Tiết kiệm trong doanh nghiệp: Công nghệ có phải là giải pháp duy nhất?
Hiện nay, các doanh nghiệp có thể đầu tư thiết bị công nghệ cao tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng đổi mới công nghệ. Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp vẫn có thể tiết kiệm năng lượng mà không quá lo về công nghệ?
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đầu tư đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng (TKNL) rất tốn kém. Nhưng thực tế không hẳn như vậy. Có nhiều cách TKNL với các mức độ đầu tư khác nhau. Dựa vào tình hình thực tế của mình, doanh nghiệp có thể lựa chọn cách làm phù hợp mà vẫn đạt mục tiêu TKNL.
Ông Trần Quý Năng là kỹ sư điện, quản lý năng lượng ở Trung tâm Công nghệ quốc tế Hà Nội (HITC) cho biết, tại HITC, tất cả các thiết bị được lắp đặt và đưa vào vận hành đã gần 20 năm. So với các thiết bị mới ở thời điểm hiện nay thì thiết bị của HITC có hiệu quả sử dụng thấp hơn. Tuy nhiên, Trung tâm có cách làm riêng của mình như: Không thay đổi dây chuyền công nghệ; thực hành kiểm soát năng lượng; bảo dưỡng phòng ngừa hướng đến tiết kiệm năng lượng và vận hành linh hoạt theo tải… đã giúp HITC không mất vốn đầu tư công nghệ. Qua 5-6 năm thực hiện những giải pháp này, HITC đã giảm được 5% sản lượng điện tiêu thụ.
Theo ông Năng, cách đây 5 năm, HITC đã chuyển sang giải pháp, cải tiến một phần nhỏ của dây chuyền công nghệ. Kết quả là HITC tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Thời gian gần đây, HITC đã giảm được 14% chi phí năng lượng. “Khi có nhóm thiết bị, công nghệ nào đó của HITC hết khấu hao, chúng tôi sẽ có kế hoạch thay thế bằng thiết bị, công nghệ mới, có hiệu suất sử dụng năng lượng cao hơn” – Ông Năng cho biết.
Theo Phó tổng GĐ Công ty CP Lương thực – Thực phẩm Colusa – Miliket, ông Nguyễn Anh Tuấn, để tháo gỡ các rào cản, giúp doanh nghiệp không còn phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ trong việc TKNL, doanh nghiệp cần theo dõi, tiếp cận các kỹ thuật mới, thường xuyên đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại tất cả các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, từ quản lý đến sản xuất – kinh doanh.
Một số chuyên gia đã đề xuất những biện pháp TKNL cụ thể, chẳng hạn: Giảm, loại trừ các nguyên nhân gây gia tăng phụ tải không cần thiết, thực hiện cải tiến một bộ phận thiết bị, giúp giám sát tiêu thụ năng lượng và vận hành linh hoạt theo tải thực tế, tổ chức bảo dưỡng phòng ngừa hướng đến TKNL. Chỉ thay đổi những thiết bị, bộ phận riêng lẻ trong dây chuyền công nghệ có hiệu suất sử dụng năng lượng thấp; Đầu tư hệ thống giám sát năng lượng (không tốn nhiều chi phí). Bổ sung thiết bị và phần mềm điều khiển giúp giảm tiêu hao năng lượng. Thực hành vận hành linh động thiết bị theo tải thực tế ở mọi thời điểm, bảo dưỡng thiết bị theo định kỳ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Thọ, Phó tổng GĐ phụ trách kỹ thuật Công ty Viet ESCO: “ Năng lực tổ chức sản xuất kém sẽ không mang lại hiệu quả” Để cắt giảm chi phí năng lượng, cả 2 giải pháp quản lý và công nghệ đều phải được coi trọng. Nếu công nghệ có hiện đại mà năng lực quản lý và tổ chức sản xuất yếu cũng không mang lại hiệu quả cao được. Có thể nói, năng lực quản lý thường là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Đó chính là lý do dù máy móc, thiết bị của chúng ta hiện đại không thua kém các nước bạn, nhưng vẫn không thể cạnh tranh được về giá thành sản phẩm. Chính vì vậy, muốn phát huy hiệu quả TKNL tối đa, bắt buộc doanh nghiệp phải đổi mới tổ chức quản lý, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất… Ông Lưu Xuân Bá – Phó giám đốc Công ty Lương thực Vĩnh Long: “Con người là yếu tố quan trọng”. Các doanh nghiệp nên nhận thức rõ, con người là yếu tố quan trọng nhất trong việc TKNL. Vì vậy, cần tổ chức các lớp đào tạo, tuyên truyền, giáo dục cho các cán bộ – công nhân viên, nhất là đội ngũ cán bộ kỹ thuật nhằm nâng cao ý thức về tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm điện. Ông Trần Quý Năng, kỹ sư điện, quản lý năng lượng ở Trung tâm Công nghệ quốc tế Hà Nội (HITC): “Doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện tiết kiệm năng lượng mà không cần quá phụ thuộc vào công nghệ”. Các doanh nghiệp có thể tự chọn cách làm phù hợp với tình hình cụ thể, chính sách và mục tiêu năng lượng của mình như: Giảm, loại trừ các nguyên nhân gây gia tăng phụ tải không cần thiết, thực hiện cải tiến một bộ phận thiết bị, giúp giám sát tiêu thụ năng lượng và vận hành linh hoạt theo tải thực tế, tổ chức bảo dưỡng phòng ngừa hướng đến tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp có công nghệ không quá lạc hậu vẫn có thể cạnh tranh được trên thương trường, có thế cải tiến một phần nhỏ của dây chuyền công nghệ với cách làm như: Chỉ thay đổi những thiết bị, bộ phận riêng lẻ trong dây chuyền công nghệ có hiệu suất sử dụng năng lượng thấp; Đầu tư hệ thống giám sát năng lượng (không tốn nhiều chi phí). Bổ sung thiết bị và phần mềm điều khiển giúp giảm tiêu hao năng lượng. Thực hành vận hành linh động thiết bị theo tải thực tế ở mọi thời điểm, bảo dưỡng thiết bị theo định kỳ, hướng đến tiết kiệm năng lượng. |
Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện