Chia sẻ kinh nghiệm sống thân thiện với môi trường

Ngày 17/8, tại Hà Nội, Trung tâm Sản xuất Sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam (AITVN) phối hợp với Trường Đại học Công nghệ Delft (TUD) Hà Lan tổ chức Hội thảo mang tên “Ngày hội bền vững.” 
GetGreen Vietnam - 360-1030
Hội thảo nhằm tổng kết Dự án Sống xanh Việt Nam và kết nối những cá nhân, tổ chức tham gia dự án này trong giai đoạn thử nghiệm. 

Theo ban điều phối dự án, giai đoạn thử nghiệm đóng vai trò rất quan trọng, giúp cung cấp tài liệu sơ cấp về mức độ nhận biết và thái độ trong tiêu dùng của người dân trong tương quan với tình trạng nguồn tài nguyên đang cạn kiệt dần và môi trường sống đang bị ô nhiễm nặng nề như hiện nay. 

Phó Giám đốc Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam Nguyễn Thị Bích Hòa cho biết với mỗi nhóm thử nghiệm, Ban điều phối dự án đã tổ chức năm buổi họp chia sẻ thông tin về các chủ đề khác nhau như thực phẩm, đi lại, tiết kiệm năng lượng, mua sắm, rác thải…

Thành viên nhóm được cung cấp thông tin về thực trạng tiêu dùng hiện nay; đồng thời được làm quen và tìm hiểu về khái niệm “Sống Xanh,” “Tiêu dùng bền vững.”

Kết thúc giai đoạn thử nghiệm, nhóm điều phối dự án có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng tài liệu và phương pháp tiếp cận cho các nhóm tiêu dùng trong giai đoạn triển khai trên diện rộng vào đầu năm 2014. 

Giám đốc Kỹ thuật dự án Sống Xanh Việt Nam Marcel Crul khẳng định Trường Đại học Công nghệ Delft sẽ chịu trách nhiệm phát triển phương pháp luận và tất cả các tài liệu để triển khai dự án.

Từ việc nghiên cứu nhóm thử nghiệm, nhóm dự án nhận thấy cần phải làm tốt hơn giữa một mặt là cung cấp thông tin cho người tham gia trong các chủ đề liên quan đến sự bền vững và mặt khác là thay đổi hành vi để họ thực hành tiêu dùng bền vững nhiều hơn như tiết giảm rác thải, tiết kiệm năng lượng, đi lại bền vững hơn hoặc thay đổi lối sống theo hướng thân thiện với môi trường, tốt cho xã hội cũng như cho gia đình và bản thân họ. 

Dự án không chỉ cung cấp kiến thức mà còn hướng người tiêu dùng thay đổi hành vi của mình. Phương pháp của dự án sẽ tập trung vào cả hai khía cạnh trên để nâng cao tính hiệu quả song song với việc xây dựng phương pháp tiếp cận nhóm tiêu dùng. 

Nhóm dự án cũng dự định xuất bản Sổ tay Tiêu dùng bền vững cho người tiêu dùng và Tài liệu tập huấn cho cán bộ và các đơn vị tham gia dự án. 

Dự án “Sống Xanh Việt Nam” (GetGreen Vietnam) hoạt động tại Việt Nam được chính thức triển khai từ tháng 11/2012, dưới sự tài trợ của Chương trình SWITCH ASIA, Liên minh châu Âu, với mục tiêu đào tạo 1.000 người tiêu dùng thông thái – “hạt nhân thay đổi” cho một tương lai bền vững. 

Đến nay dự án này đã kết thúc giai đoạn thử nghiệm với 10 nhóm tiêu dùng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là sân chơi cho các nhóm cùng trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về tiêu dùng bền vững./. 

Theo Vietnamplus.vn

EU hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị cá tra bền vững ở Việt Nam

Tp Hồ Chí Minh – Hôm nay Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP)  cùng các đối tác khác giới thiệu dự án mới mang tên  “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam” (SUPA).  Dự án có tổng giá trị gần 2,4 triệu EUR, trong đó Liên Minh Châu Âu (EU) tài trợ gần 1,9 triệu Euro thông qua Chương trình EU SWITCH-Asia. Cơ quan chủ trì thực hiện dự án là VNCPC cùng với với các đối tác khác là VASEP, WWF – Việt Nam và WWF – Áo.

SUPA logo - 360-1030

Tới dự Hội thảo về phía các cơ quan Nhà nước có:

–   Ông Nguyễn Huy Điền – Tổng Cục phó Tổng cục Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

–   Bà Dương Phương Thảo – Cục phó Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương

Cơ quan tài trợ:

–   Ông Hoàng Thành – Cán bộ Chương trình môi trường và biến đổi khí hậu – Phái đoàn Châu Âu tại Việt Nam

Các cơ quan thực hiện:

–   Bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch danh dự Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VASEP

–   Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký VASEP

–   Bà Ngô Thị Nga – Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC)

–   Ông Lê Xuân Thịnh – Quản lý dự án SUPA

–   Ông Ngô Tiến Chương – Điều phối Chương trình WWF – VN

–   Bà Sabine – Điều phối Chương trình WWF – Áo

Hội thảo đã diễn ra rất tốt đẹp với sự quan tâm của gần 200 đại biểu từ các cơ quan quản lý của Trung ương và địa phương, các nhà nhập khẩu, các doanh nghiệp chế biến, nuôi, sản xuất thức ăn, các cơ quan tư vấn và nghiên cứu trong lĩnh vực cá tra.

Phát biểu về dự án, Bà Berenice Muraille, Tham tán về Hợp tác Phát triển của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Dự án sẽ giúp nâng cao tính cạnh tranh của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thông qua dự án, EU sẽ hỗ trợ trực tiếp toàn bộ chuỗi cung ứng cá tra từ khâu ươm, sản xuất thức ăn nuôi và chế biến của Việt Nam đến các nhà xuất nhập khẩu và người tiêu dùng cuối cùng nói chung, trong đó có EU, hiện đang là thị trường lớn nhất cho xuất khẩu cá tra Việt Nam”.

Dự án sẽ được thực hiện trong 4 năm từ 2013 đến 2017, tập trung vào nâng cao năng lực, thúc đẩy việc sản xuất có trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động môi trường và giảm chi phí sản xuất thông qua áp dụng phương pháp luận Sử dụng tài nguyên có hiệu quả và Sản xuất sạch hơn (RE – CP), cải tiến sản phẩm và phát triển thị trường. Dự án cũng giúp trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà sản xuất quy mô hộ gia đình áp dụng các tiêu chuẩn bền vững hiện hành như ASC, Global GAP, v.v, hướng tới sản xuất bền vững nhằm nâng cao tính cạnh tranh của ngành cá tra trên thị trường thế giới.

Đóng góp ý kiến cho buổi Hội thảo bà Nguyễn Thị Hồng Minh trao đổi: Đây là dự án lần đầu tiên ở Việt Nam thực hiện theo chuỗi cung cho ngành cá tra. Dự án đã đưa ra rất nhiều các hoạt động hỗ trợ trong đó quan trọng nhất là hỗ trợ xúc tiến thị trường và nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp thông qua áp dụng sản xuất sạch hơn. Dự án nên cùng với các doanh nghiệp dẫn đầu thiết kế tạo ra dòng sản phẩm mới dựa trên sản phẩm truyền thống nhưng có chất lượng nổi bật đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu.

Phát biểu tại Hội thảo đại diện của Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN và PTNT) và Cục Xuất nhập khẩu (Bộ CT) cũng rất ủng hộ dự án này coi như là một hình mẫu để có thể nhân rộng cả chiều rộng lẫn chiều sâu và rất tin tưởng sau khi dự án kết thúc sẽ đóng góp một phần vào trong quá trình phát triển bền vững chuỗi cung ứng cá tra của Việt Nam.

Giới thiệu nội dung dự án

Giới thiệu nội dung của dự án

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh đóng góp ý kiến

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh đóng góp ý kiến

Đại diện của các bên tham gia dự án trả lời các câu hỏi liên quan

Đại diện của các bên tham gia dự án trả lời các câu hỏi liên quan

Ông Nguyễn Huy Điền – Tổng Cục phó Tổng cục Thủy sản phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Huy Điền – Tổng Cục phó Tổng cục Thủy sản phát biểu tại Hội thảo

Các đại biểu đang chia sẻ thông tin và đóng góp ý kiến cho Hội thảo

Các đại biểu đang chia sẻ thông tin và đóng góp ý kiến cho Hội thảo

Admin VNCPC