Để công nghiệp than thân thiện môi trường

Là đối tượng chính trong chiến lược dịch chuyển nền kinh tế từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) nhận thức rõ ràng về vị trí và khối lượng công việc của mình cần phải đẩy mạnh trong thời gian tới…

Năng lượng Mới số 320

Thay đổi tư duy trong người lao động

Trên thực tế, môi trường vẫn là mối quan tâm thường trực của nhiều thế hệ lãnh đạo. Tuy nhiên, từ ý tưởng và quyết tâm của lãnh đạo đến thực hiện là cả một vấn đề. Điều này cực khó với một ngành “đông” quân như TKV, lên tới 12,5 vạn người lao động.

Ông Đoàn Văn Kiển, nguyên Chủ tịch HĐQT TKV từng tâm sự: Để một thương hiệu bay cao, để xã hội và nền kinh tế chấp nhận, thậm chí ủng hộ khuyến khích thì yếu tố bền vững phải được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. Lâu nay, khái niệm “xanh hóa” nền công nghiệp than đã không còn “mới” trong các buổi giao ban, hội nghị, hội thảo nữa rồi.

Chắc mọi người vẫn chưa quên cách đây 20-30 năm, những cung đường, những ngôi nhà mặt phố… ở Cẩm Phả, Uông Bí đen ngòm vì bụi than. TKV đã nhận trách nhiệm về vấn đề này. Tuy nhiên, với vai trò là đối tượng chính của thực trạng trên, Tập đoàn đã tích cực khắc phục và phối hợp cùng chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm “hình ảnh” không mấy đẹp mắt.

Hệ thống phun sương trên đường vào mỏ than Hòn Gai

Dẫu vậy, ông Kiển cho rằng, trước hết phải xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường trên cơ sở đổi mới tư duy, cách làm, hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường trong xã hội và của mỗi người dân. “Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết, xây dựng các chuẩn mực, hình thành ý thức, lối nghĩ, cách làm, hành vi ứng xử thân thiện với thiên nhiên, môi trường; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý quyết liệt, giải quyết dứt điểm các vụ việc về môi trường, các vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, đồng thời cần tạo bước chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức sang hành động cụ thể và đầu tư cho môi trường, hoạt động bảo vệ môi trường, kết quả bảo vệ môi trường cụ thể để đánh giá”, ông Kiển thể hiện quan điểm.

Mối quan hệ giữa phát triển công nghiệp và vấn đề môi trường phát sinh nhiều thập niên qua đã tác động đáng kể cả về cách tiếp cận cũng như quan điểm quản lý. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, phong trào áp dụng các công cụ quản lý môi trường trong quá trình sản xuất đã trở nên toàn diện hơn, ngành công nghiệp đã quan tâm hơn đến việc giảm nguyên liệu đầu vào trên một đơn vị sản phẩm nhằm giảm nhu cầu về nguyên liệu sản xuất. Vào những năm của thập niên 2000, với những chứng cứ xác đáng về nguyên nhân và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, công nghiệp phải đối mặt với việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính thông qua các chính sách tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo.

“Xanh hóa” từ đâu?

Ông Nguyễn Mạnh Điệp, Trưởng ban Môi trường – TKV khá tự tin với những biện pháp đồng bộ và đi vào thực chất các đơn vị trong Tập đoàn đang triển khai. Đáng chú ý có thể kể đến động tác tiến hành cải tạo các bãi thải, nhất là các bãi thải nằm trong lòng thành phố Hạ Long và từ QL 18 nhìn lên. Ông Điệp giải thích, giải pháp công nghệ tối ưu là cho cắt tầng để giảm độ dốc, đảm bảo an toàn cho bãi thải. Sau đó ổn định sườn bãi thải bằng nhiều cách, nhưng cách thành công nhất là sử dụng biện pháp sinh học, phủ xanh bãi thải bằng cỏ Vetiver vừa có tác dụng ngăn bụi vừa bảo vệ sườn bãi thải.

Cùng với biện pháp phủ xanh bãi thải, TKV còn xây dựng hệ thống mương dẫn nước tại các bãi thải để thu gom nước và xử lý trước khi thải ra môi trường và chống sạt lở bãi thải. Vấn đề bụi cũng khá nan giải trong khai thác, vận chuyển than. Giải pháp mà Tập đoàn thực hiện là chấm dứt vận chuyển than bằng ôtô trên QL 18A từ Đông Triều tới Mông Dương và Tỉnh lộ 337 Quảng Ninh; thay vào đó bằng các tuyến đường chuyên dụng, băng tải, đường sắt… và bắt buộc các lái xe khi vận chuyển than cắt qua quốc lộ hoặc ngang qua khu dân cư phải phủ bạt thùng xe.

Đối với hệ thống xử lý nước thải, hiện các mỏ than ở Quảng Ninh đã được áp dụng công nghệ hiện đại, từ hố lắng kết hợp sữa vôi đến phương pháp hóa – lý và lọc cơ học có áp lực. Các trạm xử lý nước thải thuộc thế hệ đầu tiên được áp dụng công nghệ bể lắng ngang, lọc áp lực là Hà Ráng, Hà Khánh, +260 và +320 Đồng Vông, +41 Lộ Trí, +131 Tràng Khê, Khe Chàm… Cùng đó, các trạm xử lý thế hệ thứ hai như: Cọc Sáu, Vàng Danh, Mạo Khê đã được áp dụng công nghệ tấm lắng nghiêng nhằm tăng tốc độ lắng, đồng thời hạn chế diện tích bể lắng sử dụng so với công nghệ bể lắng ngang. Nhờ những công nghệ mới có tính ưu việt nên các mỏ than ở Quảng Ninh ngoài lượng than được tận thu triệt để tăng 20-30% sản lượng so với công nghệ cũ thì còn giảm đáng kể ô nhiễm môi trường và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Năm 2009-2010, TKV giao cho một đơn vị thử nghiệm xây dựng hệ thống rửa xe ở hai đầu trước khi ra khỏi mỏ và trước khi rời khỏi cảng quay trở lại mỏ để giảm thiểu bụi. Tại các khu vực chế biến than, nhất là các khâu công nghệ trong nhà máy tuyển, trạm sàng trên mỏ, các trạm chuyển tải là những ổ bụi dễ phát tán; chúng tôi buộc các đơn vị phải đầu tư thiết bị phun sương, bê tông hóa nền các kho chứa than trên công trường, xây tường bao quanh và có lưới chống bụi. Tập đoàn cũng đã thành lập một đơn vị chuyên trách lo việc xử lý nước thải của các mỏ. Từ đó đến nay đã xây dựng và đưa vào gần 30 trạm xử lý nước thải, cải thiện một bước công tác xử lý nước thải. Để giảm thiểu bụi, ô nhiễm về nước trên bề mặt lâu dài tại các kho than, từ nay đến 2020, TKV sẽ di dời tất cả các kho than rải rác, nhỏ lẻ, số còn lại trên các bến cảng sẽ được quy hoạch lại, hiện đại hóa các cảng, chứa than trong xilô và vận chuyển tới cảng bằng băng tải để các tàu vào “ăn than”.

Ông Nguyễn Mạnh Điệp khẳng định, dù trong điều kiện khó khăn về tài chính, nhưng hiện tại TKV vẫn đầu tư khoảng 700 tỉ đồng mỗi năm cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó khoảng 60-70% dành cho các dự án sử dụng nguồn Quỹ Môi trường tập trung, phần còn lại sử dụng cho các công việc bảo vệ thường xuyên và các dự án BVMT của các đơn vị thành viên. Nhiều đơn vị thành viên của TKV đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và tổ chức quan trắc môi trường theo định kỳ.

Trong cam kết với tỉnh Quảng Ninh, hai bên đã thống nhất nhiều giải pháp về quản lý, khai thác, chế biến, vận chuyển than, chống gây ô nhiễm môi trường. Hiện tại, TKV đã xử lý xong nước thải hầm lò, đến năm 2015 cơ bản xử lý xong nước thải mỏ lộ thiên và đến 2020 cải thiện đáng kể môi trường tại Quảng Ninh. Đi cùng với nước thải là vấn đề bụi, vấn đề bãi thải và cảnh quan, xử lý chất thải nguy hại… Thực hiện mục tiêu này, Tập đoàn tiếp tục cải tạo các bãi thải cao và phủ xanh để đến năm 2015-2020 giải quyết xong vấn đề bãi thải mỏ. Lập hệ thống thu gom toàn bộ nước thải bề mặt và xử lý cùng với nước thải mỏ và tuần hoàn phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho các mỏ.

“Hơn 50 năm qua, công nghiệp khai thác than đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP của đất nước cũng như Quảng Ninh. Tuy nhiên, do hầu hết các mỏ đều áp dụng hệ thống khai thác xuống sâu dọc một hoặc hai bờ công tác, đất đá chủ yếu được đổ ra bãi thải ngoài, cũng như sử dụng các loại thiết bị có công suất thấp nên đã làm ô nhiễm nguồn nước và đất đai quanh mỏ.

Nhờ những công nghệ mới có tính ưu việt nên năm qua các mỏ than ở Quảng Ninh ngoài lượng than được tận thu triệt để tăng 20-30% sản lượng so với công nghệ cũ thì còn giảm đáng kể ô nhiễm môi trường và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Hy vọng, những công nghệ này sẽ được các doanh nghiệp ngành than cả nước áp dụng rộng rãi để mang lại hiệu quả kinh tế lớn và bảo vệ môi trường cho chính các doanh nghiệp và xã hội” – Phó bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long.

 

Theo Petrotimes.vn