Sáng ngày 6/1, Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp (IPSI), Quỹ châu Á phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Công nghiệp và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án do Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh tài trợ và Quỹ châu Á hỗ trợ quản lý từ năm 2013.
Hội thảo nhằm mục đích giới thiệu, thảo luận và lấy ý kiến của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước tại Đà Nẵng và một số tỉnh lân cận, các tổ chức nghiên cứu và chuyên gia cho bản Dự thảo Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính cho khu công nghiệp Liên Chiểu. Hội thảo cũng nhằm giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm, bài học rút ra từ việc xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình khu công nghiệp các-bon thấp, đặc biệt là các giải pháp thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc cắt giảm phát thải khí nhà kính (KNK).
Theo đó, Kế hoạch hành động là tập hợp các giải pháp kỹ thuật, các chính sách hỗ trợ và trong đó đặt ra các mục tiêu cắt giảm phát thải KNK gắn liền với lộ trình thực hiện và trách nhiệm cụ thể. Giảm phát thải KNK cho KCN Dịch vụ thủy sản (DVTS) Đà Nẵng và KCN Liên Chiểu là một trong những mục tiêu chính đặt ra trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng mô hình hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển theo định hướng Carbon thấp – Nghiên cứu thí điểm tại Đà Nẵng”.
Kế hoạch hành động này được UBND Đà Nẵng thông qua vào tháng 8/2014. Hiện tại, dự án đã hỗ trợ tổng cộng 6 doanh nghiệp trong KCN DVTS Đà Nẵng và dự kiến tiếp tục hỗ trợ 1 doanh nghiệp trong KCN Liên Chiểu triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm phát thải KNK. Sở TN&MT Đà Nẵng triển khai xây dựng và thí điểm Hệ thống quản lý phát thải KNK trực tuyến cho hai KCN nói trên; tổ chức chương trình truyền thông về giảm phát thải KNK đối với các doanh nghiệp và hàng trăm cán bộ công nhân viên làm việc trong KCN.
Theo ông Nguyễn Trí Thanh, Cán bộ chương trình cấp cao của Quỹ Châu Á “Dự án là một trong những nỗ lực ít ỏi giúp cơ quan quản lý cấp địa phương có công cụ quản lý phát thải khí nhà kính ở quy mô KCN một cách hiệu quả, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu về môi trường. Bên cạnh đó, Dự án tập trung giúp doanh nghiệp đánh giá được hiện trạng phát thải, thúc đẩy họ thực hiện các giải pháp giảm tiêu thụ và tiết kiệm năng lượng, nhờ đó các doanh nghiệp cắt giảm được chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của mình”.
Việc triển khai Dự án nói chung, xây dựng và thực hiện các giải pháp đề ra trong Kế hoạch hành động vừa góp phần giúp UBND Đà Nẵng thực hiện Đề án “Thành phố môi trường” vào năm 2020 vừa đem lại những lợi ích thiết thực cho nhiều bên đặc biệt là các doanh nghiệp trực tiếp tham gia.
Theo Báo TNMT