EU nỗ lực hướng tới mục tiêu hạn chế sử dụng túi nilon
Nghị viện châu Âu (EP) ngày 16/4 đã thông qua một dự thảo quy định với mục tiêu cắt giảm lần lượt 50% và 80% lượng túi nilon được sử dụng vào năm 2017 và năm 2019.
Dự thảo này cho phép các quốc gia tự lựa chọn chiến lược phù hợp để tiến tới đạt mục tiêu nói trên, chẳng hạn như đánh thuế với các loại túi nhựa, túi nilon hay cấm sử dụng chúng.
Chỉ tính riêng tại EU, hàng trăm tỷ túi nilon được sử dụng mỗi năm và có khoảng 8 tỷ túi bị vứt trôi nổi trong các vùng biển của EU. Theo thông tin từ Ủy ban châu Âu (EC), ngay cả trong dạ dày của 94% các loài chim sống tại Biển Bắc cũng chứa túi nilon.
Ảnh minh họa: Telegraph.co.uk
Các tổ chức môi trường cho rằng việc túi nilon phế thải làm chết hàng triệu loài sinh vật biển mỗi năm đã và đang là một vấn đề nhức nhối tại châu Âu. Do vậy, các quốc gia EU nói riêng và toàn châu Âu nói chung cần chung tay góp sức để giải quyết “vấn nạn” này.
Tuy nhiên, trong khi các nhóm môi trường bày tỏ hoan nghênh thì nhiều đại diện đến từ các cơ sở sản xuất bao bì nilon lại phản đối quy định nói trên bởi cho rằng châu lục này cần nâng cao ý thức của người dân cũng như kiểm soát tốt hơn vấn đề rác thải, thay vì chỉ ban hành các quy định cấm mới.
Thậm chí, có ý kiến lo ngại việc trao cho các quốc gia quyền tự quyết – ban hành các quy định riêng đối với việc sử dụng túi nilon – sẽ gây bất lợi cho hoạt động tự do lưu thông hàng hóa trong EU.
Tuy nhiên, theo số liệu của EC, nhờ thực hiện biện pháp áp thuế túi nilon, Đan Mạch đã trở thành quốc gia sử dụng túi nilon thấp nhất EU với con số trung bình là 4 túi/người/năm.
Trong khi đó, tại các quốc gia hiện chưa áp dụng biện pháp nào, như Bồ Đào Nha, Ba Lan và Slovakia, con số này lên tới 466 túi/người/năm.
Dự thảo quy định này sẽ được các bộ trưởng EU thảo luận vào tháng 6 và sẽ chuyển lên để EP xem xét lại vào cuối năm nay.
Theo VietNamPlus