Làm sao tiêu hủy pin điện mặt trời?

Tuổi thọ pin điện mặt trời từ 20 – 25 năm, có loại pin tuổi thọ chỉ 15 năm. Vậy phải xử lý tiêu hủy pin này như thế nào để không ảnh hưởng môi trường?

Nhiều dự án nhà máy điện mặt trời đang thi công xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận – Ảnh: MINH TRÂN

Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo quốc gia phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo (NLTT) của cả nước, vào chiều 24-5, do Bộ Công thương, Viện Hàn lâm khoa học – xã hội Việt Nam và UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp tổ chức.


Hội thảo quốc gia phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước – Ảnh: MINH TRÂN

Ông Nguyễn Minh Trứ, trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Thuận, đại biểu HĐND tỉnh, cho hay các đợt tiếp xúc cử tri huyện Ninh Phước, cử tri đều hỏi tuổi thọ pin ĐMT từ 20 – 25 năm, có loại pin tuổi thọ chỉ 15 năm.

“Sau đó pin này thải ra được xử lý tiêu hủy ra sao để không ảnh hưởng môi trường sống của người dân” – ông Trứ đặt câu hỏi.


Tuổi thọ pin điện mặt trời từ 20 – 25 năm, có loại chỉ 15 năm. Hiện chưa có công nghệ xử lý tiêu hủy khi các pin đến hạn – Ảnh: MINH TRÂN

Ông Đỗ Đức Quân, cục phó Cục Điện lực và NLTT Bộ Công thương, trả lời: “Các tấm pin điện mặt trời không gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi hy vọng 20 năm tới, thế giới sẽ có công nghệ xử lý tiêu hủy các tấm pin đến hạn”.

Thế nhưng, theo PGS.TS Nguyễn Chiến Thắng, viện phó Viện Kinh tế Việt Nam, điện mặt trời có gây ô nhiễm, vì những tấm pin được sản xuất có nhiều hóa chất carrium, arsenic và silicon tetrachloride. Đây là những chất rất độc hại cho công nhân chế tạo cũng như thẩm thấu nguồn nước, khuếch tán vào không khí.

Việc thu gom, tái chế các tấm pin điện mặt trời cũng chưa tiến hành nghiêm túc, có nguy cơ gây ô nhiễm cao.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu đề nghị trong khi chờ đến tuổi thọ pin điện mặt trời, bộ ngành trung ương cần nghiên cứu đưa ra công nghệ tối ưu để xử lý tiêu hủy các tấm pin này.

“Hiện Bộ Công thương đang rất khuyến khích các nhà đầu tư tham gia nghiên cứu xây dựng công nghệ xử tiêu hủy các pin điện mặt trời đến hạn và sẽ được bộ hỗ trợ kinh phí” – ông Đỗ Đức Quân, cục phó Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, nói.

Cần có Luật năng lượng tái tạo

PGS.TS Bùi Nhật Quang, phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học – xã hội Việt Nam, cho rằng tuy năm 2018, Chính phủ có ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP chấp thuận chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước với một số cơ chế đặc thù.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có Luật năng lượng tái tạo để có nền tảng pháp lý đủ mạnh về quy định hàng loạt cơ chế chính sách cần thiết như giá, yêu cầu về công nghệ, vấn đề thành lập các quỹ phát triển năng lượng tái tạo, chế tài xử lý các vi phạm nếu có.

“Đây là đòi hỏi cấp thiết để Ninh Thuận thực hiện thuận lợi cơ chế đặc thù và sớm trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước” – ông Quang nói.

Theo Minh Trân/tuoitre.vn (25/5/2019)