Xử phạt môi trường: Vừa thừa vừa thiếu
Nhiều chuyên gia môi trường khẳng định, Luật Bảo vệ môi trường hiện nay đang có quá nhiều cái thừa và thiếu. Thừa là vậy, trong khi đó, với nhiều hành vi vi phạm ô nhiễm môi trường khác lại đang thiếu lực lượng tham gia thực thi.
Những năm gần đây, Luật Bảo vệ môi trường liên tục được điều chỉnh, sửa đổi. Nhiều quy định chi tiết được bổ sung ngày càng hoàn thiện hơn. Mức xử phạt được nâng lên để tăng sức răn đe cho các đối tượng có hành vi vi phạm. Nhiều lực lượng thanh kiểm tra cũng được thiết lập để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Thế nhưng, trên thực tế việc xử lý hành vi vi phạm môi trường vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Đâu là lý do của vấn đề này? Nhiều chuyên gia môi trường khẳng định, Luật Bảo vệ môi trường hiện nay đang có quá nhiều cái thừa và thiếu. Thừa là có quá nhiều cơ quan chức năng có quyền xử phạt đối tượng có hành vi vi phạm môi trường với mức phạt hành chính.Cụ thể, thanh tra chuyên ngành tài nguyên – môi trường thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường, Sở Tài nguyên – Môi trường các tỉnh thành, thấp hơn nữa còn có phòng tài nguyên – môi trường của các quận huyện, phường xã, thậm chí Ban quản lý khu chế xuất – khu công nghiệp cũng có quyền xử phạt hành vi vi phạm môi trường ở hình thức xử phạt hành chính.
Riêng lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường được thành lập với mong muốn xử lý hình sự những trường hợp vi phạm môi trường có tính chất nghiêm trọng. Thế nhưng, cho đến nay lực lượng này cũng chỉ mới có thể dừng lại ở mức xử phạt hành chính.
Đơn cử, ngay từ khi thành lập lực lượng cảnh sát môi trường, Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM đã chuyển hồ sơ đề nghị khởi tố 6 chủ doanh nghiệp có hành vi vi phạm môi trường nghiêm trọng và tái phạm nhiều lần. Tuy nhiên hồ sơ đã được trả lại không thực hiện được vì không đủ quy định pháp lý để khởi tố định danh.
Không thể xử lý triệt để hành vi vi phạm của các đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhưng sự tồn tại quá nhiều lực lượng thanh kiểm tra môi trường có cùng chức năng xử phạt vi phạm hành chính đã khiến cho tình trạng chồng chéo trong công tác thanh kiểm tra diễn ra khá thường xuyên.
Cùng một doanh nghiệp, cùng một nội dung kiểm tra, nhưng trong một tháng, doanh nghiệp có khi phải tiếp đến 20 đoàn thanh kiểm tra.
Thậm chí, cùng một nội dung vi phạm môi trường, doanh nghiệp đang phải đóng phạt và khắc phục trong thời hạn cho phép theo quyết định xử phạt của đoàn này thì bị chồng thêm quyết định xử phạt của đoàn khác.
Tình trạng này kéo dài gây khá nhiều bức xúc trong xã hội. TPHCM đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng điều chỉnh những rối rắm trong công tác thanh kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm môi trường nhưng cho đến nay vẫn chưa khắc phục được.
Thừa là vậy, trong khi đó, với nhiều hành vi vi phạm ô nhiễm môi trường khác lại đang thiếu lực lượng tham gia thực thi. Đơn cử như hành vi xả rác bừa bãi hoặc hút thuốc nơi công cộng…
Theo quy định, mỗi hành vi xả rác nơi công cộng hoặc kênh rạch, người vi phạm có thể bị xử phạt 300.000 – 500.000 đồng. Tuy nhiên, cơ quan nào là người có trách nhiệm thực hiện quy định này thì chưa có. Chính vì thế, tình trạng bãi rác tự phát phát sinh khắp nơi, từ nông thôn đến các thành phố lớn…
Để khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác thanh kiểm tra môi trường, nhiều tỉnh thành đã phải họp thống nhất cách thức cũng như tần suất thực hiện thanh kiểm tra môi trường. Trong đó, cố gắng tập hợp các lực lượng thanh kiểm tra có cùng chức năng xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra chung, ngoại trừ kiểm tra đột xuất khi phát hiện đối tượng có dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và đang áp dụng không đồng nhất giữa các tỉnh thành.
Về lâu dài, rất cần cơ quan chức năng phân khúc rõ lực lượng quyền hạn và trách nhiệm của từng cơ quan chức năng trong công tác thanh kiểm tra và xử phạt. Lực lượng nào chỉ xử phạt ở mức vi phạm hành chính và lực lượng nào thực hiện các bước tiếp theo sau xử lý vi phạm hành chính, khởi tố hình sự…
Đồng thời, chỉ rõ có trách nhiệm thực thi những quy định bảo vệ môi trường đã có nhưng đang thiếu lực lượng thừa hành. Có như vậy mới mong không bỏ sót đối tượng có hành vi vi phạm môi trường. Đồng thời, giảm chồng chéo và nhũng nhiễu cho những doanh nghiệp sản xuất chân chính.
Theo Monre