AI đang gây ảnh hưởng đến môi trường như thế nào?
Công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại không chỉ tiềm năng đổi mới mà còn đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với môi trường như lãng phí tài nguyên, phát sinh khí thải và những nguy cơ ô nhiễm khác.
Theo OpenAI, sức mạnh tính toán cần để đào tạo các mô hình AI tiên tiến tăng gấp đôi sau mỗi 3,4 tháng kể từ năm 2012. Dự kiến đến năm 2040, ngành Công nghệ thông tin và truyền thông sẽ chiếm 14% tổng lượng khí thải toàn cầu, với trung tâm dữ liệu và mạng truyền thông đóng góp lớn.
Nghiên cứu mới của Đại học Massachusetts cũng chỉ ra rằng quá trình đào tạo mô hình AI tiêu tốn lượng nước sạch đáng kể. Theo kết quả nghiên cứu, việc huấn luyện có thể tạo ra khoảng 626.000 pound (~284 tấn) carbon dioxide, tương đương với khoảng 300 chuyến bay khứ hồi giữa New York và San Francisco.
Các nghiên cứu trước đó đã nhắc tới việc những mô hình AI năng lực cao như ChatGPT có khả năng để lại “dấu chân carbon” lớn (gây tác động lớn tới môi trường), vẫn có ít người chú ý tới hoạt động tiêu thụ nước của các hệ thống này.
Theo đó, nghiên cứu mang tên “Khiến cho AI bớt khát nước hơn” của nhóm các nhà khoa học tới từ Đại học Colorado Riverside và Đại học Texas Arlington của Mỹ, chưa qua thẩm định của các chuyên gia trong ngành, được đăng tải trên chuyên trang khoa học arXiv. Nghiên cứu ước tính rằng trung tâm dữ liệu, được sử dụng để thực hiện việc giao tiếp giữa ChatGPT với người dùng, sẽ tiêu tốn 500ml nước sạch cho mỗi cuộc trò chuyện gồm từ 20 tới 50 câu hỏi.
Các nhà khoa học còn tạo ra một bộ khung để ước tính lượng nước sẽ bị tiêu thụ, trong quá trình làm mát các máy chủ đang chạy những hệ thống AI cao cấp như ChatGPT. Cụ thể, chỉ riêng quá trình đào tạo mô hình GPT-3, công ty Microsoft có thể đã tiêu thụ một lượng nước đáng kinh ngạc là 700.000 lít nước sạch. Theo mô hình quy đổi, lượng nước này đủ để phụ vụ việc sản xuất 370 chiếc ôtô BMW hoặc 320 chiếc xe điện Tesla. Microsoft đã hợp tác chặt chẽ với OpenAI, công ty đứng đằng sau ChatGPT. Gần đây Microsoft được cho là đã đầu tư tới 10 tỷ USD vào công ty.
Các nhà khoa học lưu ý rằng các mô hình AI năng lực cao khác như LaMDA của Google có thể tiêu thụ một lượng nước “đáng kinh ngạc” lên tới hàng triệu lít. Vì vậy các doanh nghiệp cần chấp nhận trách nhiệm về việc quản lý tài nguyên nước và khí thải của họ khi sử dụng AI.
Trong khi đó, ứng dụng của AI như ô tô không người lái và máy bay giao hàng gây ra đe dọa đến động vật và môi trường tự nhiên. Tự động hóa được thúc đẩy bởi AI có thể dẫn đến tăng tiêu thụ năng lượng và sản sinh lượng chất thải, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử. Trong nông nghiệp, sự triển khai của AI có thể dẫn đến lạm dụng thuốc trừ sâu và phân bón, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.
Dự đoán của diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đến năm 2050, tổng lượng rác thải điện tử sẽ vượt quá 120 triệu tấn. Để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của AI, cần có quy định nghiêm ngặt và thực hành có đạo đức. Tối ưu hóa thuật toán và phần cứng là chìa khóa để giảm tiêu thụ năng lượng của hệ thống AI. Các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu cũng cần hợp tác chặt chẽ để tìm ra giải pháp đa ngành và bền vững, đảm bảo rằng sự tiến bộ công nghệ không gây hại đến môi trường.
Về phía doanh nghiệp, bà Corina Standiford, người phát ngôn của Google khẳng định đang tìm kiếm cách giảm năng lượng và khí thải carbon từ hoạt động AI, cần có sự can thiệp của các cơ quan quản lý và chính phủ để đảm bảo rằng các doanh nghiệp áp dụng AI theo cách có lợi cho môi trường và xã hội. Các nỗ lực cộng đồng và sự nhận thức từ công dân cũng quan trọng để đẩy mạnh sự chuyển đổi đối với AI thông minh và bền vững.
Duy Trinh (t/h)
https://vietq.vn/ai-dang-gay-anh-huong-den-moi-truong-nhu-the-nao-d216691.html