Ngành Xây dựng tăng cường hợp tác quốc tế về tăng trưởng xanh

“Các lĩnh vực thuộc ngành Xây dựng tiêu thụ nhiều tài nguyên khoáng sản, sử dụng nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính gây tác động đến môi trường, nên cần có các giải pháp ngắn hạn, dài hạn cũng như sự hợp tác quốc tế nhằm giảm thiểu các yếu tố gây tổn hại đến môi trường, đồng thời ứng phó hiệu quả với sự thay đổi của môi trường thiên nhiên, bảo đảm cuộc sống ổn định của người dân, sự phát triển bền vững của đất nước” – Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh nhấn mạnh tại Hội nghị bàn tròn với các nhà tài trợ quốc tế về Tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của Việt Nam, diễn ra ngày 2/2/2015, tại Hà Nội.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện nhiều tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chương trình Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (UNDP), Trung tâm Hợp tác toàn cầu Cơ quan năng lượng Đan Mạch, Văn phòng môi trường và phát triển xã hội Mỹ – USAID, Tập đoàn Nhà ở đất đai Hàn Quốc, UNHABITAT, WBG, GIZ…


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh phát biểu tại Hội nghị

Bộ Xây dựng tích cực triển khai quy hoạch và phát triển đô thị xanh

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có nguy cơ chịu tổn hại nặng nề do BĐKH. Đặc biệt, Đồng bằng sông Cửu Long dễ bị tổn thương trước hiện tượng nước biển dâng. Theo dự báo của các nhà khoa học, cuối thế kỷ 21, nước biển có nguy cơ dâng lên 98cm so với hiện nay, khiến hơn 20% diện tích TP.HCM sẽ bị ngập, 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp. Cả nước sẽ thiệt hại khoảng 10% GDP.

Do vậy, theo Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh, các cuộc trao đổi, bàn luận hướng đến sự đồng thuận trong quan điểm, nhận thức giữa các bên về hướng phát triển, các giải pháp chính sách, giải pháp công nghệ nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa Bộ Xây dựng và cộng đồng các nhà tài trợ vì tăng trưởng xanh là cần thiết để bảo vệ nguồn tài nguyên, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, ngăn chặn hiện tượng ấm lên toàn cầu, tạo sự phát triển bền vững”.

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã và đang tích cực triển khai quy hoạch và phát triển đô thị xanh, tăng cường năng lực cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật ứng phó với BĐKH, sản xuất VLXD thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng trong tòa nhà, kiên cố hóa nhà ở ứng phó với thiên tai, bão lũ… Trong các lĩnh vực này, Việt Nam có nhu cầu lớn về hợp tác với các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế về tăng trưởng xanh, ứng phó với BĐKH.

Nhu cầu hợp tác quốc tế về tăng trưởng xanh lớn


Đại diện nhiều tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị

Đề cập đến các nhu cầu về tăng trưởng xanh của ngành Xây dựng, ông Phạm Khánh Toàn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Xây dựng) cho biết: Đó là nhu cầu xây dựng hướng dẫn lập kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH cho các đô thị có nguy cơ chịu tác động mạnh của BĐKH; triển khai đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH; xây dựng bộ tiêu chí đô thị tăng trưởng xanh; Xây dựng mô hình quản lý đô thị hướng tới đô thị tăng trưởng xanh…

Ông Toàn nhấn mạnh: Việt Nam có nhu cầu về tăng cường năng lực cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật ứng phó với BĐKH, cụ thể là các chương trình, dự án đầu tư cho cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, thu gom và xử lý rác thải đô thị, rác thải nông thôn, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối cấp vùng như cấp nước, xử lý chất thải rắn tại Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng đồng bằng Sông Cửu Long…

Việc hợp tác giữa Bộ Xây dựng với các tổ chức quốc tế về tăng trưởng xanh sẽ được tiếp cận theo nhiều phương thức. Đối với các dự án đang triển khai, các bên sẽ tiếp tục phát triển xây dựng các ý tưởng dự án theo hướng tăng trưởng xanh, ứng phó với BĐKH. Đối với các dự án mới thì sẽ tổ chức các buổi tiếp xúc, trao đổi về quan điểm, ưu tiên của nhà tài trợ, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng.

Cần sự quyết liệt vào cuộc từ Trung ương


Việt Nam có nhu cầu hợp tác quốc tế về tăng trưởng xanh trong nhiều lĩnh vực

Ông Hubert Jenny – Chuyên gia cao cấp phát triển đô thị Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá: ADB nhận thấy Việt Nam có nhiều cố gắng trong việc gắn phát triển kinh tế hàng năm với tăng trưởng xanh và đã đạt được những kết quả nhất định, song cũng còn không ít vấn đề cần nỗ lực cải thiện. Hiện nay, ADB tập trung hỗ trợ kỹ thuật, tài chính cho các Cty dịch vụ nước ở Việt Nam xây dựng 10 chỉ số để đánh giá chất lượng dịch vụ.

Bên cạnh đó, ông Hubert Jenny cho biết: ADB cũng đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng nghị định hợp tác công tư PPP, hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện Chương trình Môi trường đô thị từ năm 2012. Hiện nay đã có 12 đô thị ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long được đánh giá. Chúng tôi cũng đang xây dựng một số chính sách và sẽ gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến.

Đưa ra các kinh nghiệm của một quốc gia đạt được nhiều thành tựu trong tiết kiệm năng lượng ở các tòa nhà, ông Jorgen Hvid – Cố vấn chuyên ngành của Trung tâm Hợp tác toàn cầu, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch cho biết: Việc tăng trưởng xanh cần sự quyết liệt vào cuộc của Trung ương. Chính phủ cần làm việc với các đơn vị tư nhân để có những giải pháp cải thiện hiệu quả việc sử dụng năng lượng ở các tòa nhà. Nhờ cách làm này, Đan Mạch đã giảm được 81% tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà từ năm 1961 đến năm 2010 thông qua việc thực hiện các chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng cho các toà nhà. Hiện nay chúng tôi cũng đang nghiên cứu để đến năm 2020 sẽ giảm 68% năng lượng tiêu thụ trong các tòa nhà.

Theo baoxaydung.com.vn