Amiăng: “Sát thủ” đứng sau hàng nghìn ca ung thư mỗi năm
Dù được biết đến là một trong những chất gây ung thư nhiều nhất đối với con người nhưng tại Việt Nam, amiăng vẫn được sử dụng rất phổ biến, đặc biệt là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Việt Nam trong top 5 nước sử dụng amiăng nhiều nhất
Amiăng được biết đến là một trong những chất gây ung thư nhiều nhất đối với con người nhưng vẫn được sử dụng rất nhiều. Mười năm trở lại đây, Việt Nam là một trong 5 nước sử dụng amiăng nhiều nhất thế giới.
Tại Việt Nam, amiăng được dùng để sản xuất tấm lợp fibro xi măng và được xem như là loại chất lợp rẻ tiền, dễ sản xuất và sử dụng. Bên cạnh đó, amiăng còn được sử dụng rộng rãi để sản xuất các loại vật liệu chống cháy, cách âm, cách nhiệt dùng trong xây dựng, đóng tàu biển, chế tạo vỏ bọc cho các thiết bị chịu nhiệt, các đường ống ngầm…
Tuy nhiên, từ những năm 1980, tính độc hại và khả năng gây ra một số dạng ung thư của amiăng đã được phát hiện và cảnh báo. Amiăng trắng được khẳng định là có hại cho sức khỏe, chủ yếu là xâm nhập qua đường hô hấp. Người tiếp xúc thường xuyên với amiăng có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến phổi, ung thư biểu mô, thanh quản… Trong đó, những nơi sử dụng vật liệu có chứa amiăng phổ biến là vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.
Tấm lợp fibro xi măng hiện vẫn đang được nhiều vùng dân tộc thiểu số sử dụng. Ảnh: Báo Công thương
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), amiăng (kể cả amiăng trắng), là một trong những chất gây ung thư nghề nghiệp, là nguyên nhân gây ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, bệnh bụi phổi amiăng, ung thư vòm họng và ung thư buồng trứng. Hàng năm thế giới có trên 107.000 người chết vì các bệnh ung thư này.
Trước những hậu quả về sức khỏe, tính mạng do amiăng gây ra, WHO thống kê (đến tháng 7/2017) đã có 64 nước cấm sử dụng amiăng toàn bộ hoặc một phần, 56 nước cấm hoàn toàn amiăng trong sản xuất và sử dụng. Nhiều nước đã cấm mọi sản phẩm có chứa amiăng và hiện chỉ còn 35 nước sử dụng, trong đó có Việt Nam.
Trước thực trạng này, ngày 01/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch Phát triển kinh tế- xã hội, trong đó giao cho Bộ Xây dựng “Nghiên cứu, xây dựng và phát triển vật liệu xây dựng sử dụng cho các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025; xây dựng lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023”.
Theo hướng này, Bộ Xây dựng đã xây dựng dự thảo Đề án “Lộ trình dừng sử dụng amiăng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiăng từ năm 2023”.
Chất thải chứa amiăng làm tăng nguy cơ ung thư
Liên quan tới vấn đề trên, đã có nhiều nhà khoa học đã nêu rõ sự độc hại của amiăng trắng và các bệnh liên quan đến amiăng, đặc biệt là bệnh ung thư, các giải pháp phòng chống tác hại của amiăng.
Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của tuyên truyền, nâng cao nhận thức về độc hại của amiăng; áp dụng giải pháp thay thế vật liệu có amiăng; tính pháp lý của quyết định cấm sử dụng amiăng, tiến tới ngừng sử dụng amiăng trắng ở Việt Nam trong tương lai gần.
Cụ thể, theo GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam, mặc dù amiăng có nhiều công dụng, nhưng nghiên cứu độc lập của các nhà khoa học tại Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Thụy Điển, Canada, Đan Mạch và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chứng minh rằng amiăng (gồm cả amiăng trắng) là một trong những chất gây ung thư nghề nghiệp, là nguyên nhân gây ra ung thư phổi, ung thư trung biểu mô, bệnh bụi phổi amiăng, ung thư vòm họng và ung thư buồng trứng.
Tại Việt Nam, từ những năm 1960, amiăng đã được sử dụng để sản xuất tấm lợp, phân lân nung chảy, các loại má phanh, vật liệu cách nhiệt. Trong đó, trên 90% amiăng nhập khẩu về được sử dụng để sản xuất tấm lợp (thường được gọi là tấm lợp fibro xi măng). Đáng lưu ý là, hiện có khoảng 95% tấm lợp có chứa amiăng đang được sử dụng tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
“Chúng ta cần tuyên truyền rộng rãi để người dân nâng cao hiểu biết về amiăng và các bệnh do amiăng gây ra, giúp người dân có biện pháp phòng ngừa, tự bảo vệ mình. Kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế để nhập nguyên liệu sản xuất tấm lợp không amiăng; giảm thuế cho doanh nghiệp sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng”, GS. TS Lê Vân Trình nói.
PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Phó viện trưởng Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế). Ảnh: GDVN
PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cũng cho rằng, hiện nay, tại nước ta có khoảng 40 cơ sở sản xuất tấm lợp có amiăng.
Tại cộng đồng, người dân sử dụng tấm lợp amiăng để lợp mái nhà, bếp, chuồng trại chăn nuôi. Người sử dụng tấm lợp fibro xi măng có nguy cơ nhiễm amiăng từ hoạt động khoan, cắt, lắp đặt, tháo dỡ tấm lợp Fibro xi măng, từ nguồn phế thải từ tấm lợp fibro xi măng.
Các chất thải có chứa amiăng có khả năng làm tăng tỷ lệ mắc ung thư do sợi amiăng xâm nhập cơ thể qua đường ăn uống, hô hấp hoặc qua da. Thí dụ, khi sợi amiăng được hít vào cơ thể qua đường hô hấp, sợi amiăng sẽ xâm nhập vào phổi, gây tổn thương tế bào biểu mô, dẫn tới các bệnh về phổi như ung thư phổi, ung thư biểu mô. Thời gian ủ bệnh từ 10-40 năm.
Tại Việt Nam, bệnh bụi phổi animăng từ năm 1976 được công nhận là bệnh nghề nghiệp được đền bù. Kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế giai đoạn 2010-2011 khẳng định đến 80% ca ung thư trung biểu mô ở Việt Nam có liên quan đến amiăng.
Tại Hàn Quốc, ca bệnh đầu tiên ung thư trung biểu mô liên quan đến amiăng được xác định là một nữ công nhân, năm 1993. Một năm sau, ca bệnh này được công nhận là có liên quan đến công việc. Bệnh nhân có 19 năm làm việc tại một nhà máy dệt amiăng.
Mỗi năm, Hàn Quốc chi khoảng 8 tỷ USD để đền bù cho các bệnh nhân mắc bệnh liên quan amiăng. Đầu năm 2018, có hơn 2.800 người được bồi thường. Năm 2015, Hàn Quốc đã cấm triệt để dùng chất này trong mọi lĩnh vực.
Nhật Bản cấm sử dụng amiăng từ năm 2012 ở tất cả ngành công nghiệp. Trên thế giới, từ năm 2013 đến nay có hơn 60 nước đã cấm sử dụng tất cả các dạng amiăng.
Trước gánh nặng bệnh tật và tài chính do các bệnh liên quan đến amiăng, WHO và Tổ chức Lao động quốc tế đều khuyến nghị cấm hoàn toàn sử dụng mọi dạng amiăng. Đây là cách hiệu quả nhất để loại bỏ các bệnh liên quan đến chất này.
Theo Bảo Lâm/vietq.vn (17/5/2019)