Nguy hại sức khỏe nếu sử dụng hóa chất vượt quá tiêu chuẩn cho phép để sản xuất thực phẩm
Thực phẩn ‘bẩn’ đang là vấn đề nhức nhối hiện nay đặc biệt là hành vi sử dụng hóa chất vượt quá tiêu chuẩn cho phép trong sản xuất thực phẩm bất chấp rủi ro cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng người dùng.
Nhiều vụ việc bị phát hiện khi sử dụng hóa chất ngâm tẩm thực phẩm
Việc sử dụng hóa chất độc hại bị cấm trong sản xuất thực phẩm luôn là vấn đề nhức nhối. Đằng sau những món ăn ưa thích của nhiều người là cả một quy trình chế biến bất chấp rủi ro cho sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng người dùng.
Một vụ việc điển hình gần đây nhất đó là vào tối ngày 14/10 Công an thành phố Quảng Ngãi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người liên quan đến hai cơ sở “trồng” giá đỗ bằng hóa chất. Theo đó, hai bị can bị khởi tố gồm Vũ Văn Tuấn (29 tuổi) và Đào Văn Lập (35 tuổi, cùng trú TP Quảng Ngãi) về hành vi “vi phạm quy định về an toàn thực phẩm”. Các đối tượng đã sử dụng chất độc để kích thích tăng trưởng giá đỗ. Đây là chất có thể gây ngộ độc cấp tính, nguy hại đến người ăn. Đáng sợ hơn, hai cơ sở này đã từng bị phạt tiền và đình chỉ hoạt động hai tháng vì hành vi sử dụng chất, hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm hồi đầu năm nay.
Hay trước đó vào tháng 10/2023, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa và Cục Quản lý thị trường, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Thanh Hóa đã bắt quả tang một ô tô tải đang vận chuyển 181 thùng xốp chứa 3,2 tấn cá khoai ướp phoóc môn trên đường đi tiêu thụ….Những vụ việc tương tự đã xảy ra ở nhiều địa phương ven biển trên cả nước bởi cá khoai dễ hư hỏng, tan vữa chỉ sau hơn 2 ngày đánh bắt, để bảo quản được lâu, đơn giản nhất, gian thương đã ướp phoóc môn.
Chuyện sử dụng hóa chất tẩm ướp thực phẩm không chỉ có cá, giá đỗ mà còn nhiều loại thực phẩm khác như các loại thịt đến xúc xích, lạp xưởng, cá viên, chả cá có thể bị thêm các chất phụ gia, chất làm đông, tạo độ dai, giòn. Một số thực phẩm sấy khô, nước ngọt, đồ uống có gas,… cũng không ngoại lệ, đã được phát hiện làm từ các chất tạo màu, tạo ngọt nhân tạo.
Giá đỗ thường bị cho các chất kích thích để có tộ trắng và mập mạp. Ảnh minh họa
Nguyên nhân sâu xa của hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn, mất an toàn nhằm vì lợi nhuận. Để gia tăng lợi nhuận lên tối đa, nhiều người sẵn sàng bất chấp hậu quả, sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh việc kiểm tra, giám sát chưa đủ chặt chẽ, có một thực tế là ý thức của người sản xuất, chế biến cũng còn hạn chế.
Thống kê của Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là quốc gia trong top đầu thế giới về căn bệnh ung thư. Mỗi năm, cả nước có khoảng 200.000 ca bệnh, hơn 100.000 ca tử vong. Có rất nhiều nguyên nhân gây ung thư, song 2 nhóm yếu tố có tác động lớn đó là hành vi lối sống và môi trường. Trong đó, thực phẩm qua “con đường” ăn uống gây ra bệnh tật nhiều nhất.
TS Nguyễn Phương Mai, chuyên gia về khoa học não bộ ở Hà Lan cho biết, hiện nay tình trạng dinh dưỡng không hợp lý, quá nhiều nước ngọt có ga, xiên bẩn, đồ ăn nhanh, thực phẩm không lành mạnh… không chỉ ảnh hưởng thể lực mà còn ảnh hưởng trí lực cho sức khỏe con người.
Những hóa chất cực độc cấm sử dụng trong thực phẩm
Clorin: Chất này có khả năng gây kích thích mạnh hệ hô hấp. Ở một nồng độ cao hơn 60ppm thì nó có thể gây ra phá huỷ phổi. Nếu chúng ta hít thở với nồng độ trên 1000ppm hoặc ăn vào với một hàm lượng tương đương thì có thể gây tử vong tại chỗ. Điều này cho thấy, clorin là một chất bảo quản cực độc.
Formaldehyde (foc-môn): Đây là một hợp chất thường dùng để ướp xác, cực độc và có thể gây tử vong. Nếu sử dụng hoá chất này trong xử lý thực phẩm, thực phẩm có thể lưu giữ được thời gian vô cùng lâu. Nhưng tác hại mà nó gây ra thì cũng vô cùng lớn.
Foc-môn là một chất hoá học gây quái thai mạnh dù chỉ với liều nhỏ, gây kích thích mạnh trên các mô bề mặt như da, niêm mạc. Hơi hoặc mùi của chúng dễ dàng làm chảy nước mắt, nước mũi, dịch phế quản. Các tác hại khác có thể gặp đó là kích ứng da, viêm da, giảm tế bào lympho ngoại vi. Một số báo cáo cho thấy nó có thể làm biến đổi DNA.
Đây là chất kịch độc, không được sử dụng cho bất kỳ sản phẩm nào, đồng thời không được sử dụng làm phụ gia thực phẩm. Thời gian trước đây đã phát hiện được một số cơ sở sản xuất bún, bánh phở, măng tươi dùng foc-môn để giúp bảo quản được lâu, đây là điều nghiêm cấm và đã bị xử phạt.
BHT và BHA (Chất chống oxi hóa): BHT (butylated hydroxytoluene) và BHA (Butylated hydroxyanisole) tuy là những hóa chất bảo quản vô cùng độc hại nhưng vẫn được sử dụng khá rộng rãi. Một số nước đã cấm sử dụng hai chất này trong bảo quản thực phẩm do tác dụng của chúng với sức khỏe con người. Tuy nhiên, không ít người đã bất chấp sự nguy hiểm mà vẫn sử dụng chúng trong lưu giữ sản phẩm.
Theo các nhà khoa học, BHT và BHA có thể gây nên chứng tăng động ở trẻ, nguy cơ dị ứng, và có thể làm phát triển khối u hoặc ung thư. BHT và BHA cũng được xem là chất độc với gan và hệ thần kinh. Để chống lại quá trình oxy hóa tự nhiên của thực phẩm, một số chất chống oxy hóa thân thiện và không ảnh hưởng đến sức khỏe con người như anpha-carotene được các chuyên gia khuyến cáo sử dụng.
Sodium Nitrat và Sodium Nitrit: Đây là hai chất thường được sử dụng trong bảo quản thực phẩm. Nitrat và Nitrit có thể ảnh hưởng tới sức khỏe vì gây co mạch, tăng huyết áp, tạo thành Nitrosamin, một loại hóa chất có khả năng gây ung thư.
Sodium Benzoat: Mặc dù Sodium Benzoat được coi là an toàn với con người, tuy nhiên khi kết hợp với axit ascorbic có trong những thực phẩm có tính axit sẽ tạo nên Benzen, một loại hóa chất độc hại. Benzen có độc tính với máu và cơ quan tạo máu, tổ chức thần kinh. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra benzen làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cấp ở người tiếp xúc với hóa chất này ở nồng độ vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Sodium Benzoat cũng được sử dụng để bảo quản nước ép hoa quả đóng chai và đồ uống có ga. Hóa chất này có thể gây nên phản ứng phụ như dị ứng, gây cơn hen, tăng động ở trẻ em, phát ban, huyết áp thấp, tiêu chảy, đau bụng… Những phản ứng không mong muốn này gặp với một tỷ lệ nhỏ trong dân số.
Chất 2,4D (chất diệt cỏ): Tại một số địa phương ở các tỉnh phía Bắc, nhất là vùng giáp biên giới, người ta còn sử dụng cả chất 2,4D (thuốc diệt cỏ) để tẩm ướp củ quả nhằm mục đích bảo quản được lâu, mặc dù bộ NNVPTNT đã cấm dùng chế phẩm này từ 2017. Theo chuyên gia tại Đại học Nông Lâm TPHCM, chất 2,4D nếu sử dụng liều lượng cao sẽ có công dụng diệt cỏ. Sử dụng nồng độ thấp sẽ trở thành chất kích thích cực mạnh làm cho củ quả tăng kích thước nhanh bất thường. Ngoài ra, còn có công dụng làm chậm quá trình lão hóa, tươi lâu cũng như giữ được màu sắc củ quả khá tốt. Nó còn diệt cả côn trùng, vi khuẩn… nên bị giới kinh doanh trái cây lợi dụng.
Lưu huỳnh đioxít (SO2): SO2 được sử dụng để bảo quản hoa quả sấy khô, làm hạn chế xuất hiện những vết màu nâu trên vỏ của rau quả tươi, như táo, khoai tây. Chất này còn giúp cho thực phẩm nhìn bắt mắt hơn khi có tác dụng chống mốc. Tuy nhiên chất SO2 có thể gây ra những phản ứng bất lợi cho sức khỏe con người như dị ứng, gây tăng tần suất hen phế quản ở những người mắc bệnh hen. SO2 cũng làm giảm hàm lượng Vitamin B có trong thực phẩm.
Cacbon monoxit (CO): CO được sử dụng rộng rãi trong bảo quản thực phẩm và rau quả tươi. Thông thường rau quả sẽ được bảo quản lạnh ngay sau khi thu hái để làm chậm quá trình dị hóa. Sau đó, chúng được đóng gói với điều kiện có nồng độ oxy thấp và CO cao hơn không khí để thực phẩm nhìn tươi, mới và hấp dẫn hơn.
Bản thân CO cũng có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi sinh vật, do đó làm tăng thời gian sử dụng của sản phẩm. Thông thường thịt dưới các động của quá trình oxy hóa tự nhiên sẽ biến màu, chuyển từ đỏ tươi sang nâu đỏ, thậm chí xám trong vòng một vài ngày. Dưới tác dụng bảo quản của CO, thực phẩm tươi sống nhìn có màu sắc đỏ tươi và bắt mắt hơn. Tuy nhiên, nồng độ cao của chất CO sẽ gây những phẩn ứng phụ như ảnh hưởng trên hệ thần kinh, nhức đầu, chóng mặt… Điều này là do CO ức chế cạnh tranh với oxy khi gắn với Hemoglobine của hồng cầu, làm cho hồng cầu giảm khả năng vận chuyển oxy. Chất này đã bị cấm ở các quốc gia như Canada, Nhật Bản và các nước thuộc Cộng đồng chung châu Âu.
NaNO3 và NaNO: NaNO3 và NaNO thường được sử dụng để bảo quản thực phẩm. Đây là nhóm tác nhân có thể gây ra ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng bởi nó có thể gây ra đột biến DNA và sự thoái biến tế bào. Bên cạnh đó người ta cũng thấy hợp chất này có nguy cơ gây ra các biến thể bệnh lý khác của DNA như bệnh Alzheimer, Parkinson do nó làm sai lạc hay biến đổi DNA bởi tác dụng của các nitrosamin, các hợp chất sinh ra khi thêm các nitrat vào những thực phẩm giàu protid.
Ngoài ra chúng còn gây ra các biểu hiện của nhiễm độc thực phẩm và thiếu máu do thiếu hemoglobin, giảm hàm lượng phosphat và magie máu, tăng hàm lượng canxi huyết. Ở hệ thống da, niêm mạc, chúng gây tăng tiết và làm tăng kích thích như tăng tiết dịch phế quản. Trên phụ nữ có thai, chúng là tác nhân gây ra quái thai. Do đó mà liều cho phép với chất này là dưới 50mg/l nước.
Để bảo vệ bản thân và gia đình mình, bạn hãy là người tiêu dùng thông thái, tuyệt đối không mua những thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồng thời hãy tự trang bị đầy đủ kiến thức cho mình để tránh mua phải các thực phẩm độc hại.
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/nhuc-nhoi-viec-su-dung-hoa-chat-doc-hai-vuot-qua-tieu-chuan-cho-phep-de-san-xuat-thuc-pham-d226706.html