nam); tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 341,6 triệu USD (chiếm hơn 43% toàn tỉnh).

Theo sggp.org.vn