Ngành xi măng: Đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất

Tập trung đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những định hướng đầu tư của ngành xi măng theo Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2020-2030.

263201511

 Nghiên cứu chuyển đổi công nghệ nâng cao chất lượng xi măng

Cụ thể, ngành xi măng sẽ phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với công nghệ tiên tiến, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, tiết kiệm nhiên liệu và tiêu hao năng lượng thấp, bảo vệ môi trường.

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định, trong quy hoạch đã có lộ trình từng bước xóa bỏ công nghệ lạc hậu, đầu tư mở rộng các dự án có điều kiện về công nghệ, tài chính với công suất lớn, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng xi măng.

Để từng bước đổi mới công nghệ, khẳng định vị trí top đầu thị trường xi măng phía Nam, Tổng công ty Xi măng FiCO đã tập trung xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, xây dựng phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn (TCVN 17025:2005) Vilas 270 và sản phẩm xi măng FiCO PCB 40 đạt tiêu chuẩn TCVN 6260:2009, đảm bảo chất lượng ổn định, giá thành cạnh tranh. Ông Nguyễn Quang Trung – Tổng giám đốc Tổng công ty FiCO cho biết: “Trong thời gian tới (2016-2020), bên cạnh công tác sản xuất và tiêu thụ, FICO sẽ triển khai dự án đầu tư dây chuyền 2 có công suất thiết kế 1,24 triệu tấn clinker, dây chuyền nghiền xi măng công suất 1,6 triệu tấn xi măng, tổng vốn đầu tư khoảng 3.200 tỷ đồng. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào giữa năm 2018”.

Bên cạnh đó, Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch (Vicem Hoàng Thạch) cũng là một điển hình trong việc tập trung đổi mới công nghệ khi nghiên cứu, áp dụng thành công kỹ thuật giảm tiêu hao năng lượng nghiền liệu, nhờ đó lò 3 của nhà máy chạy ổn định và vượt công suất thiết kế với 336 ngày, đạt kỷ lục thế giới (thông thường theo tiêu chuẩn thiết kế mỗi lò chạy hết công suất khoảng từ 250-325 ngày); chi phí cho tiêu thụ sản phẩm chỉ có 70.000 đồng/tấn xi măng, trong khi đơn vị khác là 150.000-200.000 đồng/tấn.

Chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm 2015 của ngành xi măng tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2014. Tiêu thụ sản phẩm xi măng trong hai tháng đầu năm đạt 9,01 triệu tấn, bằng 103,9% so cùng kỳ năm 2014 và đạt 12,5% kế hoạch năm 2015. Trong đó, tiêu thụ trong nước vẫn đạt con số 6,76 triệu tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2014.

Ông Đào Ngọc Bình –  Tổng giám đốc Vicem Hoàng Thạch cho biết, để phát triển mạnh theo chiều sâu, Vicem Hoàng Thạch đang chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn quốc tế, đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến hợp lý hóa trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí.

Theo yêu cầu của Chính phủ, năm 2015, đối với những dự án xi măng đầu tư mới phải có công suất tối thiểu 2.500 tấn clinker/ngày trở lên; các dự án ở vùng sâu, dự án chuyển đổi công nghệ có thể áp dụng quy mô, công suất phù hợp. Với sự quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm của Chính phủ cùng với đà phục hồi của thị trường bất động sản, các chuyên gia dự đoán rằng mức tiêu thụ sản phẩm xi măng, nhất là tại thị trường nội địa sẽ vẫn giữ được nhịp tăng trưởng như những tháng cuối năm 2014./.

Theo ven.vn