Xây dựng kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính
Ngày 6/1, tại Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu Chiến lược chính sách công nghiệp (IPSI), Quỹ Châu Á (The Asia Foundation) và Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Xây dựng kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính cho Khu công nghiệp và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.”
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Dự án do Bộ Ngoại Giao Vương Quốc Anh tài trợ và Quỹ Châu Á hỗ trợ quản lý từ năm 2013.
Kế hoạch hành động được IPSI xây dựng dựa trên kết quả khảo sát, tham vấn ý kiến của 20 doanh nghiệp trong hai Khu công nghiệp nói trên nhằm tập hợp các giải pháp kỹ thuật, các chính sách hỗ trợ, trong đó đặt ra các mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính gắn liền với lộ trình thực hiện và trách nhiệm cụ thể của doanh nghiệp.
Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính của Khu công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng được xây dựng trong giai đoạn 2013-2014 và được Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng thông qua vào tháng 8/2014.
Hiện tại, các bên đang nỗ lực triển khai các hoạt động đề ra trong bản kế hoạch hành động cho khu công nghiệp Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp – Sở Công Thương và Trung tâm Tiết kiệm năng lượng – Sở Khoa học Công nghệ.
Dự án đã hỗ trợ 6 doanh nghiệp trong khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và dự kiến tiếp tục hỗ trợ một doanh nghiệp trong khu công nghiệp Liên Chiểu triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đang xây dựng và thí điểm Hệ thống quản lý phát thải khí nhà kính trực tuyến cho hai khu công nghiệp nói trên, đồng thời tổ chức chương trình truyền thông về giảm phát thải khí nhà kính đối với các doanh nghiệp và hàng trăm cán bộ công nhân viên làm việc trong khu công nghiệp.
Việc triển khai Dự án nói chung, xây dựng và thực hiện các giải pháp đề ra trong Kế hoạch hành động nói trên vừa góp phần giúp Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng thực hiện Đề án “Thành phố môi trường” vào năm 2020 vừa đem lại những lợi ích thiết thực cho nhiều bên đặc biệt là các doanh nghiệp trực tiếp tham gia.
Ông Nguyễn Trí Thanh, cán bộ chương trình cấp cao của Quỹ Châu Á cho biết, dự án là một trong những nỗ lực ít ỏi giúp cơ quan quản lý cấp địa phương có công cụ quản lý phát thải khí nhà kính ở quy mô khu công nghiệp một cách hiệu quả, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu về môi trường.
Bên cạnh đó, dự án tập trung giúp doanh nghiệp đánh giá được hiện trạng phát thải, thúc đẩy họ thực hiện các giải pháp giảm tiêu thụ và tiết kiệm năng lượng, nhờ đó các doanh nghiệp cắt giảm được chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của mình. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất để doanh nghiệp và các khu công nghiệp thực hiện các giải pháp nêu ra trong kế hoạch hành động là thiếu vốn và năng lực kỹ thuật hạn chế.
Do đó, dự án đang phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (ICF) để kết nối hiệu quả hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho những doanh nghiệp quan tâm thuộc hai khu công nghiệp này trong nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao sử dụng năng lượng hiệu quả.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa và bà Trần Thu Hằng, Phòng Môi trường và Phát triển bền vững IPSI, để Kế hoạch hành động giảm phát thải khí nhà kính cho Khu công nghiệp đạt hiệu quả cần ưu tiên tập trung hỗ trợ về tài chính – kỹ thuật, thông tin kiến thức về Kỹ thuật năng lượng đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như Công ty thép Đà Nẵng, Công ty hóa chất, công ty ximăng Hải Vân tại Khu công nghiệp Liên Chiểu, từ nguồn kinh phí ngân sách, từ nguồn khoa học công nghệ và sự nghiệp môi trường. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính quốc tế và nguồn vay vốn trong nước với lãi suất ưu đãi.
Các tổ chức tài chính trong nước, Quỹ đầu tư phát triển thành phố cũng cần chủ động nghiên cứu và đề xuất cơ chế cho vay ưu đãi đặc biệt đối với các dự án giảm thiểu biến đổi khí hậu tại các doanh nghiệp khu công nghiệp Liên Chiểu. Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong khu công nghiệp Liên Chiểu thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng mô hình, hệ thống năng lượng ISO 50001, tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tư vấn, đánh giá hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001 thông qua các chương trình, dự án của Bộ và tại địa phương.
Ngoài ra, cũng xem xét đến việc phân bổ, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động hỗ trợ một vài doanh nghiệp trong khu công nghiệp Liên Chiểu xây dựng hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001…/.
Theo Vietnamplus.vn