Giá trị xanh từ những tiềm năng xanh

Xác định lúa gạo, cá tra…là những “mũi nhọn” để triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, UBND tỉnh Đồng Tháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kỳ vọng sẽ tạo ra được mô hình điểm thành công, sớm lan tỏa và nhân rộng trên cả nước nhằm mục tiêu đánh thức giá trị xanh từ những tiềm năng xanh, hướng đến một nền nông nghiệp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

giatrixanhtunhungtiemnangxanh

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp tại Hội thảo “Hỗ trợ kỹ thuật và xúc tiến đầu tư tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp” tổ chức mới đây tại Hà Nội

Dồi dào tiềm năng “xanh”

Là tỉnh trọng điểm nông nghiệp, được phù sa đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bồi đắp và điều kiện thiên nhiên ưu đãi, tỉnh Đồng Tháp hiện là một trong số ít các địa phương hội tụ các tiềm năng to lớn trong sản xuất lúa gạo, trái cây, thủy sản… Hiện nay, nông nghiệp chiếm khoảng 36% GDP của tỉnh với hai sản phẩm chủ lực là lúa gạo và thủy sản. Bên cạnh đó Đồng Tháp cũng là trung tâm sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản của ĐBSCL với sản lượng 3,3 triệu tấn/năm.

Từ năm 2012, Đồng Tháp đã vươn lên tốp đầu của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cao (CPI) cấp tỉnh, thu hút mạnh đầu tư, hợp tác phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Năm 2014, với sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, Đồng Tháp đã ký kết hợp tác nghiên cứu, ứng dụng sản xuất hoa kiểng công nghệ cao với tập đoàn các doanh nghiệp Hà Lan; hợp tác hỗ trợ đào tạo nhân lực phát triển sản xuất nông nghiệp với tỉnh Ibaraki (Nhật Bản); hợp tác tài trợ với Tập đoàn Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hàn quốc (KRC) và Ngân hàng Thế giới  trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, chia sẻ tại hội thảo “Hỗ trợ kỹ thuật xúc tiến đầu tư tái cơ cấu nông nghiệp Đồng Tháp” tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhìn nhận: Mặc dù có tiềm năng lớn về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ngành hàng lúa gạo, cá tra, xoài, hoa kiểng… nhưng thực tế cho thấy hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản của Đồng Tháp còn nhiều bất cập; giá trị thương mại của sản phẩm chưa cao, lợi nhuận sản xuất kinh doanh còn thấp, cân bằng cung cầu chưa tốt, người nuôi còn bị thua lỗ. Mặt khác, phần lớn nguồn nhân lực phục vụ trong nông nghiệp chưa qua đào tạo về quản lý, khả năng nghiên cứu thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là ứng dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) chưa cao.

Vì vậy, ông Hùng cho rằng, Đồng Tháp rất cần sự chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, hợp tác và đầu tư của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước cho các vấn đề như: Phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu tác động đến sản xuất nông nghiệp; Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao; Cơ giới hoá và tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản, chế biến nông sản, thủy sản; Đầu tư phát triển các cụm công nghiệp dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Gợi mở cơ chế hợp tác đầu tư

Ông Nguyễn Thanh Hùng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định: UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư có thể hoàn thành thủ tục sớm nhất, tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, đáp ứng mặt bằng nhanh nhất, điều kiện hạ tầng, nguồn nhân lực cho nhà đầu tư.

Theo đó, UBND tỉnh sẽ vận dụng các cơ chế, chính sách để trình Chính phủ cho phép triển khai một số chính sách mang tính đột phá như: hỗ trợ 50% lãi suất vay khi thuê đất mở rộng quy mô sản xuất; thí điểm cơ chế đối tác công tư (PPP) trong phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư khoa học – công nghệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đầu tư hạ tầng cho các HTX nông nghiệp…

Ông Hùng cũng cho biết, trước đó, ngày 27/10/2014, KRC và UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký thỏa thuận PPP trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, KRC sẽ chịu trách nhiệm thúc đẩy nguồn viện trợ thông qua hình thức vốn để đầu tư cho Đồng Tháp xây dựng cánh đồng liên kết với quy mô dự kiến là 20 nghìn ha  nhằm sản xuất lúa gạo, trong đó bao gồm cả vấn đề chỉnh trang đồng ruộng, cơ giới hóa và xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo giữa doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp của tỉnh Đồng Tháp.

Với tiềm năng, lợi thế quan trọng và là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, Đồng Tháp phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp sẽ đạt 5% trở lên; thu nhập của nông dân tăng hai lần so với hiện nay, giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% mỗi năm.

Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ký kết hợp tác với tổ chức IDH để cùng nhau hợp tác và xây dựng đề xuất cơ chế hợp tác công tư nhằm phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản tại Đồng Tháp với sự tham gia hỗ trợ và tư vấn của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) trong giai đoạn này.

Với thông điệp “giá trị xanh từ những tiềm năng xanh”, UBND tỉnh Đồng Tháp xác định đây không chỉ là hành trình mà còn là đích đến trong triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Thông qua đề án này, không chỉ riêng Đồng Tháp mà ngành nông nghiệp cả nước sẽ chung tay tổ chức lại chuỗi sản xuất nông nghiệp từ đồng ruộng, vườn cây, ao cá ra thị trường với quy mô sản xuất lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến;  xây dựng thương hiệu; hướng đến nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững; cải thiện thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn./.

Theo Tiến Dũng, ven.vn