Thái Nguyên “cán đích” nhiều chỉ tiêu sản xuất sạch hơn

Sau 6 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về Sản xuất sạch hơn (SXSH) đến năm 2020, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thành và các đích sớm nhiều chỉ tiêu mà Chiến lược này đặt ra đến năm 2015.

Thái Nguyên “cán đích” nhiều chỉ tiêu sản xuất sạch hơn

Chiến lược quốc gia về SXSH đặt ra mục tiêu đến năm 2015 có 50% tỷ lệ cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của SXSH, 25% tỷ lệ cơ sở sản xuất áp dụng SXSH, tỷ lệ tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu đối với các cơ sở đã áp dụng SXSH là 5-8%. Với nhiều giải pháp đồng bộ, Thái Nguyên đã sớm về đích trong nhiều chỉ tiêu. Đến hết năm 2014, tỷ lệ cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được SXSH của tỉnh đạt 60%; tỷ lệ cơ sở sản xuất áp dụng SXSH đạt 27%; tỷ lệ tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu trong các doanh nghiệp (DN) áp dụng SXSH là 7%; tỷ lệ DN vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về hoạt động SXSH đạt 80% và số lượng cán bộ của Sở Công Thương tỉnh được đào tạo về SXSH là 10 người.

Theo ông Nguyễn Đình Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Trong giai đoạn 2009-2015, bên cạnh việc nâng cao công tác tuyên truyền về SXSH trong công nghiệp đến các DN và cán bộ quản lý, chúng tôi đã tổ chức được 8 hội thảo và 15 khóa tập huấn về SXSH, 65  bài viết và  phim tư liệu về SXSH đã được đăng tải trên báo, tạp chí và truyền hình… Đặc biệt tổng kinh phí dành cho hoạt động này tại Thái Nguyên đã lên đến gần 24,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ thông qua Hợp phần SXSH trong công nghiệp đạt trên 12,6 tỷ đồng, còn lại là nguồn ngân sách địa phương và vốn đối ứng của DN.”

Nguyên nhân của thành công trên theo ông Hùng chính là công tác tuyên truyền và thành công từ các mô hình điểm cũng như hiệu quả mà SXSH mang lại. Trước khi áp dụng SXSH, Công ty CP Giấy xuất khẩu Thái Nguyên là DN nằm trong danh sách “đen” – các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Với sự hỗ trợ của Hợp phần SXSH, công ty đã áp dụng một loạt các giải pháp chủ yếu thuộc nhóm quản lý nội vi, cải tiến thiết bị và thay thế nguyên liệu. Theo đó, công ty đã tái sử dụng dịch ngâm dầu, thu hồi bột thải và tuần hoàn nước, che chắn khu vực xử lý nguyên liệu, cải tiến các bể ngâm ủ… Kết quả, hằng năm công ty giảm được gần 40.000m3 nước thải, thu hồi tái sử dụng 152 tấn bột giấy và 27,5 tấn sút (NaOH). SXSH không những giúp giảm thiểu các tác động đến môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế rất đáng kể – trên 1,3 tỷ đồng mỗi năm, đồng thời DN đã ra khỏi danh sách “đen” về ô nhiễm môi trường.

Hiệu quả rõ rệt của các mô hình SXSH là động lực lớn để ngày càng có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng SXSH. Bằng cách chủ động rà soát công nghệ, quy trình sản xuất, áp dụng các giải pháp đơn giản, tiết kiệm đầu vào, cải thiện điều kiện làm việc, các đơn vị như: Công ty CP Cơ khí Phổ Yên, Công ty Cơ khí Tân Lập, Công ty Diezen Sông Công… đã đạt được kết quả cao trong sản xuất, tạo giá trị gia tăng cho DN, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo các chuyên gia tư vấn về SXSH, mọi cơ sở sản xuất không phân biệt quy mô và ngành nghề đều có thể áp dụng SXSH. SXSH là hướng đi tất yếu cho DN nào muốn phát triển bền vững. Đối với Thái Nguyên, một trung tâm công nghiệp, việc thúc đẩy SXSH lại càng trở nên cần thiết và cấp bách vì sự phát triển bền vững của các DN.

Theo Thu Hường – ven.vn