SXSH: Giải pháp nào có thể triển khai cho ngành chế biến thủy sản?

Chế biến thủy sản là ngành không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm quan trọng cho tiêu dùng trong nước, mà còn góp phần không nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Song đây cũng là ngành gây ra không ít các vấn đề về môi trường nếu không được áp dụng các biện pháp về sản xuất sạch hơn (SXSH).

Thực tế cho thấy, các nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh thường có lượng chất thải lớn hơn so với các cơ sở chế biến hàng khô, nước mắm, đồ hộp rất nhiều lần…

Nước thải từ các nhà máy chế biến thuỷ sản luôn có các chỉ số ô nhiễm cao hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn nước thải công nghiệp loại B dùng cho nuôi trồng thuỷ hải sản (TCVN 5945-1995) như BOD vượt từ 10 – 30 lần, COD từ 9 -19 lần…

Trong các nhà máy chế biến thuỷ sản đông lạnh còn có một lượng nhỏ Chlorine dùng để làm vệ sinh nhà xưởng khi sử dụng sẽ sinh ra Cl2 phát tán vào không khí có thể gây hại về đường hô hấp cho người lao động…

Chế biến thủy sản là ngành không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm quan trọng cho tiêu dùng trong nước, mà còn góp phần không nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

SXSH có thể giúp giải quyết các vấn đề của ngành chế biến thủy sản?

Đặc thù của ngành chế biến thủy sản là sử dụng nhiều nước, điện và đá, nên các cơ hội SXSH thường được đề xuất trong ngành chủ yếu tập trung vào mục đích tiết kiệm nước, đồng thời giảm tải lượng ô nhiễm trong nước thải; giảm tiêu thụ điện và tiêu thụ đá. Theo đó, các nhóm cơ hội SXSH có thể áp dụng trong ngành chế biến thủy sản bao gồm:

Các cơ hội quản lý nội vi

– Khóa chặt các van nước khi không sử dụng, kiểm tra đường ống để tránh hiện tượng rò rỉ, tiến hành khắc phục ngay khi có tình trạng rò rỉ;
– Lắp đặt các van điều chỉnh tự động ngắt khi không sử dụng nước;
– Lắp đặt lưới chắn tại các hố ga để ngăn chất thải rắn đi vào hệ thống xử lý nước thải hoặc có thể gây nghẹt đường ống thoát nước;
– Hướng dẫn thao tác thu gom chất thải rắn trước khi vệ sinh thiết bị, nền xưởng nhằm giảm tiêu hao nước;
– Đào tạo, nâng cao ý thức tiết kiệm nguyên vật liệu (nước, điện, đá…) cho công nhân.

Các cơ hội kiểm soát tốt quá trình

– Tối ưu hóa quá trình sản xuất nước đá;
– Tối ưu hóa quá trình đốt của lò hơi: thông qua việc đo đạc dòng khí thải từ ống khói nồi hơi để xác định mức độ tổn thất nhiệt tại nồi hơi;
– Thường xuyên kiểm tra bảo trì, bảo dưỡng và thay mới các van bị hư hỏng, rò rỉ;
– Cách nhiệt thiết bị luộc, hấp nhằm giảm thất thoát nhiệt;
– Bảo ôn tốt các đường ống nhiệt nóng, lạnh, thiết kế chiều dài, các hệ thống phân phối hơi hợp lý;
– Tối ưu hóa điều kiện làm việc (nhiệt độ, thời gian, hệ thống kiểm soát,…) của thiết bị nấu, thanh trùng… đối với các sản phẩm đồ hộp;
– Tối ưu hóa kích thước kho, chế độ bảo quản nguyên liệu (thời gian, nhiệt độ, khối lượng, chế độ xả tuyết, tỉ lệ nước đá/nguyên liệu…);
– Sử dụng hợp lý Chlorine để tẩy trùng.

Áp dụng SXSH vào ngành chế biến thủy sản sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm đáng kể chi phí. 

Các cơ hội thay đổi nguyên vật liệu

– Thay đổi đá to bằng đá vảy, đá tuyết (hiệu quả ướp lạnh sẽ cao hơn mà lại tốn ít đá hơn);
– Tuyển chọn nguyên liệu có kích cỡ phù hợp với sản phẩm đang sản xuất;
– Sử dụng nồng độ chất khử trùng Clo vừa đủ;
– Thay đổi hóa chất tẩy rửa thiết bị hiệu quả, giảm tiêu thụ nước;
– Thay tác nhân lạnh CFC bằng các tác nhân lạnh không chứa Cl và F.

Các cơ hội cải tiến thiết bị, máy móc

– Thay các van nước có kích cỡ phù hợp;
– Sử dụng các thùng chứa nguyên liệu cách nhiệt để giảm lượng đá sử dụng;
– Sử dụng vòi phun nước có áp lực cao và van khóa tự động;
– Bọc cách nhiệt tốt và thay thế vật liệu cách nhiệt amiang bằng polyurethane;
– Kho lạnh nên thiết kế nhiều buồng và có hành lang lạnh (phòng đệm);
– Thay hệ thống chiếu sáng bằng đèn compact (tuổi thọ dài hơn, giảm tiêu tốn điện năng);
– Lắp đặt van thoát hơi cho hệ thống luộc, hấp sản phẩm kết hợp điều khiển tự động hoặc thủ công có thể giảm thất thoát hơi nước;
– Thiết kế, cải tạo lại khay/mâm cấp đông phù hợp với kích thước của tủ cấp đông đảm bảo thời gian cấp đông đều cho các mẻ;
– Thay máy nén mới phù hợp với thiết bị làm lạnh nước để giảm tiêu hao điện.

Các cơ hội cải tiến sản phẩm

– Phân loại sản phẩm có cùng kích cỡ;
– Sản xuất các sản phẩm thích hợp theo kích cỡ của nguyên liệu (cá nhỏ sản xuất bột cá, cá vừa đóng hộp, cá lớn fillet sao cho giảm đến mức tối thiểu phế liệu).
Các cơ hội thu hồi và tái chế, tái sử dụng
– Tái sử dụng nước làm mát sản phẩm sau luộc và hấp, nước giải nhiệt…(theo nguyên tắc từ sạch đến dơ);
– Thu hồi triệt để lượng nước ngưng từ nhánh cấp hơi để tuần hoàn lại cho nước cấp vào nồi hơi;
– Tận dụng nhiệt thải ra từ các hệ thống;
– Tái sử dụng nước mạ băng, rả khuôn;
– Thu gom lượng máu sau công đoạn giết mổ để chế biến thức ăn gia súc
– Tận dụng triệt để các chất thải rắn có thể để sản xuất phụ phẩm, như: Vỏ tôm sản xuất chitin, chitosan; Xương, nội tạng cá, bạch tuộc, mực chế biến thức ăn gia súc; Thu gom mỡ cá chế biến để bán…

SXSH không chỉ giúp doanh nghiệp chế biến thủy sản tiết giảm đáng kể chi phí mà còn đa dạng hóa sản phẩm…

Các cơ hội thay đổi công nghệ

– Thay cấp đông sản phẩm trong khay ở thiết bị cấp đông gió bằng thiết bị cấp đông tiếp xúc;
– Lột vỏ, bỏ đầu, sơ chế bạch tuộc, mực, tôm không dùng nước (sơ chế khô) để giảm lượng nước sử dụng đồng thời giảm ô nhiễm nồng độ ô nhiễm trong nước thải;
– Làm lạnh bằng phương pháp ngược dòng đối với sản phẩm sau khi luộc;
– Kết hợp qui trình lột da và đánh vảy;
– Làm vệ sinh khô trước khi cọ rửa bằng nước;
– Thấm ướt sàn và thiết bị trước khi cọ rửa để chất bẩn dễ bong ra và thu gom sạch chất thải rắn trước khi cọ lần cuối.

Như vậy, SXSH không chỉ giúp doanh nghiệp chế biến thủy sản tiết giảm đáng kể chi phí mà còn đa dạng hóa sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường… điều mà tất cả các doanh nghiệp đều hết sức quan tâm và luôn cố gắng tìm ra cách giải quyết tối ưu nhất.

VNCPC

Vì sao cần lồng ghép Sản xuất sạch hơn và Sử dụng năng lượng hiệu quả?

Sản xuất sạch hơn (SXSH) và Sử dụng năng lượng hiệu quả (SDNLHQ) là những chiến lược có tác động mạnh mẽ nhằm giảm chi phí và tạo ra lợi nhuận từ việc giảm phát sinh chất thải. Việc lồng ghép hai chiến lược này sẽ giúp mang lại nhiều lợi ích hơn – cả về khía cạnh môi trường và kinh tế.

Sản xuất sạch hơn – Trọng tâm là dòng vật liệu

SXSH là một chiến lược mang tính phòng ngừa nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời giảm tiêu thụ các nguyên vật liệu. SXSH tập trung chủ yếu vào các quy trình và việc giảm thiểu các đầu vào của các quy trình đó.

Đây là một phương pháp tư duy mới và sáng tạo về sản phẩm và quy trình, trong đó liên tục áp dụng các chiến lược nhằm ngăn ngừa và/hoặc giảm sự phát sinh chất thải. Người thực hành SXSH dựa vào phương pháp luận SXSH đã được xác lập nhằm nhận diện và triển khai giải pháp.

SXSH là một chiến lược mang tính phòng ngừa nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đồng thời giảm tiêu thụ các nguyên vật liệu.

Như vậy, khái niệm SXSH giúp kết hợp các cơ hội tăng trưởng thực sự với hiệu quả sử dụng nguyên liệu tối ưu. Tuy nhiên, vì SXSH được phát triển bắt nguồn từ những mối lo ngại về môi trường liên quan đến ô nhiễm vật lý phát sinh từ các dòng thải nguyên liệu và phát thải nên các cấu phần của nó và những người thực hành đều chú trọng đến vấn đề bảo toàn nguồn nguyên liệu. Nhìn chung, SXSH không giải quyết những vấn đề tổng năng suất sử dụng tài nguyên, và các khía cạnh khác của năng suất như bảo toàn năng lượng, kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật giá trị… chưa được lồng ghép vào khái niệm này. Bên cạnh đó, SXSH, theo định nghĩa, cũng không bao hàm các giải pháp “cuối đường ống”.

Sử dụng năng lượng hiệu quả – trọng tâm là giảm chi phí

Những nỗ lực cải thiện sử dụng năng lượng hiệu quả bắt đầu được tiến hành vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, chủ yếu là do nhu cầu giảm chi phí sản xuất. Dù cho năng lượng là đầu vào thiết yếu của nhiều quy trình thì cũng không nhất thiết phải là một thành phần chi phí quan trọng nhất.

Điều này giải thích tại sao những người thực hành SDNLHQ có xu hướng chú trọng vào thiết bị chuyển hoá năng lượng (ít rủi ro hơn về việc làm phá vỡ quy trình) và luôn tránh các giải pháp SDNLHQ có liên quan đến quy trình (mang tính chất rủi ro hơn).

Lợi ích của việc tích hợp SXSH và SDNLHQ

Tiếp cận SXSH-SDNLHQ tích hợp sẽ giúp mang lại những lợi ích sau:

Gói dịch vụ mở rộng mang lại lợi ích lớn hơn: Khi tài nguyên được định giá ở mức thấp (hoặc có thể được trợ giá) và/hoặc các vấn đề môi trường chưa được xem là quan trọng thì giải pháp SXSH tự nó có thể không thu hút được nhiều sự quan tâm. Lúc đó, nếu kết hợp với lợi ích từ SDNLHQ có thể đề xuất một gói giải pháp hấp dẫn hơn.

SXSH-SDNLHQ có thể giúp tạo ra những sản phẩm thực sự thân thiện với môi trường sinh thái.

Tương tự, vấn đề giảm tiêu hao năng lượng trong thời điểm giá năng lượng giảm xuống có thể được quan tâm hơn khi kết hợp với SXSH. Tiếp cận SXSH-SDNLHQ tích hợp đúc rút từ số lượng lớn hơn những thực hành sản xuất tốt nhất nên mang lại các giải pháp kinh doanh toàn diện và có nhiều lợi ích hơn về mặt kinh tế.

Thị phần của sản phẩm được mở rộng hơn

SXSH-SDNLHQ có thể giúp tạo ra những sản phẩm thực sự thân thiện với môi trường sinh thái. Sản phẩm “xanh”, bảo đảm cả nhãn đánh giá tính sinh thái và năng lượng, nên sẽ giúp sản phẩm có thêm lợi thế cạnh tranh – có thể giành được thị phần tốt hơn.

Việc tích hợp bảo đảm cho tính bền vững của các giải pháp SDNLHQ

Cho đến nay, tiếp cận SDNLHQ đang thịnh hành, về bản chất, có định hướng theo nhiệm vụ (kiểu “kê toa”) vì thế không được xem là hoạt động quản lý hàng ngày tại doanh nghiệp. Một tình trạng phổ biến là các chương trình SDNLHQ kết thúc ngay khi các nhà tư vấn rời khỏi công ty và kết quả là các chương trình vẫn mang tính rời rạc và diễn ra trong thời gian ngắn.

Ngược lại, áp dụng liên tục là một đặc điểm chính của SXSH. Khi SXSH và SDNLHQ tích hợp, khái niệm “liên tục” mở rộng cho SDNLHQ và do đó đảm bảo tính bền vững lâu dài cho thực hiện SDNLHQ.

Hỗ trợ thực hiện các hiệp định và nghị định thư toàn cầu

Trong những năm gần đây một loạt các hiệp định và nghị định thư của khu vực và toàn cầu đã được xây dựng nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường và năng lượng.

SXSH-SDNLHQ có thể giúp kiểm soát những vấn đề này dễ dàng hơn so với khi chỉ áp dụng SXSH hay SDNLHQ đơn lẻ. Một số quốc gia ban hành luật về SXSH, một số quốc gia khác lại ban hành luật về SDNLHQ; nếu kết hợp hai luật này sẽ giúp thực hiện đồng thời những biện pháp bảo toàn nguyên vật liệu và năng lượng. Nhóm công tác SXSH-SDNLHQ có thể đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ chính phủ một quốc gia đạt được mục tiêu này.

Bớt lặp lại nhiệm vụ và tạo ra sự đồng vận giữa các mục tiêu của SXSH và SDNLHQ

Khi không tích hợp, các chuyên gia SXSH và SDNLHQ mất nhiều thời gian để thu thập và phân tích dữ liệu một cách riêng biệt và sau đó thực hiện các giải pháp tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng cũng theo cách đơn lẻ. Khi tích hợp, nỗ lực chung và đồng thời sẽ giúp tiết kiệm nhiều thời gian thu thập và phân tích dữ liệu, như vậy, sẽ dẫn đến nhiều cách thức đơn giản hơn để giải quyết những vấn đề độc lập về lãng phí nguyên vật liệu và năng lượng.

Dễ dàng tiếp cận với nhiều nguồn vốn hơn

Có những nguồn vốn trong khu vực và trên toàn cầu chỉ dành cho SXSH hoặc chỉ dành cho SDNLHQ. Theo đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với tất cả những nguồn vốn này bằng cách tích hợp SXSH-SDNLHQ.

SXSH-SDNLHQ mở đường cho việc thực hiện Hệ thống Quản lý Môi trường (EMS)

Tiếp cận SXSH-SDNLHQ tích hợp, với phương pháp luận của mình sẽ giúp dễ dàng triển khai và duy trì một Hệ thống Quản lý Môi trường (EMS) toàn diện hơn.

VNCPC

Lý do khiến doanh nghiệp không thể “bỏ qua” việc quản lý rác thải

Rác thải gắn với mọi quá trình sản xuất và kinh doanh. Do đó, việc quản lý rác thải thế nào để tăng hiệu quả kinh tế và giảm tác hại đối với môi trường là điều mà các doanh nghiệp không thể “bỏ qua”.

Rác thải liệu có phải là tài nguyên?

Rác thải được định nghĩa là các chất đầu ra không phải sản phẩm, không có giá trị trường hoặc có giá trị tiêu cực đối với thị trường. Rác thải có thể là chất rắn, lỏng, khí hoặc đặc quánh như hồ. Nước và khí thải mặc dù là các chất đầu ra không phải sản phẩm, nhưng không được coi là rác thải.

Các khu vực chôn lấp rác thải trên thế giới ngày càng tăng chính là hình ảnh phản chiếu xu thế toàn cầu của tăng dân số, thịnh vượng và đô thị hóa. Điều đáng lo ngại là rác thải sinh ra ngày một nhiều: các nguồn tài nguyên có hạn đang biến thành những hàng hóa dùng 1 lần, các hàng hóa sinh ra khí nhà kính (GHG) cũng rất nhanh chóng bị chôn lấp.

Bên cạnh đó, hiện tượng đốt rác ngoài trời ở các nước đang phát triển là nguyên nhân đáng kể gây ra ô nhiễm không khí, bao gồm cả các hiểm họa đối với sức khỏe của các động đồng sống lân cận. Như vậy, hầu như chưa nhiều người nhận ra rằng rác thải cũng là một tài nguyên.

Rác thải được định nghĩa là các chất đầu ra không phải sản phẩm, không có giá trị trường hoặc có giá trị tiêu cực đối với thị trường.

Trước đó, vào năm 1960, một nghiên cứu quy mô thế giới của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đã chỉ ra rằng tất cả các nước đều có nguy cơ nhiễm độc đất đai do nhiều loại hình sản xuất công nghiệp. Điều này cần phải nhấn mạnh vì chi phí xử lý đất bị nhiễm độc rất đắt đỏ. Do đó, các chương trình ngăn ngừa ô nhiễm vẫn là chiến lược được ưu tiên trong việc quản lý rác thải. Đây cũng là vấn đề thách thức lớn đối với các quốc gia phát triển và đang phát triển.

Cách phân loại rác thải

Tùy theo chất lượng, rác thải được phân loại như sau:

Khoáng chất: Rác thải khoáng chất là chất trơ, không hòa tan, không phân hủy. Rác thải khoáng về bản chất là an toàn, có thể đổ bỏ mà không cần công nghệ xử lý, chôn lấp đặc biệt hay các biện pháp quản lý rác thải chôn lấp về lâu dài.

Phi khoáng chất: Rác thải được phân loại phi khoáng chất nếu có khả năng phản ứng hóa học hoặc sinh học. Rác này hòa tan được, phân hủy được. Khi vứt bỏ rác thải này cần có công nghệ xử lý, chôn lấp đặc biệt và/hoặc các công nghệ xử lý chôn lấp lâu dài. Rác thải phi khoáng chất có thể trở thành khoáng chất thông qua công nghệ xử lý rác thải.

Công nghệ nào được áp dụng cho việc xử lý rác

Công nghệ xử lý rác thải được chia thành các loại sau:

Tái sử dụng, tái sản xuất, tái chế

Tái sử dụng là tận dụng thành phần, bộ phận hoặc sản phẩm nào đó sau khi nó đã được loại khỏi vòng đời phục vụ của nó. Tái sử dụng không bao gồm quá trình sản xuất, tuy nhiên, có thể bao gồm việc làm sạch, sửa chữa, tân trang khi chuyển đổi sử dụng.

Tái chế là khôi phục và tái sử dụng vật liệu từ phế liệu hoặc rác, phục vụ cho quá trình sản xuất sản phẩm mới.

Tái sản xuất là tận dụng thành phần, bộ phận hoặc sản phẩm nào đó sau khi nó đã được loại khỏi vào đời phục vụ của nó, chuyển sang một quá trình sản xuất mới đi xa hơn việc làm sạch, sửa chữa, tân trang khi chuyển đổi sử dụng.

Tái chế là khôi phục và tái sử dụng vật liệu từ phế liệu hoặc rác, phục vụ cho quá trình sản xuất sản phẩm mới. Thu hồi năng lượng (được coi là tái chế nhiệt) không được coi là tái chế, mà là thiêu đốt rác. Các quá trình xử lý ban đầu tạo điều kiện để tái chế rác thải được coi là một phần của quy trình tái chế.

Các công ty sẽ phân biệt rõ ràng và kỹ càng hơn giữa tái sử dụng mở hoặc khép kín, tái sản xuất và tái chế tùy theo mục đích, hiệu quả kinh tế.

Tái sử dụng mở

Vật liệu được tái chế, tái sử dụng hoặc tái sản xuất không quay trở lại sử dụng trong đơn vị đó mà quay lại thị trường.

Tái sử dụng đóng

Vật liệu được tái chế, tái sử dụng hoặc tái sản xuất quay trở lại sử dụng trong đơn vị đó. Tái chế ngay trong quá trình là dạng tái sử dụng đóng ngắn nhất.

Đốt rác

Đốt rác sẽ khoáng hóa rác thải, giảm thể tích rác thải rắn. Đốt rác thải tạo nên những dòng rác thải khác như khí thải, bụi, xỉ, nhiệt… cần phải xử lý riêng biệt.

Các loại hình đốt rác thải:

Thiêu đốt rác ở nhiệt độ thấp;

Thiêu đốt rác ở nhiệt độ cao;

Thiêu đốt trong lò xi măng;

Chôn lấp vệ sinh

Chôn lấp vệ sinh cung cấp nơi xả rác. Khu chôn lấp vệ sinh là một khu đất có kiểm soát, trên đó rác thải được đổ theo cách thức phù hợp với tiêu chuẩn, luật lệ, chỉ thị của một cơ quan điều hành.

Rác thải được đổ xuống các rãnh, hoặc ngay trên mặt đất nén lại bằng các máy móc cơ khí và sau đó được chôn lấp bằng đấy và lớp phủ trên cùng.

Phương pháp ủ và các cách xử lý sinh học khác sinh ra một lượng rất nhỏ GHG. Cần lưu ý rằng, chất thải từ quá trình chôn lấp rác thải sẽ tiếp diễn trong nhiều thập kỷ sau khi rác thải được chôn lấp nên rất khó đánh giá xu hướng phát thải.

VNCPC

Vì sao doanh nghiệp không thể bỏ qua khâu quản lý hóa chất?

Hầu hết các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh đều cần sử dụng hóa chất. Do đó, quản lý hóa chất là khâu mà các doanh nghiệp không thể bỏ qua.

Sử dụng hóa chất và những nguy cơ hiện hữu

Các hóa chất có thể gây ra những tác động vật lý như cháy nổ, gây chấn thương cho con người và thiệt hại về cơ sở vật chất. Các tác động vật lý đến cơ sở vật chất có thể kể đến như là: ăn mòn, làm máy móc xuống cấp, ô nhiễm chất thải, chất độc dư lại có thể hạn chế công dụng của thiết bị, dụng cụ, cơ sở vật chất…

Đó là chưa kể đến các vấn đề về môi trường nảy sinh do kết quả của hóa chất tồn kho bị tràn, rò rỉ, rác thải hóa chất. Ngoài tác động đến sức khỏe, tác động vật lý lên môi trường sống do các biến cố liên quan tới hóa chất, các công ty còn phải chi phí để giảm nhẹ các tổn thất.

Ngoài ra, việc sử dụng hóa chất còn có thể gây ra những hiểm họa đối với sự an toàn của công nhân, môi trường và các thất thoát tài nguyên khác khiến việc phải quản lý hóa chất càng trở thành hoạt động vô cùng cấp thiết trong mỗi doanh nghiệp.

Các hóa chất có thể gây ra những tác động vật lý như cháy nổ, gây chấn thương cho con người và thiệt hại về cơ sở vật chất.

Thêm vào đó, sử dụng hóa chất còn có nguy cơ gây hại cho mọi người, đặc biệt là công nhân thường phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại do tính chất công việc.

Sử dụng hiệu quả hóa chất mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?

Khi công ty xác định rõ việc quản lý hóa chất là một phần rất quan trọng trong hoạt đông kinh doanh của mình sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải chủ động trong việc lên kế hoạch cho an toàn hóa chất và đặt ra những mục tiêu thay vì bị động giải quyết hậu quả khi vấn đề phát sinh.

Trong những năm gần đây, chi phí xử lý và thải bỏ các loại rác thải nguy hại đã tăng lên, cùng với sự gia tăng của các công văn về quản lý vật liệu độc hại.

Với sự gia tăng vùn vụt trong chi phí và mức độ tin cậy của việc tiếp xúc với nguyên vật liệu gây hại, cần phải đầu tư vào các chất thay thế và các quá trình làm giảm sự phụ thuốc vào các chất độc trong công nghiệp.

Việc giảm sử dụng chất độc giúp cho nhà sản xuất tăng hiệu suất làm việc, cải tiến chất lượng. Nó giúp doanh nghiệp chi hiệu quả vào vật liệu, giảm thời gian sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí vận chuyển, xử lý và thải bỏ, giảm các loại phí điều tiết và những mối lo khác, tăng an toàn lao động, giảm tỷ lệ bảo hiểm bồi thường cho công nhân.

Theo thống kê, trong số 5 đến 7 triệu chất độc được biết tới và rất nhiều hóa chất mới được tìm và sử dụng mỗi năm, các công ty sử dụng hơn 80 ngàn chất trong sản xuất.

Theo thống kê, trong số 5 đến 7 triệu chất độc được biết tới và rất nhiều hóa chất mới được tìm và sử dụng mỗi năm, các công ty sử dụng hơn 80 ngàn chất trong sản xuất. Ngày nay, hầu như mọi công ty đều sử dụng một số loại hóa chất. Vì vậy, những công ty biết cách quản lý hóa chất hiệu quả sẽ giành được lợi thế.

Tác dụng của việc sử dụng hiệu quả hóa chất

Giảm chi phí và tác động lên môi trường: Hóa chất chiếm một phần chi phí sản xuất trong công ty. Bất cứ biện pháp nào có thể giảm hao phí, rác thải, chất độc và chi phí xử lý những chất này đều tiết kiệm cho công ty và giảm các tác động xấu lên môi trường.

Lợi thế cạnh tranh: Trong khi hóa chất thường được sử dụng để đạt được một số đặc tính và phẩm chất trong sản phẩm, người tiêu dùng thường không thích các chất độc hại trong sản phẩm. Do đó, các công ty thường phải cố gắng tránh hoặc hạn chế sử dụng các chất bị cấm hoặc hạn chế đến mức có thể để không bị tẩy chay khỏi thị trường.

Trên thực tế, khách hàng và người tiêu dùng cũng đánh giá cao những công ty tự nguyện không sử dụng các loại hóa chất bất hợp pháp, có tác động xấu đến sức khỏe và gây hại cho môi trường.

Nâng cao an toàn và sức khỏe công nhân: Bản thân các hóa chất hoặc khi chúng kết hợp với các chất khác có thể gây chấn thương, bệnh tật hoặc tử vong cho người xử lý chúng. Sử dụng sau các chất hóa học có thể dẫn đến cháy nổ. Các tai nạn liên quan đến hóa chất thường gây tổn thương lớn cho công ty trên các mặt như thất thoát nguyên liêu, hư hỏng thiết bị nhà xưởng, tổn thất về ngươi. Giảm nguy cơ về sức khỏe cho người lao động cũng sẽ góp phần nâng cao động lực làm việc, năng suất và giảm nghỉ việc do đau ốm hoặc chấn thương của người lao động.

VNCPC

“Điểm danh” những lợi ích khi doanh nghiệp triển khai chương trình hiệu quả năng lượng

Ngoài việc giúp giảm chi phí cho phần năng lượng phục vụ sản xuất cũng như sinh hoạt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) chú trọng đến việc triển khai chương trình hiệu quả năng lượng còn nhận được rất nhiều lợi ích.

Cụ thể như:

Tăng cường năng lực, phù hợp với các yêu cầu về môi trường;

Có thêm cơ hội marketing tốt hơn do tăng cường hiệu quả năng lượng

Lợi ích trực tiếp mà các doanh nghiệp nhận được từ việc sử dụng hiệu quả năng lượng bao gồm:

Giảm chi phí vận hành;

Giảm nguy cơ rủi ro do giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng ngày càng đắt đỏ;

Tăng cường an ninh năng lượng;

Tăng cường độ tin cậy của máy móc và quy trình sản xuất;

Điều chỉnh dây chuyền sản xuất tốt hơn;

Doanh nghiệp sẽ nhận được rất nhiều lợi ích từ việc triển khai chương trình sử dụng hiệu quả năng lượng.

Lợi ích gián tiếp từ việc sử dụng hiệu quả năng lượng tại các SMEs:

Tác động nội bộ tới nhân viên và môi trường làm việc;

Cải thiện chất lượng môi trường trong tòa nhà (IEQ)/điều kiện làm việc;

Cải thiện quan điểm nhân viên;

Giảm thiểu dao động về nhân lực

Tác động bên ngoài bằng việc tăng cường hình ảnh về sự quản lý của doanh nghiệp

Thời gian hoàn vốn đối với hầu hết các hệ thống sử dụng động cơ điện đều tương đối ngắn, từ 3 tháng đến 3 năm. Hệ thống tiết kiện năng lượng còn mang lại các hiệu quả ngoài sử dụng năng lượng như:

Quản lý quy trình tốt hơn, giảm sự gián đoạn và tăng cường chất lượng sản phẩm. Trong nhiều trường hợp, độ tin cậy của máy móc cũng tăng lên. Tổng tiết kiệm cho phí từ các lợi ích trên cũng có thể tương đương với tiết kiệm chi phí năng lượng mà chúng mang lại cho doanh nghiệp.

Hệ thống tiết kiện năng lượng còn mang lại các hiệu quả ngoài sử dụng năng lượng.

Lý do khiến SMEs còn ngại ngừng khi tham gia hiệu quả năng lượng:

Thiếu hiểu biết và chuyên môn về hiệu quả năng lượng;

Thiếu hiểu biết về lợi ích mà hiệu quả năng lượng mang lại;

Chưa tận dụng được nguồn tin, công cụ và chương trình đào tạo;

Thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực;

Kế hoạch dài hạn nghèo nàn;

Hoạt động vì môi trường thường mang tính chất chống chế cho phù hợp với quy định pháp luật về môi trường và áp lực từ cộng đồng.

Triển khai chương trình hiệu quả năng lượng như thế nào?

Một chương trình hiệu quả năng lượng thành công cần được bắt đầu với 1 kế hoạch kỹ lưỡng . Cam kết của lãnh đạo, nguồn nhân lực kỹ thuật và tài chính là các yếu tố quyết định tới sự phát triển và tính hữu dụng của chương trình. Song để triển khai thành công chương trình hiệu quả năng lượng, các doanh nghiệp cần thực hiện 7 bước theo sơ đồ sau:

Các bước tiến hành Nội dung
Bước 1: Thu thập dữ liệu Tìm lại các thông tin nền về nguồn năng lượng của doanh nghiệp thông qua các dữ liệu đầu vào
Bước 2: Vẽ danh sách thiết bị Xác định nguồn sử dụng điện. Vẽ sơ đồ các thiết bị tiêu thụ điện và nhiệt
Bước 3: Ghi lại dữ liệu Ghi lại dữ liệu liên quan đến sản xuất theo từng tháng và phân tích
Bước 4: So sánh định mức tiêu thụ So sánh định mức tiêu thụ năng lượng
Bước 5: Lập hồ sơ về phụ tải và phân tích Ghi lại số liệu về phụ tải và phân tích
Bước 6: Cân nhắc các giải pháp Xem xét các giải pháp hướng tới mục tiêu tăng cường sử dụng hiệu quả tài nguyên dự trên lý thuyết, kinh nghiệm từ các ngành khác và tư vấn từ các nhà cung cấp dịch vụ RE, CP, SP. Đồng thời, các cuộc thảo luận tự do nên được tổ chức giữa các thành viên trong đội để tìm ra các giải pháp hữu ích.
Bước 7: Đánh giá giải pháp và triển khai chương trình Đánh giá giải pháp phù hợp với chương trình và triển khai liên qua đến PDCA (Lập kế hoạch – Thực hiện – Kiểm tra – Hành động)

VNCPC

Sản xuất sạch hơn được triển khai ở doanh nghiệp như thế nào?

Sản xuất sạch hơn (SXSH) khác hẳn so với phương pháp “xử lý và kiểm soát ô nhiễm”. Đây là phương pháp “dự đoán và ngăn chặn” rất linh hoạt. Song không ít người vẫn băn khoăn với câu hỏi: SXSH được triển khai ở doanh nghiệp như thế nào?

SXSH doanh nghiệp nào tham gia cũng “chiến thắng”

Thực tế, sản xuất sạch hơn là chiến lược mà doanh nghiệp nào tham gia cũng “chiến thắng” bởi nó vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ công nhân vừa giúp tăng hiệu quả công nghiệp, lợi nhuận và tính cạnh tranh.

SXSH thường được áp dụng đối với những lãng phí tài nguyên hữu hình (như nguyên liệu), nên hiện tượng lãng phí ngẫu nhiên sẽ rất ít. Nhìn chung, có thể tính toán truy tìm được vật liệu đầu vào cho một công đoạn nào đó thông qua các sản phẩm đầu ra định tính và định lượng được.

Sản xuất sạch hơn vừa giúp doanh nghiệp bảo vệ môi trường, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ công nhân vừa giúp tăng hiệu quả công nghiệp, lợi nhuận và tính cạnh tranh.

Mặc dù vậy, điều này không phải lúc nào cũng đúng khi xem xét trong đánh giá sử dụng năng lượng. Về căn bản, năng lượng “vào” phải bằng năng lượng “ra”, nhưng vấn đề gặp phải ở đây là các dòng năng lượng đầu ra thường khó nhận biết hơn so với dòng vật liệu. Vì thế, việc xác định và đánh giá các dòng năng lượng lãng phí dạng ẩn và sử dụng thiếu hiệu quả thường gặp nhiều khó khăn.

Điều này đặc biệt đúng với các thiết bị chạy điện như máy bơm, quạt, máy nén khí,… khi năng lượng đầu vào dưới dạng điện năng có thể dễ dàng đo lường được, nhưng mức độ chuyển đổi hiệu quả sang đầu ra hữu ích (chẳng hạn: nước được bơm, khí được nén, v.v…) thì lại không thể định lượng trực tiếp được.

SXSH có lợi nhưng…

Các mâu thuẫn có thể nảy sinh SXSH và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng (HQSDNL) có tính bổ trợ cho nhau rất cao. Tuy nhiên, trong một số tình huống, các kết quả có lợi thu được của một phương pháp luận (chẳng hạn SXSH) lại có thể được hiểu là đối lập với phương pháp còn lại (HQSDNL). Dưới đây là một số ví dụ minh chứng cho điều này:

Tuần hoàn là một kỹ thuật SXSH rất có lợi, nhưng tuần hoàn dầu và chất bôi trơn, tái sử dụng các ổ đệm đã qua sửa chữa hoặc quấn lại các động cơ bị cháy (đặc biệt là trường hợp việc sửa chữa hoặc quấn lại được thực hiện không hoàn chỉnh) thường dẫn đến tiêu hao năng lượng ở mức cao hơn.

Phương pháp luận triển khai SXSH tại doanh nghiệp

Làm lạnh bằng công nghệ hấp thụ hơi là một giải pháp SXSH chuyên nghiệp và thân thiện sinh thái khi so sánh với các máy nén hơi đang thịnh hành. Tuy nhiên, khi xét về mặt sử dụng năng lượng thì các hệ thống hấp thụ hơi lại có hiệu quả thấp hơn.

Các bóng đèn huỳnh quang tuýp gầy có hiệu quả năng lượng hơn loại bóng sợi đốt, nhưng về mặt môi trường (SXSH) thì việc phủ thủy ngân làm cho loại bóng này ít thân thiện sinh thái hơn.

VNCPC