Đan Mạch hỗ trợ 11 triệu đô cho doanh nghiệp Việt tiết kiệm năng lượng
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam John Nielsen khẳng định doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) các lĩnh vực gạch, gốm và chế biến thực phẩm của Việt Nam có thể vay từ 20 – 200 ngàn USD từ Quỹ Tiết kiệm nhiên liệu để đầu tư, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL).
John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam. (Ảnh: Doanh Nhân Sài Gòn Online)
* Mục tiêu là hỗ trợ DNNVV Việt Nam TKNL, vậy các ông đã xây dựng cơ chế của quỹ tài chính này như thế nào?
– Từ năm 2009, Đại sứ quán Đan Mạch đã bắt đầu chương trình hỗ trợ về TKNL cho DN Việt Nam. Thoạt tiên, chúng tôi áp dụng cho các DN lớn, sau đó hỗ trợ các DNNVV vì nhận thấy họ có nhu cầu rất rõ ràng.
Thực tế vài năm qua, tôi đã chứng kiến các DNNVV của Việt Nam gặp những khó khăn nhất định khi tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào TKNL, thậm chí một số DN đã phải đóng cửa.
Đan Mạch quyết định hỗ trợ 11 triệu USD đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực TKNL tại Việt Nam. Theo đó, một thỏa thuận khung vừa được ký, trong đó ANZ được ủy nhiệm là ngân hàng duy nhất nắm giữ Quỹ TKNL của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam với 6,5 triệu USD.
Cơ chế tài trợ vốn này có hiệu lực từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2017.
Chúng tôi sẽ hỗ trợ DN với hai mục tiêu: DN có thể tiết kiệm nguồn vốn đầu tư và có thể sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Điều này sẽ giảm ô nhiễm môi trường và giảm chi phí cho chính DN.
* Cơ chế thưởng được xem là sự khác biệt của Quỹ TKNL, ông có thể nói rõ hơn về điều này?
– Về thưởng cho DN, chúng tôi có cơ chế rất rõ ràng. Các DN đạt mục tiêu TKNL mức 50% sẽ được thưởng 30% chi phí đầu tư. Nếu DN tiết kiệm được 40% năng lượng sẽ được thưởng 23% chi phí đầu tư.
Nếu DN đạt được mục tiêu 30% năng lượng sẽ được thưởng 16% chi phí đầu tư. Nếu DN tiết kiệm được 20% năng lượng, chúng tôi sẽ thưởng 10% chi phí đầu tư.
* Đây là một tin tốt cho DN Việt Nam, nhưng làm thế nào để các DN trong ba lĩnh vực này tiếp cận được thông tin, nộp hồ sơ thuận lợi và vay được vốn?
– DN có thể truy cập thông tin từ trang web chúng tôi sẽ khai trương vào tháng 1/2015. Bên cạnh đó, các chương trình quảng bá cũng sẽ được thực hiện.
Chúng tôi sẽ có hành trình xuyên Việt để giới thiệu về Quỹ và cơ chế cho các DN vay. Các ngân hàng cho vay cũng có kênh riêng để tiếp cận DN và cho vay vốn khi DN có yêu cầu.
* Phía Đan Mạch sẽ giám sát hoạt động của Quỹ thế nào để đảm bảo được sự minh bạch?
– Chúng tôi đã lựa chọn đối tác đáng tin cậy là Ngân hàng ANZ. Chúng tôi cũng sẽ giám sát và kiểm toán toàn bộ quá trình thực hiện nữa, nên hoàn toàn tin tưởng Quỹ sẽ hoạt động minh bạch và hiệu quả.
* Ở Việt Nam hiện nay có nhiều quỹ hỗ trợ DN TKNL nhưng hầu hết DN hoặc DNNVV không tiếp cận được nguồn vốn, hoặc số vốn quá ít không đủ cho áp dụng các biện pháp TKNL trong sản xuất khiến lòng tin vào các chương trình TKNL giảm sút. Trong bối cảnh đó, các ông xác lập lại lòng tin cho DN dựa trên những yếu tố nào?
– Tôi không thể khẳng định sẽ gây dựng lại được toàn bộ lòng tin của DN, nhưng chúng tôi đã làm việc với các chuyên gia, các nhà tư vấn, cố gắng tìm ra một cơ chế để Quỹ hoạt động hiệu quả nhất. Chúng tôi tin tưởng dự án sẽ thành công với những cơ chế đã đề ra.
* Cảm ơn ông!
Theo Trình Tiêu/ Doanh nhân Sài Gòn Online