Trí tuệ nhân tạo – công nghệ của tương lai

Với xu thế phát triển công nghệ và ứng dụng trong đời sống xã hội đang thay đổi không ngừng, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang là điểm đến của các nhà khoa học trong tương lai.

Nhận định về sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo, Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, theo dòng chảy của cuộc cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo ngày càng được phổ biến và ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Mặc dù được John McCarthy, một nhà khoa học máy tính người Mỹ đề cập lần đầu tiên vào những năm 1950 nhưng đến ngày nay thuật ngữ trí tuệ nhân tạo mới thực sự được biết đến rộng rãi và được các “ông lớn” của làng công nghệ chạy đua phát triển.

AI là công nghệ sử dụng đến kỹ thuật số có khả năng thực hiện những nhiệm vụ mà bình thường phải cần tới trí thông minh của con người, được xem là phổ biến nhất. Đặc trưng của công nghệ AI là năng lực “tự học” của máy tính, do đó có thể tự phán đoán, phân tích trước các dữ liệu mới mà không cần sự hỗ trợ của con người, đồng thời có khả năng xử lý dữ liệu với số lượng rất lớn và tốc độ cao.

Hiện mỗi ngày trên toàn cầu có khoảng 2,2 tỷ GB dữ liệu mới (tương đương 165.000 tỷ trang tài liệu) được tạo ra và được các công ty, như Google, Twitter, Facebook, Amazon, Baidu, Weibo, Tencent hay Alibaba thu thập để tạo thành “dữ liệu lớn” (big data). Trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành khoa học máy tính và công nghệ thông tin, bản chất của trí tuệ nhân tạo vẫn do con người làm ra, họ xây dựng các thuật toán, lập trình bằng các công cụ phần mềm công nghệ thông tin, giúp các máy tính có thể tự động xử lý các hành vi thông minh như con người.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo hiện đang được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực của đời sống. Ảnh minh họa 

Trí tuệ nhân tạo có khả năng tự thích nghi, tự học và tự phát triển, tự đưa ra các lập luận để giải quyết vấn đề, có thể giao tiếp như người…tất cả là do AI được cài một cơ sở dữ liệu lớn, được lập trình trên cơ sở dữ liệu đó và tái lập trình trên cơ sở dữ liệu mới sinh ra. Cứ như vậy cấu trúc của AI luôn luôn thay đổi và thích nghi trong điều kiện và hoàn cảnh mới. Dự báo đến năm 2030 của công ty kiểm toán và tư vấn tài chính PwC, GDP toàn cầu có thể tăng trưởng thêm 14% từ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, AI đã xuất hiện trong nhiều ngành, từ cung cấp dịch vụ mua sắm ảo và ngân hàng trực tuyến đến giảm chi phí đầu tư trong sản xuất và hợp lý hóa chẩn đoán trong chăm sóc sức khỏe. AI đã thúc đẩy hầu hết các ngành công nghiệp tiến lên và thay đổi cuộc sống của nhiều người.

Trong lịch sử phát triển của mình từ năm 1960 đến năm 2018, thế giới đã có gần 340.000 sáng chế đồng dạng và hơn 1,6 triệu bài báo khoa học liên quan đến phát triển trí tuệ nhân tạo được công bố. Trong thập niên 80, AI đã bắt đầu được quan tâm, nhưng đến những năm 2012 sự tăng tốc mới trở nên mạnh mẽ. Giai đoạn 2006-2012, số công bố sáng chế bình quân tăng 8% trong một năm, nhưng đến giai đoạn 2012-2017 mức tăng đã đạt 28% trong một năm. Số lượng đơn sáng chế liên quan đến AI tăng từ 8.515 trong năm 2006 lên đến 12.473 năm 2011 và 55.660 năm 2017 (tăng gấp 6, 5 lần trong vòng 12 năm).

Trong nghiên cứu khoa học, các công bố bài báo liên quan đến AI cũng tăng lên rất nhanh chóng, đặc biệt trong thời gian đến năm 2018 gần đây với 1.636.649 bài báo được công bố. Sự xuất hiện của các bài báo khoa học về AI bắt đầu sớm hơn 10 năm trước khi diễn ra cuộc chạy đua bảo hộ sáng chế công nghệ AI. Chứng tỏ, kết quả của nghiên cứu khoa học cơ bản về AI đã có hiệu quả về mặt ứng dụng khi các cuộc đua đăng ký bảo hộ sáng chế gia tăng sau đó.

Theo Mediastandard, AI được chia làm ba loại gồm trí thông minh nhân tạo hẹp (ANI), trí thông minh phổ biến nhân tạo (AGI) và trí tuệ siêu nhân tạo (ASI). Những dự đoán về ứng dụng công nghệ AI trong nhiều lĩnh vực khác nhau, các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, khởi nghiệp và chính phủ có thể định hướng mục tiêu phát triển trong tương lai.

Đối với việc hỗ trợ hệ thống cổng thông tin chính phủ, công nghệ AI có thể là chìa khóa để tiến tới việc cải tiến cải cách hành chính hiệu quả, triệt để, giúp thay đổi đáng kế và giải quyết nhiều vấn đề bất cập hiện nay về quản lý và điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Điển hình là việc ứng dụng AI vào hệ thống chatbot (trả lời tự động) và trợ lý ảo tại các trung tâm hành chính. Điều này cho phép người dân truy vấn thông tin nhận được câu trả lời nhanh chóng, hiệu quả cũng như ngăn chặn tình trạng xếp hàng, chờ đợi như trước kia.

Với lượng dữ liệu khổng lồ lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của chính phủ, AI có khả năng tổ chức và kết hợp nhiều bộ dữ liệu để rút ra thông tin, cũng như tóm tắt một loạt các dạng dữ liệu. Tuy nhiên để triển khai được tốt hiệu quả, vấn đề an ninh mạng và bảo mật thông tin cũng cần được hệ thống AI quan tâm và vá kín.

Đối với việc phát triển nhận dạng khuôn mặt, việc nhận diện khuôn mặt bằng AI là ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc xác minh đặc tính gương mặt, máy tính tự động xác định, nhận dạng một người nào đó từ một bức hình ảnh kỹ thuật số hoặc một khung hình trong video. Nhận diện khuôn mặt bằng công nghệ AI thuộc một nhánh của thị giác máy tính, mà thị giác máy tính tốt hơn rất nhiều so với mắt thường của con người. Một trong những cách xác định là dựa vào những điểm nút của khuôn mặt. Công nghệ AI có thể đo tới 80 điểm nút (khoảng cách giữa các điểm trên một khuôn mặt giúp cơ chế nhận dạng khuôn mặt (FR) trở nên dễ dàng hơn.

Với cơ chế FR, một mạng lưới dạng thần kinh được hình thành trong hệ thống bằng cách nhập dữ liệu để tạo nhận dạng mẫu và những dữ liệu này bao gồm hình ảnh khuôn mặt của hàng triệu người được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau như mạng xã hội, trang web, camera giám sát có chức năng ghi nhận các ứng dụng khác có khai báo nhận dạng khuôn mặt…AI triển khai thuật toán lưu trữ khoảng cách các điểm nút trong cơ sở dữ liệu của nó, quét nhận dạng và khớp định danh cá nhân với dữ liệu đang có.

Hiện nay ứng dụng này được tích hợp với các hệ thống giám sát như tại cổng chấm công của công ty, các hệ thống giám sát tại sân bay, ga tàu, nơi công cộng; nhận diện khuôn mặt trong hệ thống an ninh quốc gia; trong hệ thống bảo an ngân hàng, tòa nhà…

Công nghệ AI có thể giúp quá trình nhận dạng khuôn mặt được dễ dàng, nhanh chóng hơn. Ảnh: Mediastandard

Trong ngành vận tải, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trên những phương tiện vận tải tự lái, điển hình là ô tô. Sự ứng dụng này góp phần mang lại lợi ích kinh tế cao hơn nhờ khả năng cắt giảm chi phí cũng như hạn chế những tai nạn nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên việc ứng dụng này vẫn chưa được phổ biến vì vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng với sự hỗ trợ của thuật toán Deep Learning (học sâu) với hàng hoạt các chức năng như nhận dạng và xử lý hình ảnh; nhận dạng và điều khiển bằng giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên; phát hiện vật cản, giải quyết bài toán điều khiển thời gian thực (real time) và xây dựng được một cơ cở dữ liệu khổng lồ về hệ thống giao thông và các tình huống giao thông… thì ứng dụng này trong tương lai sẽ sớm được đưa vào sử dụng.

Xe tự lái sẽ an toàn và xử lý thông minh các tình huống vì chúng được tích hợp nhiều tính năng tự động, các bộ cảm biến xung quanh xe luôn được phát tín hiệu phủ đủ rộng và đủ xa để phát hiện vật cản giúp phát hiện nhanh chóng các chướng ngại vật, các camera nhận dạng các tín hiệu ảnh để phân tích xử lý kịp thời theo các thuật toán với dữ liệu có sẵn (biển báo, chỉ dẫn giao thông, theo dõi phương tiện, người đi đường…)

Công nghệ AI đã mang lại thành công lớn trong các ngành công nghiệp khác nhau, tuy nhiên đỉnh cao phát triển của nó vẫn chưa đến. Năm 2016, thị trường toàn cầu của AI đạt trị giá 4 tỷ USD nhưng dự đoán sẽ lên tới 169 tỷ USD vào năm 2025 và 15.700 tỷ USD vào năm 2035. Với xu thế phát triển công nghệ và ứng dụng trong đời sống xã hội đang thay đổi không ngừng, công nghệ AI đang là điểm đến nhiều hơn nữa của đa số các nhà khoa học trong tương lai.

Phong Lâm
https://vietq.vn/tri-tue-nhan-tao-la-cong-nghe-cua-tuong-lai-thu-hut-su-chu-y-cua-nhieu-nha-khoa-hoc-d191269.html

Mỗi cá nhân sẽ có 1 mã QR thống nhất toàn quốc

Việc sử dụng một mã QR cá nhân thống nhất trong tất cả các nền tảng, ứng dụng công nghệ nhằm tạo thuận lợi tối đa cho mỗi người dân và các cơ quan, tổ chức khi thực hiện các nghiệp vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Lập Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ phòng chống COVID-19 quốc gia cho biết Bộ TT&TT vừa ban hành hướng dẫn các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân thuộc các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 tại Quyết định số 1405/QĐ-BTTTT.

Tài liệu này quy định về các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân, hướng dẫn việc cấp và sử dụng mã QR cá nhân trong các nền tảng, ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, mỗi cá nhân sử dụng các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 được cấp 1 mã QR cá nhân. Mã QR cá nhân có thể được sử dụng để cá nhân, tổ chức có thẩm quyền đọc và truy vấn các dữ liệu liên quan phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Việc hiển thị và sử dụng một mã QR cá nhân thống nhất trong tất cả các nền tảng, ứng dụng nhằm tạo thuận lợi tối đa cho mỗi người dân và các cơ quan, tổ chức khi thực hiện các nghiệp vụ phòng, chống dịch COVID-19. Người dân có thể lựa chọn cài đặt, sử dụng nền tảng, ứng dụng có cung cấp mã QR cá nhân phù hợp với nhu cầu và không cần cài đặt nhiều ứng dụng khác nhau.

Ông Đỗ Lập Hiển cũng cho biết Bộ TT&TT đã hoàn thành xây dựng nền tảng QR quốc gia và đã sẵn sàng triển khai. Hiện nay, cần có thời gian để các ứng dụng kết nối, đồng bộ. Việc này sẽ chỉ cần khoảng 1 tuần để thực hiện.

Các nền tảng phục vụ việc cung cấp, quản lý mã QR cá nhân cần tuân thủ Quy chế số 733/QC-BCĐ ngày 13/5/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 về quản lý dữ liệu y tế của người khai báo y tế từ các phần mềm phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Các nền tảng, ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trước khi triển khai cần được Bộ TT&TT và Bộ Y tế đánh giá đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tại tài liệu này.

Nền tảng, ứng dụng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 đáp ứng yêu cầu kỹ thuật được công bố tại website: https://covid19.tech.gov.vn.

Thực tế, thời gian qua, các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ phòng, chống dịch đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện khai báo y tế điện tử; truy vết, phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19; quản lý người cách ly, giám sát các khu cách ly; đánh giá nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương; quản lý công tác tiêm chủng, kết quả xét nghiệm…

Mặc dù các bộ, ngành, doanh nghiệp đã phát triển nhiều giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch nhưng thiếu sự kết nối, chia sẻ. Nhiều công cụ khi triển khai trong thực tế chưa tạo thuận lợi cho người dân sử dụng, khiến nhiều người dân lúng túng khi phải sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch khác nhau. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là trong thời gian sớm nhất phải có một ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch, thuận tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng được yêu cầu về thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Tại cuộc họp với các bộ ngành liên quan ngày 10/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ TT&TT làm đầu mối chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ quan liên quan khẩn trương phát triển ứng dụng mới, đồng thời hướng dẫn chi tiết, triển khai đồng loạt.

Thông tin người dân đã khai báo trên các ứng dụng trước đây được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không phải khai báo lại từ đầu.

Bộ TT&TT tích hợp tất cả dữ liệu được hình thành từ các ứng dụng, công cụ có sẵn trước đây thành cơ sở dữ liệu thống nhất, tiếp tục được cập nhật thường xuyên khi người dân dùng ứng dụng mới.

Các thông tin về sức khỏe, đi lại, tiếp xúc của người dân được quản lý tập trung, thống nhất và chỉ phục vụ cho mục đích phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thông tin, không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác.

Hiền Minh
https://baocantho.com.vn/moi-ca-nhan-se-co-1-ma-qr-thong-nhat-toan-quoc-a137879.html

Đa dạng nguyên liệu tiết kiệm năng lượng trong xây dựng

Hiện nay, trên thị trường có nhiều nguyên liệu tiết kiệm điện có thể áp dụng vào các công trình xây dựng…

Nguyên liệu tiết kiệm năng lượng không còn là khái niệm mới trong ngành xây dựng. Từng trả lời PV Năng lượng Mới về việc sử dụng nguyên liệu tiết kiệm điện trong xây dựng, các chuyên gia cho biết, việc sử dụng các nguyên liệu này có thể làm giảm đáng kể lượng điện tiêu thụ trong các tòa nhà, công sở. Tuy nhiên, việc sử dụng nguyên liệu này vào xây dựng chưa được chú trọng và phổ biến.


Kính tiết kiệm năng lượng, giảm đáng kể nhiệt độ trong nhà và tối ưu cho sử dụng điều hòa.

Dưới đây là một số nguyên liệu tiết kiệm năng lượng mà chúng tôi đã tìm hiểu và thống kê:

Panel năng lượng mặt trời và lá năng lượng mặt trời

Năng lượng mặt trời đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Trên các mái nhà của các tòa nhà, người ta thường sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời với mục đích cung cấp điện cho toàn bộ hoặc một phần của tòa nhà. Đây là một loại vật liệu được sử dụng ở nhiều nước phát triển trên thế giới, lá năng lượng mặt trời giúp che phủ những bức tường, phục vụ mục đích năng lượng.

Sử dụng nguồn năng lượng sạch này giúp giảm đáng kể lượng điện mua và góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Hiện trên thị trường có nhiều đơn vị cung cấp loại thiết bị này, đơn cử như EVN, Viettel Solar, Vũ Phong Solar…

Vật liệu cách nhiệt sinh thái

Một số vật liệu xây dựng cách nhiệt sinh thái như gạch khối bê tông, vật liệu cách nhiệt xốp cứng polyurethane… Những vật liệu này được sử dụng ngày càng rộng rãi, phổ biến vì chúng không nguy hại tới môi trường, tiết kiệm được chi phí, đặc biệt là mang đến một không gian sống mát mẻ cho cả nhà. Cũng chính nhu cầu sử dụng ngày càng cao mà các loại vật liệu xây dựng cách nhiệt sinh thái ra đời ngày càng nhiều.

Đèn tiết kiệm năng lượng

Nếu như trước đây đèn Led được sử dụng chủ yếu cho quán sát, nhà hàng thì ngày nay các công trình nhà ở sử dụng đèn Led như một giải pháp vừa trang trí chiếu sáng, vừa tiết kiệm năng lượng. Những bóng đèn led có khả năng tiết kiệm năng lượng cao gấp nhiều lần so với những bóng đèn truyền thống khác, ngoài ra việc lắp đặt cũng dễ dàng.

Việc sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng mang lại nhiều lợi ích, vừa tiết kiệm năng lượng điện vẫn đảm bảo mang lại cuộc sống an toàn và chất lượng.

Không khó khi nhận thấy, tại nhiều công trình xây dựng (cả nhà riêng và công sở) đều hướng đến sử dụng loại bóng đèn tiết kiệm năng lượng này.

Kính tiết kiệm năng lượng

Trên thị trường hiện nay có sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng của Viglacera. Theo giới thiệu, các loại kính này có cấu trúc điển hình từ 5-8 lớp phủ kim loại siêu mỏng. Chính cấu tạo này đã giúp kính ngăn được ~99% tia UV và ~79% năng lượng mặt trời. Thêm vào đó, nó còn giúp tiết kiệm khoảng 51% chi phí điện năng sử dụng cho hệ thống điều hòa.

Khi sử dụng các nguyên liệu tiết kiệm năng lượng trên vào công trình xây dựng, người tiêu dùng có thể phải chi thêm tiền cho nguyên liệu đầu vào, bởi đó là các nguyên liệu mới, ưu điểm vượt trội so với thiết bị truyền thống. Nhưng sẽ tiết kiệm đáng kể tiền điện mỗi tháng và có tuổi thọ sử dụng lâu bền.

X.Hinh (Tổng hợp)
https://petrotimes.vn/da-dang-nguyen-lieu-tiet-kiem-nang-luong-trong-xay-dung-624728.html

Cảnh báo: Camera, tivi… kết nối internet đều có thể bị tin tặc tấn công

Theo cảnh báo của các chuyên gia công nghệ, mỗi thiết bị kết nối Internet như camera, TV… đều có thể tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm từ tin tặc.

Thế giới bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng. Bên cạnh những lợi ích to lớn không thể phủ nhận, cách mạng số, không gian mạng kết nối toàn cầu với đặc tính không biên giới cũng đặt ra nhiều thách thức rất lớn đối với an ninh của các quốc gia trên thế giới, khiến cho an ninh mạng không còn là vấn đề của riêng một quốc gia, mà đã trở thành vấn đề toàn cầu.

Với sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng, ngày nay, mọi hoạt động diễn ra trong thế giới thực đều có sự hỗ trợ đắc lực của các thiết bị thông minh. Sự kết hợp giữa hệ thống ảo và thực thể đã làm thay đổi cách thức con người tiến hành công việc, tạo ra sản phẩm, từ đó tạo nên “cuộc cách mạng” về tổ chức các chuỗi sản xuất – giá trị, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thiết thực, sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng cũng đặt ra những thách thức to lớn cho vấn đề bảo đảm an ninh mạng. Bởi thực tế, theo cảnh báo của các chuyên gia công nghệ, mỗi thiết bị kết nối Internet như camera, TV… đều có thể tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm từ tin tặc.


Sự phát triển mạnh mẽ của không gian mạng cũng đặt ra những thách thức to lớn cho vấn đề bảo đảm an ninh mạng. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, để kiểm tra nguy cơ xâm phạm, người dùng có có thể vào trang web shodan.io. Chỉ cần gõ từ khóa “camera country:vn”, hệ thống sẽ đưa ra kết quả tại Việt Nam có hơn 445.000 camera giám sát đang trực tuyến trên mạng. Phần lớn chúng xuất xứ từ một nhà sản xuất Trung Quốc có tên Hikvision.

Theo báo cáo thị trường của Comparitech năm 2019, tổng số camera giám sát tại Việt Nam là 2,6 triệu thiết bị đang hoạt động. Như vậy, nếu không bảo mật kỹ lưỡng, tin tặc có thể xâm nhập và chia sẻ hình ảnh, video từ các gia đình.

Trước đó, Việt Nam cũng từng xuất hiện tình trạng mua bán clip từ những tài khoản camera do đối tượng xấu đánh cắp. Tùy theo chất lượng nội dung, các hội nhóm rao bán clip nhạy cảm sẽ thu phí từ 100.000 đến 250.000 đồng.

Không chỉ camera giám sát, các thiết bị IoT (Internet of things) khác như TV thông minh cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ. Cuối năm 2020, các chuyên gia bảo mật Mỹ phát hiện một số mẫu TV TCL tồn tại lỗ hổng cửa hậu (back door) liên kết đến máy chủ ở Trung Quốc, cho phép kẻ tấn công chiếm quyền điều khiển thiết bị và đánh cắp dữ liệu từ xa.

Như vậy, bên cạnh hệ thống máy tính, bất kỳ thiết bị công nghệ nào cũng có thể trở thành vật chứa nguy cơ xâm phạm riêng tư tiềm ẩn.

Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu đăng tải trên Checkpoint Research, trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều đối tượng lừa đảo lợi dụng việc người dân ở nhà nhiều hơn,phát triển một ứng dụng với tên FlixOnline, sử dụng hình ảnh Netflix và quảng cáo xem phim miễn phí để thu hút người dùng.

Nếu người dùng tải FlixOnline và cấp quyền cho ứng dụng, tin tặc sẽ len lỏi vào các ứng dụng nhắn tin của người dùng, giả mạo họ để gửi tin nhắn gồm đường link chứa mã độc tới bạn bè. Nội dung tin nhắn thường có thông điệp “Netflix tặng hai tháng sử dụng miễn phí gói Premium”. Với sự tin tưởng bạn bè, người dùng có thể nhấn vào liên kết có chứa mã độc.

Với những nguy cơ phổ biến kể trên, bất kỳ ai, hộ gia đình nào cũng có thể trở thành nạn nhân của các vấn đề về an ninh mạng. Để giải quyết vấn đề này, người dùng có thể cài đặt phần mềm diệt virus, cập nhật firmware, chọn nhà sản xuất thiết bị uy tín, tỉnh táo và cẩn trọng trước bất kỳ đường liên kết lạ,…

Tuy nhiên, để tránh rủi ro cao hơn, người dùng có thể hướng tới việc bảo mật cá nhân bằng sản phẩm của nhà cung cấp dịch vụ mạng. Nhờ vậy, các vấn đề này có thể xử lý từ gốc, tất cả thiết bị kết nối vào mạng Internet gia đình đều được bảo vệ ngay từ đầu.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/canh-bao-camrera-tivi-ket-noi-internet-deu-co-the-bi-tin-tac-tan-cong-d190315.html

Tự bảo vệ dấu chân kỹ thuật số trong ngành hàng không hậu đại dịch

Khi hành khách sẽ cần thêm nhiều giấy tờ, thông tin cho việc di chuyển trong giai đoạn hậu đại dịch, họ cần chú ý tới “dấu chân kỹ thuật số” của mình.

Ảnh minh họa. (Nguồn: avira.com)

Hàng không là một trong những ngành chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19. Sau một năm 2020 đáng quên, ngành hàng không đã rục rịch tái khởi động và nhiều người đang háo hức trở lại các sân bay nhờ những nỗ lực đẩy mạnh tiêm vaccine trên toàn cầu.

Tạm gác lại nỗi lo về đại dịch còn diễn biến phức tạp và chỉ nhìn về tương lai khi hoạt động bay quốc tế phục hồi: sẽ có rất nhiều điều thay đổi với ngành hàng không trong một thế giới hậu COVID-19.

Một yếu tố được chú ý hàng đầu trong thời điểm này là những rủi ro về bảo mật dữ liệu liên quan đến việc đi lại, khi hành khách sẽ cần thêm nhiều giấy tờ, thông tin cho việc di chuyển trong giai đoạn hậu đại dịch. Đó là vì sao hành khách cần chú ý tới “dấu chân kỹ thuật số” (digital footprint) của mình.

Dòng chảy dữ liệu ngày một lớn

Ngay từ trước đại dịch, hoạt động bay đã có mối liên hệ chặt chẽ với các vấn đề về bảo mật dữ liệu.

Theo nghiên cứu của công ty tư vấn an ninh mạng Mine, trung bình khoảng 7 dịch vụ có thể dễ dàng truy cập dữ liệu của hành khách, bao gồm các hãng hàng không, dịch vụ cho thuê xe, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ giao thông công cộng, mạng wifi nội bộ…

Giờ đây, khi các cơ quan chức năng ban hành thêm những hướng dẫn liên quan tới đại dịch, con số trên có thể sẽ còn tăng lên để bao gồm các cơ quan y tế và giám sát kiểm dịch.

Ngoài các thông tin cá nhân và tình hình tài chính, hành khách cũng được yêu cầu cung cấp các dữ liệu về sức khỏe thông qua các ứng dụng trực tuyến và tài liệu số hóa.

Liên minh châu Âu (EU) đã công bố thông tin mới liên quan đến Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 của mình. Các quốc gia khác như Israel đã sử dụng các ứng dụng “Hộ chiếu COVID-19” để đảm bảo rằng du khách không gây rủi ro nhiễm bệnh cho cư dân.

Các hãng hàng không cũng đang thử nghiệm các ứng dụng cho phép hành khách chia sẻ hồ sơ tiêm chủng, kết quả xét nghiệm COVID-19 và khai báo y tế.

Nếu cách đây chỉ 2 năm, ý tưởng về việc chia sẻ thông tin sức khỏe với các công ty du lịch hoặc thậm chí các nhà hàng để đặt bàn sẽ khiến du khách phẫn nộ. Thì ngày nay, đa phần trong số đó đồng ý chia sẻ thông tin này.

Cuộc khảo sát của công ty Mine cho thấy 91% du khách thoải mái khi sử dụng Hộ chiếu sức khỏe kỹ thuật số. Song 93% bày tỏ lo ngại về cách các loại thông tin này được lưu trữ và sử dụng khi số vụ tấn công mạng nhằm chiếm đoạt dữ liệu sức khỏe người dùng đang gia tăng.

Những nỗi lo có cơ sở

Những lo ngại liên quan đến việc giao dữ liệu cho các công ty hàng không không hề vô căn cứ khi ngành này đã có nhiều bê bối về vi phạm bảo mật dữ liệu.

Ví dụ, British Airways bị Văn phòng Ủy viên Thông tin (ICO) phạt khoản tiền kỷ lục 20 triệu bảng (khoảng 27,8 triệu USD) sau khi thông tin cá nhân của hơn 400.000 nhân viên và khách hàng đã bị rò rỉ.

Hay mới đây vào tháng Năm, Air India cũng bị phạt khi để lộ dữ liệu nhạy cảm về 4,5 triệu khách hàng – bao gồm thông tin liên lạc, chi tiết thẻ tín dụng, hộ chiếu và thông tin chuyến bay.

Tuy nhiên, các hãng hàng không không phải là mối lo ngại duy nhất. Khi các nhà hàng và khách sạn địa phương có quyền truy cập vào thông tin chăm sóc sức khỏe của du khách, họ ít có khả năng triển khai những biện pháp bảo mật đủ mạnh so với các hãng hàng không. Điều này dẫn tới nguy cơ tạo ra những lỗ hổng lớn trong việc bảo mật dữ liệu khách hàng.

Tự bảo vệ trong thế giới hậu COVID-19

Trong một thế giới hậu đại dịch còn nhiều rủi ro, thay vì chờ đợi các hãng hàng không tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh dữ liệu, biện pháp hữu hiệu nhất dành cho các du khách nằm trong tay họ: học cách làm chủ dữ liệu của chính mình.

Một khi hoạt động vận tải đường không được mở lại hoàn toàn, kỹ năng quản lý và duy trì quyền kiểm soát “dấu chân kỹ thuật số” sẽ quan trọng hơn bao giờ hết đối với các hành khách. Họ cần nhận thức được giá trị cũng như rủi ro mỗi khi cung cấp các thông tin cá nhân.

Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay quốc gia Ronald Reagan ở Arlington, Virginia, Mỹ, ngày 22/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một số lời khuyên dành cho du khách sử dụng vận tải đường không trong tương lai:

Lựa chọn các doanh nghiệp quen thuộc, có độ đáng tin cậy thay vì những cái tên mới lạ. Tuy các thương hiệu lớn cũng có những vụ vi phạm, nhìn chung họ vẫn có các tiêu chuẩn bảo mật cao hơn.

Nếu thông tin được yêu cầu cung cấp mang tính nhạy cảm, hành khách cần chú ý xem liệu công ty có lịch sử bảo mật dữ liệu tốt không.

Nếu cần chia sẻ một số thông tin nhất định với một công ty, hành khách hãy xóa chúng ngay sau khi hoàn tất đăng ký hoặc khi kỳ nghỉ kết thúc.

Thường xuyên theo dõi các công ty có quyền truy cập vào dữ liệu của mình.

Thế giới vẫn đang loay hoay điều chỉnh với những thay đổi sau đại dịch, và tin tặc luôn tìm cách tận dụng bất kỳ điểm yếu nào trong giai đoạn nhạy cảm. Đó là vì sao hành khách cần nâng cao cảnh giác và tỉnh táo về thông tin cá nhân hơn bao giờ hết./.

H. THủy (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/tu-bao-ve-dau-chan-ky-thuat-so-trong-nganh-hang-khong-hau-dai-dich/734355.vnp

Bản tin năng lượng xanh: không có tăng trưởng đột phá

Nhìn chung thế giới không ghi nhận sự tăng trưởng đột phá nào trong giai đoạn này. Tổng mức đầu tư lớn nhưng chưa đủ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng. Khối lượng đầu tư vào NLTT được dự báo sẽ còn lớn hơn trong 6 tháng cuối năm.

Trước đó vào tháng 01/2021, BNEF đã công bố báo cáo về đầu tư toàn cầu vào tài sản carbon thấp trong năm 2020. Theo đó, các khoản đầu tư vào quá trình chuyển đổi năng lượng trong năm đại dịch Covid-19 đạt mức cao nhất mọi thời đại, lần đầu tiên đạt tới 500 tỷ USD.

Biểu đồ: Đầu tư NLTT thế giới từ 2006 – 2021. Xanh lá cây: nhiên liệu sinh học; Xanh dương: điện gió; Vàng: điện mặt trời; Đỏ: các nhiên liệu tái tạo khác; Hồng: vốn đầu tư.

Theo dự báo nửa cuối năm 2021 của BNEF, tăng trưởng công suất điện phân sẽ cao gấp 2 lần trong bối cảnh tăng trưởng mạnh mẽ công suất điện phân ở Trung Quốc và con số này được dự báo tăng gấp 4 lần, đạt ít nhất 1,8 GW trong năm 2022.

BNEF đã đề cập đến các kế hoạch dài hạn của Trung Quốc nhằm đạt được tính trung hòa carbon và lưu ý rằng, đây là một yếu tố tăng trưởng mạnh mẽ công suất điện phân và sản lượng hydro toàn cầu.

Theo BNEF, Trung Quốc sẽ chiếm thị phần 60-63% công suất điện phân toàn cầu. Các công ty Trung Quốc đang chứng minh rằng, họ đang đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon bằng cách thúc đẩy thị trường máy điện phân. BNEF dự báo đến năm 2030, tổng công suất điện phân toàn cầu sẽ vượt mốc 40 GW. Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra rằng, hơn 40 quốc gia đã công bố hoặc đang phát triển các chiến lược hydro. Hơn 90 dự án hydro quy mô công nghiệp đang được lên kế hoạch trên thế giới.

Các chính phủ dự kiến sẽ tăng hỗ trợ cho nền kinh tế hydro, lên mức 11,4 tỷ USD/năm nhằm mở rộng sản xuất hydro phát thải carbon thấp trong thập kỷ này.

Tuy nhiên, BNEF nhận định, nhu cầu hydro sạch đang tăng chậm và chưa có chính sách hiệu quả để kích thích tiêu thụ nhiên liệu. Các chuyên gia của BNEF đánh giá, giá CO2 ít nhất ở mức 100 USD/tấn mới đủ để kích thích sử dụng hydro “xanh” tích cực hơn.

Viễn Đông
https://nangluongquocte.petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-xanh-khong-co-tang-truong-dot-pha-621649.html